Trung Quốc đang dần “hết đạn” khi đấu với Mỹ trong chiến tranh thương mại?; Xuất khẩu của Hàn Quốc sang Iran bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ; Bất động sản và lãi suất - hai dấu hiệu cảnh báo suy thoái
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 04-08-2018
- Cập nhật : 04/08/2018
Thủ tướng: Động lực mới cho tăng trưởng là gì?
Phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng ngày 2/8, Trưởng ban chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, tái cơ cấu kinh tế đạt một số kết quả quan trọng.
Tăng trưởng kinh tế những năm gần đây cao hơn mức bình quân chung, quy mô nền kinh tế được mở rộng, năng suất tổng hợp, môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia, đổi mới sáng tạo được cải thiện.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Nhận định tốc độ tăng trưởng dù khá hơn nhưng chưa như kỳ vọng, Thủ tướng đề nghị các địa phương không nên thỏa mãn, thay vào đó cần đặt vấn đề tăng trưởng mạnh mẽ hơn, tốt hơn.
“Đổi mới mô hình tăng trưởng là quá trình liên tục, phù hợp với xu hướng thời đại trong lúc khoa học công nghệ đang phát triển như vũ bão. Chúng ta cứ đi mãi con đường cũ trong tổ chức sản xuất, quản lý thì chúng ta không thể phát triển được”, lãnh đạo Chính phủ nhận định.
Nhìn lại quá trình thực hiện các nghị quyết hành động về tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, Thủ tướng đề nghị cần kiểm tra trong 16 nhóm nhiệm vụ với 120 nhiệm của cụ thể cho các bộ, ngành để tháo gỡ vướng mắc, tiếp tục hoàn thiện thể chế. "Thấy điểm gì cần báo cáo Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia để tiến hành thuận lợi", Thủ tướng lưu ý các bộ ngành, địa phương.
“Chúng ta đang tìm động lực mới cho tăng trưởng là gì của thời kỳ này và thời kỳ tiếp theo, nhất là năm 2019, 2020”, Thủ tướng nói. Lãnh đạo Chính phủ cũng đặt vấn đề về dư địa nào cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam bên cạnh các lĩnh vực như nông nghiệp, công nghệ du lịch, công nghệ thông tin được đánh giá là dư địa lớn.
Tuy nhiên trong lĩnh vực nông nghiệp, Thủ tướng nhận định nhiều địa phương chưa làm tốt tái cơ cấu kinh tế, vẫn theo phương thức cũ. Nguyên nhân bởi nhận thức của lãnh đạo các địa phương đó.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết 57,5% số nhiệm vụ theo Nghị quyết 27 đang được các bộ, ngành triển khai chưa có kết quả rõ ràng, 16% nhiệm vụ triển khai chậm hoặc chưa triển khai. Số nhiệm vụ triển khai rõ ràng chiếm 25,8%.
Trong các nhóm định hướng chính sách lớn, ổn định vĩ mô đạt 66,7% số nhiệm vụ, cơ cấu lại DNNN đạt 62,5% số nhiệm vụ, hoàn thành thể chế kinh tế và cơ cấu lại đầu tư công đạt lần lượt 35,7% và 33,3% số nhiệm vụ.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhiều nhiệm vụ của bộ, ngành mới chỉ dừng ở việc tiếp tục thực hiện theo tiến độ, yêu cầu và định hướng đổi mới đã xác định nhưng chưa thực sự tạo đột phá về giải pháp, đổi mới về cơ chế, chính sách, quy định quản lý ngành, lĩnh vực có liên quan.
Các quy định được ban hành vẫn thiên về tiền kiểm, chưa chuyển mạnh sang hậu kiểm, chưa thực hiện quản lý dựa trên phân tích và đánh giá mức độ rủi ro thị trường, rủi ro kinh doanh, mức độ tuân thủ pháp luật của người dân và doanh nghiệp.(NDH)
----------------------
Nghi vấn hạt hạnh nhân Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam tăng đột biến
Hạt hạnh nhân nhập khẩu từ Mỹ vào Việt Nam thời gian gần đây tăng trưởng đột biến. Không loại khả năng số lượng hàng hoá này được đưa sang Trung Quốc
Liên quan đến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, sáng 2-8, ông Vương Đức Anh, Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương, cho rằng gói thuế 200 tỉ USD do Mỹ đánh vào hàng hoá Trung Quốc trong cuộc chiến tranh thương mại giữa 2 nước này có thể dẫn đến nguy cơ hàng hoá đi qua nước trung gian là Việt Nam để lẩn tránh thuế.
