Xuất khẩu từ Đức sang Iran tăng sau khi dỡ bỏ các lệnh trừng phạt
Nhập khẩu đường của Trung Quốc trong tháng 7 giảm 14%
Giá cá sấu tại Đồng Nai giảm mạnh
Singapore đối mặt với sức ép về lương cao và môi trường không thuận
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 23-08-2016
- Cập nhật : 23/08/2016
Xuất khẩu xơ, sợi lo phụ thuộc Trung Quốc
Hơn 53% tổng sản lượng nhóm hàng xơ, sợi dệt của Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc, nhưng dự báo sẽ chững lại và thừa hàng trong vài năm tới khi thị trường này cắt giảm nhập khẩu.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, nhóm hàng xơ, sợi dệt của Việt Nam đã có mặt tại 18 quốc gia và đạt kim ngạch xuất khẩu 1,3 tỷ USD trong nửa đầu năm 2016. Trong đó, thị trường Trung Quốc đóng góp 721 triệu USD và tăng liên tục hơn 20% so với cùng kỳ những năm trước.Tuy nhiên, theo nhận định của ông Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi, chỉ số phát triển này không bền vững do cơ cấu ngành dệt may Trung Quốc đang biến động mạnh, trong khi doanh nghiệp Việt Nam lại phụ thuộc nhiều vào thị trường này. Hiện chính phủ Trung Quốc đang áp dụng nhiều chính sách hỗ trợ về chi phí đầu tư và lương nhân công để phát triển ngành kéo sợi tại đặc khu kinh tế Tân Cương. Dự kiến đến năm 2018, số lượng cọc sợi tại đây tăng lên 20 triệu, gấp 3 lần quy mô sản xuất của Việt Nam nên nhu cầu nhập khẩu sẽ giảm mạnh.
Ông Tuấn cho biết, ngoài nguy cơ về mất thị trường xuất khẩu trọng điểm trong vài năm tới, nhóm hàng xơ, sợi dệt cũng đang đối diện nhiều thách thức khác. Lợi thế của doanh nghiệp khi cạnh tranh với hai quốc gia nổi tiếng về sản phẩm sợi là Ấn Độ và Pakistan ngày càng bị thu hẹp. Cụ thể, do tham gia Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc nên sợi nhập khẩu được hưởng thuế suất 0%, trong khi hai đối thủ trực tiếp chịu mức 3-5%, nhưng bù lại giá sợi của Việt Nam liên tục giảm sâu.
Bên cạnh đó, mặt hàng sợi pha cotton và polyester bị Thổ Nhĩ Kỳ, từng là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, áp thuế chống bán phá giá gần 30% cũng khiến nhiều doanh nghiệp lao đao.
Theo ông Vương Đức Anh, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tuy xuất khẩu khó khăn nhưng thị trường nội địa đang trỗi dậy mạnh mẽ là cơ hội lớn cho doanh nghiệp, đặc biệt khi quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” trong sản phẩm dệt may xuất khẩu sang những nước tham gia Hiệp định TPP có hiệu lực. Hiện chỉ một lượng nhỏ sợi được giữ lại để sản xuất 2,8 tỷ mét vải mỗi năm, trong khi nhu cầu lên đến 6,5 tỷ mét và nhiều khả năng tăng cao.
“Việc chuyển hướng doanh nghiệp từ hình thức gia công sang tự chủ nguyên liệu, sản xuất trọn gói kèm thiết kế có thể xem là xu thế phát triển tất yếu của ngành dệt may”, ông Vương Đức Anh nhận định.
Trao đổi với VnExpress, một số doanh nghiệp đã tính đến việc chuyển hướng tiêu thụ, chú trọng thị trường trong nước hoặc phát triển dệt thành vải để tránh phụ thuộc vào xuất khẩu.
Bà Phạm Minh Hương, Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho biết mục tiêu của đơn vị này thời gian tới sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng 12% mỗi năm, trong khi đó doanh thu nội địa phải từ 15 đến 20%. Đồng thời, Vinatex bắt đầu quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất từ nay đến năm 2020 theo hướng giảm gia công từ 60% xuống 20%, tăng tỉ lệ sản xuất trọn gói và thiết kế từ 2% lên 20%.
10 triệu cổ phiếu Gỗ Trường Thành được mua trong 10 phút
Sự xuất hiện của nhóm cổ đông Vingroup khiến nhà đầu tư kỳ vọng Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành sẽ được cải tổ sau bê bối, dẫn đến quyết định chi cả trăm tỷ đồng bắt đáy.
