Vàng bật tăng mạnh do USD suy yếu
Nhật Bản quan tâm thị trường thực phẩm Indonesia
Cảnh báo nhựa đường nhái mác Shell Singapore bán tại Việt Nam
Tín hiệu mới trong thu hút FDI vào Cần Thơ
Ngăn sự giảm tốc của công nghiệp
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 04-04-2016
- Cập nhật : 04/04/2016
Nợ xấu của nhiều ngân hàng lớn Trung Quốc tăng mạnh
3 ngân hàng thương mại quốc doanh lớn nhất Trung Quốc vừa công bố báo cáo hoạt động trong năm 2015. Mức nợ xấu của cả 3 ngân hàng này đều tăng mạnh, theo CNN.
Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC) là tổ chức tín dụng cho vay bất động sản lớn nhất nước. Nợ xấu của ICBC năm 2015 đã tăng 44 % so với 2014, lên mức 180 tỷ nhân dân tệ, khoảng 28 tỷ USD.
Các đối thủ của ICBC là Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CICHF) và Ngân hàng Trung Quốc (BACHF) cũng đối mặt rủi ro khi nợ xấu lần lượt tăng 47% và 30%.
Theo CNN, dù tình hình nợ xấu chồng chất ở 3 ngân hàng này nhưng vẫn chưa tồi tệ đến mức xảy ra khủng hoảng toàn diện. Các ngân hàng này đều có trích lập nguồn vốn dự phòng để trang trải một số khoản lỗ. Mặt khác, họ vẫn tạo ra hàng chục tỷ USD lợi nhuận.
Tuy nhiên, sau nhiều năm kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh, lợi nhuận của các ngân hàng hầu như không tăng trong năm 2015. Điển hình là CICHF, lợi nhuận chỉ tăng 0,1%.
Trong khi đó, ngày càng nhiều doanh nghiệp và người dân phải vật lộn để trả lãi. Kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại. Các nhà hoạch định chính sách nước này đang cố gắng chuyển đổi nền kinh tế, ít phụ thuộc vào xuất khẩu và khuyến khích đầu tư.
Tính cả năm 2015, nợ xấu của hệ thống ngân hàng thương mại Trung Quốc tăng 1,27 nghìn tỷ nhân dân tệ, tương đương 196 tỷ USD. Con số này cao gấp đôi 2 năm trước đó, giới chức ngân hàng Trung Quốc cho biết.
Các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách đang lo ngại gánh nặng nợ xấu sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Trung Quốc. “Nợ xấu tăng ở các ngân hàng là kết quả trực tiếp của 5 năm tăng nợ chưa từng có và kinh tế giảm tốc”, công ty tư vấn PwC nhận định.
Các nhà chức trách Trung Quốc tuyên bố sẽ can thiệp nếu mức nợ xấu tăng quá cao và đe dọa khả năng thanh khoản của các ngân hàng.
Doanh nghiệp lo “xộ khám” vì cách tính thuế của Bộ Tài chính
Việc lấy giá bình quân của các cơ sở thương mại làm giá tính thuế khiến doanh nghiệp lo bị cơ quan thuế "hành" vì giá khó có thể thống nhất - Ảnh Sản xuất bia tại Tổng công ty Bia rượu nước giải khát HN
Các kiến nghị về cách tính thuế này vừa được gửi thẳng lên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sau khi “kêu” mãi nhưng Bộ Tài chính "tiếp thu xong vẫn thế”.
Đã chấp nhận thuế tiêu thụ đặc biệt tăng thêm 5% kể từ 1-1-2016 nhưng ngày 3-4, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia rượu nước giải khát VN (VBA) xác nhận kiến nghị về những bất cập trong hướng dẫn của Bộ Tài chính quanh cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt mới (vừa có hiệu lực) được tiếp tục gửi lên lãnh đạo Quốc hội.
Theo quy định của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành, giá làm căn cứ tính thuế Tiêu thụ đặc biệt “là giá do cơ sở sản xuất bán ra”. Tuy nhiên, trong thông tư 195/2015 hướng dẫn, Bộ Tài chính lại “chỉnh” thêm: giá tính thuế là giá bán ra của cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất các mặt hàng chịu thuế Tiêu thụ đặc biệt (trừ xăng và ô tô dưới 24 chỗ) nhưng không được thấp hơn 7% so với giá bán bình quân trong tháng của sản phẩm cùng loại do các cơ sở thương mại bán ra”…
Điều này có nghĩa, giá tính thuế sẽ căn cứ vào giá bán của các cửa hàng thương mại trên cả nước, rồi tính giá bình quân.
