Thế giới di động mua lại bao nhiều cổ phần của Trần Anh?; Nhà Trắng ngăn chặn Nga kiểm soát công ty dầu mỏ tại Mỹ; Đấu thầu 9 chung cư cũ chọn nhà đầu tư; Việt Nam sẽ có Trung tâm khoa học công nghệ hạt nhân trước 2025
Tin kinh tế đọc nhanh tối 21-07-2017
- Cập nhật : 21/07/2017
Vòng đàm phán NAFTA sắp bắt đầu, nỗi lo chiến tranh thương mại đẩy lên cao
Tháng tới, ông Trump và phái đoàn bắt đầu đàm phán lại hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) với Canada và Mexico. Vòng đàm phán đầu tiên sẽ diễn ra từ ngày 16/8 đến ngày 20/8 tại Washington D.C, theo đại diện đàm phán thương mại của ông Trump cho biết.
Hiệp định NAFTA mới hứa hẹn sẽ mang nhiều lợi ích cho những người ủng hộ ông thuộc tầng lớp lao động- nhóm người đang cảm thấy bị tụt hậu trong bối cảnh toàn cầu hóa đang diễn ra. Ông Trump đổ lỗi NAFTA cướp đi việc làm của ngành sản xuất Mỹ. Tuy nhiên, một nghiên cứu công bố năm 2015 kết luận NAFTA không phải là nguyên nhân khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng cao ở Mỹ.
Tuy vậy, ông Trump vẫn bảo vệ lập trường phản đối NAFTA và đây là một trong những nguyên nhân lý giải cho chiến thắng của ông trong kỳ bầu cử tổng thống vào năm ngoái. Hồi tháng 4, tổng thống Trump từng đe dọa sẽ rút khỏi NAFTA tuy nhiên sau đó đồng ý đàm phán lại hiệp định.
Với hiệp định NAFTA mới này, ông kỳ vọng sẽ làm giảm thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Mexico. Đồng thời, một số mục tiêu khác của ông như thắt chặt luật lao động, các quy định về sản xuất và luật bảo vệ môi trường cũng sẽ được đề cập trong lần đàm phán này.
Hiện có khoảng 14 triệu lao động Mỹ đang phụ thuộc vào mối quan hệ thương mại giữa Canada và Mexico. Giá trị thương mại khu vực biên giới phía bắc và phía nam Mỹ lên tới 1 tỷ USD/ngày.
Ông Trump vẫn giữ quan điểm nếu NAFTA không đạt được thỏa thuận như mong muốn trong vòng đàm phán kéo dài từ tháng 8/2017 đến tháng 1/2018 thì ông sẽ rút khỏi hiệp định này. Nếu kịch bản này xảy ra thì nỗi lo về chiến tranh thương mại giữa 3 nước sẽ càng đẩy lên cao.(NDH)
--------------------------
Singapore và New Zealand đang dẫn đầu cuộc đua kỹ thuật số
Các nền kinh tế lớn đang có nguy cơ bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua kỹ thuật số so với các quốc gia nhỏ hơn nhưng nhanh nhạy hơn.
Theo một bảng xếp hạng về kinh tế kỹ thuật số của các nhà nghiên cứu tại Đại học Tufts (Mỹ) kết hợp với Mastercard, công ty đa quốc gia chuyên về dịch vụ thanh toán số, thì các quốc gia nhỏ như Singapore, New Zealand, Ả Rập Xê Út và Estonia mới là những ngôi sao thực sự đang vươn lên trong cuộc đua kỹ thuật số.
Hệ thống công nghệ cao tại một số nước Bắc Âu, Thụy Sĩ và Hàn Quốc đang phát triển đi trước cả Mỹ và Nhật Bản. Hai thành viên khu vực Đông Nam Á là Indonesia và Philippines cũng có tên trong danh sách 15 nước có tốc độ số hóa nhanh nhất.
Theo Bloomberg, kết quả đánh giá trên được tổng hợp từ hơn 170 chỉ số, bao gồm luật sở hữu trí tuệ, dữ liệu ẩn danh của Mastercard, mức độ hỗ trợ của chính phủ, tốc độ đổi mới, định lượng tương tác giữa cung - cầu trong nền kinh tế kỹ thuật số...
New Zealand, thành viên đứng đầu nhóm Digital 5 hoặc D5, một nhóm các chính phủ có cùng tư tưởng kỹ thuật số thành lập vào năm 2014, gần đây nổi lên như một không gian an toàn dành cho các doanh nhân công nghệ cao để phát triển và tránh khỏi những xung đột địa chính trị đang gia tăng trên thế giới.
Singapore cũng đang theo đuổi mục tiêu trở thành một “quốc gia thông minh”, một trung tâm về công nghệ internet vạn vật (Internet of Things) và là điểm đến lý tưởng cho các doanh nhân khởi nghiệp. Đất nước châu Á này hiện dẫn đầu thế giới về việc sử dụng công nghệ như một yếu tố cốt lõi trong các ngành công nghiệp then chốt như dịch vụ tài chính và chăm sóc sức khỏe.