Ông cũng khẳng định có nguy cơ lớn hàng hoá của Trung Quốc bị Mỹ đánh thuế sẽ tìm đường sang Việt Nam để tiếp tục đem đi tiêu thụ tại Mỹ. Hậu quả là hàng hoá xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ tăng đột biến, có thể dẫn đến việc Mỹ đặt ra nghi ngờ và áp các biện pháp chống lẩn tránh thuế, như trường hợp thép cán nguội của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ hiện nay.
"Ngay cả khi sản phẩm đã thông qua khâu chuyển đổi cơ bản ở Việt Nam trước khi bán sang Mỹ thì phía Mỹ vẫn đánh thuế chống lẩn tránh bởi lý do ta nhập hàng từ Trung Quốc về và chỉ gia công đơn giản" – ông Đức Anh phân tích.
Ở chiều ngược lại, hàng hoá của Mỹ bị Trung Quốc đánh thuế trong chiến tranh thương mại cũng có thể được chuyển qua Việt Nam rồi sang Trung Quốc.
"Báo chí đưa tin hạt hạnh nhân nhập khẩu từ Mỹ vào Việt Nam tăng trưởng đột biến. Không loại trừ nguy cơ số lượng hàng hoá này được đưa sang Trung Quốc" – ông Vương Đức Anh dẫn chứng.
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, trong chuyến công tác tại Mỹ mới đây của ông, phía Mỹ có đặt câu hỏi về việc Việt Nam có thể kiểm soát được xuất xứ hàng hoá trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hay không? Dù khẳng định sẽ kiểm soát được việc này thông qua hệ thống hải quan, quản lý thị trường…, song ông Giang cũng thừa nhận trong tình huống nhập khẩu tăng đột biến, cơ quan quản lý của Việt Nam sẽ rất vất vả. "Đây là việc phải làm, nếu không làm sẽ ảnh hưởng uy tín của chúng ta với thị trường Mỹ" – ông Giang nói thêm.
Trước đó, báo chí dẫn thông tin từ Hiệp hội hạnh nhân California (Mỹ) cho thấy ước tính phần lớn trong số 43 triệu pound hạnh nhân được nhập khẩu từ Mỹ vào Việt Nam trong vòng một năm kết thúc vào tháng 7-2017, cuối cùng đã được tiêu thụ ở Trung Quốc.
Báo chí cũng phân tích nhiều công ty ở châu Á có thể đã trở thành "đường ống dẫn" giúp hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc trốn tránh thuế quan để sang Mỹ và ngược lại. Trong đó, hạt hạnh nhân của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất vì Mỹ hiện là nước sản xuất và xuất khẩu hạnh nhân lớn nhất thế giới với khoảng 80% lượng cung.(NLĐ)
------------------------
Quán quân doanh thu và lợi nhuận nửa đầu năm 2018
Đến thời điểm hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp (DN) trên sàn chứng khoán đã công bố báo cáo tài chính quý II cũng như kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm. Doanh thu và lợi nhuận của phần lớn DN có sự tăng trưởng tốt so với cùng kỳ.
Số DN có mức lợi nhuận vượt nghìn tỷ tăng lên khoảng 30 công ty; trong đó những cái tên lần đầu góp mặt đáng chú ý như Vinhomes, Techcombank, Gemadept, Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), VIB,…
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã liên tiếp đón nhận những cái tên lớn lên sàn và do đó, thứ hạng về mức doanh thu và lợi nhuận lớn nhất sàn chứng khoán có sự xáo trộn lớn. Quán quân lợi nhuận đã có chủ mới là tân binh Vinhomes, trong khi Petrolimex vẫn dẫn đầu về doanh thu.
Quán quân lợi nhuận gọi tên tân binh Vinhomes
Nhóm 10 DN có lợi nhuận trước thuế (LNTT) tốt nhất nửa đầu năm 2018 đã có sự xáo trộn mạnh bởi những tân binh lên sàn. Trong đó, CTCP Vinhomes (HOSE: VHM) bất ngờ trở thành quán quân lợi nhuận với con số 9.854 tỷ đồng.
