IMECO thống nhất "bán mình" cho đối tác ngoại, giá không dưới 8 triệu USD
TPHCM: Năm 2015 đã giải ngân hơn 3 nghìn tỷ đồng từ gói 30 nghìn tỷ
“Rộng cửa” cho doanh nghiệp hỗ trợ ?
Gia nhập AEC, Việt Nam cần vượt qua nhiều khó khăn, thách thức
NHNN chính thức công bố về tỷ giá trung tâm
Tin kinh tế đọc nhanh tối 02-01-2016
- Cập nhật : 02/01/2016
8 dòng ôtô được giảm thuế nhập khẩu từ 1/1/2016
Theo Biểu thuế xuất khẩu - Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế từ 1/1/2016 được quy định tại Thông tư số 182/2015/TT-BTC được Bộ Tài chính ban hàng ngày 16/11/2015 sẽ có 8 dòng thuế ô tô sẽ được cắt giảm theo lộ trình cam kết WTO.
Cụ thể, Việt Nam sẽ cắt giảm 12 dòng thuế, gồm 1 dòng hàng cá và 11 dòng hàng ôtô. Trong số 12 dòng thuế này, có 3 dòng thuế của mặt hàng ôtô tải đã có mức thuế suất thấp hơn cam kết năm và không cần cắt giảm nữa. Còn lại, Bộ tài chính sẽ cắt giảm thuế nhập khẩucủa 9 mặt hàng.
Mặt hàng cá, đông lạnh, trừ phi-lê cá và các loại thịt khác (mã 0303.19.00) giảm từ 18% xuống 16%.
Trong khi đó, 8 mặt hàng ôtô có mức giảm từ 2% đến 4%, bao gồm: Xe ôtô có nội thất được thiết kế như căn hộ (mã 8703.23.40), xe dung tích xi lanh trên 2.500 cc (mã 8703.23.94), xe bốn bánh chủ động (mã 8703.24.51), xe loại dung tích xi lanh trên 3.000 cc, xe ô tô (kể cả xe chở người có khoang chở hành lý chung (station wagons), SUV và xe thể thao nhưng không kể xe van), loại khác (trừ dạng CKD) (mã 8703.24.59), xe ôtô có nội thất được thiết kế như căn hộ (mã 8703.24.70), xe bốn bánh chủ động (mã 8703.24.91), xe loại dung tích xi lanh trên 3.000 cc, loại khác (trừ dạng CKD) (mã 8703.24.99), xe có động cơ dùng để vận tải hàng hóa có tổng trọng lượng có tải tối đa không quá 5 tấn.
Theo biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, mức thuế đối với các mặt hàng chất chiết xuất, tinh chất và chất cô đặc từ cà phê, chè và các chế phẩm có thành phần cơ bản từ các sản phẩm này cũng được điều chỉnh giảm từ 40% xuống 30%; mặt hàng khô dầu đậu tương được điều chỉnh tăng từ 0% lên 2%; mặt hàng màng BOPP được điều chỉnh từ 5% lên 6%; mặt hàng sợi từ polyeste được điều chỉnh từ 0% lên 3%.
Bên cạnh đó, thuế xuất khẩu của một số mặt hàng đá (nhóm 25.17) được điều chỉnh từ 14% và 17% về cùng mức 15%; bột cacbonat canxi có kích thước từ 0,125 mm trở xuống được điều chỉnh tăng từ 5% lên 10%; dăm gỗ từ 0% lên 2%; dải nhôm cuộn từ 0% lên 20%; đồng phế liệu từ 0% lên 22%.
Ngoài ra, mặt hàng inmenit hoàn nguyên được chi tiết tại nhóm 28.23 và điều chỉnh giảm mức thuế suất từ 15% xuống 10%.
Gần 1.000 công tơ điện làm giả bị phát hiện
Cơ quan công an tiến hành kiểm tra Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh thương mại Hoàng Lan đã phát hiện 560 chiếc công tơ điện loại 1 và 216 công tơ điện loại 3 pha mang nhãn hiệu GELEX là giả.
