Mỹ lần đầu xuất gạo sang Trung Quốc; Lợi bất cập hại, Trung Quốc cấm nhập rác thải từ nước ngoài; 10 điểm du lịch hấp dẫn nhất Gia Lai năm 2017; Tranh cãi về lộ trình tăng lương tối thiểu
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 21-07-2017
- Cập nhật : 21/07/2017
Mỹ từ chối dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thịt bò Brazil
Mỹ sẽ không tiếp tục nhập khẩu thịt bò từ Brazil cho đến khi các vấn đề an toàn thực phẩm được giải quyết, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ Sonny Purdue cho biết.
Theo South China Morning Post, ông Purdue mới đây đã có cuộc gặp với người đồng cấp Brazil, ông Blairo Maggi, để thảo luận về việc nhập khẩu thịt bò sau khi Washington đưa ra lệnh cấm hồi cuối tháng trước vì đã phát hiện ra những lô hàng xấu tại các cảng của Mỹ. Tuy nhiên, kết quả mới đây cho thấy lệnh cấm này có lẽ sẽ còn kéo dài.
“Mặc dù Brazil đã đưa ra mốc thời gian để phục hồi nhập khẩu thịt bò, nhưng lệnh cấm có được dỡ bỏ hay không không nằm ở thời gian, mà còn phải phụ thuộc vào sự cải thiện chất lượng thịt của Brazil. Đảm bảo cung cấp thực phẩm an toàn cho quốc gia và bảo vệ người tiêu dùng Mỹ là một trong những nhiệm vụ quan trọng, được ưu tiên hàng đầu của chúng tôi”, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) trích lời ông Purdue nói với quan chức Brazil.
Theo USDA, sau khi vụ bê bối thịt bẩn của 21 cơ sở chế biến thịt tại quốc gia Nam Mỹ bị phát hiện hồi tháng 3.2017, Cơ quan Kiểm soát và An toàn thực phẩm Mỹ (FSIS) đã tăng cường các biện pháp kiểm tra toàn bộ lượng thịt bò cập cảng. Đến cuối tháng 6.2017, Mỹ loại bỏ 11% lượng thịt bò Brazil được tiêu thụ tại thị trường Mỹ, khoảng 862.000 kg.
Brazil là nước xuất khẩu thịt bò và gia cầm hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, kể từ sau vụ bê bối thịt bẩn hồi đầu năm thì không chỉ Mỹ mà còn có khoảng 20 nước và vùng lãnh thổ, bao gồm Trung Quốc, Hồng Kông, Hàn Quốc… đã đình chỉ toàn bộ các mặt hàng thịt nhập khẩu từ Brazil, gây thiệt hại nặng nề cho ngành công nghiệp trị giá 13 tỉ USD của nước này.
Hiện nay hầu hết các nước đã dỡ bỏ lệnh cấm, chỉ còn Mỹ vẫn tiếp tục từ chối yêu cầu nhập khẩu của Brazil. USDA cho biết Brazil sẽ tiếp tục thực hiện theo những điều kiện mà phía Mỹ đưa ra để sớm giải quyết mối quan ngại về an toàn thực phẩm.(Thanhnien)
-----------------------
BMW đầu tư 37 triệu USD vào sàn thương mại xe cũ
Hãng xe hơi danh tiếng vừa rót 37 triệu USD cho Shift - startup mua bán trực tuyến ôtô đã qua sử dụng tại Mỹ.
BMW thông qua quỹ đầu tư thành lập năm 2011 - BMW iVentures để rót vốn vào startup này. Theo thỏa thuận, Christian Noske - một trong những nhà đầu tư lớn tại BMW iVentures sẽ tham gia đội ngũ điều hành Shift.
“Trong bối cảnh người tiêu dùng khó kham nổi chi phí cao để mua những chiếc xe hơi mới, chúng tôi tin, Shift sẽ giúp giải quyết nhu cầu mua xe chất lượng tốt với giá hợp lý “, Christian Noske nói thêm.
