“Nợ công và trả lãi đang bào mòn ngân sách với tốc độ rất lớn!”
Vết gợn trong báo cáo việc làm tháng 3 của Mỹ
Kinh tế Trung Quốc hồi sinh qua chỉ số PMI
Nhiều lô hàng thủy sản xuất khẩu bị Nhật Bản cảnh báo
68% doanh nghiệp thiếu nhân viên kinh doanh
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 10-05-2016
- Cập nhật : 10/05/2016
Tài sản ngân hàng quốc doanh tiếp tục 'bốc hơi'
Số liệu về tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng đến hết tháng 2 vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố. Theo đó, tổng tài sản của hệ thống tăng 0,74% và đạt 7,37 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, trong khi tất cả các loại hình tín dụng khác đều tăng trưởng về tổng tài sản thì tại khối ngân hàng thương mại Nhà nước lại "bốc hơi" 4.278 tỷ đồng (khoảng 0,13%) so với đầu năm và đến hết tháng 2 còn gần 3,3 triệu tỷ.
Thống kê năm 2015 cũng từng ghi nhận một tháng tổng tài sản của khối quốc doanh giảm là vào cuối tháng 4/2015. Nhưng khi đó, đây là tình hình chung do toàn hệ thống sụt giảm 1,09% và diễn biến này cũng xuất hiện tại các khối khác như ngân hàng cổ phần và liên doanh nước ngoài.
Do đó, việc khối ngân hàng do Nhà nước nắm sở hữu giảm tài sản trong các thống kê gần đây được nhiều chú ý. So với trước đây, hiện số lượng các ngân hàng thương mại Nhà nước đã bổ sung thêm 3 ngân hàng 0 đồng (OceanBank, GPBank và CBank). Sau khi được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng, các đơn vị này được chuyển đổi từ ngân hàng thương mại cổ phần sang Ngân hàng TNHH một thành viên do Nhà nước sở hữu. Vì vậy, có ý kiến cho rằng, việc khối này "gánh" thêm các nhà băng yếu kém cũng khiến các chỉ tiêu tài chính không tăng trưởng như trước.
Về vốn tự có, toàn hệ thống đến hết tháng 2 tăng 0,73% và duy nhất khối ngân hàng cổ phần bị sụt giảm. Vốn điều lệ của các ngân hàng Nhà nước cũng không có sự thay đổi so với đầu năm trong khi tại nhóm cổ phần tăng nhẹ.
Số liệu lần này cũng cho biết, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của các ngân hàng quốc doanh là 33,91% trong khi tại nhóm cổ phần là 35,58%. Theo dự thảo sửa đổi Thông tư 36, các ngân hàng chỉ được phép dùng tối đa 40% vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn.
Apple dính đòn hiểm của công ty Trung Quốc: Đòn ngầm
Liên quan tới thông tin hãng công nghệ của Mỹ vừa bị một tòa án của Trung Quốc xử thua kiện trong việc cạnh tranh sử dụng thương hiệu iPhone, PGS.TS Vũ Trí Dũng (ĐH Kinh tế quốc dân) cho rằng, khái niệm Thương hiệu có nhiều cách định nghĩa khác nhau nhưng về căn bản nó mang mang tính phân biệt hoặc chỉ dẫn đến một nguồn gốc thương mại của hàng hóa/dịch vụ, thể hiện niềm tin của người tiêu dùng đối với một sản phẩm cụ thể và thậm chí trong một số trường hợp nó còn liên hệ tới hình ảnh của một quốc gia.
Giải mã đòn hiểm
Dưới góc độ pháp lý, một thương hiệu có thể được bảo hộ dưới nhiều dạng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ khác nhau, ví dụ như Nhãn hiệu, Tên thương mại, Chỉ dẫn địa lý,… nhưng thực tế vẫn xảy ra những vụ tranh chấp bản quyền, thương hiệu nhất là với những thương hiệu lớn.
