Xuất khẩu rau quả dự kiến đạt 2,5 tỷ USD
Lượng tôm châu Á bị từ chối nhập khẩu vào Hoa Kỳ tăng vọt do nhiễm kháng sinh cấm
Giá cá tra giảm mạnh do Trung Quốc giảm mua
Giá bạch tuộc đông lạnh nhập khẩu vào Nhật Bản tăng
Tin kinh tế đọc nhanh tối 23-08-2016
- Cập nhật : 23/08/2016
Vì sao tỷ giá ổn định?
Tỷ giá và thị trường ngoại hối ổn định, dự báo sẽ tiếp tục duy trì diễn biến này ít nhất đến hết quý III.
Theo báo cáo mới đây của CTCK Vietcombank (VCBS), tiếp nối diễn biến trong quý II, tỷ giá và thị trường ngoại hối trong tháng đầu của quý III được duy trì khá ổn định. Tỷ giá bán tại nhiều NHTM hiện phổ biến vào khoảng 22.330 – 22.340 VND/USD.
Tương tự như diễn biến của 6 tháng đầu năm, tỷ giá tiếp tục được hỗ trợ mạnh mẽ bởi nguồn cung ngoại tế khá dồi dào.
Cụ thể, Việt Nam ghi nhận xuất siêu gần 2,25 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm; vốn FDI giải ngân duy trì xu hướng tăng tích cực và đạt 8,6 tỷ USD (+15,5% so với cùng kỳ). Trong bối cảnh đó, từ đầu năm đến này, NHNN cũng đã liên tục mua vào một lượng lớn ngoại tệ củng cố cho dự trữ ngoại hối và tạo thêm nguồn lực để có thể can thiệp và bình ổn thị trường khi cần thiết. Ở chiều ngược lại, với việc tăng trưởng kinh tế giảm tốc, nhu cầu về ngoại tệ cũng không lớn.
"Trong thời gian tới, với kỳ vọng diễn biến trên thế giới không có nhiều biến động, đặc biệt là FED nhiều khả năng sẽ chưa sớm nâng lãi suất và cung ngoại tệ trong nước vẫn dồi dào và vượt trội so với cầu ngoại tệ, chúng tôi dự báo tỷ giá và thị trường ngoại hối sẽ tiếp tục duy trì sự ổn định và ít biến động ít nhất đến hết quý III", VCBS dự đoán.(Trithuctre)
Cẩn trọng khi đầu tư vào vàng
Đó là lời “cảnh báo” của chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) với phóng viên trước hiện tượng người dân đổ xô đầu tư vào vàng, khiến giá vàng liên tục tăng hoặc giảm mạnh trong thời gian qua.
Nhìn lại thời điểm đầu tháng 6/2016, giá vàng trong nước chỉ rơi vào mức giá 33 triệu đồng/lượng. Sau đó, nhờ tác động từ hiện tượng Brexit, giá vàng trong nước và thế giới “đảo chiều” tăng mạnh. Cụ thể, ngày 24/6, ngay sau khi có kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Anh về việc nước này ở lại hay rời Liên minh châu Âu (EU), giá vàng trong nước và thế giới đã tăng mạnh. Trong nước, mức giá mới được thiết lập ở mức 34-35 triệu đồng/lượng, tức là tăng gần 1 triệu đồng mỗi lượng so với thời điểm trước đó. Đã có thời điểm, chỉ trong vòng 24 giờ đồng hồ, giá vàng trong nước bật tăng rồi lại nhanh chóng giảm sâu 2 triệu đồng mỗi lượng. Cụ thể, ngày 6/7, từ trên 38 triệu đồng, giá vàng trong nước bật tăng mạnh lên tới gần 40 triệu đồng/lượng rồi lại nhanh chóng quay đầu giảm mạnh vào ngày 7/7 xuống mức gần 38 triệu đồng/lượng.
Hiện tại (ngày 22/8), giá vàng trong nước được giao dịch ở mức trên 36 triệu đồng/lượng. Cao hơn so với đầu tháng 6 khoảng hơn 2 triệu đồng/lượng nhưng lại giảm hơn so với thời điểm đỉnh cao hơn 3 triệu đồng mỗi lượng.
