tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 03-08-2018

  • Cập nhật : 03/08/2018

Giá trái cây nhiệt đới đang giảm do sản lượng tăng

Do được mùa nên giá một số trái cây nhiệt đới như sầu riêng, bơ… tại châu Á đang giảm nhanh.

Giá sầu riêng tại Trung Quốc đang giảm nhanh, từ chỗ khoảng vài chục NDT/0,5 kg hiện chỉ còn 13 NDT. Hầu như toàn bộ sầu riêng tại Trung Quốc được nhập từ Thái Lan, các giống chủ yếu là Mon Thong, Red Sun, và Kan Yao. Mùa sầu riêng năm nay đến muộn hơn mọi năm, nhưng sản lượng tăng nên nguồn cung ngày càng tăng, và dự kiến xu hướng này sẽ còn tiếp diễn trong tương lai gần.

Sản lượng sầu riêng của Thái Lan năm nay cao kỷ lục, trong khi đó tiêu thụ nội địa giảm. Tuy nhiên, xuất khẩu mặt hàng này lại tăng mạnh. Theo nguồn Chinese Nikkei, đó là bởi sự cải thiện đáng kể các mạng lưới thông tin xuyên biên giới và sự phát triển của thương mại điện tử đã giúp người sản xuất và người tiêu dùng đến gần nhau hơn, nhất là tại khu vực châu Á. Theo nguồn tin này, sự phát triển thương mại điện tử ở Trung Quốc không chỉ giúp nước này bán hàng hóa sang thị trường Đông Nam Á mà còn làm tăng nhập khẩu từ thị trường Đông Nam Á để đáp ứng nhu cầu khổng lồ tại Trung Quốc. Sầu riêng là một trong những mặt hàng nổi bật trong quá trình này.

Sản lượng sầu riêng Thái Lan vào khoảng 600.000 tấn/năm trong vòng 5 năm tới 2017, phần lớn trong đó (khoảng 500.000 tấn) được xuất khẩu, và phần lớn trong lượng xuất khẩu (80-90%) tới Trung Quốc (cho tới 2016).

Bơ là loại trái cây mới lạ và đắt tiền tại thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi rất nhanh nhờ thương mại giữa nước này với châu Mỹ Latinh.

Trung Quốc đã nhập khẩu hơn 30.000 tấn trái bơ trong năm 2017, gấp 1.000 lần so với 2011. Trái với xu hướng khối lượng nhập tăng, giá bơ liên tục giảm, giảm khoảng 5 lần trong cùng khoảng thời gian đó.

Đại diện thương mại của Peru ỏ Thượng Hải cho biết, thương mại bơ được hưởng lợi nhờ Trung Quốc giảm thuế quan và nhập khẩu trái cây từ Mỹ Latinh liên tục tăng. Năm 2017, Trung Quốc nhập 8.800 tấn bơ Mexico, 16.700 tấn từ Chile và 6.700 tấn từ Peru.

Thái Lan đang xem xét cấm nhập khẩu dừa trong khoảng 3 tháng (tháng 8-10) để đẩy giá dừa trong nước tăng lên. Được biết năm nay giá dừa giảm nhiều do nhập khẩu liên tiếp tăng trong 2-3 năm vừa qua (sau đợt dịch bệnh trước đó). “Hiện vấn đề dịch bệnh đã được giải quyết và cần có những biện pháp để cân bằng thị trường”, Bộ trưởng Thương mại nước này cho biết. (CafeF)
---------------------

Trung Quốc vượt Mỹ về thị phần điện thoại thông minh

Trung Quốc đã lần đầu tiên vượt Mỹ về thị phần điện thoại thông minh (smartphone), theo đó cùng với Hàn Quốc thống lĩnh ngành công nghiệp sản xuất này trên toàn cầu.

Theo số liệu thống kê doanh thu trong quý vừa qua (từ tháng 4 đến cuối tháng 6/2018) của các hãng sản xuất smartphone hàng đầu thế giới do công ty nghiên cứu thị trường thiết bị di động IDC thực hiện, tập đoàn công nghệ viễn thông Huawei của Trung Quốc đã lần đầu tiên vượt qua đối thủ Apple Inc của Mỹ về thị phần smartphone.

