Khối nợ của Trung Quốc đang đe dọa cả thế giới
Sabeco bán vốn tại cao ốc trên 'đất vàng' TP HCM
Xuất khẩu vẫn phụ thuộc vào khối ngoại
ADB lạc quan về kinh tế Việt Nam
Chủ tịch TP HCM: Sẽ có gói tín dụng 1.000 tỷ đồng cho khởi nghiệp
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 14-04-2016
- Cập nhật : 14/04/2016
WB, AIIB có chương trình cho vay vốn chung đầu tiên
Ngày 13/4, Ngân hàng Thế giới (WB) thông báo đã ký một thỏa thuận với Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) về chương trình cho vay vốn chung đầu tiên.
Ông Kim Lập Quần cho biết AIIB hiện cũng đang tiến hành đàm phán với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) về các dự án cho vay tương tự.
Được chính thức thành lập ngày 25/12/2015 và đặt trụ sở tại Bắc Kinh, AIIB là thể chế tài chính đa phương mới, cung cấp hỗ trợ tài chính cho hoạt động phát triển cơ sở hạ tầng và kết nối khu vực châu Á.
Ngân hàng này hiện có 57 thành viên, với số vốn cơ bản 100 tỷ USD, trong đó Trung Quốc, Ấn Độ và Nga là những cổ đông lớn nhất. Trung Quốc chiếm 30,34% cổ phần và nắm giữ 26,06% quyền biểu quyết.
Nhật Bản và Mỹ hiện vẫn chưa tham gia AIIB với lý do hoạt động của ngân hàng này thiếu tính minh bạch. AIIB bắt đầu đi vào hoạt động ngày 16/1, dự kiến sẽ cung cấp các khoản cho vay đối với các dự án đầu tư đầu tiên vào giữa năm 2016.
Xuất khẩu của Trung Quốc phục hồi trở lại trong tháng 3
Theo số liệu của hải quan Trung Quốc, xuất khẩu tính bằng nhân dân tệ của nước này trong tháng 3 tăng 18,7% so với cùng kỳ năm trước; trong khi nhập khẩu giảm 1,7%.
Hệ quả là thặng dư thương mại tháng 3 chỉ đạt 194,6 tỷ nhân dân tệ (tương đương 29,9 tỷ USD), giảm so với con số thặng dư 209,5 tỷ nhân dân tệ của tháng 2.
Tính chung trong quý đầu năm, ngoại thương của Trung Quốc giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2015, chỉ đạt 5,2 nghìn tỷ nhân dân tệ, trong đó kim ngạch xuất khẩu giảm 4,2% và nhập khẩu giảm 8,2%.
Xuất khẩu sang Liên minh châu Âu, đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, giảm 1,4% so với năm trước trong 3 tháng đầu năm nay. Trong khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ, đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc, cũng giảm 3,4% và xuất khẩu sang Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), các đối tác thương mại lớn thứ ba, giảm 8,5%.
Tuy nhiên thặng dư thương mại trong quý đầu tiên tăng 8,5% so với cùng kỳ, đạt 810,200 tỷ nhân dân tệ.
Nên đặt văn phòng đại diện ở đâu tại châu Á?
Singapore trở thành điểm đến thu hút nhất tại châu Á - Thái Bình Dương đối với các công ty đa quốc gia muốn mở văn phòng đại diện tại khu vực này, nhưng sự cạnh tranh để trở thành sự lựa chọn số 1 này đang ngày càng diễn ra khốc liệt, theo báo cáo mới nhất từ Công ty Tư vấn BĐS toàn cầu Cushman & Wakefield.
Singapore, Hong Kong và Thượng Hải sẽ cần phải có những chiến lược nhằm tiếp tục thu hút và đáp ứng nhu cầu của các công ty đa quốc gia. Chính quyền Hong Kong đã có những nỗ lực lớn để giải quyết tình trạng thiếu văn phòng như phân quyền cho khu Đông Kowloon và Tây Kowloon. Singapore cũng khuyến khích phát triển tại các khu vực ngoài trung tâm thành phố như Jurong Gateway, Changi Business Park và Paya Lebar Central. Riêng Thượng Hải có thuận lợi là không có tình trạng thiếu văn phòng.
