Saudi Arabia bàn luận hợp tác năng lượng với Trung Quốc, Nhật Bản
Giới nhà giàu đang đổ xô cất vàng ở đây
Sản lượng thép thô của Trung Quốc tăng 5% vào đầu tháng 8
Iraq nâng dòng chảy trên đường ống sang Thổ Nhĩ Kỳ thành 150.000 thùng/ngày
Tin kinh tế đọc nhanh 23-08-2016
- Cập nhật : 23/08/2016
Người Trung Quốc cũng ngại hàng 'Made in China'
Nhìn qua những loại táo bày bán trong một siêu thị khá hiện đại, Elise Qian (Trung Quốc) để ý nhiều đến xuất xứ, hơn là giá cả, chủng loại và hình dáng.
Cô thích mua thực phẩm nhập khẩu từ Australia, Nhật Bản và Mỹ. Còn hàng Trung Quốc thì không đáng tin. "Có quá nhiều scandal rồi. Cả nước và đất ở đây cũng ô nhiễm nữa", cô cho biết. Tại Thượng Hải, những sản phẩm từ New Zealand, Australia, Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) được bày bán khắp nơi.
Người Trung Quốc rất lo lắng về vấn đề ô nhiễm đất. Từ scandal sữa nhiễm melamine năm 2008 khiến 6 trẻ em thiệt mạng và hơn 54.000 trẻ khác nhập viện, họ đã lo ngại về thực phẩm sản xuất trong nước. Hàng loạt scandal sau đó - từ mỳ chứa phẩm màu công nghiệp đến thịt mèo, thịt chuột giả làm thịt thỏ, thịt cừu - càng khiến mối lo này tăng lên.Hồi tháng 5, giới chức Trung Quốc đã lên kế hoạch cải tạo 90% số đất ô nhiễm trong vòng 4 năm tới. Trong một nghiên cứu năm 2014, 19% đất canh tác tại nước này nhiễm các chất độc như cadmium, nickel và asen. Chúng có thể gây ung thư và dị tật bẩm sinh.
Dù vậy, kể cả nếu chiến dịch 300 tỷ NDT (45,2 tỷ USD) này thành công, niềm tin người tiêu dùng vẫn rất khó lấy lại. Ada Kong - Giám đốc chiến dịch chất độc tại Đông Á, thuộc Tổ chức Hòa bình Xanh cho biết: "Người tiêu dùng rất khó phân biệt đâu là thực phẩm bẩn, và đâu là thực phẩm sạch". Họ cho rằng hàng nhập khẩu an toàn và có chất lượng tốt hơn.
Năm 2000, Trung Quốc đóng góp 3,3% nhập khẩu nông nghiệp toàn cầu, theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Nhưng đến năm 2014, con số này đã tăng lên 9,1%.
Xuất khẩu nông phẩm từ Mỹ vào Trung Quốc đã tăng hơn 200% trong thập kỷ qua, lên 20,2 tỷ USD năm ngoái. Các mặt hàng phổ biến là sản phẩm trồng tại vườn, như táo, đậu tương, hạnh nhân hay cam quýt.
Còn với Australia, Trung Quốc hiện đã là đối tác nhập khẩu lớn nhất về nông - lâm - hải sản. Giai đoạn 2014 - 2015, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng này lên tới 6,95 tỷ USD. Xuất khẩu từ châu Âu vào Trung Quốc năm ngoái cũng tăng gần 40% so với năm trước đó. Thịt lợn, hoa quả và ngũ cốc là các mặt hàng phổ biến.
James Roy - nhà phân tích thị trường tại China Market Research Group cho biết nhà giàu Trung Quốc luôn ưu tiên hàng nhập khẩu hơn nội địa. Thương hiệu giờ không còn là vấn đề quan trọng nữa, mà là xuất xứ. Thương hiệu nào cũng được, miễn là của nước ngoài.
Chính phủ các nước đang khuyến khích các hãng tận dụng nhu cầu này. Cao ủy Liên minh châu Âu về Nông nghiệp - Phil Hogan cho biết khoảng 3 triệu người châu Âu đang phụ thuộc trực tiếp vào xuất khẩu sang Trung Quốc, chủ yếu trong ngành nông nghiệp.
