tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 03-01-2016

  • Cập nhật : 03/01/2016

Biến động nhân dân tệ năm 2016 không đáng lo

bien dong nhan dan te nam 2016 khong dang lo

Biến động nhân dân tệ năm 2016 không đáng lo


Theo trang Channel NewsAsia, biến động của nhân dân tệ (CNY) đã gây sốc cho thị trường tài chính toàn cầu trong năm qua, song các nhà phân tích gần đây cho hay trong năm 2016, phản ứng của thị trường trước diễn biến của nhân dân tệ có thể sẽ không còn quá mạnh.
Hôm 11.8.2015, thị trường toàn cầu lần đầu tiên rơi vào trạng thái lộn xộn khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) bất ngờ phá giá CNY gần 2%, làm dấy lên lo ngại rằng Đại lục có khả năng tham gia vào cuộc cạnh tranh phá giá nội tệ giữa lúc diễn biến kinh tế giảm sút.
Tháng 12.2015, Bắc Kinh công bố một chỉ số tỷ giá mới, qua đó giá trị nhân dân tệ sẽ bớt phụ thuộc vào USD để được định giá thông qua giỏ tiền tệ gồm 13 đồng tiền quốc tế. Quyết định này đến sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chấp thuận đưa CNY vào giỏ tiền quyền rút vốn đặc biệt (SDR). PBOC cũng liên tục thiết lập tỷ giá tham chiếu hằng ngày như một tỷ giá hướng dẫn chính thức, khiến giá trị nhân dân tệ ở mức thấp trong nhiều năm và có khả năng sẽ còn xuống thấp hơn nữa.
Dù đã chứng kiến năm 2015 nhiều “sóng gió”, nhà kinh tế Vishnu Varathan, tại ngân hàng Mizuho cho hay bất kỳ lo ngại nào đặt ra về việc CNY giảm giá sẽ kích thích biến động thị trường đều sẽ là “quá sớm hoặc sai lầm”. Chuyên gia tại Singapore nói thêm rằng thị trường đã phản ứng mạnh trong năm 2015 vì họ “hiểu sai” động thái của PBOC.
“PBOC đã cố gắng làm chao đảo tâm lý tin rằng CNY sẽ luôn ổn định so với USD dù bất cứ chuyện gì xảy ra. Tính đến nay, động thái của Trung Quốc củng cố ý tưởng cho rằng nhân dân tệ sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào thị trường và rất phù hợp với ý định đưa đồng tiền này vào giỏ SDR”, ông Varathan cho biết.
Giới phân tích cũng lưu ý rằng trong thời gian tới, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc có thể sẽ tìm cách tránh các hỗn loạn từng xảy ra vào hồi đầu tháng 8 năm ngoái, chọn cách tiếp cận ổn định hơn cho việc phá giá nội tệ.
“Tôi nghi ngờ về chuyện PBOC sẽ làm điều gì đó mạnh mẽ trong năm 2016. Họ đã khá bối rối vì những phản ứng trước đợt phá giá hồi tháng 8 và tôi nghĩ rằng họ sẽ rất cẩn trọng với các động thái trong tương lai”, nhà kinh tế Tony Nash tại hãng Complete Intelligence ở Singapore nói.
Vasu Menon, Phó chủ tịch quản lý tài sản tại OCBC ở Singapore cho hay nếu giá trị CNY giảm từ tốn, tác động sẽ là tối thiểu vì thị trường có thời gian để phản ứng. “Tốc độ giảm giá nhân dân tệ sẽ ảnh hưởng đến sự biến động của thị trường toàn cầu. Nếu Trung Quốc gây bất ngờ cho thị trường và phá giá nội tệ một lần nữa, với mức độ lớn hơn so với khi họ đã từng làm hồi tháng 8, thì sẽ gây sợ hãi cho các nhà đầu tư và phản ứng mạnh từ các thị trường mới nổi và tiền tệ những nước này. Đây là điều sẽ lần lượt tác động đến các thị trường khác trên toàn cầu”, ông Menon nhận định.
Dù vậy, rủi ro vẫn còn đó và yếu tố quan trọng có thể gây ảnh hưởng đến nhân dân tệ trong năm 2016 là chu kỳ tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Theo chuyên gia phân tích thị trường Angus Nicholson của hãng IG tại Úc, biến động mạnh của CNY năm qua xảy ra ở các thời điểm mà Fed được cho là sẽ tăng lãi suất lần đầu sau một thập kỷ. “Nhìn vào nhân dân tệ trong năm 2016, chúng ta còn phải quan sát dự định tăng lãi suất ở Mỹ. Các thị trường đang tin rằng có hơn 50% cơ hội cho chuyện Fed nâng lãi suất vào tháng 3 hoặc tháng 4 và giới đầu tư nên cẩn trọng hơn ở các thời điểm trên”, Nicholson nói. CNY đã mất 6% giá trị trong năm 2015.
Nếu CNY được giảm giá trị mạnh hơn dự báo, các nhà xuất khẩu lớn khác ở châu Á có thể sẽ tiến hành các đợt phá giá nội tệ tương tự để duy trì sức cạnh tranh với hàng xuất khẩu từ Đại lục. Rupiah Indonesia, ringgit Malaysia hay đô la Úc là các đồng tiền có khả năng hạ giá trị cao nhất. Song đến hiện tại, ít nhất, một cuộc chiến tranh tiền tệ chính thức dường như khó xảy ra.