Cổ phiếu TTF của Gỗ Trường Thành trở thành tâm điểm của phiên giao dịch chứng khoán ngày 22/8 khi chỉ trong 10 phút đầu phiên chiều, đã có hơn 10 triệu chứng khoán được trao tay.
Trước đó, TTF liên tục được nhà đầu tư đặt lệnh bán lớn trong nhiều phiên sau những bê bối về tài chính và thay đổi nhân sự tại Gỗ Trường Thành. Giao dịch mỗi phiên chỉ dao động vài trăm ngàn cổ phiếu (có phiên chỉ vỏn vẹn 10 cổ phiếu được trao tay). Ngày 16/8, lực cầu bắt đầu mạnh hơn khi công ty công bố ông Võ Trường Thành không còn giữ vị trí Chủ tịch HĐQT. Trong phiên này, dù giá cổ phiếu giảm sàn 700 đồng song khối lượng giao dịch đã tăng lên 1,3 triệu đơn vị.
Tuy nhiên, việc bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 9/8 cùng với thị giá rơi tự do từ mức 43.600 đồng xuống 7.600 đồng, tương ứng giảm 81% khiến nhà đầu tư tin rằng đây là đáy của TTF. Đến hôm nay, nhiều nhà đầu tư cho biết họ kỳ vọng với sự xuất hiện của nhóm cổ đông Vingroup, Gỗ Trường Thành sẽ được cải tổ, lấy lại vị thế của một thương hiệu xuất khẩu gỗ lớn nhất Việt Nam.
Chốt phiên 22/8, với 13 triệu đơn vị được giao dịch, giá TFF được đẩy lên mức trần - 8.600 đồng. Giá trị giao dịch trong phiên đạt khoảng 110 tỷ đồng, trong đó khối ngoại bán ròng 2 triệu cổ phiếu.
Mới đây, gia đình ông Võ Trường Thành đã chính thức mất quyền kiểm soát Gỗ Trường Thành về nhóm cổ đông thuộc Vingroup. Thay thế ông Thành làm Chủ tịch HĐQT là bà Vũ Tuyết Hằng. Trước đó từ tháng 5/2016, bà Hằng cũng đã thay ông Thành giữ chức Tổng giám đốc. Bà Vũ Tuyết Hằng nguyên là Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup kiêm Phó tổng giám đốc trong nhiệm kỳ 2011-2015.
Trước đó, Gỗ Trường Thành bất ngờ công bố báo cáo tài chính quý II ghi nhận khoản lỗ lên tới 1.123 tỷ đồng, trong khi quý trước vẫn lãi 54 tỷ. Việc đại gia xuất khẩu gỗ lớn nhất Việt Nam bất ngờ công bố lỗ nghìn tỷ đồng đã gây bất ngờ cho giới tài chính. Theo giải thích của đơn vị kiểm toán (Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam), có khoản lỗ trên là do đơn vị đã phát hiện có tới 980 tỷ đồng hàng tồn kho bị thiếu khi kiểm kê trong giá vốn hàng bán. Việc trích lập dự phòng với các khoản thu khó đòi và hàng tồn kho bị thiếu khiến công ty rơi vào thua lỗ nặng.
Tân Liên Phát (công ty do Vingroup sở hữu 75%) là cổ đông lớn của Gỗ Trường Thành từ tháng 5/2016, với việc chi khoảng 1.800 tỷ đồng để mua 72 triệu cổ phiếu TTF, tương ứng sở hữu 49,9% vốn của công ty. Tân Liên Phát dự định chuyển đổi khoản vay 1.201 tỷ đồng với 69,7 triệu cổ phiếu TTF để nâng sở hữu tại đây thì phát hiện một số sai lệch nghiêm trọng giữa một bên là số liệu mà đại gia này công bố cho nhà đầu tư. Do đó, doanh nghiệp này đã quyết định dừng việc chuyển đổi ngày 19/7. Cũng từ đây, cổ phiếu TTF rơi tự do.
Tân Liên Phát là chủ đầu tư của nhiều dự án lớn thuộc tập đoàn Vingroup, trong đó nổi bật nhất hiện nay là dự án Vinhomes Central Park Tân Cảng và cũng là chủ đầu tư của chuỗi siêu thị Vinmart.(Vnexpress)
Giá đường Việt Nam gấp đôi Thái Lan
Trong khi giá đường Thái Lan chỉ khoảng 12.000 đồng một kg thì đường Việt Nam có thời điểm lên tới hơn 30.000 đồng, ảnh hưởng đến tiêu dùng trong nước lẫn xuất khẩu.
