Bị truyền thông Trung Quốc "dằn mặt", Apple trở thành nạn nhân của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung?; Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa xem xét Luật Đặc khu; Tổng kiểm tra các cửa hàng tương tự Mumuso
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 03-08-2018
- Cập nhật : 03/08/2018
Thêm 4,69 tỷ USD vốn FDI rót vào Tp. Hồ Chí Minh
Các dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có 553 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 508,25 triệu USD, tăng 26% số dự án cấp mới và bằng 68% vốn đầu tư so với cùng kỳ.
Trong 7 tháng của năm, tính chung vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các doanh nghiệp trong nước, Tp. Hồ Chí Minh thu hút thêm 4,69 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tăng 70,5% so với cùng kỳ 2017.
Theo Sở Kế hoạch và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh, các dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có 553 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 508,25 triệu USD (tăng 26% số dự án cấp mới và bằng 68% vốn đầu tư so với cùng kỳ). Trong đó, Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Khu Công nghiệp Thành phố cấp 12 dự án. Ban Quản lý Khu Công nghệ cao cấp 3 dự án; Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp 468 dự án.
Ngoài ra, trong 7 tháng, trên địa bàn thành phố có 148 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư là 453,38 triệu USD, tăng 27,6% số dự án điều chỉnh và tăng 13,3% vốn đầu tư so với cùng kỳ. Thành phố cũng chấp thuận cho 1.628 trường hợp Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục để được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, với vốn góp đăng ký tương đương 3,73 tỷ USD. So với cùng kỳ, tăng 31,4% về số trường hợp và tăng gấp 2,3 lần về vốn đầu tư.
Theo Sở Kế hoạch và đầu tư thành phố, Hàn Quốc là quốc gia có vốn đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất vào thành phố với 30%, tiếp theo là Singapore chiếm 22%, NaUy chiếm 13,8%, Nhật Bản chiếm 10,4%... Phân theo ngành nghề, lĩnh vực: hoạt động kinh doanh bất động sản có vốn đầu tư nhiều nhất (47,6%). Tiếp theo, là hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ chiếm 19,5%; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác chiếm 8,1%. Công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 7,7%; dịch vụ lưu trú và ăn uống chiếm 4,2%.
Về phát triển doanh nghiệp trong nước, trong 7 tháng, thành phố có 24.303 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 315 nghìn tỷ đồng (tăng 5,8% số lượng doanh nghiệp và tăng 6% vốn đăng ký so cùng kỳ). Có 36.776 lượt doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, trong đó vốn điều chỉnh bổ sung tăng 251.898 tỷ đồng.(TTXVN)
-----------------------
Trung Quốc và Singapore đề cao tự do thương mại
Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Singapore để gửi đi những thông điệp rõ ràng về tôn trọng chủ nghĩa đa phương cũng như phản đối chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ thương mại.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: Kyodo/ TTXVN
Tuyên bố này được Ủy viên Quốc vụ kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đưa ra ngày 1/8 trong cuộc gặp người đồng cấp Singapore, Vivian Balakrishnan, tại quốc gia Đông Nam Á này.
Ngoại trưởng Vương Nghị đã đánh giá tích cực vai trò của Singapore trong việc thúc đẩy các mối quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với tư cách là quốc gia điều phối quan hệ Trung Quốc-ASEAN trong ba năm qua, đồng thời khẳng định Trung Quốc luôn ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong quá trình hợp tác khu vực giữa Đông Á và ASEAN.
Ông nhấn mạnh: “Trong bối cảnh những yếu tố dễ biến đổi và bất ổn ngày càng gia tăng trên thế giới, chúng ta cần có những nỗ lực chung để đảm bảo hòa bình và ổn định của khu vực Đông Á cũng như duy trì động lực tiến lên phía trước".
Về phần mình, Ngoại trưởng Vivian nhất trí rằng hai nước nên kiên trì đấu tranh chống chủ nghĩa đơn phương và bảo hộ thương
mại đang trỗi dậy, đồng thời duy trì chủ nghĩa đa phương cũng như thương mại tự do và hội nhập kinh tế khu vực. Ông cũng đánh giá cao việc Trung Quốc ủng hộ vai trò của Singapore với tư cách là quốc gia điều phối viên quan hệ ASEAN - Trung Quốc và đưa ra những nhận xét tích cực đối với sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ ASEAN - Trung Quốc.
