Cá ngừ Việt 'đắc lợi' từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung; Việt Nam chiếm thị phần tôm lớn nhất ở Hàn Quốc; Đợt bán tháo vàng của các quỹ đầu cơ có thể là sai lầm
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 03-08-2018
- Cập nhật : 03/08/2018
Đất vùng ven: Có nên xuống tiền?
Dòng vốn thị trường bất động sản bắt đầu có dấu hiệu lan tỏa mạnh mẽ từ khu vực trung tâm TP.HCM đến vùng ven thời gian gần đây.
Làn sóng đầu tư còn lan tỏa đến các huyện thuần nông khác như Bình Chánh, Nhà Bè hay Cần Giờ, Cần Giuộc (Long An). Ảnh: Quý Hòa
Nhờ quỹ đất sạch còn dồi dào, chất lượng hạ tầng giao thông ngày càng cải thiện, các vùng đất này có tiềm năng cất cánh để trở thành những khu đô thị vệ tinh mới của thành phố trong thời gian tới. Dù vậy, rủi ro đầu tư vào các quận huyện ngoại thành cũng không phải nhỏ mà khá nhiều bài học trong quá khứ đã chỉ ra.
Điển hình là mới đây ở Long An, Công ty Bất động sản Nam Long cùng 3 nhà đầu tư khác gồm Nishi-Nippon Railroad, TBS Group, Đầu tư Tân Hiệp triển khai giai đoạn 1 của dự án Waterpoint có tổng vốn đầu tư 6.900 tỉ đồng. Tỉ lệ góp vốn của 4 doanh nghiệp nói trên lần lượt là 50%, 35%, 10% và 5%. Đi cùng với sự kiện này, Nam Long cũng đã huy động được thêm 660 tỉ đồng trái phiếu, bổ sung nguồn vốn đầu tư.
Có thể thấy sự có mặt của các nhà đầu tư mới là cú hích cho Nam Long bởi mặc dù là dự án trọng điểm nhưng Waterpoint bị ngâm khá lâu và từng nằm trong danh sách cân nhắc chuyển nhượng để giảm hàng tồn kho năm 2017. Mặt khác, việc tái khởi động dự án này cho thấy Nam Long rất kỳ vọng vào sự chuyển mình của thị trường bất động sản phía Tây Bắc thành phố, nhất là khi ngày càng nhiều chủ đầu tư lớn khác cũng tham gia vào thị trường khu vực này.
Đó là động thái đầu tư hàng tỉ USD của Tập đoàn Tuần Châu, hay sau thời gian dài đóng băng, dự án GS Củ Chi rộng 200ha của CT Group đã tìm được một chủ nhân mới là Vinhomes trong một thương vụ M&A có giá trị khoảng 1.760 tỉ đồng.
Làn sóng đầu tư còn lan tỏa đến các huyện thuần nông khác như Bình Chánh, Nhà Bè hay Cần Giờ, Cần Giuộc (Long An), đẩy giá đất tại các khu vực này tăng chóng mặt, thậm chí có nơi tăng gần 100%. Thông tin Thủ tướng có thể cho phép TP.HCM chuyển đổi 26.000ha đất nông nghiệp sang đất công nghiệp - dịch vụ càng bơm thêm sức nóng, khiến nhiều nhà đầu tư đổ xô đến các địa phương vùng ven để săn lùng các lô đất có tiềm năng.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, thị trường bất động sản TP.HCM hiện có xu thế hướng ra vùng ven rất rõ nét, do quỹ đất ở khu vực trung tâm không còn nhiều. Ngoài ra, Thành phố đã đưa ra chính sách siết chặt cấp phép xây dựng dự án bất động sản ở khu trung tâm để đẩy mạnh chương trình giãn dân, nên các doanh nghiệp sẽ phải dịch chuyển ra ngoại ô để phát triển dự án.
Theo ông Châu, quy mô thị trường bất động sản TP.HCM hiện nay đã vượt ra khỏi ranh giới hành chính của Thành phố và đã có tính lan tỏa tại các tỉnh giáp ranh như Bình Dương, Long An, Đồng Nai... Vì vậy, không khó hiểu khi phân khúc đất nền khu vực ngoại thành diễn biến sôi động từ đầu năm đến nay, ngược lại với sự chững lại của phân khúc căn hộ. Theo ghi nhận của Công ty Savills Việt Nam, nguồn cung đất nền sơ cấp đạt con số khoảng 2.870 trong quý II/2018, với tỉ lệ hấp thụ 68%.
Các dự án mới giao dịch mạnh mẽ chiếm 60% tổng số giao dịch đất nền trong quý, trong đó Củ Chi dẫn đầu với 48% tổng lượng giao dịch. “Tính đến năm 2020, nguồn cung mới dự kiến đạt 16.300 căn/nền. Khu Đông và Củ Chi chiếm 65% nguồn cung tương lai”, Savills nhận định.
