Việt Nam mất lợi thế khi Trung Quốc đầu tư vào cảng biển Campuchia?
Lưc lượng Hải quan phát hiện, xử lý 5.485 vụ vi phạm
Vì sao truy thu thuế mặt hàng điều hòa âm trần?
Không đạt thành tích xuất khẩu DN không bị "truất" giấy phép?
Chính phủ khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời
Tin kinh tế đọc nhanh 11-05-2016
- Cập nhật : 11/05/2016
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo: Có tên trong hồ sơ Panama là bình thường
Theo Chủ tịch HĐQT CTCP Sovico Nguyễn Thị Phương Thảo, do quá trình đầu tư mua công ty ở nước ngoài nên tên bà xuất hiện trong danh sách này.
Trao đổi với Tuổi Trẻ về việc có tên trong danh sách người Việt Nam tại hồ sơ Panama, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sovico cho biết:
"Năm 2005, công ty của chúng tôi có chủ trương đầu tư về Việt Nam. Sovico Corporation PTE Ltd đã thắng thầu quốc tế để mua lại toàn bộ phần vốn góp từ các công ty thuộc tập đoàn Lai Sun (Hong Kong) để trở thành nhà đầu tư nước ngoài thay thế các công ty thuộc tập đoàn Lai Sun là Furama và Best City Finance, chiếm 75% vốn tại Công ty liên doanh Khu du lịch Bắc Mỹ An (Furama Resort)".
"Đây là các thủ tục thông qua đấu thầu quốc tế, kế thừa pháp nhân ở nước ngoài, công khai, minh bạch, phù hợp với luật pháp nước sở tại”.
Theo bà Phương Thảo, công ty Furama đã có từ năm 1992, do Lai Sun (Hong Kong) thành lập. Việc các tập đoàn thành lập các công ty ở nước ngoài để đầu tư là hình thức phổ biến trên thế giới.
“Việc chúng tôi mua lại các công ty này vào năm 2005 cũng là bình thường. Chúng tôi là các nhà đầu tư mới thay thế cho các nhà đầu tư trước đó".
"Do công ty Furama vốn đã nằm trong danh sách công ty do Mossad tư vấn nên khi chúng tôi mua lại thì xuất hiện tên Sovico Pte Ltd trong danh sách cũng là bình thường, cũng như các cá nhân là lãnh đạo của công ty chúng tôi như là tôi và ông Nguyễn Thanh Hùng thì cũng xuất hiện theo”.
Như Tuổi Trẻ đã thông tin, theo hồ sơ Panama vừa được Hiệp hội Các nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) công bố, trong danh sách dữ liệu có thể tìm kiếm được 189 cá nhân và tổ chức có liên quan đến Việt Nam. (TT)
Công ty quản lý sân bay Thổ Nhĩ Kỳ để mắt tới Việt Nam
Một cổ đông chiến lược của TAV chính là ADP của Pháp, công ty vừa thâu tóm 7,4% cổ phần của ACV
Mới đây, CEO Sani Sener của Công ty quản lý sân bay Thổ Nhĩ Kỹ (TAV Airports Holding) vừa trả lời phỏng vấn với Reuters. Theo đó, TAV đang lên kế hoạch tham gia đấu thầu các dự án tại Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Ấn Độ trong vòng 1-2 năm tới.
Được biết, một cổ đông chiến lược của TAV chính là ADP của Pháp (nắm 38% cổ phần TAV). Công ty này vừa đồng ý sẽ bỏ ra 2.200 tỷ đồng hồi tháng 3 vừa qua để mua lại 7,4% cổ phần của ACV (Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam), sau khi tuyên bố kế hoạch lâu dài là muốn thâu tóm 20% cổ phần của ACV. Trước đó vào năm ngoái, ADP từng tuyên bố sẽ cùng với ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sĩ) giúp cho Bộ GTVT và ACV huy động 2,5-3 tỷ USD cho dự án sân bay Long Thành.
Hiện nay, TAV đang quản lý các sân bay lớn tại Thổ Nhĩ Kỳ, Gruzia, Tunisia và Macedonia, Ả Rập Xêút và Croatia. Số hành khách sử dụng các sân bay của TAV trong năm qua là 102,5 triệu người, và tổng doanh thu của hãng là gần 1,1 tỷ euro. Thương vụ đáng chú ý gần đây nhất của TAV là giành được quyền kinh doanh hàng miễn thuế tại sân bay George Bush ở bang Texas (Mỹ) hồi tháng 10 năm ngoái.
