HSBC: Việt Nam sẽ còn tăng trưởng mạnh trong năm 2016
Nỗi lo đến từ Trung Quốc
3 điều kiện để doanh nghiệp chứng khoán được phép tự doanh đầu tư gián tiếp ra nước ngoài
Khu Đông và Nam TP.HCM tiếp tục là điểm đến của dự án nhà phố và biệt thự
Siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi sẽ soán ngôi thị trường bán lẻ
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 02-01-2016
- Cập nhật : 02/01/2016
Tân Cảng Sài Gòn đạt sản lượng container 71,4 triệu tấn năm 2015
Ngày 1/1/2016, tại cảng Cát Lái, Thành phố Hồ Chí Minh, Đại diện Phòng Chính trị Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn thuộc Quân chủng Hải quân cho biết, năm 2015, sản lượng container thông qua Tổng công ty đạt 5,37 triệu teus (71,4 triệu tấn), tăng 12,89% so với năm 2014, đạt 100,34% kế hoạch 2015.
Trong số đó, sản lượng container xuất nhập khẩu đạt 5,122 triệu teus , tăng 11,6% so với năm 2014.
Riêng Cảng khu vực Thành phố Hồ Chí Minh (Cát Lái và Hiệp Phước) thuộc Tổng công ty đạt 3,95 triệu teus, tăng 9,83% so với thực hiện năm 2014, chiếm 86% thị phần container xuất nhập khẩu khu vực Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, Cảng khu vực Cái Mép-Thị Vải đạt sản lượng 1,08 triệu teus, tăng 11,3% so với thực hiện năm 2014, chiếm 75% thị phần khu vực.
Năm 2015, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đạt doanh thu 14.930 tỷ đồng, tăng 18,2% so với năm 2014; Lợi nhuận trước thuế 1.825 tỷ đồng, tăng 3,3% so với năm 2014, nộp ngân sách 407 tỷ đồng; Lương và tổng thu nhập bình quân đảm bảo đời sống cho trên 5.387 cán bộ, công nhân viên, người lao động với lương bình quân 20,5 triệu đồng/người/tháng, tăng 0,5 triệu đồng/ người/tháng so với năm 2014.
Về nhiệm vụ năm 2016, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn phấn đấu đạt sản lượng 6,06 triệu teus (80,6 triệu tấn), chiếm 113% so với năm 2015.
Riêng cảng khu vực Thành phố Hồ Chí Minh(Cát Lái-Phú Hữu-Hiệp Phước) thuộc Tổng công ty đạt 4,4 triệu teus, chiếm 86% thị phần container xuất nhập khẩu khu vực Thành phố Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn phấn đấu đạt chỉ tiêu doanh thu 15.833 tỷ đồng, chiếm 106,05% thực hiện năm 2015, trong đó, lợi nhuận trước thuế đạt 1.713 tỷ đồng, tương đương 94% thực hiện năm 2015 và nộp ngân sách Nhà nước 304 tỷ đồng./.
Vốn điều lệ của VEC sẽ tăng hơn 70 lần trong 3 năm tới
Vốn điều lệ của VEC sẽ được tăng từ 1.000 tỷ đồng hiện nay lên hơn 72.000 tỷ vào năm 2019...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa đồng ý về chủ trương điều chỉnh vốn điều lệ của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đến năm 2019 là 72.602 tỷ đồng.
Hiện nay, mức vốn điều lệ của Tổng công ty VEC là 1.000 tỷ đồng. Mức vốn điều lệ của VEC đến năm 2019 sẽ tăng lên 72.602 tỷ đồng (bao gồm 1.000 tỷ đồng vốn điều lệ đã được phê duyệt hiện nay và 71.602 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước đầu tư từ các dự án của VEC).
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính quyết định cụ thể việc điều chỉnh vốn điều lệ của VEC và hướng dẫn hạch toán tăng vốn theo quy định.
Tổng công ty VEC được thành lập từ tháng 12/2004 và là một trong những doanh nghiệp được Chính phủ xếp hạng doanh nghiệp đặc biệt với hơn 1.200 cán bộ, nhân viên.
Hiện VEC đã và đang là chủ đầu tư của hàng loạt công trình, dự án cao tốc trên toàn quốc trong đó một số dự án đã đưa vào khai thác như cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; cao tốc Nội Bài – Lào Cai; cao tốc Tp.HCM – Long Thành – Dầu Giây
Doanh nghiệp này cũng đang triển khai một số dự án cao tốc có quy mô lớn như dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi; dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành. Ngoài ra, VEC đang chuẩn bị đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn.
Mới đây, VEC đã công bố kế hoạch chuyển nhượng 5 tuyến cao tốc nhằm thực hiện phương án cổ phần hóa theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải.