Những khu công nghiệp đặc thù đang được xây dựng để hỗ trợ sự phát triển của thành phố, bao gồm các khu Công nghệ Thông tin tại Shangdi North và West Bank Media Port. Bản báo cáo cho thấy, GDP của châu Á - Thái Bình Dương so với tổng GDP toàn cầu được dự báo sẽ tăng từ 31% (năm 2015) lên 36% (năm 2030).
Trong xu thế toàn cầu hóa và tối ưu hóa lợi nhuận, các công ty đa quốc gia vẫn không ngừng tìm kiếm các địa điểm gần với thị trường tăng trưởng chiến lược, do đó con số các văn phòng đại diện đặt tại khu vực châu Á được dự báo là ngày càng tăng.
TS. Dominic Brown, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu của Cushman & Wakefield Úc và New Zealand và cũng là tác giả của bản báo cáo này cho biết “Sự tăng trưởng kinh tế tại châu Á - Thái Bình Dương sẽ thúc đẩy sự hiện diện của các công ty đa quốc gia tại khu vực này.
Sự tăng trưởng này là kết quả của số lượng tầng lớp trung lưu tăng nhanh chóng trong khu vực, sự phát triển của các ngành Công nghệ, Truyền thông và Viễn thông (TMT) cũng như bản thân sự tăng trưởng kinh tế của các nước trong khối ASEAN”.
Những phân tích cho thấy 6 địa điểm được chọn nghiên cứu bao gồm Singapore, Hong Kong, Thượng Hải, Sydney, Tokyo và Bắc Kinh có những ưu điểm và nhược điểm riêng nhưng Singapore có nhiều ưu điểm nhất nên dẫn đầu. Sydney và Tokyo có nhiều tiêu chí phù hợp nhưng lại nằm ngoài khu vực châu Á.
Ngoài ra, sự mất giá gần đây của đồng tiền khiến chi phí giảm, mang lại ưu điểm cạnh tranh cho hai nước này. Chi phí tại Bắc Kinh tăng bao gồm giá đất và chi phí nhân công tăng.
Là trung tâm chính trị của Trung Quốc nên Bắc Kinh tập trung khá nhiều công ty nhà nước nhưng không vì thế mà môi trường kinh doanh kém sôi động, nơi đây cũng là trung tâm lớn nhất nước của hai ngành công nghiệp TMT và các hoạt động khởi nghiệp (Start-up).
Trung Quốc ồ ạt thâu tóm doanh nghiệp Thụy Sĩ
Tính từ đầu năm tới nay, một nửa trong số các thương vụ thâu tóm mà Trung Quốc thực hiện trên thị trường thế giới là diễn ra tại Thụy Sĩ.
Trước đó một tuần, khách sạn nổi tiếng bang Vaud là Le Mirador cũng đã được sang tên cho người Trung Quốc - những người cũng đã sở hữu thương hiệu đồng hồ Corum (một hãng đồng hồ thành lập từ năm 1955 tại thị trấn La Chaux-de-Fonds, dưới chân dãy Jura).
Nhưng đáng chú nhất là hồi tháng Hai vừa qua, tập đoàn hóa chất quốc gia ChemChina đã bỏ đến 43 tỷ USD để mua tập đoàn nông nghiệp và hóa chất Syngenta; còn hãng sản xuất chai nhôm nổi tiếng Sigg đã bị Hears Vacuum Containers mua lại với giá hơn 17 tỷ USD.
Được công bố chỉ hai ngày sau chuyến thăm chính thức của Tổng thống Thụy Sĩ Schneider-Ammann tới Trung Quốc, việc mua lại doanh nghiệp dịch vụ cảng hàng không lâu đời Swissair thể hiện tham vọng của Trung Quốc lấn sân sang các lĩnh vực mà nước này còn yếu.
Còn với HNA, một doanh nghiệp chuyên về vận tải hàng không và hậu cần tại châu Á, đây là một cơ hội để phát triển, vươn sang thị trường châu Âu. Thương vụ, được trả bằng tiền mặt, với mức định giá cho mỗi cổ phiếu của Gategroup là 53 CHF, tương đương 1,4 tỷ CHF và cao hơn giá đóng cửa thị trường chứng khoán hôm 6/4 tới 20%.
