tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 02-08-2018

  • Cập nhật : 02/08/2018

Bloomberg: Mỹ, Trung Quốc tìm cách đối thoại, tránh chiến tranh thương mại

Mỹ và Trung Quốc đang cố tái khởi động các cuộc đàm phán nhằm tránh một cuộc chiến thương mại toàn diện giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Các đại diện của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã có các cuộc trao đổi riêng để tìm cách nối lại đàm phán, Bloomberg dẫn các nguồn thạo tin hôm nay cho biết.

Họ lưu ý rằng thời gian cụ thể, vấn đề thảo luận và hình thức đàm phán vẫn chưa được quyết định nhưng hai bên đã nhất trí cần đối thoại nhiều hơn. Tiến trình đàm phán để giải quyết căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã bị đình trệ suốt nhiều tuần. Hai bên đều từ chối hành động trước.

Nguồn tin thứ ba tiết lộ đàm phán cấp cao Mỹ - Trung về hành vi thương mại sẽ diễn ra trong tuần này.

Ngay sau khi xuất hiện thông tin trên, chỉ số Dow Jones trên sàn chứng khoán Mỹ đã tăng 100 điểm, cổ phiếu 3M và Boeing tăng mạnh nhất. S&P 500 tăng 0,4%, Nasdaq tăng 0,7%.

Nỗ lực xóa bỏ căng thẳng của ông Mnuchin đang bị cản trở phần nào bởi lập trường cứng rắn của Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer, người có thẩm quyền trong cuộc điều tra dẫn đến chính sách thuế quan. Cuộc điều tra cho thấy Trung Quốc đánh cắp công nghệ của Mỹ và Washington cần áp thuế để bù đắp thiệt hại.

Đợt thuế tiếp theo dự kiến có hiệu lực sớm nhất vào ngày 1/8 với lượng hàng hóa trị giá 16 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc. Trung Quốc tuyên bố sẽ đáp trả tương xứng. Trước đó, Washington hồi đầu tháng 7 đã áp thuế với 34 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu dẫn đến động thái tương tự từ Bắc Kinh.(NDH)
-------------------

Nhật Bản đứng đầu danh sách xuất khẩu phế liệu vào Việt Nam

Chỉ tính nửa đầu năm 2018, Nhật Bản đã xuất khẩu hơn 1 triệu tấn phế liệu các loại sang Việt Nam, chiếm khoảng 20% tổng số phế liệu trị giá 1,2 tỉ USD nhập vào nước ta.

Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), trong 6 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã nhập khẩu gần 4,1 triệu tấn phế liệu bao gồm: nhựa phế liệu, giấy phế liệu và sắt thép phế liệu. Tổng giá trị số phế liệu nhập khẩu khoảng hơn 1,2 tỉ USD, trong đó sắt thép phế liệu chiếm hơn 958 triệu USD.

Ông Trần Đức Hùng, Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Hải quan, cho biết trong 6 tháng đầu năm có 240 doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu. 

Cũng theo ông Hùng, các thị trường chính xuất khẩu phế liệu nhựa, giấy, sắt thép vào Việt Nam gồm Thái Lan, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Trong đó, chiếm tỉ trọng cao nhất là Nhật Bản, kế đến là Mỹ.

Ngoài ra, nguồn phế liệu vào Việt Nam còn đến từ các thị trường như Đài Loan, Đức, Bỉ, Úc, Lào.

Nhật Bản đứng đầu danh sách xuất khẩu phế liệu vào Việt Nam - Ảnh 1.

Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường làm việc tại cảng Cát Lái về việc giải quyết hàng phế liệu tồn đọng - Ảnh: Sơn Nhung

Theo số 6 tháng đầu năm của Tổng cục Hải quan, Nhật Bản đã xuất khẩu phế liệu nhựa vào Việt nam chiếm tỉ trọng 24,8%, phế liệu giấy chiếm 39,6%, phế liệu sắt thép chiếm 29,7%. 

Như vậy, toàn bộ số phế liệu Nhật Bản xuất khẩu Việt Nam trong nửa đầu năm 2018 là trên 1 triệu tấn trong tổng số gần 4,1 triệu tấn từ tất cả các thị trường trên thế giới.

Trog khi đó, ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý (Tổng cục Hải quan), cho biết hiện đang tồn 3.579 container phế liệu tại cảng Cát Lái (TP HCM) và 1.485 container tại cảng Hải Phòng. Chiếm phần lớn trong số này đều là các container đã tồn quá 90 ngày.

Theo ông Tuấn, đối với hàng hóa là phế liệu đang tồn đọng tại các cảng, cơ quan hải quan tiến hành rà soát, phân loại và xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp hàng hóa nhập khẩu quá 90 ngày kể từ ngày đến cửa khẩu nhưng không có người đến nhận thì chủ phương tiện vận tải, người điều khiển vận tải hoặc người được chủ phương tiện vận tải ủy quyền phải vận chuyển hàng hóa đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.(NLĐ)
---------------------------

Tương lai Facebook, Twitter sẽ thế nào sau đợt giảm mạnh vừa qua?