Trong khi đó, tình trạng bất ổn chính trị và các lệnh trừng phạt quốc tế dường như đang ngăn chặn tốc độ số hóa của một số nước như Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Còn đối với Mỹ, mặc dù có lượng lớn người tiêu dùng sử dụng công nghệ cao và nhiều quỹ đầu tư sẵn sàng đổ tiền vào các công ty công nghệ mới thành lập, nhưng sự yếu kém trong việc đầu tư đồng bộ vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số tại các vùng khác nhau trên cả nước đang khiến cho nước này bị tụt lại phía sau trong cuộc đua.(thanhnien)
--------------------------
Ninh Thuận: Giá muối tăng mạnh, diêm dân không còn muối để bán
Tại Ninh Thuận, giá muối sản xuất trên nền bạt hiện ở mức 1.300 đồng/kg, muối sản xuất trên nền đất 1.100 đồng/kg, tăng từ 400 - 600 đồng/kg so với giá đầu vụ 2017. Muối được giá song nhiều diêm dân không còn muối để bán.
Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Hải, Lê Văn Ngọc cho biết, thời gian qua tại Ninh Thuận, thời tiết diễn biến bất thường với những cơn mưa trái mùa khiến sản lượng muối đạt thấp, nguồn cung giảm đẩy giá muối tăng mạnh thời gian gần đây.
Muối hiện rất được giá nhưng trên những cánh đồng muối lớn nhất của tỉnh Ninh Thuận ở các xã Tri Hải, Nhơn Hải và Khánh Hải, huyện Ninh Hải rất ít diêm dân ra ruộng làm muối. Vừa qua, những cơn mưa ngắt quãng khiến mực nước trong ruộng muối dâng cao từ 15 - 20 cm so với mực nước ruộng muối thông thường khiến muối không thể kết tinh. Nhiều hộ chưa thể sản xuất phải chờ bơm nước, cải tạo lại ruộng, trông chờ thời tiết ổn định mới tiến hành sản xuất.
Diêm dân Nguyễn Văn Ngàn ở xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải cho biết, gia đình làm gần 5 sào muối, vào cùng thời điểm như năm ngoái nếu thời tiết thuận lợi và làm liên tục thì thu trên 40 tấn muối. Nhưng từ đầu năm tới nay mới thu được hơn 25 tấn muối. Không chỉ gia đình bị sụt giảm năng suất, nhiều gia đình tại địa phương cũng sụt giảm sản lượng muối dẫn đến giảm thu nhập.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận, 6 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh sản xuất được 3.544 ha muối; trong đó, muối diêm dân là 652 ha, sản lượng ước đạt 62.946 tấn. Muối công nghiệp khoảng 2.892 ha, sản lượng ước 42.997 tấn. Tại Ninh Thuận nếu thời tiết thuận lợi, nắng gắt liên tục diêm dân có thể sản xuất được 3 đợt/tháng.
Để nâng cao chất lượng và năng suất muối, tỉnh Ninh Thuận đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất muối với công nghệ phủ bạt ô kết tinh; khuyến khích diêm dân chuyển đổi dần từ canh tác trên nền đất sang trải bạt. Đồng thời, tỉnh đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến muối và các sản phẩm sau muối với trang thiết bị và công nghệ sản xuất hiện đại để tăng sức cạnh tranh với muối ở các tỉnh khác.(TTXVN)
----------------------
Vì sao các quỹ đầu tư quốc gia ở châu Á phải cạnh tranh với quỹ PE?
Các công ty PE tập trung vào châu Á, vốn tăng cường đầu tư vào những công ty chưa niêm yết, đã tăng nguồn quỹ khổng lồ của họ lên khi thêm 136 tỷ USD vào cái gọi là “tài sản có tính thanh khoản cao” kể từ năm ngoái.
Trong tình hình các TTCK hiện khá đắt đỏ, giới đầu tư đến từ các quỹ đầu tư quốc gia (SWF) châu Á đang thêm các công ty chưa niêm yết vào danh mục đầu tư của họ ngày càng nhiều, một chiến lược mà có thể đầy rủi ro vì họ phải cạnh tranh trực tiếp với các quỹ đầu tư vốn tư nhân (PE) vốn có tài chính dồi dào, Reuters đưa tin.
Những thương vụ đầu tư như thế của Tập đoàn Đầu tư Trung Quốc (CIC) và Temasek Holdings của Singapore, hai trong số những nhà đầu tư quốc gia lớn nhất ở châu Á, là tâm điểm của sự chú ý trong tháng này tại các buổi thảo luận về thành quả hàng năm của nhà đầu tư. Tại buổi thảo luận này, nhà đầu tư đã cảnh báo về áp lực lợi nhuận từ một môi trường đầy thử thách cho việc đầu tư cổ phiếu.
Cụ thể là, Temasek đang tăng cường đầu tư vào các công ty chưa niêm yết, trong khi CIC đang lên kế hoạch mở rộng những vụ đầu tư trực tiếp ở Mỹ của họ.