Cuộc gặp giữa hai Ngoại trưởng này diễn ra trước thềm Hội nghị Ngoại trưởng Trung Quốc – ASEAN và Hội nghị ngoại trưởng các nước tham gia Cấp cao Đông Á (EAS), dự kiến diễn ra tại Singapore trong những ngày tới. (Bnews)
---------------------
Mỹ chuẩn bị các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ
Mỹ đã chuẩn bị một danh sách các cá nhân và thực thể sẽ trở thành mục tiêu, nếu như Washington quyết định trừng phạt chính quyền Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.
linh mục người Mỹ Andrew Brunson. Ảnh: AFP/TTXVN
Hãng tin Bloomberg dẫn hai nguồn thạo tin giấu tên cho biết, Mỹ đã chuẩn bị một danh sách các cá nhân và thực thể sẽ trở thành mục tiêu, nếu như Washington quyết định trừng phạt chính quyền Tổng thống Recep Tayyip Erdogan vì đã bắt giữ các công dân và nhân viên ngoại giao Mỹ.
Mặc dù hai bên vẫn đang đàm phán về vấn đề phóng thích linh mục người Mỹ Andrew Brunson, nhưng sự chuẩn bị trên cho thấy Washington đang sẵn sàng đưa ra những biện pháp trừng phạt chưa từng có nhằm vào Ankara.
Theo hai nguồn tin trên, các lệnh trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ sẽ dựa trên những gì Washington áp đặt lên Chính phủ Nga và những người thân cận với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Hiện Bộ Tài chính Mỹ vẫn chưa đưa ra bình luận gì về thông tin này.
Về phiên tòa xét xử linh mục Brunson, hôm 31/7, người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Ibrahim Kalin tuyên bố nước này sẽ không chấp nhận bất kỳ lời đe dọa nào liên quan tới phiên tòa này và sẽ đáp trả mọi lệnh trừng phạt của Washington.
Ông Kalin cũng cho biết Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn hai nước giải quyết những bất đồng thông qua con đường ngoại giao, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng ngoại trưởng hai nước sẽ gặp nhau trong tuần này.
Trước đó, trong phiên tòa diễn ra cùng ngày, luật sư của linh mục Brunson cho biết tòa án ở Thổ Nhĩ Kỳ đã bác bỏ yêu cầu hủy bỏ chế độ quản thúc tại gia đối với ông Brunson.
Phiên tòa tiếp theo đối với linh mục Brunson chưa được ấn định cho đến ngày 12/10 tới, tuy nhiên luật sư Ismail Cem Halavurt tuyên bố ông sẽ tiếp tục thúc đẩy việc phóng thích ông Brunson.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tuần trước cảnh báo sẽ áp đặt "các biện pháp trừng phạt lớn" đối với Thổ Nhĩ Kỳ nếu nước này không thả linh mục Brunson. Tuy nhiên, Nhà Trắng không cho biết các biện pháp trừng phạt đó là gì.
Linh mục Andrew Brunson, người đã làm việc tại Thổ Nhĩ Kỳ trong hơn 20 năm, bị bắt giữ hồi tháng 10/2016 tại một nhà thờ ở thị trấn Aliaga, thành phố Izmir, miền Tây Thổ Nhĩ Kỳ và bị đưa ra xét xử sau hơn 1 năm rưỡi bị giam giữ.
Các công tố viên Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc linh mục Brunson giúp đỡ tổ chức của giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen, nhân vật mà chính quyền Ankara cáo buộc đứng sau vụ đảo chính quân sự bất thành năm 2016 và hiện sống lưu vong ở Mỹ.
Tuy nhiên, ông Brunson phủ nhận mọi cáo buộc. Ngày 25/7 vừa qua, một tòa án ở Thổ Nhĩ Kỳ cho phép linh mục Brunson được chuyển sang chế độ quản thúc tại gia. Nếu bị kết tội, linh mục Brunson có thể bị kết án 35 năm tù giam (TTXVN)
-------------------------
Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam được đánh giá ở mức cao
Theo báo cáo mới nhất của Liên hợp quốc về Chỉ số Chính phủ điện tử 2018, Việt Nam đã tăng 1 hạng lên vị trí 88 so với lần xếp hạng trước vào năm 2016.