Tất nhiên, việc tham gia vào thị trường cách xa khu trung tâm cũng hàm chứa những rủi ro khó lường cho các nhà đầu tư. Đó có thể là những thách thức về định vị phân khúc sản phẩm sao cho phù hợp với năng lực hấp thụ của đại đa số khách hàng có thu nhập không cao như ở các quận trung tâm.
Ở một số khu vực, các dự án hạ tầng khủng vẫn còn nằm trên giấy chưa biết thời điểm chính xác được triển khai hay lãi suất cho vay đang dần tăng có thể ảnh hưởng đến chi phí đầu tư và gánh nặng nợ cho các dự án trong thời gian tới. Thiếu thông tin minh bạch cũng là rào cản gây tâm lý do dự cho người mua nhà.
Thực tế đã có nhiều bài học khá cay đắng khi lựa chọn đầu tư vào thị trường vùng ven của các doanh nghiệp địa ốc. Đơn cử như dự án 2 tỉ USD Happy Land tại Bến Lức (Long An) của Khang Thông. Do gánh nặng nợ quá lớn, dự án này đang bị Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An kê biên, phát mãi tài sản trong khi khá nhiều hạng mục của dự án vẫn chỉ là bãi đất trống sau gần 7 năm đầu tư.
Đó còn là trường hợp chưa mấy thành công của thành phố mới Bình Dương, thành phố mới Nhơn Trạch trong con sốt bất động sản năm 2008. Vì vậy, bên cạnh những kỳ vọng vào sự đổi đời của các quận huyện ngoại thành nhờ các dự án siêu khủng, năng lực triển khai thực sự của các chủ đầu tư là điều cần thêm thời gian để trả lời.
Nhiều dự báo cho thấy đất nền vẫn là kênh đầu tư được lựa chọn hàng đầu 6 tháng cuối năm 2018. Dù vậy, trong bối cảnh thị trường hạ nhiệt, người mua sẽ cẩn trọng hơn khi ra quyết định đầu tư. Đặc biệt, khi thị trường hạ nhiệt sẽ kèm theo đó là những bất ổn và rủi ro đối với các bên, trong đó có rủi ro đối với nhà đầu tư cá nhân. Để đảm bảo đầu tư an toàn trong điều kiện thị trường biến động, tất cả các bên cần điều chỉnh chiến lược đầu tư phù hợp với thực tế thị trường.(NCĐT)
----------------
PMI Việt Nam dẫn đầu ASEAN
Việt Nam đứng đầu bảng xếp hạng PMI ngành sản xuất khu vực ASEAN khi tiếp tục có sự cải thiện mạnh mẽ trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa tháng 7.
Theo Nikkei, chỉ số PMI toàn phần lĩnh vực sản xuất Việt Nam đã giảm từ mức 55,7 điểm của tháng 6 xuống còn 54,9 điểm trong tháng 7 nhưng vẫn là mức cao kể từ tháng 3/2011. Các điều kiện kinh doanh đã cải thiện hơn trong 32 tháng qua.
Điểm nhấn chính trong kỳ khảo sát mới nhất của Nikkei là số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã tăng nhanh, trở lại gần bằng mức kỷ lục. Để đáp ứng lượng công việc lớn hơn, các nhà sản xuất tiếp tục tăng đáng kể số lượng nhân viên và hoạt động mua hàng.
Cụ thể, trong tháng 7, chỉ số PMI của Việt Nam giảm nhẹ còn 54,9 điểm từ mức 55,7 điểm của tháng 6; Không chỉ riêng Việt Nam, chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất của ASEAN trong tháng 7 cũng giảm còn 50,4 điểm từ 51 điểm của tháng 6.
Như vậy, Việt Nam vẫn đứng đầu bảng xếp hạng PMI ngành sản xuất ASEAN khi tiếp tục có sự cải thiện mạnh mẽ trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa trong tháng 7.
Đại diện công ty thu thập kết quả khảo sát, ông Andrew Harker - Phó Giám đốc tại IHS Markit cho biết: “Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam vẫn ở mức cao trong tháng 7 khi lĩnh vực này tiếp tục tăng trưởng mạnh. Hỗ trợ cho mức tăng trưởng tổng thể trong kỳ khảo sát mới nhất là số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã tăng nhanh hơn. Trong khi đó, mức độ lạc quan về tương lai được phản ánh bởi mong muốn tăng hàng tồn kho của các công ty để sẵn sàng tiếp tục tăng sản lượng và tiếp tục tăng mạnh số lượng việc làm".