Tỷ phú Australia - Andrew Forrest đã nhìn ra cơ hội này từ lâu, và thành lập ASA100 - nhóm chuyên trách quảng bá thực phẩm Australia tại Trung Quốc, sau khi gặp Thủ tướng Trung Quốc - Lý Khắc Cường năm 2014. Tháng 4 năm nay, ASA100 thông báo đã đạt thỏa thuận thành lập khu vực thương mại tự do cho nông phẩm nhập khẩu từ Australia tại thành phố Ninh Ba - gần Thượng Hải.
Xu hướng trên cũng có lợi cho các hãng nhập khẩu trong nước, như FruitDay. Hãng này chủ yếu bán đồ Mỹ, New Zealand và Chile. Doanh thu của họ năm 2014 đã tăng gấp đôi, lên 500 triệu NDT. Năm ngoái, họ còn nhận được 60 triệu USD tiền đầu tư từ JD.com - hãng thương mại điện tử lớn nhì Trung Quốc.
Fred Gale - nhà kinh tế học cấp cao tại Bộ Nông nghiệp Mỹ nhận xét nhu cầu nhập khẩu không thể hạ nhiệt sớm. "Các chuỗi siêu thị và nhà hàng đang dần cải thiện. Dĩ nhiên, thỉnh thoảng họ sẽ mắc sai lầm. Nhưng vấn đề này phải giải quyết từ từ, và nó có thể gây áp lực lên các nhà cung cấp", ông nói và cho biết Mỹ cũng từng gặp vấn đề tương tự. "Chúng tôi mất hơn 100 năm mới giải quyết được. Trung Quốc cần gây dựng hệ thống để tạo dựng niềm tin. Và điều này sẽ mất thời gian đấy".
Còn hiện tại, những người tiêu dùng rủng rỉnh hầu bao như Qian vẫn bài trừ hàng trong nước. "Trông thì cũng được đấy. Nhưng tôi chẳng biết chúng có an toàn hay không", cô nói.(Vnexpress)
Than đá trở thành mặt hàng "hot" nhất trong năm 2016
Gần một năm sau khi ngành than tuyên bố đợt giảm giá đã kết thúc, nhiên liệu hoá thạch này nay mới thực sự tăng giá ngoạn mục nhất trong vòng nửa thập kỷ, và trở thành một trong những mặt hàng “hot” nhất trong số những hàng hoá quan trọng.
Giá than nhiệt Australia tại cảng Newcastle – tham chiếu cho toàn thị trường than châu Á – đã tăng trên 35% kể từ giữa tháng 6 tới nay và hiện đạt mức cao nhất trong vòng hơn một năm, là gần 70 USD/tấn, sau khi nhập khẩu vào Trung Quốc bất ngờ tăng mạnh. Tính từ cuối tháng 1, giá than đã tăng gần 42%.
Trước đó, giá than nhiệt đã giảm 70% từ năm 2011 đến cuối năm 2015.
“Khách hàng Trung Quốc đang lấy lại vị thế chi phối thị trường nguyên liệu bằng việc chuyển trạng thái từ dư cung về lại mức cân bằng”, ngân hàng Goldman Sachs viết trong một thông báo ngày 16/8 gửi tới khách hàng của mình, đảo ngược dự báo về triển vọng ảm đạm trong thông báo phát đi hồi tháng 9 năm ngoái.
“Việc hạn chế sản xuất trong nước hồi đầu năm nay (ở Trung Quốc) đã đẩy giá trên thị trường quốc tế tăng lên, và than đá trở thành một trong những hàng hoá tăng giá mạnh nhất từ đầu năm tới nay”.
Giá than tại cảng Tần Hoàng Đảo tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc) đã tăng gần 22% trong năm nay.
Không chỉ những công ty khai thác mỏ lớn như Glencore và Anglo American mà cả những công ty trong khu vực châu Á như Banpu của Thái Lan đều đang hưởng lợi từ điều này.
Cổ phiếu của cả 3 công ty này đều tăng giá mạnh trong năm nay, đặc biệt tăng mạnh trong mấy tháng gần đây sau khi Trung Quốc cắt giảm 16% số ngày khai thác mỏ từ tháng 4 vì mục tiêu giảm 250 triệu tấn công suất sản xuất trong năm nay.