HNA sẽ tận dụng sự phát triển của thị trường vận tải hàng không châu Á để vực dậy doanh nghiệp này. Theo thống kê của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), năm 2015, vận tải hàng không khu vực châu Á - Thái Bình Dương có tốc độ phát triển mạnh nhất thế giới. Hiệp hội này dự báo khu vực này sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong năm nay.
HNA dường như đang đi theo chiến lược của nhiều tập đoàn Trung Quốc khi muốn tìm kiếm bí quyết công nghệ của Thụy Sĩ nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững, trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang chững lại. Có thể nói HNA là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong làn sóng thâu tóm các doanh nghiệp nước ngoài của Trung Quốc.
Sau khi mua lại Swissport với giá 2,7 tỷ CHF hồi tháng Bảy năm ngoái HNA lại đầu tư 2,5 tỷ USD để mua Avolon Holding - một doanh nghiệp cho thuê máy bay của Ireland. Tới tháng 2/2016, HNA tiếp tục tung ra 6 tỷ USD thâu tóm Ingram Micro - nhà phân phối các sản phẩm điện tử của Mỹ. Nhà phân tích thị trường Will Horton dự đoán khả năng sắp tới HNA sẽ tìm cách thâu tóm một hãng hàng không Mỹ, điều mà Bắc Kinh chưa làm được.
Được thành lập từ năm 1993, HNA là một hiện tượng của nền kinh tế Trung Quốc. Thành công của HNA đã khiến nhà tài phiệt Mỹ Georges Soros chú ý và đầu tư vào Hàng không Hải Nam từ năm 1995. Từ thời điểm đó, công ty hàng không nhỏ bé trên đảo Hải Nam này đã phát triển nhanh chóng và lọt vào danh sách Fortune 500 những tập đoàn lớn của thế giới.
HNA sử dụng khoảng 180.000 nhân công, doanh số đạt 28,5 tỷ USD song không bao giờ tiết lộ lợi nhuận của mình. Được biết ông chủ và là người sáng lập Chen Feng của HNA là một nhân vật khá đặc biệt. Ông này năm nay 63 tuổi và từng học qua trường Quản trị Vận tải hàng không Lufthansa, Đức.(BTT)
Việt Nam-EU đạt thỏa thuận về xuất khẩu gỗ
Chiều 13/4, tại Hà Nội, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tổ chức buổi họp báo công bố kết quả Phiên đàm phán cấp cao lần thứ 6 giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) về Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, Quản trị và Thương mại lâm sản (FLEGT-VPA).
Hai bên cam kết kết thúc đàm phán vào cuối năm 2016, trên tinh thần đó, hai bên đã xác định lộ trình thực hiện hiệp định sau khi được ký kết nhằm vận hành hệ thống cấp phép FLEGT trong thời gian sớm nhất.
Phiên đàm phán cấp cao lần thứ 6 này tiếp nối 13 phiên họp nhóm chuyên gia kỹ thuật và 5 phiên đàm phán cấp cao được tổ chức tại Hà Nội và Brussels trong thời gian qua, tạo nền tảng cơ sở cho việc kết thúc đàm phán Hiệp định. Phiên đàm phán tiếp theo sẽ được tổ chức tại Brussels vào đầu tháng 7/2016.
Hiệp định VPA có mục tiêu nhằm đảm bảo gỗ và sản phẩm gỗ từ tất cả các nguồn, được chế biến và xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường các nước thành viên EU là hợp pháp. Hiệp định này bổ sung cho Hiệp định thương mại tự do FTA giữa EU và Việt Nam vừa được hai bên kết thúc đàm phán vào tháng 12/2015 tại Brussel, Bỉ.
Việc thực hiện Hiệp định VPA sẽ đảm bảo gỗ và sản phẩm gỗ có nguồn gốc hợp pháp sẽ được xuất khẩu từ Việt Nam, góp phần mở rộng thị trường EU và các thị trường xuất khẩu khác, tăng cường sự phát triển bền vững của ngành lâm nghiệp và công nghiệp gỗ của Việt Nam; đồng thời, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc tăng cường thực thi lâm luật và quản trị rừng.