Đánh giá về diễn biến giá vàng thời gian qua, ông Lê Đăng Doanh cho rằng, do biến động của tình hình trong nước và thế giới thời gian qua, nên để đảm bảo thu nhập và tài sản, người dân đã tìm đến vàng là nơi “trú ẩn”. Mặc dù so với các đồng tiền khác, gửi vàng vào ngân hàng lãi suất thấp hơn rất nhiều, nhưng để bảo toàn tài sản, thì vàng vẫn là kênh đầu tư nhận được nhiều sự lựa chọn. Đây cũng là nguyên nhân giá vàng tăng thời gian qua.
Tuy vậy, ông Doanh cũng khuyến cáo, người dân không nên coi đầu tư vào vàng là cơ hội để làm giàu nhanh và mang tính ổn định, vì rất có thể hôm nay được lời nhưng rồi ngày mai lại thua đậm. Đặc biệt, người dân Việt Nam mới chỉ đầu tư theo cảm tính, theo tâm lý thấy người ta làm được thì mình cũng làm theo. Đa số họ vẫn thiếu sự chuyên nghiệp và khả năng phân tích thị trường, nên rủi ro khi đầu tư vào vàng càng lớn hơn- ông Doanh nhấn mạnh.(BCT)
Từ giờ đến cuối năm, tiền Việt sẽ tiếp tục trượt giá
Tiền Việt Nam đang là ổn định nhất trong khu vực. Từ giờ, đến cuối năm, Việt Nam Đồng có thể sẽ trượt giá, nhưng ở mức không quá lớn.
Những số liệu tổng kết từ Bloomberg vừa chỉ ra rằng cho đến lúc này, tiền Việt Nam đang là đồng tiền ổn định nhất khu vực. Tính từ thời điểm 31/12 năm ngoái cho đến ngày 30/6 năm nay, giá trị VNĐ chỉ tăng 0,8%. Ngoài ra, VNĐ cũng được dự đoán sẽ bị trượt giá vào cuối năm 2016.
Tiền tệ khu vực: Việt Nam Đồng ổn định nhất
Theo so sánh với 4 đồng tiền của các nước trung khu vực là Nhân dân tệ (CNY), đồng Rupi Indonesia (IDR), đồng Peso Philippines (PHP), và đồng Baht Thái (THB) thì VNĐ đang có mức biến động giá trị thấp nhất.
Theo đó, VNĐ đã giữ đà tăng giá liên tục nhưng ở mức không quá cao. Thời điểm tăng mạnh nhất, mức tăng này chỉ vào khoảng 1%.
Ngược lại, các đồng tiền khác đều sự có biến động rất mạnh. Cả Rupi Indonesa, Peso Philippines và đồng Baht Thái đều từng phải chịu cảnh trượt giá hồi đầu năm nhưng đều đã trở lại sự tăng giá của mình. Trong đó, đồng Baht Thái và đồng Rupi Indonesia có sức tăng mạnh nhất khu vực.
Bị trượt giá nhiều nhất phải kể đến đồng Nhân dân tệ khi CNY đã giảm khoảng 2%. Gần như mọi lúc trong nửa năm đầu, CNY ngụp lặn ở mức tăng giá âm (trượt giá). Biến cố mạnh nhất phải kể đến là sau khi Brexit xảy ra, đồng tiền này đã trở về giao dịch ở mức đáy thấp nhất trong 5 năm.
Giới đầu tư tiền tệ cho rằng đây là hậu quả của việc đồng USD mạnh lên hậu Brexit và việc những thông tin về khó khăn của nền kinh tế Trung Quốc đầy rẫy phương tiện truyền thông.
Có một thực tế là trong thập kỷ qua, Trung Quốc vẫn luôn đối mắt với những chỉ trích từ các nhà lập pháp phương Tây khi họ cho rằng Nhân dân tệ đáng ra phải giảm hơn nữa và Trung Quốc đang cố tình kiềm chế đà giảm của đồng tiền này.
Đối với VNĐ, có thể thấy một tín hiệu tốt khi mà đồng tiền Việt Nam vẫn ổn định trong khi Nhân dân tệ liên tục giảm giá. Đó là việc VNĐ phần nào đã giảm bớt tính phụ thuộc với biến động của CNY.
Để lý giải, phải kể đến do các cơ chế tỷ giá của Ngân Hàng Nhà Nước áp dụng từ tháng 1/2016 nhằm thu hẹp độ biến động tỷ giá, qua đó tạo sự ổn định cho VNĐ. Ngoài ra, việc phát hành tín phiếu trên thị trường mở thời gian qua cũng đã góp phần cân bằng cung cầu USD, giúp cho tỷ giá USD/VNĐ ổn định.
Từ giờ đến cuối năm, VNĐ sẽ mất giá?