Giá cổ phiếu của 3 công ty than
Tháng 7/2016, Trung Quốc chỉ sản xuất được 270 triệu tấn than, giảm 13,1% so với một năm trước đó. Sản lượng trong 7 tháng đầu năm đạt 1,9 tỷ tấn, giảm 10,1% so với cùng kỳ. Việc cắt giảm 95 triệu tấn sản lượng trong 7 tháng đầu năm, mục tiêu giảm 250 triệu tấn trong năm nay của Trung Quốc có thể không đạt được.
Banpu, chủ sở hữu một số mỏ xuất khẩu lớn ở khắp khu vưc châu Á – Thái Bình Dương, dự kiến giá bán than trung bình năm 2016 sẽ trên 50 USD/tấn, tăng so với mục tiêu ban đầu là 47 – 48 USD/tấn, nhờ giá gần đây tăng mạnh.
Giá hồi phục mang lại niềm vui cho các thợ mỏ, những người đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi giá than giảm kéo dài suốt nhiều năm.
Tuy nhiên, hầu hết các mỏ than trên thế giới đã bị tổn thất lớn bởi đợt suy giảm kéo dài vừa qua, và nhiều mỏ đã phải đóng cửa hoặc bán tài sản, nên chỉ một số mỏ còn tồn tại mới được hưởng lợi từ đợt tăng giá này.
Thắng lớn nhất là các mỏ than Australia, nhờ sản xuất loại than chất lượng cao. Indonesia – nước xuất khẩu than nhiệt lớn nhất thế giới – đã bị giảm mạnh sản lượng trong giai đoạn giá giảm, và hầu hết cả mỏ ở đây không thể tăng sản lượng lúc này bởi nợ nần.
Hiệp hội Khai thác Than Indonesia cho biết xuất khẩu than nước này năm nay sẽ chỉ ở mức 300 triệu tấn như năm ngoái, và năm tới cũng vẫn tương tự, mặc dù các nhà sản xuất sẽ nỗ lực tăng sản lượng trong năm 2017 nếu giá tiếp tục cải thiện. Sản lượng than năm nay dự báo sẽ giảm xuống 400 triệu tấn, so với 440 triệu tấn năm 2015.
Giá than tăng mạnh trái ngược hẳn với dự đoán trước đây của nhiều tổ chức lớn, như Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Goldman Sachs – năm ngoái đã từng cho rằng kỷ nguyên vàng" của than ở Trung Quốc dường như đã qua, đồng thời hạ dự đoán nhu cầu than thế giới từ nay đến năm 2020 bởi quá trình tái cơ cấu kinh tế ở Trung Quốc, các chính sách của chính phủ nước này hướng tới ứng phó với những thách thức về môi trường sẽ tác động tới nhu cầu sử dụng than ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Theo báo cáo tháng 12/2015 của IEA, tỷ trọng than trong tổng sản lượng năng lượng của Trung Quốc sẽ giảm từ mức 29% xuống còn 27% vào năm 2020.
Do đó, việc Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu than là mọt điều bất ngờ. Thông báo mới nhất của Goldman viết: “Giá than thế giới sẽ được hỗ trợ tăng trong tương lai”, theo đó nâng dự báo về giá than Newcastle trong 3, 6 và 12 tháng tới lên 65 USD/62 USD/60 USD/tấn, tăng 38% so với dự báo trước đây.
Giá than tăng trở lại có sự hậu thuẫn từ các cường quốc công nghiệp châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc, và nhu cầu tiếp tục vững ở Ấn Độ, Việt Nam và Philippines.
Nhật Bản đã sử dụng khối lượng kỷ lục nhiên liệu hoá thạch để phát điện sau thảm hoạt hạt nhân Fukushima khiến các nhà máy điện nguyên tử bị dừng hoạt động, trong khi Hàn Quốc kế hoạch xây mới 20 nhà máy điện sử dụng nguyên liệu rẻ nhất này trước năm 2022.
Tiêu thụ điện của Trung Quốc cũng tăng vượt dự đoán, tăng 8,2% trong tháng 7 so với cùng tháng năm ngoái, đạt 552,3 tỷ kWh. Trong tháng 7, Trung Quốc đã sản xuất được 550,6 tỷ kWh, tăng 7,2% so với tháng 7 năm ngoái. Sản lượng trong 7 tháng đầu năm tăng 2% lên 3,3121 nghìn tỷ kWh.