Theo vị PGS, có hai nguyên tắc để xác lập quyền sở hữu cho mình nhằm chiếm đoạt thương hiệu của doanh nghiệp khác cụ thể như sau:
Theo nguyên tắc giới hạn quyền độc quyền theo lãnh thổ. Vì đặc trưng của quyền sở hữu công nghiệp (chẳng hạn như quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý,…) là bị giới hạn theo nguyên tắc lãnh thổ, nghĩa là đăng ký ở đâu thì chỉ được hưởng quyền độc quyền ở lãnh thổ đó mà không mặc nhiên phát sinh hiệu lực ở nước khác
Tiếp theo là, nguyên tắc ai nộp đơn đăng ký trước thì được cấp trước. Hầu hết luật nhãn hiệu các nước trên thế giới đều quy định chỉ có đơn đăng ký nhãn hiệu nào được nộp sớm nhất trong số các đơn đăng ký nhãn hiệu đó thì mới được cấp đăng ký bảo hộ.
Trong trường hợp của doanh nghiệp Trung Quốc có tên là Xintong Tiandi, theo lập luận của doanh nghiệp này họ đăng ký thương hiệu iPhone cho sản phẩm của mình tại Trung Quốc từ năm 2007 và trước khi iPhone của hãng công nghệ Mỹ trở nên nổi tiếng tại Trung Quốc thì về mặt pháp lý doanh nghiệp này có quyền được sử dụng thương hiệu iPhone nhưng chỉ trong phạm vi lãnh thổ nước này và chỉ với những sản phẩm được đăng ký.
Tuy nhiên, Apple là thương hiệu có giá trị và nằm trong top những thương hiệu lớn nhất của thế giới có giá trị lên đến vài chục tỷ đô la Mỹ . Vì thế, mất thương hiệu sẽ gây ra những hậu quả đặc biệt tai hại không những đối với chủ sở hữu mà còn thậm chí ảnh hưởng tới cả một quốc gia, mà cụ thể ở đây là Mỹ.
Theo ông Dũng, ảnh hưởng trước hết Apple phải đối diện là nguy cơ mất độc quyền thương hiệu. Các sản phẩm đi theo của Apple cũng có thể bị kiện hoặc bị cấm xuất khẩu vào Trung Quốc do xâm phạm quyền độc quyền của thương hiệu đã đăng ký tại lãnh thổ đó bất kỳ lúc nào.
Thứ hai, chắc chắn doanh thu của Apple sẽ bị sụt giảm nghiêm trọng do Trung Quốc vẫn được đánh giá là thị trường lớn, chiếm tới 1/6 thị trường tiêu thụ thế giới.
Thứ ba, uy tín và danh tiếng gắn liền với thương hiệu có thể bị suy giảm nghiêm trọng khi một mặt người tiêu dùng không phân biệt được nguồn gốc hàng hóa/dịch vụ đang cung cấp bởi cùng một thương hiệu, hoặc mặt khác trong một số trường hợp kẻ chiếm đoạt lợi dụng uy tín của thương hiệu sản xuất và cung ứng ra thị trường hàng hóa kém chất lượng, đánh lừa người tiêu dùng nhằm động cơ trục lợi hoặc hủy hoại danh tiếng của thương hiệu.
". Đây cũng sẽ là thách thức rất lớn với nền công nghệ của Mỹ. Vì trên thực tế, Apple là thương hiệu lớn của Mỹ và đóng góp tới 1% GDP cho Mỹ. Như vậy, đánh vào Apple cũng chính là đánh vào kinh tế Mỹ", vị chuyên gia cho biết.
Dụng ý ngầm
Nhìn nhận ở một góc độ khác, ông Nguyễn Trí Dũng cho rằng, nếu xâu chuỗi nhiều sự kiện liên quan tới thương hiệu của Apple tại thị trường này sẽ thấy có một dụng ý rất rõ ràng từ phía Trung Quốc là "ngầm tẩy chay sản phẩm công nghệ của Mỹ" trên đất nước mình.
Dù không có một chính sách cụ thể hay không có một chiến dịch chính xác là "tẩy chay" nhưng sự thật là Trung Quốc vẫn luôn tìm cách hạn chế sự hiện diện cũng như sự ảnh hưởng của nền công nghệ Mỹ trên đất nước này. Họ luôn tìm cách cố hạn chế tối đa, kể cả trong tư tưởng lẫn cả việc áp dụng cơ chế luật pháp.(BĐV)
Xuất nhập khẩu Trung Quốc nảy sinh thêm dấu hiệu đáng ngại
Ngày 9/5, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc ấn định tỷ giá tham chiếu của đồng nhân dân tệ ở mức 6,5105 nhân dân tệ đổi 1 USD, tương ứng mức tăng giá 0,15% so với phiên trước.