Cũng theo đánh giá của Nikkei, các điều kiện kinh doanh của Việt Nam đã liên tục được cải thiện trong suốt 32 tháng qua. Số lượng đơn đặt hàng mới ngành sản xuất tiếp tục tăng với mức độ đáng kể trong tháng 7. Bên cạnh đó, tốc độ tăng số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã nhanh hơn trong tháng 7 và chỉ chậm hơn một chút so với mức kỷ lục được ghi nhận trong tháng 5.
Lượng công việc tồn đọng tăng đã khuyến khích các nhà sản xuất tăng số lượng nhân viên và hoạt động mua hàng trong tháng 7. Điều này đã tiếp tục duy trì đà tăng của mức độ tạo việc làm trong tháng 6.
Cùng với đó, hoạt động mua hàng hóa đầu vào tăng đáng kể khi có báo cáo cho biết các công ty muốn tăng lượng hàng tồn kho. Tốc độ tăng hàng tồn kho trước sản xuất đã nhanh hơn thành mức cao tính trong 5 tháng gần đây, trong khi tồn kho thành phẩm tăng nhẹ trong tháng 7. Thời gian giao hàng của nhà cung cấp không thay đổi so với tháng 6, kết thúc thời kỳ kéo dài thời gian giao hàng trong 17 tháng.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy mức độ lạc quan trong kinh doanh đã tăng so với tháng 6 khi có gần 51% số người trả lời khảo sát dự báo tăng sản lượng.(NCĐT)
---------------------
Trung Quốc áp thuế: Gạo Việt giảm cả lượng lẫn giá
Ngành gạo sẽ rất khó khăn khi Trung Quốc tăng thuế nhập khẩu gạo nếp, siết chặt kiểm soát chất lượng hàng nhập từ Việt Nam
Trung Quốc, từ tháng 7.2018, chính thức tăng thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch với gạo nếp từ 5% lên 50% khiến xuất khẩu gạo nếp sang thị trường này giảm mạnh và giá xuất khẩu giảm 50-60 USD/tấn so với trước khi áp thuế còn 425-435 USD/tấn.
Một loạt cảnh báo vừa được Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn và Trung tâm Tin học và Thống kê, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đưa ra trong Báo cáo định kỳ tháng 2018.
“Ngành gạo sẽ gặp nhiều khó khăn khi muốn tăng xuất khẩu vào những tháng tiếp theo do Trung Quốc, thị trường nhập khẩu lớn nhất, tăng thuế nhập khẩu gạo nếp và siết chặt kiểm soát chất lượng hàng hóa nhập khẩu vào nước này”.
“Chưa hết, giá gạo cũng sẽ khó giữ ở mức cao do đồng USD tăng giá gây sức ép lên giá gạo xuất khẩu. Trong khi đó, nguồn cung ở Việt Nam và Thái Lan cũng đang tăng do sắp thu hoạch vụ Hè-Thu với tín hiệu được mùa”.
Trung Quốc, thị trường tiêu thụ gạo nếp lớn nhất của Việt Nam với thị phần 81,6%. Tuy nhiên, từ tháng 7.2018, xuất khẩu gạo nói chung, gạo nếp nói riêng, đã bị ảnh hưởng do Trung Quốc áp mức thuế mới lên gạo nếp và tăng cường kiểm soát nhập khẩu, nâng cao tiêu chuẩn về kiểm dịch thực vật với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Trên thực tế, Trung Quốc trong nửa đầu năm 2018 tiếp tục giữ vị trí số 1 nhập khẩu gạo của Việt Nam với 26,8% thị phần, với 891,7 nghìn tấn tương đương 474,8 triệu USD, giảm 27,4% về khối lượng và giảm 14,6% về giá trị.
Về cơ cấu gạo xuất khẩu, các loại gạo thơm có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 2 với giá trị 472,6 triệu USD chiếm tỷ lệ 26,5%, thị trường tiêu thụ chủ yếu là Trung Quốc, Ghana và Iraq. Gạo nếp đứng thứ 4 sau gạo trắng 15% tấm với giá trị xuất khẩu 249,3 triệu USD, chiếm tỷ lệ 13,9%.
Nhiều thách thức, song khối lượng xuất khẩu gạo tháng 7.2018 ước đạt 382 nghìn tấn với giá trị đạt 195 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 7 tháng đầu năm 2018 ước đạt 3,9 triệu tấn với kim ngạch gần 2 tỷ USD, tăng 12,2% về khối lượng và tăng 29,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Tháng 7, nguồn cung trong nước tăng từ vụ Hè - Thu khiến giá gạo trắng 5% tấm còn 385 USD/ tấn, giảm 14,4% so với tháng trước, thấp hơn giá gạo cùng loại của Thái Lan (397 USD/ tấn) và Ấn Độ (410 USD/ tấn).
Nhưng cũng trong tháng 7, nhu cầu gạo nguyên liệu phục vụ xuất khẩu giảm do các doanh nghiệp đã hoàn tất các hợp đồng xuất khẩu cho Indonesia và Philippines.