Theo đó, trong thời gian tới VEC sẽ cho tiến hành thành lập một số công ty cổ phần nhằm chuyển nhượng toàn bộ 5 tuyến cao tốc gồm: Cầu Giẽ - Ninh Bình; Nội Bài - Lào Cai, Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Đà Nẵng - Quảng Ngãi và Bến Lức - Long Thành.
5 dự án cao tốc nói trên có chiều dài khoảng 550 km, với tổng mức đầu tư lên tới 125.572 tỷ đồng, tương đương khoảng 6 tỷ USD, trong đó vốn ngân sách đầu tư trực tiếp 71.555 tỷ đồng, tương đương 57%, VEC tự huy động 54.000 tỷ đồng.
Duyệt đầu tư gần 4.000 cầu cho miền núi tại 50 tỉnh thành
Tổng kinh phí để thực hiện gần 4.000 cây cầu từ nay đến 2020 lên tới hơn 8.300 tỷ đồng...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình xây dựng cầu dân sinh đảm bảo an toàn giao thông vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2014 – 2020.
Với mục tiêu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, sinh hoạt, đảm bảo an toàn giao thông cho người dân tại các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số có điều kiện đi lại khó khăn, đặc biệt là trong mùa mưa lũ, Thủ tướng quyết định xây gần 4.000 cầu cứng và cầu treo, thời gian thực hiện dự kiến đến 2020.
Chương trình thực hiện trên phạm vi 5.237 xã thuộc 450 huyện của 50 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có vùng dân tộc miền núi, gồm: Hà Giang, Cao Bằng, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hòa Bình, Quảng Ninh, Hà Nội, Bắc Giang, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Long, Trà Vinh, An Giang, Cần Thơ, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang, Hậu Giang.
Trong đó ưu tiên đối với 63 huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ.
Giai đoạn 1 (2014 - 2015), dự án đã đầu tư xây dựng 186 cầu treo dân sinh đảm bảo an toàn giao thông trên phạm vi 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây
Nguyên nhằm đáp ứng nhanh nhu cầu cấp thiết về đi lại và phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 570/TTg-KTN ngày 28/4/2014.
Giai đoạn 2 (2015 - 2020) toàn bộ cầu cứng và số cầu treo còn lại sẽ được phân kỳ để thực hiện trong 4 năm, dự kiến hoàn thành trong năm 2020 với 3.664 cầu cứng và 295 cầu treo.
Tổng vốn đầu tư để thực hiện Chương trình gần 8.339 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách Trung ương 931,7 tỷ đồng (chiếm 11,2%) để thực hiện 186 cầu treo giai đoạn 1 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 570/TTg-KTN ngày 28/4/2014; 5.625 tỷ đồng vốn vay ODA, chiếm 67,5%; 1.000 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương, chiếm 11,9%; 782,28 tỷ đồng vốn xã hội hóa, chiếm 9,4%.
Liên quan đến việc đầu tư xây dựng cầu, Thủ tướng cũng vừa đồng ý nội dung của dự thảo Hiệp định vay cho dự án xây dựng cầu Thịnh Long theo các điều kiện Bộ Tài chính báo cáo.
Dự án xây dựng cầu Thịnh Long, thuộc tuyến đường bộ ven biển tỉnh Nam Định kết nối trực tiếp Quốc lộ 21 và tỉnh lộ 490C, rút ngắn thời gian, chi phí đi lại; kết nối các khu công nghiệp trong vùng; hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ, đặc biệt mạng lưới đường bộ ven biển.
Tổng kinh phí thực hiện dự án là 54,9 triệu USD, trong đó vốn vay ODA 46 triệu USD, tương đương 970,31 tỷ đồng; vốn đối ứng 8,909 triệu USD tương đương 187,92 tỷ đồng (trong đó Bộ Giao thông Vận tải 5,24 triệu USD và UBND tỉnh Nam Định 3,699 triệu USD từ ngân sách địa phương).
Thủ tướng giao chỉ tiêu kinh tế - xã hội 2016 cho 8 bộ
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký quyết định giao 8 Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an, Quốc phòng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Công Thương và Y tế các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016.
Với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng giao chỉ tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2016 khoảng 6,7%, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dưới 5%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so GDP khoảng 31%.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao tỷ lệ che phủ rừng kế hoạch năm 2016 là 41%.
Tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu kế hoạch năm 2016 khoảng 10%, tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu dưới 5% là những chỉ tiêu được giao cho Bộ Công Thương.
Bộ Y tế được giao chỉ tiêu số giường bệnh trên 1 vạn dân (không bao gồm giường trạm y tế xã) là 24,5 giường, 76% dân số tham gia bảo hiểm y tế.
Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn đa chiều) 1,3 - 1,5%, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%, tỷ lệ lao động qua đào tạo 53% là những chỉ tiêu kế hoạch năm 2016 được giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Với hai Bộ Công an và Quốc phòng, ngoài một số nhiệm vụ chính trị, kinh tế, Thủ tướng giao chỉ tiêu ngân sách nhà nước chi tăng dự trữ Quốc gia với mức chi tối đa 220.000 triệu đồng để mua sắm trang thiết bị, máy móc trong năm 2016.
Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước các chỉ tiêu liên quan đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, gồm: Thông tin và truyền thông, giáo dục và đào tạo, văn hoá, thể dục thể thao, phát thanh, truyền hình; nhiệm vụ điều tra cơ bản; nhiệm vụ sản xuất.
Căn cứ các chỉ tiêu được giao, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở Trung ương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thông báo cho các đơn vị liên quan các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 để triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, triển khai thực hiện các chỉ tiêu về dự trữ quốc gia theo kế hoạch được giao; phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu định hướng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 theo nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và quyết định này. Định kỳ hàng quý gửi báo cáo tình hình triển khai và kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Chính phủ.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng và “Túi tiền Quốc gia”
Làm sao để gánh nợ công bớt nặng; làm sao cho đảm bảo an ninh, an toàn cho nền tài chính quốc gia… trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn luôn là trăn trở của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng.
Từng kinh qua các vị trí công tác như Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Ninh Bình và Tổng kiểm toán Nhà nước, rõ ràng ông Đinh Tiến Dũng là người được đào tạo bài bản, là “ứng cử viên” sáng giá cho chức Bộ trưởng Bộ Tài chính khi ông Vương Đình Huệ chuyển sang làm Trưởng ban Kinh tế Trung ương. Công việc ở Bộ Tài chính sẽ khó khăn hơn so với thời điểm ông đảm nhận công việc ở Tổng kiểm toán Nhà nước, bởi lúc này ngành tài chính phải lo “túi tiền Quốc gia”; làm sao để gánh nợ công bớt nặng; làm sao cho đảm bảo an ninh, an toàn cho nền tài chính quốc gia… trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn.
Khi nhậm chức, ông cũng đã cố gắng cắt giảm chi tiêu công. Năm 2013, ông được Thủ tướng khen tại Hội nghị ngành vì đã giúp tiết kiệm 22.700 tỷ đồng từ việc yêu cầu các đơn vị bỏ một loạt chi phí không cần thiết. Qua năm 2014, không còn tình trạng cán bộ các ngành, địa phương ồ ạt đi nước ngoài, công chức, viên chức nâng cao ý thức tiết kiệm sử dụng điện nước, văn phòng phẩm, qua đó đã tiết kiệm cho ngân sách hàng tỷ đồng. Năm 2015, Bộ Tài chính chủ động tham mưu cho Chính phủ ban hành chỉ thị về việc tăng cường chỉ đạo điều hành nhiệm vụ tài chính, ngân sách, với nhiều giải pháp, trong đó tiếp tục yêu cầu giữ lại 10% dự toán chi thường xuyên để phòng khi ngân sách căng thẳng.
Một vấn đề nữa cũng được dư luận quan tâm khi Bộ Tài chính công khai chi phí nuôi xe công, tiêu tốn ngân sách tới gần 13.000 tỷ đồng/năm. Sự minh bạch, công khai thông tin là cần thiết, để có sự đồng thuận, chia sẻ trong bối cảnh ngân sách còn gặp nhiều khó khăn. Ở một góc nhìn khác, câu chuyện lãng phí trong sử dụng xe công không mới, nó đã diễn ra nhiều năm qua khi vẫn còn tình trạng một số địa phương bố trí xe cho các chức danh như phó chủ tịch tỉnh, trưởng các sở, ban, ngành…, vi phạm quy định của Thủ tướng. Rõ ràng, cần thiết phải có quy định chặt chẽ hơn về chức danh được sử dụng cũng như siết chặt việc mua mới.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, rồi cắt giảm nhiều dòng thuế theo cam kết… đã tạo ra thách thức với Bộ Tài chính trong việc hoàn thành thu ngân sách. Để tăng thu, ông liên tục trình Chính phủ, đề xuất Quốc hội sửa các luật về thuế, tạo cơ sở pháp lý thay đổi cơ cấu nguồn thu bền vững hơn. Nhờ đó năm 2015, các khoản thu nội địa không kể dầu thô đều khởi sắc và góp tới 55% tổng thu ngân sách…
Trong bối cảnh Chính phủ ban hành một loạt cơ chế chính sách để tháo gỡ khó khăn, tiếp sức cho doanh nghiệp, trong đó có việc cải cách thủ tục hành chính, Bộ Tài chính đã nhanh chóng triển khai, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan. Sau những chỉ đạo, điều hành quyết liệt của ông, thủ tục hành chính, thuế, hải quan…, đã hanh thông hơn khiến nhiều doanh nghiệp hài lòng.