tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh sáng 21-07-2017

  • Cập nhật : 21/07/2017

Thỏa thuận mậu dịch tự do: Xóa cũ, chơi mới

Sau Hàn Quốc, đến lượt Canada và Mexico nhận được yêu cầu cụ thể của Mỹ về đàm phán lại thỏa thuận mậu dịch tự do mà Mỹ đã ký với các đối tác này. 

tong thong donald trump va pho tong thong mike pence tham du mot su kien trung bay san pham "san xuat tai my"

Tổng thống Donald Trump và Phó tổng thống Mike Pence tham dự một sự kiện trưng bày sản phẩm "sản xuất tại Mỹ"

Thỏa thuận giữa Mỹ, Canada và Mexico về khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA) có hiệu lực từ năm 1994, còn thỏa thuận giữa Mỹ và Hàn Quốc được thực hiện từ tháng 3.2012.

Trước đó, Tổng thống Donald Trump đã quyết định rút nước Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và ngừng đàm phán với EU về Hiệp định Đối tác xuyên Đại Tây Dương về thương mại và đầu tư (TTIP).

Cốt lõi ở đây là quan điểm của Tổng thống Trump tôn sùng chủ nghĩa bảo hộ và thù địch với tự do hóa thương mại, cho rằng những thỏa thuận về mậu dịch tự do là nguyên cớ chính khiến Mỹ thâm hụt lớn trong cán cân thương mại. Cho nên ông Trump phê phán và gây áp lực với những đối tác hiện xuất siêu sang Mỹ và chủ trương hủy bỏ những thỏa thuận Mỹ đã ký để đàm phán lại từ đầu, tức là xóa kết quả cũ để chơi trận mới.

Kể cả sau khi bị cô lập ở những diễn đàn đa phương quốc tế như G7 hay G20, ông Trump không thay đổi nhận thức, quan điểm và định hướng chính sách về thương mại. Trong những điều kiện mới mà Mỹ đưa ra cho Mexico và Canada còn có cả điều kiện chống thao túng tiền tệ vốn là chuyện chưa từng xảy ra dưới bất kỳ hình thức nào trong NAFTA.

Qua đó, có thể thấy ông Trump không chỉ quyết tâm thực hiện cam kết tranh cử mà còn có ý định dùng việc đàm phán lại với Canada, Mexico và Hàn Quốc làm định hướng, khuôn mẫu và mô hình cho đàm phán với các đối tác thương mại khác. Xóa cũ chơi mới như thế còn nhằm buộc các đối tác phải chấp nhận luật chơi mới của Mỹ.(Thanhnien)
----------------------------------

Trung Quốc đã cho Chính phủ Mỹ vay hơn 1.100 tỉ USD

Bộ Tài chính Mỹ ngày 18/7 công bố số liệu thống kê cho biết trong tháng 5/2017, Trung Quốc tăng nắm giữ 10 tỷ USD trái phiếu Chính phủ Mỹ, nâng quy mô nắm giữ lên đến 1.102,2 tỷ USD.

Cũng theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính Mỹ, trong cùng tháng 5 vừa qua, Nhật Bản đã tăng nắm giữ 4,4 tỷ USD trái phiếu Chính phủ Mỹ, nâng quy mô nắm giữ lên đến 1110,3 tỷ USD, vẫn tiếp tục là nước đang nắm giữ nhiều trái phiếu Mỹ nhất. 

trung quoc tang nam giu 10 ty usd trai phieu chinh phu my trong thang 5. anh: ft.com

Trung Quốc tăng nắm giữ 10 tỷ USD trái phiếu Chính phủ Mỹ trong tháng 5. Ảnh: ft.com

 

Đây là tháng thứ 4 liên tiếp Trung Quốc tăng lượng nắm giữ trái phiếu Chính phủ Mỹ. 

Tính đến cuối tháng 5, các chủ nợ chính nước ngoài tổng cộng nắm giữ khoảng 6.123,6 tỷ USD trái phiếu Chính phủ Mỹ, cao hơn so với 6073,700 tỷ USD của tháng 4. 

Cũng trong ngày 18/7, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) công bố số liệu cho thấy nước này đã phát hành 3.700 tỷ NDT (547 tỷ USD) trái phiếu trong tháng 6/2017, tăng đáng kể so với mức 2.900 tỷ NDT trong tháng 5. 

Số liệu của PBoC cho thấy giá trị trái phiếu phát hành trên thị trường liên ngân hàng của Trung Quốc đạt 3.500 tỷ NDT trong tháng 6/2017, cũng cao hơn mức 2.700 tỷ NDT ghi nhận trong tháng 5. 