PV Gas đạt mốc kỷ lục tiêu thụ khí năm 2015

Tổng công ty khí Việt Nam (PV GAS) cho biết đã hoàn thành hầu hết các nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch năm 2015, cũng như giai đoạn 2011 - 2015. 
Cụ thể, PV GAS đã cung cấp khí để sản xuất 35% sản lượng điện, 70% đạm, 70% thị phần LPG cả nước. Quy mô của PV GAS ngày càng lớn mạnh với tổng tài sản 54.878 tỉ đồng, gấp 1,4 lần năm 2010. 
PV GAS trở thành doanh nghiệp ngành khí lớn thứ 3 khu vực Đông Nam Á theo bình chọn của tạp chí Nikkei Asian Review. Liên tiếp 2 năm 2014 và 2015, PV GAS đều thuộc danh sách 2.000 công ty đại chúng lớn nhất thế giới.
Đặc biệt trong năm 2015, sản lượng khí tiêu thụ đạt mốc 10,4 tỉ m3, là mốc cao nhất kể từ khi thành lập. Nếu tính cả giai đoạn 2011 - 2015, PV GAS đã cung cấp ra thị trường gần 47,2 tỉ m3 khí, trên 290.000 tấn condensate và gần 6,9 triệu tấn LPG, đáp ứng 70% thị phần LPG toàn quốc.

Doanh thu phí bảo hiểm tăng cao nhất kể từ năm 2011

2015 là năm bảo hiểm nhân thọ có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua, và bảo hiểm phi nhân thọ dần hồi phục trở lại.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 2015 ước đạt 68.000 tỉ đồng, tăng 21,43% so cùng kỳ năm 2014, là mức tăng cao nhất trong 5 năm gần nhất.
Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 31.374 tỉ đồng, tăng 14%; doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 36.650 tỉ đồng, tăng 29,5%. Tổng số tiền thực bồi thường và trả tiền bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt hơn 21.000 tỉ đồng.
Hiện Bộ Tài chính đang nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số chính sách phát triển sản phẩm bảo hiểm như bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm thiên tai, bảo hiểm tài sản công, bảo hiểm năng lượng nguyên tử, bảo hiểm vi mô...

Xây dựng đường song hành cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây

Việc đầu tư này góp phần kết nối hạ tầng kỹ thuật, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng Khu dân cư Nam Rạch Chiếc, sớm hoàn thành phục vụ cho nhu cầu tái định cư Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Sở GTVT TP.HCM vừa trình báo cáo UBND TP kiến nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận TP được áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư thực hiện theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) đối với tuyến đường song hành cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (đoạn từ đường Mai Chí Thọ qua khu dân cư Nam Rạch Chiếc đến đường Vành đai 2, Q.2).
Theo Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Bùi Xuân Cường, hiện việc kết nối giao thông của các dự án, trong đó có dự án Khu dân cư Nam Rạch Chiếc 90,26 ha còn gặp nhiều khó khăn, chưa có tuyến đường kết nối đồng bộ tại nút giao An Phú có mật độ giao thông rất lớn tại khu vực này.
Việc đầu tư tuyến đường song hành nói trên góp phần kết nối hạ tầng kỹ thuật, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng Khu dân cư Nam Rạch Chiếc, sớm hoàn thành phục vụ cho nhu cầu tái định cư Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2) và phục vụ cho việc lưu thông thuận lợi của cộng đồng dân cư khoảng 40.000 người tại đây.

Hà Nội: 2 hầm chui lớn nhất sắp thông xe

Nhằm cải thiện giao thông tại cửa ngõ phía tây của thủ đô và giải thoát tình trạng giao thông luôn đông đúc tại nút giao 3 và 4 tầng, đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ để có thể kịp thông xe trong những ngày đầu năm 2016.

Hầm chui Thanh Xuân, dài 980 m, được khởi công từ tháng 6/2014 tại ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Hầm có tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng, sử dụng vốn ODA Nhật Bản.

Hầm chui Trung Hòa được khởi công vào đầu năm 2015, với chiều dài gần 700 m, theo hướng Đại lộ Thăng Long - Trần Duy Hưng và ngược lại với tổng mức đầu tư khoảng 700 tỷ đồng. Một phía của hầm bắt đầu từ ngã 4 Trần Duy Hưng - Hoàng Minh Giám.

Khi đưa vào sử dụng, nút giao này sẽ là nút giao 3 tầng hiện đại của thủ đô. Giúp cho các phương tiện từ nội đô ra đại lộ Thăng Long và ngược lại được thuận lợi, hẹn chế các luồng phương tiện đi qua giao cắt dưới gầm đường vành đai 3 tại ngã 4 Khuất Duy Tiến - Phạm Hùng.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục