Cơ hội của tôm, cá tra, cá ngừ từ cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung; 80% dân thành thị ăn tương ớt; Nga đáp trả biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ
Tin kinh tế đọc nhanh 04-08-2018
- Cập nhật : 04/08/2018
Airbus hợp tác với Việt Nam phát triển ngành công nghiệp vũ trụ
Airbus hôm nay (2.8) thông báo đã ký một ý định thư (LOI) với Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam (MOST) về hợp tác trong lĩnh vực không gian vũ trụ.
Theo đó, các lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa hai bên bao gồm trao đổi thông tin liên quan đến quan sát trái đất, tổ chức, tham gia các sự kiện khoa học công nghệ và nghiên cứu công nghệ vệ tinh.
Theo ông Nicolas Chamussy, Giám đốc Hệ thống không gian của Airbus, Việt Nam và Airbus từng là đối tác với dự án vệ tinh VNREDSat-1 và ý định thư này sẽ tạo điều kiện cho hãng hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp vũ trụ tại Việt Nam. Bản ghi nhớ này sẽ tạo điều kiện cho hai bên tiếp tục hợp tác về các chủ đề liên quan đến quan sát trái đất và công nghệ vệ tinh.
Năm 2010, Airbus được trao hợp đồng phát triển, sản xuất và phóng vệ tinh quan sát trái đất đầu tiên của Việt Nam. VNREDSat-1 đã được phóng thành công vào tháng 5.2013, giúp Việt Nam theo dõi và nghiên cứu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dự báo và thực hiện các biện pháp phòng chống thiên tai, tối ưu hóa việc quản lý tài nguyên thiên nhiên.
Ngoài vệ tinh VNREDSat-1, hãng sản xuất máy bay Châu Âu cũng đang tăng cường sự hiện diện công nghiệp tại Việt Nam, nơi một số công ty địa phương cung cấp các chi tiết và linh kiện cho dòng sản phẩm máy bay dân dụng của Airbus. Các hoạt động này giúp tạo việc làm cho 550 công nhân lành nghề của Việt Nam.
Trong lĩnh vực giáo dục, Airbus đang hỗ trợ phát triển hai chương trình đào tạo mới tại Trường đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH), giúp Việt Nam đáp ứng các yêu cầu ngày càng tăng đối với các kỹ sư và chuyên gia hàng không vũ trụ.(Thanhnien)
---------------------
Tỉ phú Thái Lan đưa Bia Sài Gòn đến giải Ngoại hạng Anh
Chiều 2-8, Bia Sài Gòn lên tiếng về việc logo thương hiệu này bất ngờ xuất hiện trên áo thi đấu của đội bóng Leicester City tại Giải Ngoại Hạng Anh
Đại diện Tổng công ty Bia rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cho hay Bia Sài Gòn sẽ xuất hiện tại giải Ngoại hạng Anh với cương vị nhà tài trợ chính thức.
Cụ thể, logo và tên của thương hiệu Bia Sài Gòn sẽ xuất hiện và đồng hành cùng đội bóng Leicester City trong suốt mùa giải 2018-2019. Sự kiện này đánh dấu cột mốc quan trọng của Bia Sài Gòn – thương hiệu mệnh danh là "Niềm tự hào Việt Nam" – trong hành trình vươn ra thế giới bằng việc góp mặt tại một trong những giải đấu bóng đá danh giá nhất hành tinh.
Song song với kế hoạch hợp tác, Bia Sài Gòn dự kiến mang đến nhiều chương trình truyền thông phức hợp dành riêng cho thị trường Việt Nam từng khoảnh khắc chiến thắng của CLB Leicester City.
Logo Bia Sài Gòn xuất hiện trên áo đấu mùa giải 2018/2019 của CLB Leicester City. Ảnh: Leicester City FC.
Đại diện Sabeco cho biết quyết định tham gia tài trợ giải ngoại hạng Anh là bước ngoặt đầu tiên trong chiến lược dài hạn của ThaiBev - cổ đông lớn nhất của Sabeco - nhằm nâng tầm thương hiệu Bia Sài Gòn, tiếp tục giữ vững vị trí đứng đầu tại thị trường Việt Nam, vươn ra thế giới và đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bởi giải đấu này dự kiến mang tên tuổi thương hiệu Bia Sài Gòn đến hơn 4,7 tỉ khán giả theo dõi những trận bóng kịch tính khắp thế giới.
Trước đó, trang web chính thức của CLB Leicester City đã thông báo về thỏa thuận hợp tác với Bia Sài Gòn, được giới thiệu là công ty con của ThaiBev. Theo đó, logo của Bia Sài Gòn sẽ xuất hiện trên áo đấu chính thức của đội bóng này trong các trận đấu tại mùa giải Ngoại hạng Anh 2018-2019.
Ngoài ra, logo Bia Sài Gòn cũng sẽ xuất hiện trên phông bạt hậu cảnh phỏng vấn sau trận đấu, các bảng quảng cáo điện tử cũng như tại các hoạt động giao lưu với các cổ động viên.
Tuy nhiên, thương hiệu nổi tiếng nhất của ThaiBev là bia Chang vẫn là nhà tài trợ chính của sân vận động King Power Stadium và là loại bia duy nhất được bán tại sân này.
Năm ngoái, ThaiBev, doanh nghiệp của tỉ phú Thái Lan, ông Charoen Sirivadhanabhakdi, đã thông qua Công ty TNHH Vietnam Beverage đã chi hơn 5 tỉ USD mua hơn 343,6 triệu cổ phiếu Sabeco (tương ứng 53,6% vốn), chính thức thâu tóm Sabeco, doanh nghiệp giữ khoảng 40% thị phần bia tại Việt Nam.
Mới đây, người Thái đã chính thức bước chân vào Hội đồng quản trị và ban lãnh đạo của Sabeco, nắm giữ những cương vị quan trọng, như Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc, giám đốc bán hàng và tài chính.(NLĐ)
-----------------------
Hơn 2.500 ô tô 'vua bán tải' Ford Ranger bị triệu hồi
Tất cả xe Ranger nằm trong đợt triệu hồi lần này đều được sản xuất trong năm 2015 và đều là phiên bản sử dụng động cơ 2.2L được trang bị hộp số sàn MT.
Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa phát đi thông báo triệu hồi 2.566 xe Ford Ranger nhập khẩu từ Thái Lan.
Theo thông báo từ Cục, trên một số xe Ford Ranger bị ảnh hưởng, kẹp giữ cáp chuyển số có thể không được lắp vào khớp hoàn toàn với phần kim loại của cáp phanh tay, theo thời gian có thể dẫn đến việc các cáp chuyển số tiếp xúc với trục các đăng (láp dọc).
Việc tiếp xúc liên tục có thể làm hư hỏng các cáp chuyển số và láp dọc, dẫn đến khó chuyển số hoặc mất dẫn động.
Tất cả xe Ranger nằm trong đợt triệu hồi lần này đều được sản xuất trong năm 2015 và đều là phiên bản sử dụng động cơ 2.2L được trang bị hộp số sàn MT.
Thời gian dự kiến để kiểm tra và khắc phục lỗi kể trên sẽ rơi vào khoảng 1,6 giờ làm việc. Mọi chi phí cho hoạt động sửa chữa thay thế sẽ do Ford Việt Nam chi trả. Chương trình triệu hồi sẽ kéo dài từ nay đến hết 27-7-2020.(PLO)
------------------------------
Đức chặn đứng vụ thâu tóm của công ty Trung Quốc
Chính phủ Đức ngày 1/8 đã ra quyết định chặn thương vụ thâu tóm một công ty cơ khí của Đức do một công ty Trung Quốc tiến hành, với lý do được đưa ra là lo ngại về an ninh quốc gia.
Theo tin từ BBC, công ty Trung Quốc có tên Yantai dự định mua công ty sản xuất máy công cụ Đức Leifeld, nhưng thương vụ này đặt ra nhiều lo ngại về chính trị. Các sản phẩm của Leifeld chuyên được sử dụng trong các ngành công nghiệp hàng không vũ trụ và hạt nhân của Đức.
Lời chào mua Leifeld được Yantai rút lại sau khi Berlin phát tín hiệu sẽ kích hoạt những thẩm quyền mới để chặn các vụ thâu tóm doanh nghiệp Đức bởi các công ty nước ngoài.
Năm ngoái, Đức đã siết chặt các quy định về đầu tư nước ngoài vào nước này, cho phép Chính phủ Đức có thẩm quyền rộng lớn hơn trong việc ngăn chặn các vụ thâm tóm. Chặn vụ thâu tóm Leifeld đánh dấu lần đầu tiên quy định mới được đưa vào sử dụng.
Cổ đông chính của Leifeld là ông Georg Koffler nói với hãng tin Reuters rằng Yantai đã rút lại lời chào mua trước khi Berlin tuyên bố phủ quyết thương vụ.
Ông Koffler chỉ trích sự can thiệp này của Berlin, nói rằng: "Chúng tôi tin những lo ngại về an ninh được đưa ra là không hợp lý".
Động thái của Chính phủ Đức diễn ra trong bối cảnh có nhiều lo ngại rằng các công ty Trung Quốc có thể giành quá nhiều ảnh hưởng tại châu Âu thông qua các vụ đầu tư. Một số chính trị gia và doanh nhân đã phàn nàn rằng Liên minh châu Âu (EU) quá cởi mở với vốn đầu tư từ nước ngoài, so với những gì Bắc Kinh cho phép đối với các công ty nước ngoài.
Tuy nhiên, tháng 6 năm nay, Chính phủ Trung Quốc đã có bước đi nới lỏng hạn chế đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực ngân hàng, ôtô và nông nghiệp của nước này.
Với động thái chặn thương vụ Yantai-Leifeld, Đức có vẻ như đang "nhập hội" cùng với Mỹ và Canada thể hiện lập trường cứng rắn đối với các thương vụ kinh doanh với Trung Quốc.
Hồi tháng 7, Mỹ đã cân nhắc các kế hoạch hạn chế vốn đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ. Sự giám sát này liên quan đến những lo ngại rằng các công ty Trung Quốc, trong đó có những doanh nghiệp quốc doanh, có thể thâu tóm các công ty công nghệ cao của Mỹ vì mục đích quân sự.
Lần gần đây nhất một công ty Trung Quốc thâu tóm một công ty Đức là vào năm 2016, khi công ty sản xuất thiết bị gia dụng lớn nhất Trung Quốc Midea mua lại hãng sản xuất người máy (robot) công nghiệp Kuka.(Vneconomy)