“Lĩnh vực công nghiệp (ở Trung Quốc) tăng trưởng mạnh mẽ trở lại thúc đẩy các nhà máy điện tăng công suất, giúp tăng nhu cầu than trong tháng qua”, ngân hàng Macquarie cho biết.
Nhập khẩu than vào Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm nay tăng 6,7% lên 129,17 triệu tấn. Tuy nhiên, yếu tố Trung Quốc tăng nhập khẩu liệu có bền vững không?
Theo ước tính sơ bộ của bộ phận Nghiên cứu và Dự báo hàng hoá của Thomson Reuters thì nhập khẩu than vào Trung Quốc trong tháng 8 sẽ giảm mạnh so với mức 18,92 triệu tấn của tháng 7, xuống chỉ 13,07 triệu tấn. Do vậy tổng nhập khẩu trong 8 tháng đầu năm sẽ chỉ tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhập khẩu vào Ấn Độ tháng 8 cũng có xu hướng giảm, và số liệu của Thomson Reuters cho thấy trong 8 tháng đầu năm nhập khẩu than vào Ấn Độ sẽ giảm khoảng 3,8% so với 139,3 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái.
Nếu qua tháng 8 mà giá than vẫn tiếp tục tăng thì có thể kết luận rằng giá than tăng không phụ thuộc quá nhiều vào nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc và Ấn Độ, và xu hướng tăng của những tháng qua báo hiệu một chu kỳ mới.(Trí thức trẻ)
Đóng băng sản lượng dầu thô không còn hiệu nghiệm?
Thỏa thuận đóng băng sản lượng của OPEC sẽ không thể phát huy tác dụng khi các nước vùng Vịnh đã liên tục bơm thêm dầu thô trong thời gian qua.
Thậm chí khi OPEC đạt được thỏa thuận với Nga về đóng băng sản lượng vào tháng tới tại Algeria, hiệu quả mang lại sẽ ít hơn nhiều so với thời điểm 4 tháng trước đây.
Giá dầu đã tăng hơn 10% kể từ khi OPEC cho biết sẽ tổ chức phiên họp không chính thức tại Algiers, thủ đô Algeria, dấy lên đồn đoán khối này có thể đạt được thỏa thuận đóng băng sản lượng với các nước sản xuất đối thủ - từng được khởi xướng hồi tháng 4 vừa qua. Giờ đây, Iran có thể gia nhập thỏa thuận này sau khi khôi phục phần lớn sản lượng dầu thô - từng bị hạn chế bởi các lệnh trừng phạt - một động thái mà giới phân tích cho rằng sẽ khiến việc đạt được thỏa thuận trở nên khả thi hơn, nhưng tác dụng cũng ít hơn.
David Hufton, giám đốc điều hành PVM Group ở London, nhận định, đóng băng sản lượng ở mức 34 triệu thùng/ngày khác hẳn với mức 33 triệu thùng/ngày. Việc này khiến quá trình tái cân bằng thị trường dầu thô kéo dài thêm ít nhất một năm nữa.
Arab Saudi và Iran - 2 đối thủ cạnh tranh - cùng nhau bơm thêm 1 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 1/2016 - mức đề xuất đóng băng ban đầu. Lượng dầu tăng thêm này khiến tình trạng thừa cung trầm trọng hơn, khiến thị trường không thể chuyển sang tình trạng thiếu hụt trong quý này được, theo tính toán của Bloomberg dựa vào số liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).
Giá dầu đã vượt ngưỡng 50 USD/thùng. Sau đợt tăng dài nhất kể từ tháng 3/2016, giá dầu Brent lúc 12h10 hôm 19/8 tại Hong Kong giao dịch ở mức 50,89 USD/thùng.
16 nước, cung cấp ½ sản lượng dầu thô toàn cầu, hôm 17/4 đã nhóm họp với nhau, nhưng các cuộc thảo luận đã đổ vỡ vì yêu cầu vào phút cuối của Arab Saudi rằng Iran cũng phải tham gia thỏa thuận đóng băng này. Iran không tham dự phiên họp này tại Doha vì từ chối xem xét hạn chế sản lượng dầu thô của nước này sau khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ hồi tháng 1/2016.