 Suốt nhiều tháng liền, các nhà đầu tư vào Facebook và Twitter đã phớt lờ mọi lo ngại liên quan đến cáo buộc can thiệp bầu cử, nhà quản lý tăng cường giám sát và vấn đề riêng tư trong ngành công nghiệp này.

Họ chỉ quan tâm hai mạng xã hội này ngày càng có nhiều người dùng xem quảng cáo, đồng nghĩa nguồn thu tăng. Cổ phiếu Facebook (FB) vẫn tăng cao nhất lịch sử dù công ty này vướng vào bê bối dữ liệu với Cambridge Analytica. Giá trị Twitter (TWTR) đã tăng gần gấp đôi trong năm nay nhờ bước ngoặt trong hoạt động kinh doanh.

Mọi thứ đã thay đổi trong tuần trước. FB và TWTR giảm mạnh chỉ trong vòng vài giờ sau khi hai công ty công bố báo cáo kết quả kinh doanh. Báo cáo này làm dấy lên lo ngại hai công ty có thể tăng trưởng như thế nào trong tương lai khi mức độ giám sát của nhà chức trách ngày càng tăng còn tăng trưởng người dùng đã tới giới hạn.

Cụ thể cổ phiếu Twitter giảm 21% trong phiên ngày 27/7 xuống 34,13 USD/cổ phiếu. Trước ngày đen tối này, TWTR đã tăng gần 80% trong năm nay, mất 6,6 tỷ USD vốn hóa thị trường.

Trong khi đó, cổ phiếu Facebook cũng phải trải qua cơn ác mộng hôm 26/7, giảm 19% xuống 176,26 USD/cổ phiếu, mất 120 tỷ USD vốn hóa thị trường chỉ sau một ngày, từ 630 tỷ USD hôm 25/7 còn 510 tỷ USD – ngày tồi tệ nhất kể từ khi IPO năm 2012.

Facebook, có thời gian dài tăng trưởng liên tục, hôm 25/7 cảnh báo các cổ đông rằng chuỗi ngày tươi đẹp đó đang dần biến mất. Công ty dự báo tăng trưởng doanh thu sẽ chậm đáng kể bởi đầu tư vào “đặt yếu tố riêng tư lên trên hết”.

Twitter hôm 27/7 thông báo đã mất khoảng 1 triệu người dùng/tháng trong quý II khi công ty này thanh lọc mạng xã hội và tuân thủ quy định mới về riêng tư của Liên minh châu Âu (EU). Công ty cũng cảnh báo cổ đông rằng có thể mất thêm hàng triệu người dùng trong quý III do tiếp tục “đầu tư mạnh mẽ” cho sức khỏe của nền tảng xã hội này.

“Twitter và Facebook phải thay đổi mô hình kinh doanh ở một mức độ nào đó”, Daniel Ives, nhà phân tích thuộc GBH Insights, nói. “Họ đang đầu tư hơn cho an ninh, điều chỉnh cách thức thu thập dữ liệu để phù hợp với những quy định mới về riêng tư tại châu Âu và tập trung vào ‘thanh lọc nền tảng hơn là chỉ chú ý đển mảng quảng cáo kiếm USD’”.

Tuy nhiên, việc điều chỉnh mô hình kinh doanh dựa trên quảng cáo với các tiêu chuẩn riêng tư chặt chẽ hơn chỉ là một phần vấn đề. Cả hai công ty đều đã chạm ngưỡng trần tăng trưởng người dùng. Facebook có 2,23 tỷ người dùng/tháng còn Twitter có 335 triệu người dùng/tháng.

Facebook đã tối đa hóa người dùng tại hầu hết các thị trường một cách hiệu quả, gồm châu Âu, Mỹ và Canada. Đồng thời, hãng cũng chú ý đến trải nghiệm của người dùng trên ứng dụng bằng cách thêm tính năng Stories (Ngày của bạn), tương tự như Snapchat, với ít cảm giác “làm tiền” hơn News Feed (Bảng tin).

“Câu hỏi đặt ra là liệu Facebook có kiếm tiền từ Stories nhiều như News Feed không?”, Sheryl Sandberg, COO của Facebook, nói về vấn đề Stories với các nhà phân tích tuần trước. “Thành thực mà nói, chúng tôi không rõ”.

Sự bất ổn trên là cú sốc với hệ thống Phố Wall. “Facebook từng là cỗ máy tăng trưởng. Đó là cậu bé vàng của Phố Wall”, Ives nói.

Sự sụt giảm người dùng của Twitter làm dấy lên lại lo ngại chỉ số này sẽ mãi ở mốc 300 triệu tài khoản, làm dấy lên nghi ngờ về khả năng thu hút thêm quảng cáo và hồi phục tài chính.

“Twitter nêu rõ rằng các nhà đầu tư nên biết rằng số người dùng sẽ giảm”, Michael Pachter, nhà phân tích tại Wedbush nói. “Đó giống như là thiếu khả năng tăng trưởng và họ sẽ không bấm ‘thích’ cho thông tin đó”.(NDH)

Trở về

Bài cùng chuyên mục