Cơ quan thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) vừa công bố số liệu cho thấy hoạt động xuất khẩu trong tháng Tư giảm gần 2% so với cùng kỳ năm 2015; nhập khẩu giảm gần 11%.
Như vậy, lĩnh vực xuất khẩu của Trung Quốc tính theo đồng USD đã giảm 9 lần trong 10 tháng qua.
Tuy nhiên, nếu tính theo đồng nhân dân tệ thì xuất khẩu lại tăng nhẹ trong tháng Tư, khoảng 4,1%, nhập khẩu giảm 5,7%. Sự mất giá của đồng nhân dân tệ so với đồng USD trong năm qua được cho là nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt này.
Thêm hai mặt hàng Việt bị kiện bán phá giá
Cụ thể, Argentina đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm (tấm) gạch ốp lát nhập khẩu từ một số nước trong đó có Việt Nam. Trước gạch ốp lát, Argentina đã từng điều tra thuế chống bán phá giá mặt hàng nan hoa xe đạp, xe máy, mặt hàng máy lạnh nhập khẩu từ Việt Nam.
Ủy ban Chống bán phá giá Úc (ADC) cũng đã ra quyết định khởi xướng điều tra chống bán phá giá sản phẩm vôi sống (quicklime) nhập khẩu từ Malaysia, Thái Lan và Việt Nam. Nguyên đơn cáo buộc rằng hàng hóa xuất khẩu sang Úc với giá thấp hơn giá trị thông thường và việc bán phá giá đã gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành công nghiệp của Úc.
'Face book' thành tên đồ ăn tại Trung Quốc
Luật bảo vệ sở hữu trí tuệ của Trung Quốc thường bị coi là lỏng lẻo. Apple tháng trước đã thất bại trong cuộc chiến ngăn một doanh nghiệp Trung Quốc sử dụng tên iPhone cho sản phẩm bằng da của hãng này.
Tuy nhiên, các luật sư cho biết việc này đang được cải thiện. Tòa án Bắc Kinh hôm qua phán quyết việc Zhongshan Pearl River Drinks sử dụng tên "face book" với một số loại thực phẩm, đồ uống của hãng là hành vi sao chép công khai và gây hại đến cạnh tranh công bằng. Lẽ ra công ty này không được phép đăng ký thương hiệu trên năm 2014. Một số sản phẩm của họ là sữa, cháo, khoai tây chiên và rau đóng hộp.Chiến thắng của Facebook cũng là tia hy vọng cho mạng xã hội này tại Trung Quốc. Facebook hiện vẫn bị cấm tại đây và hoạt động của họ với các công ty nước này chủ yếu là bán quảng cáo tại nước ngoài.
Liu Hongqun - Giám đốc Marketing của hãng này thì cho biết trên Wall Street Journal rằng từ "face book" dịch sang tiếng Trung là "lian shu" - một loại mặt nạ sử dụng phổ biến trong Kinh kịch. "Lian shu là một từ rất Trung Quốc mà", Liu nói.
"Nếu việc đăng ký này là trái pháp luật, tại sao ngay từ đầu, chúng tôi lại được cho phép? Nếu thương hiệu Facebook nổi tiếng toàn cầu như thế, sao người Trung Quốc không vào được website của họ", ông cho biết.
Trên Reuters, người phát ngôn của Facebook từ chối bình luận về việc này. Một nhân viên tại Pearl River Drinks thì cho biết vụ việc không được nhiều người trong công ty biết đến.
Đồng sáng lập kiêm CEO Facebook - Mark Zuckerberg và nhiều lãnh đạo công ty này vẫn đang nỗ lực thuyết phục giới chức Trung Quốc. Hồi tháng 3, anh còn có cuộc gặp hiếm hoi với lãnh đạo cấp cao về tuyên truyền tại Trung Quốc - Liu Yunshan. Đây được coi là tín hiệu cho thấy quan hệ giữa Facebook và Chính phủ Trung Quốc đang ấm lên.
Zuckerberg còn thường xuyên công khai các hoạt động tại Trung Quốc, như đăng ảnh chụp anh chạy bộ tại quảng trường Thiên An Môn, hay phát biểu bằng tiếng Trung. Trước khi đưa vụ việc ra tòa, Facebook từng nộp đơn phản đối lên Cơ quan giải quyết tranh chấp nhãn hiệu của Trung Quốc nhưng đều bất thành.