Cụ thể, trong quý này, Huawei đã xuất xưởng 54,2 triệu chiếc điện thoại thông minh - tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi Apple chỉ tung ra 41,3 triệu chiếc.

Sự vươn lên mạnh mẽ của Huawei đưa hãng này vào vị trí thứ 2 trên bảng xếp hạng các hãng smartphone lớn nhất thế giới, chiếm 15,8% thị trường smartphone toàn cầu, so với mức 20,9% của Samsung (71,5 triệu điện thoại được xuất xưởng) và 12,1% của Apple.

Hai thương hiệu smartphone khác của Trung Quốc là Xiaomi và Oppo cũng góp mặt trong top 5 danh sách của IDC.

Các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc đang có ảnh hưởng ngày càng lớn trong bối cảnh thị trường trong nước tiếp tục tăng trưởng và các hãng đẩy mạnh thị phần ở nước ngoài. Huawei đã có những bước tiến mạnh ở thị trường châu Âu và châu Phi, dù chưa thể mở được cánh cửa thị trường Mỹ.

Chuyên gia Ben Stanton nhận xét: "Không thể xem nhẹ việc Huawei vượt qua Apple trong quý vừa qua. Đây là lần đầu tiên trong 7 năm qua, Samsung và Apple không cùng nắm giữ 2 vị trí cao nhất về thị phần smartphone.

Việc không vào được thị trường Mỹ đã buộc Huawei phải cố gắng nhiều hơn ở châu Á và châu Âu để đạt mục tiêu của mình".

Trong khi đó, ông Ryan Reith, một quản lý cấp cao của IDC, cho biết dòng iPhone của Apple cũng có “màn trình diễn” ổn định, với mẫu iPhone X cao cấp khá “đắt hàng” ở nhiều thị trường. IDC dự báo Apple sẽ giành lại vị trí thứ hai trên thị trường smartphone với việc phát hành các mẫu iPhone mới vào mùa Thu năm nay.

Hiện Apple, Huawei và Samsung là những đối thủ chính cạnh tranh trong phân khúc điện thoại cao cấp có giá từ 700 USD trở lên.

Số liệu sơ bộ của IDC cũng cho thấy đã có tổng cộng 342 triệu smartphone được đưa ra thị trường tiêu thụ trong quý vừa qua, giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước, quý suy giảm thứ ba liên tiếp của thị trường smartphone toàn cầu.

Các chuyên gia của IDC cho rằng sự bão hòa của thị trường và giá bán trung bình leo thang là một trong những yếu tố làm giảm tốc đà tăng trưởng của thị trường này.

Bên cạnh đó, báo cáo của IDC cho biết rằng người tiêu dùng ở nhiều thị trường vẫn sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các mẫu điện thoại cao cấp, với kỳ vọng thiết bị của họ có thời gian sử dụng lâu hơn và vượt trội hơn so với các thế hệ trước thường có giá rẻ hơn.(TTXVN)
----------------------------

Mỹ dự kiến tăng thuế mạnh đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập từ Trung Quốc

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ đề xuất nâng thuế lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập từ Trung Quốc thay vì 10% dự kiến trước đó, một động thái sẽ làm gia tăng áp lực lên Bắc Kinh và buộc họ trở lại bàn đàm phán.

Ngày 06/07/2018, Mỹ đã áp thêm thuế nhập khẩu 25% lên 34 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và giai đoạn xem xét hàng rào thuế quan đối với 16 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sẽ kết thúc vào ngày thứ Tư (01/08/2018). Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa áp thêm thuế nhập khẩu 10% lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, nhưng chính quyền Mỹ có thể đề xuất nâng mức thuế lên 25% trong thông báo Liên bang (Federal Register notice) sẽ được công bố trong vài ngày tới. Sự thay đổi này vẫn chưa phải là quyết định cuối cùng và có thể không tiến tới sau một giai đoạn tham vấn công chúng, những người này cho biết.