Ông Tayfun Uner lo rất khó tính được giá bán bình quân trong tháng của các cơ sở thương mại. Thực tế, mỗi nhãn hàng lại có nhiều sản phẩm với mẫu mã, kích thước khác nhau. Và mỗi cửa hàng có giá bán cũng rất khó kiểm soát.
Điều này có nghĩa, giá bình quân rất dễ có tranh cãi giữa cơ quan thuếvà doanh nghiệp dẫn đến doanh nghiệp gặp nhiều rủi ro về thanh tra thuế, bị áp giá tính thuế, truy thu thuế …
Theo ông Lê Bá Cơ, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Hà Nội, hướng dẫn của Nghị định và Thông tư nêu trên thực tế có mâu thuẫn với Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt.
Ông Cơ cho rằng do lo doanh nghiệp sản xuất thành lập công ty con, bán ra với giá thấp để nộp thuế tiêu thụ đặc biệt ít đi, lỗ mẹ lãi con, từ đó Bộ Tài chính đưa ra quy định siết giá tính thuế là giá bán ra của công ty sản xuất nhưng không thấp hơn 7% giá các cơ sở thương mại vẫn bán.
Tuy nhiên, nguyên tắc quản lý không nên vì mục tiêu kiểm soát các doanh nghiệp gian lận mà gây khó cho tất cả các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Theo ông Cơ, khó bởi các cơ sở thương mại là hoàn toàn độc lập với đơn vị sản xuất, mà doanh nghiệp phải căn cứ vào giá bán bình quân của họ để nộp thuế. “Rất khó khăn để thực hiện” - ông Cơ nói.
Trao đổi về bức xúc của doanh nghiệp, ông Phạm Tuấn Khải, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ nói thẳng: "Bộ Tài chính có phải tận thu khi đưa ra cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt mới?".
Ông Khải đặt vấn đề việc ban hành chính sách này là “lợi ích nhóm” của cơ quan tham mưu để đảm bảo chỉ tiêu thu ngân sách. Trước thực tế doanh nghiệp phải phản ứng mạnh lên các cấp, ông Khải đề nghị Bộ Tài chính cần đối thoại với doanh nghiệp.
Để dung hòa, theo ông Nguyễn Văn Việt, VBA đề xuất sửa quy định: giá tính thuế TTĐB là giá bán ra của cơ sở sản xuất nhưng không được thấp hơn 10% so với giá bán ra của công ty thương mại cuối cùng (trong chuỗi lưu thông có quan hệ công ty mẹ, công ty con... với công ty sản xuất).
Điều này, theo ông Việt, sẽ loại trừ được khả năng công ty mẹ bán giá thấp cho công ty con, để giảm thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp. Nó cũng tránh được các doanh nghiệp sản xuất phải tính thuế căn cứ theo giá bán của hàng ngàn cửa hàng thương mại trên cả nước.
Văn bản của đại diện các doanh nghiệp phản ứng với cách tính thuế mới của Bộ Tài chính đã thẳng thắn đề nghị Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân xem xét hoãn thi hành các văn bản dưới luật (Nghị định 108/2015 của Chính phủ và Thông tư 195/2015 của Bộ Tài chính) thêm một năm.
Trong thời gian này, Quốc hội cùng hiệp hội, doanh nghiệp xem lại những bất cập của hai văn bản trên.
Cho vay bất động sản tăng mạnh, ngân hàng giảm đầu tư vào trái phiếu chính phủ
Theo báo cáo mới công bố của Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia, trong tháng 3/2016, tỷ lệ trúng thầu trái phiếu Chính phủ (TPCP) phát hành qua Kho bạc Nhà nước chỉ đạt 76,2%, giảm mạnh so với mức 96,6% của tháng 2.
Lũy kế đến 23/3, tổng khối lượng phát hành TPCP đạt 68,04 nghìn tỷ đồng, bằng 89% kế hoạch phát hành quý I và 31% kế hoạch năm.
Lãi suất trúng thầu có xu hướng tăng nhẹ ở kỳ hạn ngắn và giữ nguyên ở kỳ hạn dài.