Ông Nguyễn Duy Hưng giải thích việc có tên trong danh sách Panama
Ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc SSI khẳng định việc này là bình thường, không liên quan đến việc rửa tiền hay trốn thuế.
Trao đổi với Tuổi Trẻ liên quan đến việc có tên trong danh sách 189 cá nhân Việt Nam trong hồ sơ Panama, ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (mã SSI) khẳng định không liên quan đến việc rửa tiền hay trốn thuế.
Theo ông Hưng, việc mở tài khoản tại nước ngoài liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài đã được cấp phép.
Trong thông cáo phát hành buổi sáng cùng ngày liên quan đến việc Nguyễn Duy Hưng - cổ đông của Công ty NDH (số 1C Ngô Quyền, phường Lý Thái Tổ, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội), công ty SSI cho biết SSI và Công ty TNHH Nguyễn Duy Hưng là 2 thành viên góp vốn của Quỹ Đầu tư thành viên SSI do Công ty TNHH quản lý quỹ SSI (SSIAM) quản lý.
SSIAM và Quỹ đầu tư thành viên SSI được Bộ KH&ĐT cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài (số 249/BKH-ĐTRNN-DDC1 ngày 31/08/2010 ) để thực hiện các hoạt động đầu tư ra nước ngoài.
Sau khi được cấp phép, SSIAM đã thực hiện các hoạt động đầu tư ra nước ngoài hoàn toàn tuân thủ các quy định của pháp luật VN, luật pháp quốc tế và luật pháp của nước nơi SSIAM thực hiện các hoạt động đầu tư và không có bất kỳ hoạt động nào liên quan đến các hành vi trốn thuế, rửa tiền hay bất kỳ hành vi vi phạm pháp luật nào khác.
Trong thông cáo báo chí được phát hành sáng 10-5, SSIAM khẳng định đã thực hiện đầy đủ các các nghĩa vụ tài chính tài chính đối với Nhà nước VN, cũng như tại nước sở tại nơi SSIAM thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài.
Cũng trong thông cáo báo chí, SSI cho biết chưa có bất kỳ quốc gia nào cấm việc mở công ty ở nước ngoài để quản lý tài sản. Rất nhiều quỹ đầu tư, cả ở VN và thế giới sử dụng các công ty ở nước ngoài làm pháp nhân cho thực hiện các hoạt động kinh doanh của mình.
“Chúng tôi một lần nữa khẳng định việc một công ty đầu tư ra nước ngoài khi đã được Cơ quan quản lý cấp phép là hoàn toàn bình thường, minh bạch và tuân theo quy định của pháp luật.
Việc xuất hiện trong danh sách hồ sơ Panama không đồng nghĩa với việc công ty và các đại diện pháp lý đã có hành vi liên quan đến trốn thuế hay rửa tiền”, thông cáo khẳng định.(TT)
Phó TGĐ Samsung: 'Việt Nam đã thành bản doanh sản xuất smartphone số 1 thế giới'
Việt Nam từ nước vô danh trên bản đồ điện thoại thông minh, giờ thành đại bản doanh sản xuất lượng điện thoại lớn nhất toàn cầu.
Đó là nhận định của ông Hyun Woo Bang, Phó tổng giám đốc Samsung Việt Nam.
Trong buổi làm việc mới đây của Samsung với Bộ Thông tin truyền thông, một lãnh đạo Samsung đã tiết lộ cứ 100 nhân viên của Samsung thì có tới 80 người Việt. Hiện tập đoàn này đang sử dụng khoảng 130.000 lao động của Việt Nam. Để làm rõ vai trò của Việt Nam trong chiến lược đầu tư của Tập đoàn Samsung, VnExpress đã có cuộc trao đổi với ông Hyun Woo Bang, Phó tổng giám đốc Công ty Điện tử Samsung Việt Nam.
- Lao động giá rẻ có phải là yếu tố chính thu hút Samsung đầu tư lớn vào Việt Nam không, thưa ông?