Giai đoạn bình luận công khai đối với hàng rào thuế quan Mỹ nhắm tới 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sẽ kết thúc vào ngày 30/08/2018, sau các phiên điều trần công khai vào ngày 20-23/08/2018, theo thông tin từ văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR). Việc thông báo về hàng rào thuế quan cao hơn là bắt buộc trước các buổi điều trần và sẽ truyền tải thông điệp rằng chính quyền Donald Trump đang gia tăng áp lực lên Trung Quốc để đạt được sự nhượng bộ nghiêm túc.

Bloomberg đưa tin, ông Trump trực tiếp yêu cầu đại diện thương mại Mỹ, ông Robert Lighthizer nâng lãi suất lên 25%. Đây vẫn chưa phải sự thay đổi cuối cùng và có thể không được thực thi sau buổi lắng nghe ý kiến.

Trong một dấu hiệu cho thấy căng thẳng thương mại với Mỹ đang trở thành vấn đề chính trị được quan tâm nhất tại Trung Quốc, hôm thứ Ba (31/7), Bộ Chính trị quốc gia này đã phát đi tín hiệu cho biết các nhà hoạch định chính sách sẽ tập trung nhiều hơn vào việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh rủi ro từ chiến dịch giảm nợ và tranh chấp với ông Trump tăng cao.

Thông báo khẳng định, chiến dịch giảm nợ sẽ được duy trì với tốc độ vừa phải, đồng thời nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ cố gắng cải thiện chính sách kinh tế để tiếp tục tăng trưởng, linh hoạt và hiệu quả trong nửa cuối năm.

Trước đó, Bloomberg cũng có thông tin cho biết Mỹ và Trung Quốc đang cố gắng khởi động lại các cuộc đàm phán nhằm mục tiêu ngăn chặn cuộc chiến thương mại toàn diện giữ hai nền kinh tế lớn nhất trên thế giới, dựa trên nguồn tin thân cận.

Các đại diện của Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Steven Mnuchin, và Phó Thủ tướng Trung Quốc, Lưu Hạc, đã có các cuộc trao đổi riêng khi họ muốn tìm cách tái khởi động lại đàm phán, theo thông tin từ những người thân cận với vấn đề. Họ thận trọng cho biết, lịch trình cụ thể, các vấn đề sẽ bàn luận và cách thức đàm phán vẫn chưa hoàn tất, nhưng nói thêm đã có sự nhất trí rằng cần có thêm các cuộc đàm phán.

Các cuộc thương lượng để giải quyết mâu thuẫn thương mại đã chững lại trong nhiều tuần qua, trong đó cả hai bên từ chối nhượng bộ. Các cuộc đàm phán cấp cao về thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có khả năng diễn ra trong tuần này, dựa trên nguồn tin thân cận.

Sau thông tin trên, chứng khoán Mỹ khởi sắc, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ nhích lên, tỷ giá Nhân dân tệ ở nước ngoài xóa sạch đà giảm trước đó và đồng USD giảm bớt đà tăng.(Vinanet)
--------------------------

Có đối sách để chủ động trước các biến động

Thủ tướng yêu cầu các thành phiên Chính phủ cần tập trung giải quyết; thảo luận, bàn kỹ để đưa ra biện pháp, đối sách cụ thể, kịp thời, chủ động.

Đồng chí Mai Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người Phát ngôn Chính phủ chủ trì. Ảnh: Dương Giang - TTXVN

Thông báo nội dung phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8 diễn ra trong 2 ngày 31/7-1/8, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, phiên họp đánh giá trong 7 tháng qua, tình hình kinh tế-xã hội chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nổ ra. 

Theo đó, Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2018 giảm 0,09% so với tháng trước sau 3 tháng tăng liên tiếp (tháng 4 tăng 0,08%; tháng 5 tăng 0,55%; tháng 6 tăng 0,61%). CPI bình quân 7 tháng năm 2018 tăng 3,45%, thấp hơn mức tăng 3,91% của cùng kỳ năm trước. 

Khu vực nông nghiệp tăng trưởng khá, nổi bật nhất là ngành thủy sản với sản lượng ước tăng khoảng 5,7%. 