Theo Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia, nguyên nhân là do các ngân hàng cho vay các dự án bất động sản dài hạn nên giảm đầu tư vào TPCP, giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn theo thông tư 36.
BIDV được chấp thuận mở chi nhánh tại Myanmar với mức vốn 85 triệu USD
Ngày 31/3/2016, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành văn bản số 2072/NHNN-TTGSNH chấp thuận thành lập chi nhánh tại Myanmar của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - mã: BID).
Cụ thể, Thống đốc NHNN chấp thuận thành lập chi nhánh tại Myanmar của BIDV với tên gọi: Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Yangon và địa chỉ tại Hoang Anh Gia Lai Myanmar Center Tower, No.192, Kabar Aye Pagoda Road, Bahan Township, Yangon, Myanmar. Đồng thời, chấp thuận mức vốn được cấp của chi nhánh này là 85 triệu USD.
NHNN yêu cầu BIDV có trách nhiệm thực hiện các thủ tục khai trương hoạt động, đăng ký, đăng báo đối với chi nhánh đã được chấp thuận thành lập theo quy định tại Thông tư số 21/2013/TT-NHNN ngày 9/9/2013 quy định về mạng lưới hoạt động của ngân hàng thương mại và các quy định của pháp luật hiện hành có liên quan. Sau 12 tháng kể từ ngày ký các văn bản này, BIDV không khai trương hoạt động chi nhánh được chấp thuận thành lập, văn bản chấp thuận của NHNN đương nhiên hết hiệu lực.
Trước đó, Hội đồng cấp phép thành lập chi nhánh Ngân hàng nước ngoài của Myanmar vừa thông báo cấp phép cho 4 Ngân hàng nước ngoài được mở chi nhánh hoạt động tại Myanmar bao gồm: BIDV (Việt Nam), E.SUN Commercial Bank (Đài Loan), Shinhan Bank (Hàn Quốc) và State Bank of India (Ấn Độ).
Đây là đợt cấp phép lần thứ 2 cho các ngân hàng nước ngoài của Chính phủ Myanmar. Trước đó, tháng 10/2014, Chính phủ Myanmar đã cấp phép đợt 1 cho 9 chi nhánh ngân hàng nước ngoài
Argentina phải thua “quỹ kền kền”
Đêm 30-3 (giờ địa phương), sau 13 giờ thảo luận sôi nổi, Thượng viện Argentina đã tiếp bước Hạ viện phê chuẩn thỏa thuận trả nợ cho các quỹ đầu tư đã từng mua nợ công vào thời Argentina gặp khó khăn kinh tế.
Gánh nặng khủng hoảng nợ công
Trở lại thời kỳ cuối năm 2001, Argentina tuyên bố mất khả năng trả nợ nước ngoài đến 100 tỉ USD. Khủng hoảng nợ phát sinh do chi quá nhiều dưới chế độ độc tài quân sự cầm quyền (1976-1983).
Sau đó, trong những năm 1990, chính phủ của tổng thống Carlos Menem lại ấn định tỉ lệ đổi đồng peso ngang ngửa đồng USD. Hậu quả ngân sách bị thâm hụt nghiêm trọng.
Hai năm 2001 và 2002 là những năm đen tối nhất đối với kinh tế Argentina. Tỉ lệ thất nghiệp bùng nổ. Các giao dịch ngoại hối tạm dừng vô thời hạn. Các tài khoản ngoại tệ trong ngân hàng đều bị đóng băng.
Đến năm 2005, để xử lý khủng hoảng nợ công, tổng thống Nestor Kirchner (2003-2007) đã đề nghị đổi trái phiếu đáo hạn lấy trái phiếu mới trị giá bằng 70% nợ cũ.
Cuối cùng có 93% người giữ trái phiếu Argentina đồng ý đảo nợ. 7% còn lại không đồng ý, trong đó có các quỹ đầu tư NML Capital và Aurelius của Mỹ.
Theo AFP, các quỹ đầu tư này còn gọi là “quỹ kền kền” vì chuyên làm giàu bằng cách săn lùng mua lại nợ với giá rẻ mạt. Năm 2008, quỹ đầu tư NML Capital của tỉ phú Mỹ Paul Singer đã bỏ ra 80 triệu USD mua lại các trái phiếu có giá trị danh định lên đến 400 triệu USD.
Argentina chấp nhận trả tiền
Do không đồng ý đảo nợ nên các quỹ đầu tư kiện ra tòa án Mỹ bởi một phần trái phiếu Argentina phát hành ở Mỹ.