Việt Nam được Liên hợp quốc xếp vào nhóm có chỉ số Dịch vụ công trực tuyến OSI (Online Services Index) và Chỉ số tham gia điện tử (E-Participation Index) ở mức cao (tăng từ 0,5 đến 0,75 điểm). Như vậy, sau 2 năm, Việt Nam đã cải thiện được cả 3 chỉ số thành phần; tăng 1 bậc về chính phủ điện tử.
Trong nhóm các nước khu vực ASEAN, Việt Nam xếp thứ 6 sau Singapore, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Brunei.
Theo dự thảo “Nghị quyết về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2018-2020, định hướng đến 2025”, Việt Nam đặt ra mục tiêu là đến hết năm 2020 nằm trong nhóm 4 quốc gia đứng đầu ASEAN về Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử.
Theo bảng xếp hạng Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử EGDI của Liên hợp quốc năm 2014, Việt Nam xếp hạng 99/193. Năm 2016, Việt Nam xếp hạng 89...
Chỉ số phát triển chính phủ điện tử (EGDI) 2018 được chia thành các nhóm nhỏ (rất cao, cao, trung bình và thấp). Trong báo cáo Chỉ số Chính phủ điện tử 2018, có 40 quốc gia được chấm điểm “rất cao” với chỉ số Chỉ số chính phủ điện tử EGDI (E-Government Development Index) từ 0,75-1 điểm. Việt Nam nằm trong nhóm được đánh giá phát triển “cao” với chỉ số từ 0,5 - 0,75 điểm.
Các nước có điểm EGDI từ 0,25- 0,5 được đánh giá là mức tăng trung bình, nhóm tăng thấp có mức điểm tăng dưới 0,25. Đan Mạch, Australia và Hàn Quốc hiện là các quốc gia đứng đầu thế giới về mức độ phát triển chính phủ điện tử.
Điểm đáng chú ý trong báo cáo năm 2018 là chỉ số Dịch vụ công trực tuyến OSI (Online Services Index) đóng vai trò chính trong cải thiện chỉ số Chính phủ điện tử. Các nước thu nhập trung bình và thấp có xu hướng tăng điểm từ Chỉ số Hạ tầng viễn thông TII (Telecommunication Infrastructure Index) và Dịch vụ công trực tuyến OSI.
Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy việc liên tục mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ công đã dẫn đến những tiến bộ chung về phát triển chính phủ điện tử...
Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử EGDI (E-Government Development Index) của Liên hợp quốc là một bộ chỉ số tổng hợp trung bình về 3 lĩnh vực quan trọng nhất của Chính phủ điện tử là: Quy mô và chất lượng của dịch vụ công trực tuyến (OSI), chỉ số hạ tầng viễn thông (TII) và nguồn nhân lực (HCI). Chỉ số này được sử dụng để đo lường sự sẵn sàng và khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông để cung cấp các dịch vụ công của các quốc gia.
Chỉ số này giúp các quốc gia, tổ chức nghiên cứu, nhà hoạch định hiểu biết sâu sắc hơn về điểm chuẩn so sánh của các vị trí tương đối của một quốc gia trong việc sử dụng Chính phủ điện tử cho các hoạt động, trách nhiệm công dân và khả năng cung cấp dịch vụ công. Cứ 2 năm một lần, Ủy ban các vấn đề kinh tế – xã hội Liên hợp quốc (UNDESA) cung cấp toàn cảnh bảng xếp hạng việc phát triển Chính phủ điện tử của các nước thành viên Liên hợp quốc.
Chi tiết báo cáo mới nhất của Liên hợp quốc về Chỉ số Chính phủ điện tử 2018 được đăng tải tại địa chỉ: https://publicadministration.un.org/egovkb/portals/egovkb/documents/un/2018-survey/e-government%20survey%202018_final%20for%20web.pdf. (Bnews)