Tính tới cuối tháng 6/2017, lượng trái phiếu lưu hành trên thị trường Trung Quốc đạt 68.200 tỷ NDT, trong đó có 11.900 tỷ NDT trái phiếu chính phủ, 12.400 tỷ NDT trái phiếu chính quyền địa phương và 16.000 tỷ NDT trái phiếu của các công ty tài chính. 

Trung Quốc hiện sở hữu thị trường trái phiếu lớn thứ ba thế giới - đang tăng trưởng mạnh và mở rộng ra toàn cầu. Trong năm 2016, Trung Quốc phát hành tổng cộng 36.100 tỷ NDT trái phiếu các loại, tăng 54,2% so với năm 2015.(TTXVN)
-----------------------

Vì sao lãnh đạo ngân hàng đua nhau mua cổ phiếu?

Bên cạnh yếu tố đầu tư, các lãnh đạo ngân hàng mua gom cổ phiếu có thể còn nhằm mục đích "tập trung" quyền lực tại nhà băng. 

Mới đây, người thân của ông Lô Bằng Giang, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị VPBank, đã đăng ký mua tổng cộng hơn 110 triệu cổ phiếu nhà băng này, tương đương hơn 8,4% vốn điều lệ thông qua giao dịch thỏa thuận hoặc nội bộ. 

Nếu giao dịch thành công, ông Giang và người nhà sẽ nắm giữ hơn 8,5% vốn điều lệ tại VPBank và trở thành nhóm cổ đông lớn nhất ở ngân hàng này (ông Giang hiện đang sở hữu hơn 1,4 triệu cổ phiếu của ngân hàng, tương đương 0,13%).Hiện tại, cổ đông lớn nhất của VPBank là ông Ngô Chí Dũng - Chủ tịch HĐQT đang nắm giữ hơn 37,88 triệu cổ phiếu, tương đương 4,12% vốn điều lệ.

cac lanh dao ngan hang lien tuc mua co phieu. 

Các lãnh đạo ngân hàng liên tục mua cổ phiếu. 

Diễn biến tương tự cũng xảy ra với cổ phiếu LienVietPostBank. Sau khi ông Dương Công Minh rời vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị, cổ đông lớn nhất là Công ty Him Lam - nơi ông Minh sở hữu 99% vốn cũng thông báo thoái toàn bộ 15% vốn nắm giữ, tương đương gần 97 triệu cổ phiếu LienVietPostBank.

Trong thời gian này, hàng loạt giao dịch cổ phiếu liên quan tới các lãnh đạo cấp cao đã diễn ra, hầu hết là mua vào với khối lượng lớn.

Theo đó, ông Phạm Doãn Sơn - Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc - đã mua hơn 11,78 triệu cổ phiếu LienVietPostBank (sau hai lần giao dịch). Ông Nguyễn Đình Thắng - Phó chủ tịch cũng mua thỏa thuận 23 triệu cổ phiếu. Hai phó tổng giám đốc là ông Hồ Nam Tiến và ông Bùi Thái Hà đăng ký mua vào lần lượt 6 triệu và 5,2 triệu cổ phiếu, tương đương lần lượt 0,93% và 0,8% vốn tại nhà băng này.

Mới đây, LienVietPostBank cũng thông báo liên quan tới 4 cổ đông với các giao dịch thỏa thuận đăng ký mua hơn 10 triệu cổ phiếu nhưng bất thành gồm ông Nguyễn Hoàng Duy (con trai Chủ tịch Nguyễn Đức Hưởng), bà Nguyễn Minh Trang (con gái Phó chủ tịch Nguyễn Đức Cử), hai Phó chủ tịch là ông Phạm Doãn Sơn và ông Nguyễn Đình Thắng.

Tại Sacombank, trước đó theo thông tin từ Sở giao dịch chứng khoán TP HCM, ông Kiều Hữu Dũng - nguyên Chủ tịch và ông Nguyễn Văn Cựu - Thành viên Hội đồng quản trị của ngân hàng này cũng đăng ký mua lần lượt 300.000 và 500.000 cổ phiếu. Với thị giá của STB hiện nay, tổng giá trị giao dịch đạt gần 10 tỷ đồng.

Cả hai nhân sự cấp cao của Sacombank đều đăng ký giao dịch với mục đích đầu tư, trong khoảng thời gian từ 3/3 đến 1/4/2017. Trước đó, ông Dũng và ông Cựu đều không sở hữu cổ phiếu của ngân hàng.

Nhìn nhận về động thái trên, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng có các nguyên nhân chính sau. Thứ nhất, theo ông Hiếu đây đơn thuần là mục đích đầu tư. Những người này đang hướng đến giá trị gia tăng của cổ phiếu ngân hàng khi thời gian qua, cổ phiếu ngành này liên tục hồi phục và khởi sắc. Do đó, những lãnh đạo ngân hàng cũng như người thân của họ khi có cơ hội là sẽ mua vào. 