Cổ phiếu VHM chính thức được giao dịch trên sàn chứng khoán vào 17/5 với khối lượng 2,68 tỷ cổ phiếu. Với giá giao dịch đang xoay quanh mức 110.000 đồng/cp, thương hiệu này được định giá khoảng 295.000 tỷ đồng.
Theo kế hoạch trong bản cáo bạch, Vinhomes dự kiến đạt 21.971 tỷ đồng LNTT năm 2018 và 33.581 tỷ đồng trong năm 2019. Ngoài ra, lợi nhuận của VHM cũng cách bỏ xa các đơn vị phía sau như Vietcombank và GAS.
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank – HOSE: VCB) vẫn thể hiện sức mạnh của ngân hàng hàng đầu Việt Nam với con số LNTT nửa đầu năm là 8.017 tỷ, gấp rưỡi cùng kỳ và xếp thứ 2.
Tổng công ty khí Việt Nam (HOSE: GAS) đạt mức tăng trưởng hơn 40% ghi nhận 7.277 tỷ LNTT nhưng chỉ xếp vị trí thứ 3.
Gây bất ngờ là CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk- HOSE: VNM) - đơn vị từng dẫn đầu lợi nhuận trước đó đang đứng ở thứ 4 khi có lợi nhuận sụt giảm 8% chỉ còn 6.337 tỷ lợi nhuận trong nửa đầu năm.
Vinhomes dẫn đầu lợi nhuận DN trên sàn chứng khoán. Đơn vị: tỷ đồng.
Nhóm 10 DN có lợi nhuận lớn nhất vẫn thể hiện sự áp đảo của nhóm ngân hàng khi có đến 5 cái tên xuất hiện là Vietcombank, VietinBank, Techcombank, BIDV, VPBank. Các DN trong danh sách này đều có mức lợi nhuận vượt qua con số 4.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm.
Tổng lợi nhuận của nhóm 10 này đạt hơn 62.800 tỷ đồng, tăng trưởng 57%. Vinhomes là đơn vị tăng trưởng mạnh nhất gấp 10 lần cùng kỳ, trong khi Vinamilk là công ty duy nhất trong top 10 có lợi nhuận sụt giảm.
Petrolimex duy trì vị thế dẫn đầu về doanh thu
Nếu như top DN lợi nhuận lớn nhất thay đổi ngôi vương thì nhóm DN trên sàn chứng khoán có doanh thu lớn nhất lại ít biến động hơn với vị trí dẫn đầu vẫn thuộc về Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex – HOSE: PLX).
Thực tế là doanh thu của PLX vẫn đang bỏ xa các đơn vị phía sau với khi đạt đến 96.757 tỷ đồng tăng trưởng 31% so với cùng kỳ nhờ vào diễn biến thuận lợi của giá dầu thô trên thế giới. Trong 6 tháng đầu năm, sản lượng xuất bán xăng dầu là gần 5,1 triệu m3/tấn, tăng trưởng 9,3%.
Tuy nhiên, với việc thị phần xăng dầu của PLX đã gần đạt mức 50% thì sự tăng trưởng mạnh sẽ gặp thách thức. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh ngoài xăng dầu vẫn tăng trưởng tốt với tỷ trọng 47,5% lợi nhuận.
Trong top 10 DN có doanh thu lớn nhất nửa đầu năm vẫn có sự xáo trộn khi tân binh CTCP Lọc Hóa dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) vươn lên vị trí thứ 3 với 55.875 tỷ doanh thu, tăng trưởng 44%.
Tập đoàn Vingroup (HOSE: VIC) đứng thứ 2 với doanh thu tăng mạnh 74% so với cùng kỳ đạt 61.192 tỷ đồng.
Petrolimex đứng đầu nhóm DN có doanh thu cao nhất sàn chứng khoán.
Nhóm 10 DN dẫn dầu về doanh thu đã không còn sự áp đảo của nhóm ngân hàng khi chỉ còn Vietcombank và BIDV xuất hiện (nhóm ngân hàng được tính bằng tổng thu nhập hoạt động).
Tổng doanh thu 6 tháng đầu năm của top 10 ghi nhận hơn 415.000 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Tất cả DN trong nhóm này đều có sự tăng trưởng, trong đó Vingroup tăng trưởng mạnh nhất với tỷ lệ 74%.(NDH)