Với những diễn biến thị trường tiện tệ từ giờ đến cuổi năm, đồng Việt Nam vẫn có thể sẽ trượt giá ở mức 1%, theo nhận định từ Báo cáo của Công ty Cổ phần Chứng Khoán Bản Việt (Viet Capital Securities).
Cụ thể, bên phía cầu, thị trường đang đứng trước sự khan hiếm về USD khi thông tư 07/2016/TT-NHNN cho phép vay vốn ngắn hạn bằng USD hẳn sẽ kích thích các doanh nghiệp xuất khẩu vay USD nhiều hơn. Những nhận định về tăng trưởng tín dụng cao trong nửa cuối năm lại càng củng cố cho nhận định cầu USD tăng là có cơ sở.
Ngoài ra, theo những dự báo vĩ mô, thâm hụt thương mại dự kiến xảy ra vào cuối năm sẽ càng tạo ra thêm áp lực đối với phía cầu USD.
Tuy nhiên, Viet Capital Securites cũng đưa ra những nhận định tích cực bên phía cung. Cụ thể, với dòng vốn FDI tiếp tục mạnh mẽ, dòng kiều hối dự kiến cao trong nửa cuối năm và dự trữ ngoại hối vẫn dồi dào, Việt Nam được dự đoán sẽ nhân được nhiều USD. Điều này sẽ giúp tăng rõ rệt cung USD, làm bớt căng thẳng hơn nơi thị trường ngoại hối.
Bằng những luận điểm này, Viet Capital Securities đã dự đoán rằng đồng Việt Nam sẽ trượt giá nhưng không quá nhiều, chỉ ở mức 1% vào cuối năm 2016.(Trithuctre)
Thị trường trái phiếu kém sôi động
Trong tháng 7, thị trường trái phiếu có phần kém sôi động hơn so với tháng 6. Lãi suất liên ngân hàng tăng nhẹ trong tháng 7 nhưng vẫn ở mức khá thấp.
Theo CTCK Vietcombank (VCSB), trong tháng 7, thị trường trái phiếu có phần kém sôi động hơn so với tháng 6. 19,152 tỷ đồng trái phiếu Kho Bạc Nhà Nước được phát hành, giảm 52,9% so với tháng trước.
Trong khi đó, giao dịch trên thị trường thứ cấp cũng giảm nhẹ. Khối lượng giao dịch đạt 138.027 tỷ đồng, giảm 1,56%. Thanh khoản trong hệ thống giảm nhẹ do quá trình tái cơ cấu danh mục và do đó tác động đến thị trường trái phiếu.
Lợi suất trúng thầu kỳ hạn 5 năm đạt mức 6,14%, tăng 4 điểm cơ bản so với tháng trước. Lợi suất trúng thầu ở kỳ hạn 7 năm giảm 6 điểm so với tháng 6 ở mức 6,62%.
Trong khi đó, lợi suất trúng thầu các kì hạn 15 năm và 30 năm giữ nguyên không đổi ở mức 7,65% và 8%. Kỳ hạn 10 năm không trúng thầu trong tháng 7. Cầu trái phiếu giảm do tín dụng có thể tăng trưởng nóng ở thời điểm cuối năm, làm ảnh hưởng đến lượng tiền phân bổ cho việc đầu tư trái phiếu; lạm phát và kỳ vọng về lạm phát tăng trưởng vượt 2015 và thanh khoản bị điều tiết do quá trình tái cơ cấu danh mục.
Trong tháng 8, tình hình thanh khoản của hệ thống vẫn sẽ vẫn dồi dào do được hỗ trợ mạnh mẽ từ động thái mua USD của NHNN. Khối lượng trái phiếu đáo hạn trong tháng 8 rơi vào khoảng 15.750 tỷ đồng trong khi con số này trong tháng 6 là khoảng 13.205 tỷ đồng. Theo đó, VCBS dự báo nhiều khả năng thị trường trái phiếu trong tháng 8 sẽ sôi động hơn tháng 7.
Ngoài ra, lãi suất liên ngân hàng tăng nhẹ trong tháng 7 nhưng vẫn ở mức khá thấp. Thanh khoản hệ thống vẫn dồi dào sau động thái mua ròng mạnh USD của NHNN. NHNN hút ròng hơn 31.000 tỷ đồng trên OMO. Ngay từ đầu tháng 7, NHNN đã liên tục phát hành tín phiếu với kỳ hạn 14 ngày nhằm hút bớt tiền trên hệ thống và cân bằng thanh khoản.(CafeF)