Trả lời về kế hoạch kinh doanh sau khi được rót vốn, đại diện Shift cho biết công ty sẽ phát triển nhân sự và đầu tư, tìm kiếm thị trường.
Lần đầu tư này đã nâng tổng số vốn gọi thành công của hãng lên 111 triệu USD. Ngoài BMW, startup cả Mỹ này còn nhận được sự hỗ trợ của15 nhà đầu tư khác.Thành lập tại San Francisco (Mỹ) năm 2013, Shift là sàn thương mại điện tử dành cho xe ôtô đã qua sử dụng. Hiện, startup này sở hữu 3 bãi đậu xe lớn tại Mỹ gồm San Francisco, Los Angeles và San Diego.
Trên trang mua bán của Shift, người dùng chọn địa điểm giao dịch tại một trong những bãi xe của hãng, và có thể lái thử miễn phí. Ngoài ra, khách hàng quốc tế có thể mua "xế hộp" trên Shift và nhận sản phẩm qua hệ thống vận chuyển liên kết với công ty.
Mỗi chiếc xe đăng bán được định giá trị bởi đội ngũ quản trị dày kinh nghiệm. Ngoài ra, startup này cũng nhận hoàn thiện mọi thủ tục pháp lý sang tên xe cũ cho người mua.
Thị trường xe hơi cũ đang phát triển mạnh. Tại Mỹ và Đức, các công ty kinh doanh trong lĩnh vực này đang nhận được sự chú ý trong giới đầu tư như Carvana (công ty Mỹ nhận 160 triệu USD đầu tư), Vroom (startup từ Mỹ nhận 50 triệu USD vào tháng 9 năm ngoái) và Auto1 Group (sàn giao dịch xe cũ từ Đức được định giá 2,8 tỷ USD sau khi gọi vốn 400 triệu USD).(Vnexpress)
----------------------
Nhà hàng Nhật ăn nên làm ra ở Việt Nam
Số lượng nhà hàng Nhật Bản ở Việt Nam đang tăng lên rất mạnh mẽ, vượt qua con số 1.000, trong đó TP.HCM dẫn đầu với 659 nhà hàng.
Tính đến hiện nay, theo thông tin Tổng lãnh sự quán Nhật Bản trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 19-7, tại địa bàn TP.HCM đã có đến 659 nhà hàng Nhật, tăng gấp đôi so với cách đây 3 năm.
Nếu tính hết các tỉnh thành phía Nam, số nhà hàng Nhật có thể đạt 770 địa điểm.
Các tỉnh thành lân cận cũng đang ghi nhận "hiện tượng nhà hàng Nhật": Bà Rịa - Vũng Tàu có 24 nhà hàng, Bình Dương 11 nhà hàng, Khánh Hòa 11 nhà hàng, Đồng Nai 19 nhà hàng, Lâm Đồng 14 nhà hàng...
Đại diện Lãnh sự quán Nhật tại TP.HCM cho biết khoảng một nửa trong số các nhà hàng Nhật ở Việt Nam là do người Nhật làm chủ và vận hành.
Phần còn lại là các doanh nhân người Việt mua nhượng quyền hoặc tự mở mô hình kinh doanh của mình.
Theo đại diện Cơ quan xúc tiến ngoại thương Nhật Bản tại TP.HCM (JETRO), việc kinh doanh cũng không hề dễ dàng. Bên cạnh nhiều nhà hàng mới mở, cũng có không ít nhà hàng phải đóng cửa, thu hẹp kinh doanh, với lý do phần lớn là chọn sai vị trí, giá thuê mặt bằng cao.
Sự phát triển các nhà hàng Nhật cũng giúp cho các dịch vụ cung ứng tăng trưởng theo, đặc biệt là các nhà cung cấp thực phẩm.