Tháng 7-2012 tại New York, thẩm phán Thomas Griesa tuyên Argentina phải trả 100% giá trị trái phiếu cộng thêm lãi suất. Thẩm phán cũng cấm Argentina trả các khoản nợ tái cấu trúc trong năm 2005 và 2010 chừng nào các quỹ đầu tư chưa được trả tiền.
Hai năm sau, Tòa án tối cao Mỹ công nhận bản án đã tuyên. Thế nhưng lúc bấy giờ nữ tổng thống Argentina Cristina Kirchner kiên quyết không thi hành án của Mỹ bởi Argentina lại rơi vào khủng hoảng nợ hồi tháng 7-2014 do giá nguyên liệu xuống.
Sự việc nhùng nhằng đến cuối tháng 2-2016, Argentina mới đạt được thỏa thuận với các “quỹ kền kền”. Với thỏa thuận này thì chỉ riêng quỹ đầu tư NML Capital của tỉ phú Paul Singer đã bỏ túi 2,28 tỉ USD, số tiền cao gấp 25 lần vốn bỏ ra ban đầu.
Báo Le Soir phân tích rằng 54 nghị sĩ Argentina bỏ phiếu thông qua thỏa thuận trả nợ cho các quỹ đầu tư vì mong muốn đưa Argentina thoát khỏi bàn tay tham lam của các “quỹ kền kền”, bởi nếu không trả nợ thì lãi vẫn cứ tăng trong khi Argentina đã sử dụng hết mọi giải pháp pháp lý.
Có 16 nghị sĩ bỏ phiếu chống bởi cho rằng không thể để Argentina phải gánh thêm khoản nợ mới 12,5 tỉ USD theo thỏa thuận. Họ tố cáo các “quỹ kền kền” là “bọn cho vay nặng lãi”, “bọn khủng bố tài chính”.
Họ cho rằng thỏa thuận trả nợ đã làm trái hai đạo luật thông qua dưới thời tổng thống Cristina Kirchner (2007-2015) quy định cấm tạo điều kiện tốt cho các quỹ đầu tư hơn những người giữ trái phiếu đã chấp nhận đảo nợ.
Vì sao phải thua “quỹ kền kền”?
Trước khi bay đến Washington tham dự hội nghị an ninh hạt nhân hôm 31-3, Tổng thống Argentina Mauricio Macri giải thích phải đạt được thỏa thuận trả nợ cho các quỹ đầu tư thì Argentina mới có thể vay vốn trên thị trường tài chính quốc tế vốn đã loại trừ Argentina từ năm 2001.
Báo Le Monde nhận định thỏa thuận trả nợ là chiến thắng chính trị lớn của Tổng thống Mauricio Macri (mới cầm quyền hồi tháng 12-2015). Ông quyết tâm khép lại “vụ kiện thế kỷ” như người Argentina đôi lúc đã gọi.
Trong một lần nói chuyện trên truyền hình đầu tháng 3, ông khẳng định: “Thế giới đang nhìn chúng ta. Argentina phải lấy lại lòng tin cậy và tín nhiệm để thúc đẩy kêu gọi đầu tư”. Đương nhiên có những ý kiến cho rằng Argentina đang chịu thiệt.
Ông Roberto Lavagna, nguyên bộ trưởng kinh tế thời tái cấu trúc nợ năm 2005, chỉ trích thỏa thuận trả nợ cho các quỹ đầu tư là “cực kỳ hao tổn cho đất nước”. Tuy nhiên, tân Tổng thống Macri phản bác lại ý kiến đó và cho rằng ông đang “trả giá” cho lề lối quản lý sai lầm của chính phủ trước đó.
Nhiều nhà kinh tế lại tỏ ra lạc quan, cho rằng nhờ có Tổng thống Mauricio Macri, đất nước Argentina từ nay đã giở sang trang.
Tân tổng thống đã hủy bỏ một số biện pháp bảo hộ ban hành dưới thời hai tổng thống Nestor Kirchner và Cristina Kirchner, giảm thuế trong công nghiệp, phá giá đồng peso, hủy bỏ biện pháp kiểm soát tỉ giá.
Các nhà phân tích của Văn phòng tư vấn kinh tế Capital Economics (Anh) nhận định: “Argentina đã tìm lại sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài”.