Thái Lan hiện đứng đầu Đông Nam Á về năng lực sản xuất mía đường và có giá đường thấp nhất ASEAN, chỉ 60 cent mỗi kg (khoảng 12.000 đồng).
Tại Hội nghị mía đường quốc tế lần thứ 4 tại Đà Lạt mới đây, ông Rangsit Hiangrat, Tổng giám đốc Tập đoàn Thai Sugar Millers đã chia sẻ rằng Thái Lan là nước duy nhất trong Đông Nam Á phải xuất khẩu đường, tất cả những nước còn lại đều nhập mới đủ cung.
Ông cũng cho biết từ năm 1984 đến nay, từ khi chính phủ Thái Lan ban hành Đạo luật mía đường thì ngành này của Thái Lan đã có những tiến bộ vượt bậc. Từ mức hơn 20 triệu tấn mía và 2 triệu tấn đường vụ mùa 1984-1985, đến 2014-2015 Thái Lan đã sản xuất được 94 triệu tấn mía và gần 13 tấn đường.Trong khi đó, Ấn Độ là nhà sản xuất đường lớn thứ hai thế giới với 5 triệu ha đất trồng mía, sử dụng 6 triệu lao động. Doanh thu hàng năm của ngành này khoảng 15 tỷ USD, chiếm 18% thị phần đường thế giới.
Tuy nhiên, Ấn Độ cũng không phải là ngoại lệ với tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu khiến giảm năng suất mía và tỷ lệ thu hồi đường.
Để đối phó thách thức này, chính phủ Ấn Độ lập ra Viện Nghiên cứu và Phát triển Mía đường với mục tiêu đến 2030 tăng năng suất mía lên 100 tấn mỗi ha, tăng tỷ lệ thu hồi đường lên trên 11% và giảm chi phí sản xuất.
Cụ thể, quan điểm đối phó với khí hậu ngày càng khắc nghiệt của Ấn Độ là sàng lọc gen giống có thể chịu được khí hậu bất lợi, đánh giá tác động của khí hậu và lập cơ sở dữ liệu, sử dụng nguồn nước hiệu quả; cơ giới hoá và thông tin rộng rãi các dự báo thời tiết, các loại sâu bệnh. Ngoài ra, Ấn Độ sử dụng phương pháp trồng sâu và bón phân phù hợp cho từng vùng miền.
Tại Australia, hạn hán kéo dài và mùa mưa rút ngắn, nhưng lại có gió lớn và hay gây ra ngập lụt. Do đó, nông dân trồng mía ở đây cũng phải có các biện pháp nhằm bảo vệ năng suất.
Ở những nơi lượng mưa biến đổi liên miên, nông dân trồng mía đã phát triển hệ thống thuỷ lợi đảm bảo đủ nước tưới cho toàn bộ cây mía và đảm bảo mỗi cây có ít nhất một lần tưới. Nông dân Australia áp dụng các biện pháp ngắn hạn với chi phí thấp nhất như cung cấp chất hữu cơ cho đất và nâng cao kỹ thuật tưới, kỹ thuật bón phân... dài hạn với mức lợi ích cao nhất, như tuyển chọn giống tốt, tăng cường phòng dịch và thúc đẩy tích tụ ruộng đất...
Trong khi đó, ngành công nghiệp mía đường Việt Nam còn nhiều hạn chế về mặt kỹ thuật lẫn quản lý, trong lúc hậu quả từ biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt. Ông Phạm Hồng Dương, Chủ tịch Uỷ ban mía đường Tập đoàn Thành Thành Công cho biết, tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng tại Đồng bằng sông Cửu Long, sản lượng mía đã giảm đến 22% so với vụ mùa trước. Khu vực này có trên 10.000 ha đất canh tác bị nhiễm mặn. Trong khi đó, nhiệt độ cả nước tăng trung bình 0,5 độ C, có nơi cá biệt lên đến 1 độ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất mía đường.
Bên cạnh vấn đề thiên tai, người nông dân trồng mía lợi nhuận thấp nên thường trồng xen canh, làm diện tích trồng mía biến động, ảnh hưởng đến nguồn cung.