Thứ hai, động thái liên tục mua vào có thể còn nhằm mục đích tập trung "quyền lực" của họ tại ngân hàng. Bởi bên cạnh yếu tố lợi nhuận đầu tư, việc gia tăng nắm giữ cổ phiếu để trở thành cổ đông lớn, có vị trí nhất định tại ngân hàng là điều rất quan trọng với các lãnh đạo nhà băng. 

Tiến sĩ Hiếu phân tích thêm, việc các lãnh đạo ngân hàng đua nhau mua vào cổ phiếu sẽ có tác động nhất định đến thị trường cả tích cực và tiêu cực. Bởi khi mua với số lượng lớn, một mặt sẽ giúp đẩy giá cổ phiếu ngân hàng lên, nhưng cũng không loại trừ hiện tượng làm giá. 

Nhìn nhận xu hướng sắp tới, ông Hiếu cho rằng hoạt động mua cổ phiếu ngân hàng sẽ tiếp diễn. Vì nghị định 42 về xử lý nợ xấu đã được ban hành, khả năng các ngân hàng sẽ xử lý nợ xấu triệt để hơn. Khi đó, triển vọng cổ phiếu ngân hàng là rất tốt. Chưa kể, Ngân hàng Nhà nước vừa điều chỉnh giảm lãi suất điều hành giúp mặt bằng lãi suất chung hạ.

"Điều này càng giúp nguồn vốn chảy mạnh vào cổ phiếu. Đặc biệt, nếu VnIndex tiến tới ngưỡng 800 điểm thì hoạt động mua vào cổ phiếu ngân hàng càng sôi động hơn", ông Hiếu dự báo.(Vnexpress)
------------------------

Doanh nghiệp Việt lưu tâm cộng đồng ASEAN nhưng chưa hiểu rõ

Đa số doanh nghiệp ở Việt Nam quan tâm và tìm hiểu về Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) nhưng một số khảo sát cho thấy chỉ 16% doanh nghiệp thực sự hiểu về AEC.

quang canh buoi toa dam tai ha noi sang 19-7 - anh: dieu an

Quang cảnh buổi tọa đàm tại Hà Nội sáng 19-7 - Ảnh: DIỆU AN

Đó là phát biểu của ông Vũ Quang Minh, trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, tại tọa đàm “50 năm ASEAN: AEC và cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam”.

Đây là tọa đàm do Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Vụ nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) tổ chức tại Hà Nội sáng 19-7.

Tại hội đàm, nhiều đại biểu trong nước và quốc tế cho rằng chính phủ các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, cần hỗ trợ tốt hơn nữa để giúp doanh nghiệp tận dụng thời cơ và hiểu rõ những thách thức mà AEC mang lại, trong đó ưu tiên việc cung cấp thông tin.

Bà Nguyễn Quỳnh Nga, thuộc Bộ Công thương, cho biết để giúp doanh nghiệp tìm hiểu rõ hơn về AEC, thời gian quan, các bộ ngành của Việt Nam đã tổ chức nhiều hội thảo, lớp tập huấn, cũng như in sách hướng dẫn thông tin về AEC phát cho các doanh nghiệp.

Cũng phát biểu tại tọa đàm, thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, trưởng đoàn quan chức cấp cao (SOM) ASEAN, cho rằng doanh nghiệp chỉ có thể tận dụng được những lợi thế của AEC khi thực sự trở thành “tay chơi” có đủ năng lực trong thị trường ASEAN.

Theo ông Dũng, việc hiểu rõ về cộng đồng ASEAN, nắm bắt được cơ hội, nhìn nhận đúng các thách thức sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng được những chiến lược và kế hoạch khả thi để phát triển trong thị trường khối ASEAN.

Ông Dũng nhấn mạnh để có thể tận dụng được các cơ hội mà AEC mang lại, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần phải chủ động hơn nữa trong việc tìm hiểu thông tin, tư vấn cũng như tìm kiếm đối tác và cơ hội hợp tác.

Trong khi đó, tiến sĩ Rebecca Fatinma Sta Maria, chuyên gia chính sách cao cấp của ERIA, cho biết cộng đồng ASEAN là một thị trường tiềm năng với hơn 620 triệu dân, chỉ xếp sau Trung Quốc và Ấn Độ, đồng thời là nền kinh tế thứ 7 thế giới với GDP hơn 2.400 tỉ USD (thống kê năm 2015).

Bà Rebecca kiến nghị chính quyền mỗi nước ASEAN cần giải quyết thủ tục hành chính cũng như hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả hơn nhằm thu hút đầu tư và đẩy mạnh xuất khẩu.(Tuoitre)

Trở về

Bài cùng chuyên mục