Giờ đây, các nước sản xuất chủ chốt, kể cả Iran, đang bơm dầu ở mức kỷ lục hoặc sát ngưỡng công suất tối đa và “không có nhiều” để mất khi nhất trí đóng băng sản lượng, Chakib Khelil, cực chủ tịch OPEC và Bộ trưởng Năng lượng Algeria cho biết.
Sản lượng dầu thô của Iran trong tháng 7 cao hơn 600.000 thùng/ngày so với tháng 1 khi nước này tái khởi động các giếng dầu từng bị đóng trong 4 năm bị áp đặt các lệnh trừng phạt, theo IEA. Trong khi đó, Arab Saudi bơm thêm 410.000 thùng/ngày, đưa sản lượng dầu thô lên mức kỷ lục để đáp ứng sự gia tăng nhu cầu nội địa và giữ thị phần toàn cầu.
Theo ông Khelil, mọi điều kiện đã được thiết lập để đi đến thỏa thuận. Sản lượng dầu thô của Nga, Iraq, Iran và Arab Saudi đã đạt đến mức tối đa và họ cũng đã giành được thị phần mong muốn.
Tuy vậy, vẫn còn lý do để cho rằng Iran có thể sẽ chưa muốn tham gia thỏa thuận đóng băng này khi Bộ trưởng Dầu mỏ nước này Bijan Namdar Zanganeh vẫn chưa quyết định có tham dự phiên họp tại Algiers hay không.
Các nước thành viên OPEC khác - từng ủng hộ thỏa thuận đóng băng hồi tháng 4 - giờ đây có vẻ ít “mặn mà” hoặc tìm kiếm sự miễn trừ vì sản lương bị sụt giảm đáng kể.
Sản lượng dầu thô của Nigeria xuống sát mức thấp nhất 27 năm do các cuộc tấn công quân sự vào đường ống dẫn dầu trong khi sản lượng của Venezuela bắt đáy kể từ năm 2003 trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế.
Ngay cả khi đạt được thỏa thuận, lượng dầu thô OPEC đang bơm thêm có nghĩa là thỏa thuận sẽ không còn hiệu quả như đề suất tại Doha hồi tháng 4 vừa qua.(NCĐT/Bloomberg)
Hàng ngàn gara ô tô sẽ đóng cửa?
Bộ Công Thương chấp nhận phương án bỏ Thông tư 20/2011, vốn làm cho hàng trăm nhà nhập khẩu xe hơi từ chín chỗ ngồi trở xuống điêu đứng, phá sản. Nhưng bộ này lại đề nghị Thủ tướng giao cho Bộ GTVT ban hành những quy định tương đương về bảo hành, bảo dưỡng.
Do vậy nhiều doanh nghiệp (DN) nhập khẩu ô tô dưới chín chỗ ngồi vẫn lo ngại về đề xuất này.
Điều kiện khắt khe về bảo dưỡng xe
Trong văn bản gửi Thủ tướng, Bộ Công Thương thừa nhận rằng Thông tư 20/2011 là chưa hoàn thiện và đề xuất bỏ thông tư này. Tuy nhiên, muốn bỏ Thông tư 20, Bộ Công Thương lại kiến nghị Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì ban hành quy định “tất cả loại phương tiện, nếu không được chính hãng sản xuất hoặc người được chính hãng sản xuất ủy quyền đứng ra chịu trách nhiệm bảo hành, bảo dưỡng đều không được phép đăng ký lưu hành tại Việt Nam”.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM vào ngày 21-8, một số chuyên gia nhìn nhận thay đổi cơ bản nhất trong đề xuất của Bộ gửi Thủ tướng là ai cũng có quyền nhập khẩu ô tô mà không cần phải xuất trình giấy ủy quyền chính hãng như trước đây. Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), TS Nguyễn Đình Cung, bình luận: “Đây là bước đi chấp nhận được của Bộ Công Thương”.
TS Cung cho rằng những quy định về bảo hành, bảo dưỡng thực ra đã được Bộ GTVT quy định khá rõ. “Đó là những quy chuẩn kỹ thuật chứ không phải là điều kiện kinh doanh như nội hàm trong Thông tư 20 đã quy định” - ông Cung khẳng định.