Qua phân tích diễn biến thị trường, dự báo xuất khẩu gạo Việt Nam trong nửa cuối năm 2018 có dấu hiệu tích cực từ thị trường Philippines với nhu cầu nhập thêm 500.000 tấn gạo vào tháng 12.
Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ sẽ có khả năng cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh như Việt Nam hay Thái Lan do Chính phủ Ấn Độ vừa công bố nâng giá mua gạo từ nông dân lên 13% so với cùng kỳ năm ngoái bắt đầu từ vụ mùa hiện tại.
Nhu cầu nhập khẩu của Iraq trong các tháng tiếp theo sẽ tăng do Iraq đang phải cắt giảm diện tích canh tác lúa để đối phó với tình trạng thiếu nước. Ngoài ra, các nước châu Phi vẫn có nhu cầu nhập khẩu gạo tăng để đáp ứng nhu cầu nội địa ngày càng cao. Đây là những cơ hội cho xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Dù vậy, tại báo cáo này, các nhà quản lý, các chuyên gia nông nghiệp cũng khuyến cáo: “Các doanh nghiệp cần tập trung đẩy mạnh kiểm soát và nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu, chủ động tìm kiếm thêm các thị trường mới có nhiều tiềm năng hơn, có giá trị cao”. (NCĐT)
----------------------------
Grab nhận thêm 2 tỷ USD trong vòng gọi vốn hiện tại
Grab sẽ sử dụng một phần đáng kể nhận được từ vòng gọi vốn hiện tại để tiếp tục đầu tư vào Indonesia.
Grab Holdings Inc. (Grab), nền tảng di động O2O hàng đầu Đông Nam Á, ngày 2.8, công bố vừa nhận thêm 2 tỷ USD trong vòng gọi vốn hiện tại.
Cùng với Toyota Motor Corporation (Toyota), các công ty tài chính hàng đầu thế giới, bao gồm OppenheimerFunds, Ping An Capital, Mirae Asset - Naver Asia Growth Fund, Cinda Sino-Rock Investment Management Company, All-Stars Investment, Vulcan Capital, Lightspeed Venture Partners, Macquarie Capital và các nhà đầu tư khác, đã tham gia vào vòng gọi vốn hiện tại của Grab, củng cố thêm mục tiêu của Grab trong việc trở thành công ty công nghệ hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á.
Ông Ming Maa, Chủ tịch Grab, cho biết. Grab sẽ sử dụng nguồn vốn đầu tư để mở rộng các dịch vụ O2O đang cung cấp tại Đông Nam Á, đồng thời để phát triển thành siêu ứng dụng cho cuộc sống hằng ngày được hàng triệu người dân trong khu vực lựa chọn. Hiện nay, với Grab, người dùng đang có giải pháp một điểm đến (one-stop solution) để đáp ứng mọi nhu cầu trong cuộc sống hằng ngày, từ việc sử dụng ứng dụng Grab để thanh toán với GrabPay, giao nhận thức ăn với
GrabFood, giao nhận hàng hóa với GrabExpress, đặt xe công nghệ Grab với hàng loạt dịch vụ kết nối di chuyển khác nhau. Vào tháng 7/2018, Grab đã giới thiệu tầm nhìn trở thành siêu ứng dụng cho cuộc sống hằng ngày của người dân khu vực Đông Nam Á thông qua chiến lược nền tảng mở, cũng như công bố GrabFresh, dịch vụ giao nhận hàng tạp hóa theo yêu cầu tại Jakarta, sau đó sẽ triển khai đến các quốc gia khác trong năm 2018.
Cụ thể, Grab sẽ sử dụng một phần đáng kể nhận được từ vòng gọi vốn hiện tại để tiếp tục đầu tư vào Indonesia, nơi Grab đang làm thay đổi diện mạo của ngành giao thông với vai trò là một công ty đặt xe công nghệ. Grab đang có hơn 7,1 triệu doanh nghiệp siêu nhỏ trong nền tảng của mình, và hơn nửa số đó đặt tại Indonesia.
Thông qua quan hệ hợp tác với OVO, một chương trình khách hàng thân thiết và ví địa phương, Grab đang thiết lập nên một hệ sinh thái thanh toán di động được chấp nhận rộng khắp nhất đất nước với hơn 60 triệu lượt tải. GrabFood đang tăng trưởng theo cấp số nhân trong năm nay, khi từ Jakarta đã mở rộng thêm đến 28 thành phố và thị trấn khắp Indonesia, giữ được thị phần đáng kể với tổng doanh thu (Gross Merchandise Volume - GMV) tại Indonesia cao gần gấp 4 lần trong nửa đầu năm 2018. Tương tự, GMV của GrabExpress tại Indonesia cũng tăng hơn gấp đôi trong nửa đầu năm 2018.(NCĐT)