Các doanh nghiệp còn ít áp dụng cơ giới hoá, kỹ thuật lạc hậu, chưa tối đa hoá được các phụ phẩm từ mía như ethanol, điện sinh học... dẫn đến giá đường có thời điểm lên đến gần 32.000 đồng một kg. Chỉ khi nào giá đường thành phẩm giảm còn 10.500 đồng mỗi kg thì đường Việt Nam mới có khả năng cạnh tranh.
Theo các chuyên gia, bài học chung từ các nước xuất khẩu đường lớn trên thế giới cho Việt Nam là phải tập trung phát triển các giống mía mới chịu được biến đổi thời tiết, áp dụng kỹ thuật cao và cơ giới hoá để tăng năng suất, tăng lợi nhuận cho người nông dân và giảm giá đường thành phẩm. Để làm được điều đó, Chính phủ cần có một tầm nhìn dài hạn về ngành mía đường và có những chính sách cụ thể hơn để tăng hiệu quả cạnh tranh.(Vnexpress)
Pokemon Go - cuộc chiến của các nhà mạng châu Á
Các game thủ đang săn tìm những nhà mạng và thiết bị mạng tốt nhất để vượt rào cản tín hiệu, giúp họ bắt Pokemon dễ dàng.
Pokemon Go mới xuất hiện tại Đông Nam Á từ ngày đầu tháng 8/2016, chậm hơn Mỹ, New Zealand và Australia một tháng. Tuy nhiên, nó đã trở nên phổ biến đến nỗi khiến người chơi tìm mọi cách khắc phục vấn đề đường truyền không ổn định tại đây.
Tại Indonesia, Muchamad Syaifudin - một nhân viên ngân hàng 29 tuổi cho biết đã chuyển sang một nhà mạng khác có gói dữ liệu tốt hơn. Còn các bạn anh lại mua thêm modem, với giá 20 USD mỗi chiếc. "Chúng tôi có thể mang modem theo để chơi, đặc biệt với những nơi khó bắt tín hiệu mạng", Syaifudin cho biết trên Reuters.Anh và bạn bè đang sống tại Central Java. Những lúc rảnh rỗi, họ thường ngồi nhà chơi game. Nhưng với các thiết bị mới sắm sửa, giờ họ đã tích cực ra ngoài hơn để bắt những Pokemon thường xuất hiện ở đền thờ hay những nơi tập trung đông người khác.
Tại Hong Kong (Trung Quốc), người dân đổ xô đến các tàu điện ngầm. Còn ở các nước như Campuchia, Lào hay Việt Nam, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phải cảnh báo người chơi cẩn thận những hố bom mìn còn sót từ thời chiến.
Game này mới chính thức có mặt tại Indonesia 2 tuần trước. Tuy nhiên, hàng chục nghìn người chơi đã tham gia từ trước đó, nhờ tải ứng dụng qua các trang trung gian.
Pokemon Go còn làm bùng nổ thị trường modem tại đây. Các công ty như PT Smartfren Telecom bán mỗi modem 4G giá 300.000 rupiah (23 USD). Doanh số sản phẩm này đã tăng gấp 5 chỉ trong 2 tháng qua. Derrick Surya - Phó chủ tịch phụ trách thương hiệu và marketing của Smartfren cho biết họ vừa tung các thiết bị mới với thời lượng pin lớn hơn.
Các hãng bán lẻ cũng đang hưởng lợi khi ngày càng nhiều game thủ muốn tăng cường kết nối mạng và giảm chi phí dữ liệu. "Rất nhiều khách hàng tới chỗ tôi tìm thiết bị hỗ trợ", Billy Cahya - nhân viên một cửa hàng điện tử tại Jakarta (Indonesia) cho biết.
Dù vậy, nhiều người chơi cũng phàn nàn rằng game này cần nâng cấp. "Chúng tôi đã tìm Pokemon, tìm vật phẩm, chiến đấu trong các phòng Gym. Làm đi làm lại rồi. Có lẽ họ cần tính năng mới để người chơi không nhàm chán", Syaifudin cho biết.
Những người khác thì cho rằng các vùng nông thôn có quá ít Pokestop - nơi quay vật phẩm miễn phí. "Ở Legazpi, chúng tôi có ít Pokestop hơn hẳn các thành phố lớn. Những thị trấn tôi đi qua còn gần như chẳng có cái nào", Rey Anthony Ostria – một người chơi tại Philippines cho biết.(VNEX)