- Năm 1995, Samsung bắt đầu đầu tư vào Việt Nam, đến nay đã là 21 năm. Từ năm 2008, chúng tôi chính thức đầu tư nhà máy sản xuất điện thoại di động. Hiện tại, Samsung có khoảng 130.000 lao động người Việt. Đã từng có rất nhiều người hỏi tôi rằng có phải Samsung đầu tư lớn vào Việt Nam vì lao động giá rẻ? Lúc đó tôi trả lời rằng lao động không phải yếu tố quan trọng nhất. Về nguồn lao động, Việt Nam không phải là quốc gia dồi dào nhất trong so sánh với Ấn Độ. Về chi phí lao động, nhiều nước khác trong khu vực cũng có nhân công rẻ hơn Việt Nam nhiều. Chất lượng lao động của Việt Nam cũng không phải là tốt nhất trong so sánh với các nước xung quanh.
Chúng tôi đầu tư vào Việt Nam là quyết định chiến lược của cả tập đoàn dựa trên những phát triển kinh tế, chính sách thuế, yếu tố chính trị ổn định, nguồn lao động, khả năng nhập khẩu nguyên liệu…
- Lãnh đạo Samsung đã từng tuyên bố sẽ biến Việt Nam trở thành đại bản doanh sản xuất điện thoại thông minh số một thế giới. Hiện Samsung đã đầu tư bao nhiêu vào Việt Nam?
Ngoài ra, mới đây Samsung còn đầu tư hơn 3 tỷ USD vào Samsung Display (Bắc Ninh); 300 triệu USD vào Trung tâm R&D chuyên nghiên cứu sáng tạo các sản phẩm mới của tập đoàn.
Năm 2015, chúng tôi xuất khẩu khoảng 32,5 tỷ USD, và hai nhà máy ở Bắc Ninh đã cung cấp 200 triệu điện thoại di động ra toàn cầu. Năm nay nhà máy ở TP HCM và Samsung Display sẽ tiếp tục đi vào hoạt động, sản lượng cung cấp ra toàn cầu rất lớn.
Việt Nam đã trở thành đại bản doanh sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất trên bản đồ thế giới. Samsung có 9 nhà máy và đầu tư vào nhiều nước, song Việt Nam là lớn nhất.
- Theo thống kê, Samsung chiếm tới hơn 20% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2015. Việc một doanh nghiệp FDI đóng vai trò quá lớn trong một nền kinh tế có là gánh nặng cho Samsung không, và liệu bất cứ một rủi ro gì đó của Samsung có thể gây ảnh hưởng cho cả nền kinh tế?
- Đây là con số đưa ra bởi các đơn vị thuế quan của Việt Nam. Thực chất có nhiều cách nhìn nhận khác nhau về vấn đề này. Trước đây, các nước thường phân loại doanh nghiệp theo hình thức sở hữu trong nước và nước ngoài. Xu thế hội nhập, toàn cầu hoá nên tôi nghĩ cần phải thay đổi, bên nào sở hữu cũng được, quan trọng họ có sử dụng lao động, nguyên liệu của Việt Nam không? Có đóng góp lớn cho nền kinh tế không? Đó mới là vấn đề đáng bàn.
Việt Nam sắp gia nhập AEC, TPP, và đã ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam Hàn Quốc, giờ đây đất nước các bạn đã thoát khỏi nền kinh tế bị cô lập trước đây.
Tất nhiên, khi một doanh nghiệp chiếm tỷ trọng quá lớn trong kim ngạch xuất nhập khẩu của một nền kinh tế sẽ có nhiều điểm rủi ro nếu doanh nghiệp rơi vào suy thoái hay có một quyết định bất ngờ. Trong tương lai, tôi mong sẽ có nhiều doanh nghiệp Việt và nhiều doanh nghiệp nước ngoài lớn mạnh, cùng góp chung vào sự vững chắc của nền kinh tế Việt Nam chứ không chỉ riêng Samsung. Về phía người dân, tôi mong rằng các bạn không phân biệt các doanh nghiệp FDI, đừng ngồi đó lo lắng chúng tôi sẽ dời đi bất cứ lúc nào mà hãy cố gắng tạo điều kiện tốt nhất để chúng tôi ở lại và đóng góp cho Việt Nam.
- Ông có thể thông tin về hoạt động nhập khẩu, và có bao nhiêu doanh nghiệp Việt đã tham gia được vào chuỗi cung ứng của Samsung hiện nay?