Thời gian qua, khá nhiều đoàn doanh nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực thực phẩm, thủy hải sản đã đến Việt Nam tìm hiểu cơ hội hợp tác, xuất khẩu thực phẩm Nhật Bản vào Việt Nam.
Năm 2016, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 5 trong danh sách các quốc gia nhập khẩu sản phẩm nông sản, thực phẩm Nhật.
Ước tính, giá trị kim ngạch xuất khẩu của riêng mặt hàng thủy hải sản Nhật vào Việt Nam đã đạt khoảng 20 tỉ yen/năm, chiếm 60% tỉ trọng xuất khẩu nông lâm thủy sản của Nhật xuất sang thị trường Việt Nam.
Ngoài mục đích tiêu thụ nội địa, thì doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu thủy hải sản Nhật Bản còn để gia công chế biến, tái xuất khẩu với mặt hàng chủ yếu là cá hồi, cá tuyết, cá thu đao…(Tuoitre)
-----------------------
Chứng khoán châu Á tăng cao nhất gần 10 năm qua
Được nâng đỡ bởi đà tăng của thị trường chứng khoán Mỹ, các sàn giao dịch chứng khoán châu Á trong phiên giao dịch ngày 20/7 tràn ngập sắc "xanh" với mức tăng cao nhất trong gần 10 năm qua.
Chốt phiên sáng 20/7 tại Singapore, chỉ số chứng khoán châu Á Thái Bình Dương MSCI, không tính Nhật Bản, tăng 0,15% điểm, chạm gần mức cao nhất nhất kể từ tháng 12/2007. Trong khi đó, chỉ số Composite của Thượng Hải tăng 0,25% điểm và Hang Seng của Hong Kong tăng 0,3% điểm. Chỉ số chứng khoán thế giới MSCI cũng có phiên giao dịch tăng điểm thứ 10 liên tiếp và đạt được mức tăng kỷ lục trong 6 phiên giao dịch liên tiếp.
Tại thị trường chứng khoán Tokyo, chỉ số Nikkei-225 cũng đã tăng 71,28 điểm (0,36%) lên 20.092,14 điểm. Chỉ số Topix tăng 9,39 điểm (0,58%) lên 1.631,26.
Những diễn biến tích cực trên thị trường chứng khoán châu Á như trên là nhờ các chỉ số chủ chốt trên thị trường chứng khoán Mỹ tăng lên mức kỷ lục vào chốt phiên giao dịch ngày 19/7. Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 66,02 điểm (0,31%), lên 21.640,75 điểm. Đây là mức cao kỷ lục mới của Dow Jones, hơn 3 điểm so với mốc kỷ lục gần đây nhất được thiết lập hồi đầu tháng. S&P 500 cũng tăng 13,22 điểm (0,54%), lên 2.473,83 điểm.
Trong khi đó, chỉ số tổng hợp Nasdaq tăng 40,74 điểm (0,64%), lên 6.385,04 điểm. Đây là ngày thứ hai liên tiếp cả S&P 500 và Nasdaq tăng điểm và thiết lập mức điểm kỷ lục mới. Riêng S&P 500 đạt mức điểm cao nhất kể từ tháng 3/2000 bất chấp mã cổ phiếu của một số hãng công nghệ giảm điểm, trong đó có IBM.
Trong khi đó, giá vàng thế giới trong ngày 20/7 giảm 0,15% còn 1.238,55 USD/oz. Giá dầu Brent hiện giảm 0,1% còn 49,64 USD sau khi tăng 1,6% ngày 19/7.
Những thông tin kinh tế trên được công bố trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 20/7 nhóm họp thảo luận về chương trình thu mua tài sản trước khi công bố kế hoạch thu hồi hoạt động thu mua trái phiếu, làm dấy lên hy vọng ngân hàng này sẽ sớm chấm dứt chính sách nới lỏng tiền tệ.(TTXVN)