TS Cung đã tranh luận quyết liệt với đại diện Bộ Công Thương là Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Thoa về Thông tư 20 này tại đợt rà soát các điều kiện kinh doanh trái Luật DN, Luật Đầu tư hồi tháng 6-2016. Ông Cung cho rằng Thông tư 20 vi hiến, trái luật khi nó quy định những điều kiện ngặt nghèo, tước bỏ cơ hội kinh doanh của những DN nhỏ, trái với tinh thần tự do kinh doanh của Hiến pháp 2013.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), TS Vũ Tiến Lộc, người mới đây ký văn bản đề nghị Thủ tướng bãi bỏ Thông tư 20 nhận định việc Bộ Công Thương đề xuất bãi bỏ thông tư trên là một bước đi phù hợp. Bởi lẽ như nhiều chuyên gia, bộ, ngành và đại diện DN đã phân tích thông tư này cản trở quyền tự do kinh doanh và không hề có lợi cho việc phát triển công nghiệp ô tô trong nước; không tạo ra một môi trường kinh doanh cạnh tranh, bình đẳng.
Về việc Bộ Công Thương đề xuất Thủ tướng giao cho Bộ GTVT ban hành quy định về bảo hành, bảo dưỡng…, ông Lộc cho hay: “Chúng tôi sẽ làm việc với Bộ GTVT về đề xuất này của Bộ Công Thương nếu Thủ tướng quyết định. Đương nhiên mục tiêu cao nhất hướng tới là bãi bỏ những quy định vô lý, kìm hãm phát triển”.
Lo ngại hàng loạt gara đóng cửa
Bình luận đề xuất của Bộ Công Thương về bảo hành và bảo dưỡng, ông Nguyễn Tuấn, đại diện các nhà nhập khẩu ô tô chín chỗ ngồi trở xuống nói: Đây là một hình thức hạn chế tự do kinh doanh và có thể gây ra hậu quả lớn đối với các gara sửa chữa ô tô đang tồn tại.
“Đề xuất như vậy có nghĩa là Bộ Công Thương muốn tất cả ô tô đều phải được bảo dưỡng, bảo hành, sửa chữa tại cửa hàng của chính hãng. Như vậy hàng ngàn cửa hàng sửa chữa ô tô, gara ô tô tư nhân hiện nay sẽ có nguy cơ đóng cửa” - ông Tuấn nhận định.
Ông Nguyễn Đình Quyết, Giám đốc Công ty Hưng Hà, một nhà nhập khẩu ô tô từ chín chỗ ngồi trở xuống, cho rằng ô tô là loại hàng hóa được kiểm định chất lượng, an toàn kỹ thuật, môi trường trước khi nhập khẩu vào Việt Nam. Đồng thời để được lưu thông trên hệ thống đường bộ Việt Nam, ô tô đã được kiểm tra an toàn kỹ thuật, môi trường định kỳ… theo Luật Giao thông đường bộ.
Ông Quyết cũng nêu quan điểm vấn đề bảo hành và bảo dưỡng phải được tách bạch. Bởi bảo hành là trách nhiệm của nhà nhập khẩu, được công khai và Bộ Công Thương quản lý. Còn bảo dưỡng là trách nhiệm của người tiêu dùng đã được quy định tại Luật Giao thông đường bộ. “Không có lý gì lại phải quy định thêm về vấn đề này” - ông Quyết nói.
Ông Quyết cũng đề nghị hãy để người tiêu dùng quyết định thay dầu, lọc nhớt, lọc gió cho ô tô của mình ở đâu. Còn khi phải kiểm tra, sửa chữa tổng thể, chắc chắn họ sẽ phải chọn cơ sở to hơn nhưng giá cao hơn. “Cơ quan quản lý không nên yêu cầu người mua xe phải vào đâu sửa xe, mà nên quan tâm đến việc tạo ra thị trường cạnh tranh lành mạnh để cho người tiêu dùng được lựa chọn” - ông Quyết đề nghị.
Trả lời báo chí về đề nghị trên, một lãnh đạo của Bộ Công thương cho rằng Bộ kiến nghị chung. Còn Bộ GTVT (nếu Thủ tướng đồng ý) sẽ quy định chi tiết bởi họ có chuyên môn.
“Về nguyên tắc, nghĩa vụ bảo hành, bảo dưỡng là của chính hãng. Nhưng điều đó không ngăn cản Nhà nước cho phép thêm các cơ sở khác cùng tham gia cung cấp dịch vụ này trên cơ sở đáp ứng các điều kiện do Nhà nước quy định” - quan chức trên nói.(PLO)