- Nếu chúng tôi là công ty về rau quả, có lẽ đã nhập khẩu 100% nguyên liệu từ Việt Nam rồi. Tuy nhiên, vì là công ty điện tử nên các loại màn hình, bộ nhớ, bán dẫn buộc phải nhập khẩu. Năm 2015, hai nhà máy tại Bắc Ninh và Thái Nguyên có kim ngạch nhập khẩu bán dẫn và màn hình khoảng 16 tỷ USD. Tỷ lệ nhập khẩu là 50% và nguồn trong nước là 50%. Tuy nhiên, nguồn nhập khẩu trong nước cũng chủ yếu là các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam. Samsung đang có 250 nhà cung cấp cấp 1 và cấp 2, trong đó có 7 doanh nghiệp Việt đã tham gia vào hệ thống doanh nghiệp vệ tinh.
Chúng tôi cũng đang tích cực phối hợp với Bộ Công Thương để phát hiện, bồi dưỡng các doanh nghiệp Việt hoạt động trong lĩnh vực phụ trợ có thể tham gia vào chuỗi cung ứng nếu như đạt điều kiện. Dự kiến năm nay sẽ có nhiều doanh nghiệp Việt tham gia vào hơn.
- Ông cảm nhận như thế nào về môi trường kinh doanh của Việt Nam? Việc phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường được Samsung thực hiện ra sao?
- Tôi đã đi nhiều quốc gia trên thế giới, môi trường kinh doanh của Việt Nam hiện rất ổn định. Có lẽ vì đầu tư lớn nên chúng tôi luôn nhận được sự giúp đỡ của Chính phủ, các địa phương. Chúng tôi rất biết ơn, nhưng vẫn có một vài thủ tục hành chính, khâu phê duyệt, thẩm dịnh dự án còn phiền hà, mất thời gian. Hiện đang có sự dịch chuyển dòng vốn và của các tập đoàn xuyên quốc gia từ nước này sang nước khác. Việt Nam cần dựa trên bối cảnh mới để đưa ra chiến lược thu hút cho phù hợp.
Về môi trường, nếu các bạn có dịp đến nhà máy của chúng tôi sẽ thấy vô cùng sạch sẽ. Nước thải được xử lý chuyên nghiệp, sau đó mới thải ra bên ngoài. Chúng tôi luôn ý thức bảo vệ môi trường xung quanh vì sự phát triển lâu dài của các dự án Samsung ở Việt Nam. Hơn nữa, đồ ăn, thức uống của tất cả các nhà máy đều được mua từ vùng xung quanh nên không dại gì chúng tôi làm ô nhiễm môi trường để đầu độc chính mình.
Tuy nhiên, vì Samsung tuyển dụng lượng lớn lao động mà công nhân chủ yếu đi xe máy nên có thể gây ra ô nhiễm tiếng ồn và khói bụi… Chúng tôi rất xin lỗi vì điều này.(VNEX)
Nên làm rõ vụ 189 cá nhân người Việt liên quan “Tài liệu Panama”
Theo tài liệu Panama vừa được công bố, khi tìm kiếm theo từ khoá “Việt Nam” trong kho dữ liệu sẽ thấy tên của 189 cá nhân, tổ chức.
Hơn 200.000 tài khoản nước ngoài liên quan tới vụ “Tài liệu Panama” đã xuất hiện trên mạng đêm qua 9-5 (theo giờ Việt Nam).
Theo tài liệu này, khi tìm kiếm theo từ khoá “Việt Nam” trong kho dữ liệu sẽ có 189 tên cá nhân, 185 địa chỉ…
Việc có tên trong “Tài liệu Panama” không có nghĩa là cá nhân hoặc tổ chức nào đó đã vi phạm pháp luật hoặc có hành vi sai trái. Tuy nhiên đây có thể coi là một kênh thông tin để các bên liên quan tìm hiểu làm rõ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ sáng 10-5, một đại biểu Quốc hội nói các cơ quan chức năng của Việt Nam cần nghiên cứu tìm hiểu dữ liệu nêu trên để vào cuộc ngay. Tất nhiên đây chỉ là thông tin tham khảo đòi hỏi phải xác thực, phối kiểm qua nhiều kênh khác nhau.
Ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho biết căn cứ vào diễn biến thông tin, cơ quan chức năng sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền xin chỉ đạo cụ thể.
“Chúng tôi sẽ cập nhật và báo cáo. Nếu có chỉ đạo thì khi làm sẽ có sự hợp tác quốc tế, chúng ta có đủ năng lực để làm căn cứ vào quy định pháp luật” - ông Đạt nói.