Vào khoảng 9h45’ ngày 31/12, tổ công tác của Phòng 5- Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm buôn lậu - Bộ Công an, Đội chống buôn lậu, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP Hà Nội và Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1, Chi cục QLTT TP Hà Nội phối hợp kiểm tra trụ sở, kho chứa hàng của Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh thương mại Hoàng Lan ở số 27 lô 2, Đền Lừ II, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội. Công ty này do Nguyễn Khương Duy (23 tuổi, ở tại địa chỉ trên) làm giám đốc.
Thời điểm tổ công tác tiến hành kiểm tra Công ty của giám đốc Nguyễn Phương Duy, phát hiện 560 chiếc công tơ điện loại 1 và 216 công tơ điện loại 3 pha mang nhãn hiệu GELEX, đang được bảo hộ cho chủ sở hữu của Tổng công ty Cổ phần thiết bị điện Việt Nam bị làm giả.
Ông Đoàn Quốc Tú, Giám đốc Chi nhánh Hà Nội Công ty Cổ phần khí cụ điện 1 (Vinakip) cho biết, bước đầu xác định 3 sản phẩm của Vinakip bị làm giả là phích cắm, ổ cắm và bảng điện. Các sản phẩm bị làm giả hết sức tinh vi, có hình thức giống đến 90%.
Kiểm tra cho thấy, chất liệu của 3 loại sản phẩm bị làm giả là nhựa tái chế, thay vì nhựa nguyên sinh như sản phẩm thật. Do đó, khi sử dụng, sẽ dễ gây chập cháy, hỏng hóc, ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng. Cơ quan CSĐT đã ra lệnh khám xét khẩn cấp chỗ ở, chỗ làm việc đối với Nguyễn Khương Duy.
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra mở rộng.
Thép Trung Quốc lấy xuất xứ Việt Nam để xuất sang EU
Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam vừa có thông tin gửi đến Tuổi Trẻ liên quan đến hai doanh nghiệp lấy xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu thép của Trung Quốc vào EU.
Doanh nghiệp sản xuất thép ở Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nếu EU phát hiện gian lận xuất xứ. Trong ảnh, sản xuất thép tại một công ty ở Việt Nam - Ảnh: Trung Hà
Theo đó, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định chi nhánh của mình ở TP.HCM chưa bao giờ cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) cho Công ty TNHH Quốc Việt, Long An. Việc công ty này bị phát hiện có hai bộ C/O Việt Nam được xác định do làm giả.
Với Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khiết Tâm (TP.HCM), VCCI dẫn thông tin thêm, công ty này đã nhập mặt hàng co nối bằng sắt thép từ Trung Quốc sang Việt Nam với hình thức tạm nhập tái xuất.
Nếu theo đúng quy định, mặt hàng này không thể có chứng nhận xuất xứ từ Việt Nam. Tuy nhiên, điều tra ban đầu và kết quả hậu kiểm, VCCI cho biết Công ty Khiết Tâm đã cung cấp các tờ khai hải quan xuất khẩu giả khi đề nghị cấp C/O tại chi nhánh VCCI ở TP.HCM.
VCCI cho biết đơn vị này đã thực hiện đúng quy định về việc cấp C/O xuất xứ không ưu đãi của Việt Nam.
Theo bà Trần Thị Thu Hương - Giám đốc trung tâm xác nhận chứng từ thương mại VCCI, việc hai doanh nghiệp trên gian lận là nhằm né thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp mà EU đang áp cho nhiều mặt hàng thép Trung Quốc.
Trước đó, Bộ Công thương đã có văn bản gửi đến VCCI và Tổng cục Hải quan, nêu dấu hiệu hai doanh nghiệp trên gian lận và yêu cầu làm rõ trách nhiệm, có biện pháp xử lý các công ty và cá nhân liên quan.
Bộ Công thương cũng đề nghị hai cơ quan trên rút kinh nghiệm và tăng cường kiểm tra, giám sát để ngăn chặn các hành vi vi phạm xuất xứ, nhất là các mặt hàng đang trong diện chịu thuế chống bán phá giá, trợ cấp của các nước.
Sản xuất trong nước phải thắng trên sân nhà
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu chỉ đạo như vậy tại hội nghị tổng kết công tác năm 2015 và triển khai kế hoạch năm 2016 của ngành công thương hôm 31-12-2015.
Ghi nhận đóng góp rất lớn của ngành công thương trong tăng trưởng kinh tế năm 2015, song Thủ tướng vẫn yêu cầu Bộ Công thương tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật, chính sách để tạo điều kiện cho công nghiệp, thương mại phát triển.
Theo Thủ tướng, Nhà nước phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân và nhà đầu tư nước ngoài phát triển sản xuất kinh doanh. Muốn tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh của nhà đầu tư, của người dân thì chỉ có thể bằng các cơ chế chính sách thuận lợi, thông thoáng chứ không thể kêu gọi bằng tinh thần.
Trước tiên, Bộ Công thương phải rà soát chính sách theo nguyên tắc thị trường. Đồng thời phải nghe ý kiến doanh nghiệp, người dân, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để đề xuất cơ chế chính sách phù hợp. “Đây là nhiệm vụ của cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân không làm thay được. Nếu không làm được việc này thì không thể nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước” - Thủ tướng nói.
Mặt khác, Thủ tướng cũng giao ngành công thương phải tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu vì thị trường quyết định sản xuất trong nước. Phải tạo mọi điều kiện để mở thị trường cho những mặt hàng ta có thế mạnh như dệt may, da giày, nông sản, đồ gỗ... “Chúng ta đã ký kết các hiệp định thương mại với 55 thị trường, vậy làm sao tận dụng được lợi thế để phát triển và đẩy mạnh xuất khẩu. Vì mở được thị trường không những chỉ là phát triển kinh tế mà còn tạo công ăn việc làm” - Thủ tướng yêu cầu.
Với nội dung của các hiệp định thương mại hay Cộng đồng kinh tế ASEAN đã ký kết, Thủ tướng đề nghị Bộ Công thương cần làm sổ tay tóm tắt và đưa lên mạng Internet để tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp.
Viễn thông 2015: doanh thu 340.000 tỉ đồng, lời 56.000 tỉ
Doanh thu trong lĩnh vực viễn thông năm 2015 đạt khoảng 340.000 tỉ đồng, lợi nhuận ước tính đạt 56.000 tỉ đồng, nộp ngân sách nhà nước trên 46.880 tỉ đồng.
Đây là những con số được Bộ Thông tin và truyền thông công bố ngày 31-12.
Trong đó, các “đại gia” viễn thông cũng đều công bố doanh thu và lợi nhuận khủng. Dẫn đầu là Viettel với doanh thu 222.700 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế là 45.800 tỉ đồng, tăng 8,5% so với năm trước.
Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt nam (VNPT) cho biết tổng doanh thu của tập đoàn năm 2015 dự kiến đạt hơn 80.800 tỉ đồng, tổng lợi nhuận là 3.280 tỉ đồng, vượt mục tiêu đề ra. Trong đó, riêng lợi nhuận của khối kinh doanh dịch vụ viễn thông - CNTT đạt tới 3.050 tỉ đồng.
Năm 2015 đánh dấu mốc là năm đầu tiên Tổng công ty viễn thông MobiFone tách ra khỏi VNPT để chuyển về Bộ Thông tin và truyền thông quản lý, chuyển từ mô hình công ty sang thành tổng công ty và tiến tới cổ phần hóa. Tổng doanh thu năm 2015 của MobiFone đạt khoảng 36.900 tỉ đồng và lợi nhuận là 7.395 tỉ đồng.
Một số doanh nghiệp khác trong lĩnh vực viễn thông- CNTT cũng công bố doanh thu khủng cho năm 2015: Công ty cổ phần Viễn thông Hà Nội (Hanoi Telecom) với mạng di động Vietnamobile có 11 triệu thuê bao ước tính đạt tổng doanh thu 9.950 tỉ đồng.