Khu vực công nghiệp tăng trưởng rất tích cực, là động lực tăng trưởng chính. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp IIP tháng 7 tăng mạnh 14,3% so với cùng kỳ, mức tăng cao nhất từ đầu tháng 2/2018 đến nay. 
Thị trường chứng khoán phục hồi trở lại, VN-Index đạt 934,08 điểm vào ngày 24/7, quy mô vốn hóa tăng 8,3% so cuối năm 2017. 

Trong 7 tháng, cán cân thương mại duy trì trạng thái xuất siêu, ước đạt 3,1 tỷ USD, bằng 2,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. 
 

 Đồng chí Mai Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người Phát ngôn Chính phủ chủ trì họp báo. Ảnh: Dương Giang - TTXVN

Vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng ở mức khá; trong đó tổng vốn đăng ký ước đạt gần 23 tỷ USD, tăng 4,6%; giải ngân vốn FDI ước đạt trên 9,8 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ. 

Khu vực kinh tế tư nhân cải thiện tích cực: Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 7 tháng đạt 75.793 doanh nghiệp (tăng 3,9% so với cùng kỳ 2017). Doanh nghiệp quay trở lại hoạt động 7 tháng là 18.696 doanh nghiệp (tăng 6,5% so với cùng kỳ). 

Cùng với các chỉ số kinh tế tăng trưởng tốt, các tổ chức quốc tế cũng ghi nhận nỗ lực cải cách và đánh giá cao triển vọng kinh tế Việt Nam. Trong đó, Ngân hàng phát triển châu Á (ABD) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 ở mức 7,1%; Standard Chartered dự báo tăng 7%, lạm phát quanh mốc 4%.

Ban Thư ký Liên hợp quốc công bố Chỉ số phát triển bền vững năm 2018 (SDG Index 2018) của Việt Nam tăng 11 bậc, xếp hạng 57/156 quốc gia và vùng lãnh thổ (đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN, sau Singapore và Malaysia). Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII Index 2018), Việt Nam tăng 2 bậc, xếp hạng 45/124 quốc gia và vùng lãnh thổ (đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN, sau Singapore, Malaysia và Thái Lan). 

Một điều đáng mừng nữa là theo đánh giá mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ số hiệu quả dịch vụ logistics (LPI) của Việt Nam năm 2018 đã tăng 25 bậc so với năm 2016, xếp hạng 39/160 quốc gia được khảo sát.Ngân hàng ADB dự báo tăng 7%, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu đứng thứ 4 khu vực ASEAN. 

“Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế-xã hội vẫn còn không ít hạn chế yếu kém và khó khăn thách thức, Thủ tướng yêu cầu các thành phiên Chính phủ cần tập trung giải quyết; thảo luận, bàn kỹ để đưa ra biện pháp, đối sách cụ thể, kịp thời, chủ động”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết. 

Trước hết, tình hình bão lũ tiếp tục diễn biến phức tạp gây nhiều tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống nhân dân. Tiếp theo, chỉ số CPI mặc dù đã giảm 0,09% sau 3 tháng tăng liên tiếp, nhưng sức ép tăng giá tiêu dùng vẫn còn rất lớn, ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến khó lường và có nhiều thách thức. 

Cùng đó, tình hình sản xuất kinh doanh vẫn còn khó khăn. Quy định về điều kiện kinh doanh vẫn đang là rào cản lớn đến hoạt động và phát triển của doanh nghiệp. Tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, bán vốn nhà nước còn chậm, nhiều bộ, ngành, địa phương chưa quyết liệt triển khai. 

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, không vượt quá 4% như nghị quyết của Quốc hộị” 

Vì vậy, nhiệm vụ thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục bám sát và triển khai các giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP, đồng thời lưu tâm tới một số yếu tố như bối cảnh kinh tế thế giới, xung đột thương mại giữa các nước, biện pháp bảo hộ thương mại của các đối tác lớn, diễn biến điều chỉnh lãi suất của Mỹ, xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ tại các nước, diễn biến giá dầu thế giới,... (Bnews)

Trở về

Bài cùng chuyên mục