“Hiện nay, thị trường dành cho các công ty niêm yết rất đắt đỏ nên chúng tôi hướng nhiều hơn đến các công ty chưa niêm yết”, Rohit Sipahimalani, đồng phụ trách bộ phận chiến lược danh mục đầu tư và rủi ro của Temasek, cho biết.
Đến cuối tháng 3, khối lượng tài sản không được niêm yết trong danh mục đầu tư 275 tỷ USD của Temasek đã tăng lên mức kỷ lục là 110 tỷ USD, tương đương với 40% trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2017, tăng mạnh so với mức 22% hồi năm 2011. Con số này đã bao gồm một vụ đầu tư thiểu số trị giá 800 triệu USD ở Verily Life Sciences, một công ty con của Alphabet, thuộc tập đoàn công nghệ Google.
CIC đã đồng ý mua Logicor, một doanh nghiệp logistic ở châu Âu của Blackstone với giá 12.25 tỷ Euro, sau khi đưa ra giá cao hơn một tập đoàn tư nhân châu Á và một nhà đầu tư quốc gia trong thương vụ bất động sản PE lớn nhất khu vực, các nguồn tin cho biết.
Trên toàn cầu, các quỹ đầu tư quốc gia đang cố gắng bắt tài sản của họ “làm việc” nhiều hơn vì họ đang chịu áp lực lợi nhuận. GIC, quỹ đầu tư quốc gia của Singapore, cho biết họ hiện đã sẵn sàng cho một giai đoạn bất ổn kéo dài và lợi nhuận thấp.
Khi các quỹ tranh nhau các thương vụ, thì nghĩa là rủi ro đang tăng lên trong một thị trường đông đúc, giới phân tích lên tiếng.
“Các quỹ đầu tư quốc gia có khuynh hướng có thời gian nắm giữ một vụ đầu tư lâu và không mắc nợ, nên họ trở thành nhà đầu tư lý tưởng cho các công cụ không có tính thanh khoản cao. Vì thế, tôi tin rằng họ sẽ hướng nhiều hơn sang các thương vụ chưa được niêm yết”, Veljko Fotak, giáo sư tài chính quốc tế tại Đại học Buffalo, phân tích.
Ông Veljko cho biết: “Tôi nghĩ rằng các quỹ đầu tư quốc gia sẽ thích ‘giả vờ’ là các nhà đầu tư mạo hiểm, và sẽ lãnh hậu quả cho điều đó vì quá nhiều vốn đang được đổ vào một sân chơi quá nhỏ”.
Các công ty PE tập trung vào châu Á, vốn tăng cường đầu tư vào những công ty chưa niêm yết, đã tăng nguồn quỹ khổng lồ của họ lên khi thêm 136 tỷ USD vào cái gọi là “tài sản có tính thanh khoản cao” kể từ năm ngoái. Tuy nhiên, họ không phải là những người cạnh tranh duy nhất đối với giới đầu tư đến từ các quỹ đầu tư quốc gia.
“Không chỉ các công ty PE có tài sản có tính thanh khoản cao, đó là điều mà các quỹ đầu tư quốc gia, những quỹ hưu trí và các công ty tư vấn quản lý tài sản cũng có. Chắc chắn là một thách thức để có được lợi nhuận với hình thức cạnh tranh đó”, Dilhan Pillay Sandrasegara, đồng phụ trách nhóm đầu tư của Temasek, nói.
Những thương vụ đã được đàm phán hiện mang đến cho Temasek cơ hội tạo dựng danh mục đầu tư của họ mà không bị ảnh hưởng bởi sức nóng cạnh tranh.
“Chúng tôi hầu như không bao giờ thắng trong một cuộc đấu giá. Chúng tôi rất tệ trong chuyện đấu giá”, Sipahimalani nói, khi đề cập tới các vụ đầu tư của Temasek vào những công ty Mỹ và châu Âu hồi năm trước.
Giữa sự cạnh tranh ngày càng tăng để có được các thỏa thuận đầu tư, hợp tác có thể là điều sẽ dẫn đến thành công, một số chuyên gia phân tích nói.
Năm ngoái, GIC cho biết họ sẽ trở thành chủ sở hữu thiểu số của công ty công nghệ Neustar Inc của Mỹ sau khi công ty này nói rằng họ sẽ được một tập đoàn PE mua lại. Các quỹ quốc gia đang đầu tư cùng với các quỹ PE và công ty tư vấn quản lý tài sản, Javier Capapé, Giám đốc tại trung tâm nghiên cứu đầu tư quốc gia của trường kinh doanh IE ở Madrid, nói.
Hợp tác với các công ty PE báo hiệu một sự cam kết dành cho giá trị của cổ đông hơn là so với những ưu tiên chính trị, Fotak, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Đầu tư Quốc gia của Đại học Bocconi, Italy, nói.
“Dĩ nhiên, nếu bạn không thể đánh bại họ, thì hãy tham gia cùng với họ”(Vietstock)