Công ty cổ phần FPT cho biết doanh thu năm 2015 đạt 39.679 tỉ đồng. Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện (VTC) ước tính doanh thu đạt 3.500 tỉ đồng với lợi nhuận đạt 123 tỉ đồng…
Bình quân 1 người dùng 1,4 thuê bao di dộng
Bộ Thông tin và truyền thông cho biết trong năm 2015, thị trường dịch vụ viễn thông, Internet cạnh tranh mạnh. Số lượng thuê bao Internet băng thông rộng ước đạt khoảng 7,6 triệu thuê bao. Số lượng thuê bao di động đạt khoảng 122 triệu thuê bao, giảm so với năm 2014 do các nhà mạng tăng cường quản lý SIM rác.
Trong số thuê bao di động, thuê bao 3G có chiều hướng tăng nhanh và số thuê bao 2G giảm mạnh. Bộ cho biết tỉ lệ thuê bao di động đạt tới 140 thuê bao/100 dân, thuê bao Internet băng rộng cố định là 8,2 thuê bao/100 dân, trong khi tỉ lệ người sử dụng Internet đã đạt 52% dân số và tỉ lệ phủ sóng di động là 94% dân số.
Bộ Thông tin và truyền thông cho biết trong năm 2016 sẽ chính thức cho phép triển khai công nghệ di động 4G (LTE). Đồng thời đẩy mạnh việc phối hợp với các bộ ngành liên quan trong thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm về phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo.
Đề nghị tắt mạng 2G “dọn đường” cho 4G
Phát biểu tại hội nghị, tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông quân đội Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị Bộ Thông tin và truyền thông có lộ trình tắt 2G để giải phóng tần số 4G.
Theo ông Hùng, việc tắt 2G để giải phóng tần số 4G, như một số nước đã làm, là “nhằm đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa mạng viễn thông Việt Nam trong bối cảnh tài nguyên tần số đang cạn kiệt” và xu thế chung của thế giới cũng như trong nước là 2G thoái trào và ngày càng bị thay thế bởi các công nghệ tiên tiến hơn như 3G, 4G, thậm chí 5G.
Về triển vọng triển khai 4G, ông Hùng cho biết theo tính toán, khi mật độ 3G đạt 35-40% thì có thể đầu tư 4G hiệu quả. Hiện nay, số thuê bao 3G tại Việt Nam đã chiếm trên 35% tổng số thuê bao toàn quốc.
Lãnh đạo Tập đoàn Viettel cho biết Tập đoàn Viettel đã bắt đầu triển khai nghiên cứu ứng dụng 5G. Tổng giám đốc Viettel cho rằng 4G sẽ kết thúc thời kỳ “alo” là nguồn thu chính của nhà mạng, mở ra thời kỳ các ứng dụng của smartphone. 5G sẽ kết thúc thời kỳ doanh thu sinh ra từ kết nối con người, mở ra thời kỳ kết nối vạn vật.
Đến thời điểm này, Bộ Thông tin và truyền thông vẫn chưa chính thức cấp phép 4G. Viettel là nhà mạng di động đầu tiên cung cấp thử nghiệm 4G tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Tập đoàn này đã lắp đặt hơn 200 trạm phát sóng bao phủ toàn bộ khu vực TP Vũng Tàu, Bà Rịa và huyện Long Điền. Tốc độ 4G thử nghiệm hiện tại của Viettel đạt mức trung bình 40-80 Mbps, cao gấp 10 lần so với tốc độ 3G.
Trong khi đó, VNPT cũng đang thử nghiệm hai trạm phát sóng 4G tại Phú Quốc và TP.HCM. Tại các khu vực này, cơ sở hạ tầng đã được lắp đặt và đang hoàn thiện. Sau khi bộ cấp phép, các nhà mạng sẽ mất thêm thời gian nhất định để triển khai cung cấp dịch vụ.
Dự kiến phải đến cuối năm 2016, các nhà mạng mới có thể chính thức cung cấp dịch vụ 4G.
Đề nghị của ông Hùng cũng gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Trao đổi ngay bên lề hội nghị, đại diện một số sở thông tin và truyền thông các tỉnh cho rằng việc tắt 2G sẽ ảnh hưởng đến không ít người dân không có nhu cầu hoặc không có điều kiện sử dụng dịch vụ 3G, 4G.