Nước nào thiệt hại nặng nhất, hưởng lợi nhiều nhất từ giá dầu?
Doanh nghiệp Trung Quốc “xí phần” TPP
Trung Quốc hạn chế trao đổi thương mại với Triều Tiên
Chủ tịch TP HCM sang Nhật mời gọi đầu tư
Wal-Mart mời gọi người mua hàng trực tuyến
Tin kinh tế đọc nhanh 05-04-2016
- Cập nhật : 05/04/2016
Việt - Hàn nâng kim ngạch thương mại song phương lên 70 tỷ USD
Chiều 4-4, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Đại sứ Hàn Quốc Jun Dea Joo đến chào kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam.
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng ngài Đại sứ hoàn thành xuất sắc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam và đánh giá cao đóng góp của Đại sứ cho quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc.
Phó thủ tướng bày tỏ vui mừng nhận thấy hợp tác và liên kết kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc ngày càng chặt chẽ, hiệu quả và mang lại những lợi ích cho cả hai bên. Kim ngạch thương mại song phương hai nước và vốn đầu tư của Hàn Quốc trong gần 3 năm qua tăng gấp đôi.
Hiệp định FTA giữa Việt Nam - Hàn Quốc đã có hiệu lực là cơ hội mới để thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới, góp phần hoàn thành mục tiêu nâng kim ngạch song phương đạt 70 tỷ USD vào năm 2020.
Cảm ơn Phó thủ tướng đã dành thời gian tiếp đoàn, Đại sứ Jun Dea Joo cho biết sau khi kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam, ông vẫn sẽ tiếp tục làm hết sức mình cho quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.
Cá tra nguyên liệu không còn để cung cấp cho nhà máy
Hiện, những người dân nào còn có cá trong ao đã không chấp nhận mức giá 22.500 đồng/kg như cách nay một tuần mà yêu cầu doanh nghiệp trả cao hơn mới bán. Như vậy, nếu như đầu tháng 3, giá cá chỉ ở mức 19.000 đồng/kg thì sang đầu tháng 4 này đã vọt lên 23.000 đồng và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Theo số liệu điều tra của một số doanh nghiệp chiếm thị phần lớn, số con giống có trọng lượng từ 100-800 gram thả nuôi ở các tỉnh trong tháng 3 vào khoảng 260 triệu con, thì qua tháng 4, sản lượng này chỉ còn 190 triệu con (tương đương khoảng 150.000 tấn). Riêng trong tháng 4 này, nếu tổng hợp hết tất cả sản lượng cá tra nguyên liệu do người dân nuôi thì chỉ có khoảng 10.000 tấn để cung cấp cho các nhà máy, trong khi nhu cầu tối thiểu mà nhà máy cần lên tới 3.000 tấn cá nguyên liệu/ngày.
“Qua đây cho thấy cá tra nguyên liệu bắt đầu đến giai đoạn không còn để cung cấp cho nhà máy”, giám đốc một doanh nghiệp ở Đồng Tháp cho biết.
Đại diện một số doanh nghiệp sản xuất thức ăn cũng cho hay, mặc dù giá cá trong 30 ngày của tháng 3 vừa qua đã tăng 4.000 đồng/kg nhưng sản lượng thức ăn bán ra thị trường lại không tăng mà còn có xu hướng giảm. Tình hình này hoàn toàn trái ngược với các năm trước, khi giá cá tăng người dân tranh thủ thả giống, nên sản lượng thức ăn bán ra của các nhà máy thường tăng khá mạnh. Do đó, căn cứ trên sản lượng thức ăn cũng đủ để thấy nguyên liệu đang mỗi ngày một cạn kiệt và dự báo với đà này thì đến tháng 8 năm nay, lượng cá nuôi trong dân sẽ không còn.
Trong khi nguyên liệu cá trong nước đang mỗi ngày một cạn kiệt thì nhu cầu nhập khẩu cá tra đã tăng so với cùng kỳ khoảng 10% từ các nước Đông Nam á và Trung Quốc. Quan sát thị trường hơn một tháng qua cho thấy, khác với trước đây, nhà nhập khẩu không ký hợp đồng mua trước do các doanh nghiệp thường đưa ra mức chào giá tháng sau thấp hơn tháng trước. Nhưng nay, do tình hình nguyên liệu thiếu hụt, giá cá tăng từng ngày nên họ buộc phải tranh thủ mua trước để có được giá rẻ, điều này càng giúp cho thị trường cá tra thêm nóng.
Bên cạnh nhu cầu nhập khẩu đang có xu hướng tăng vọt, giá xuất khẩu cá tra cho các đơn hàng giao trong tháng 4 và tháng 5 đã tăng 30 cen/kg và dự báo tiếp tục tăng mạnh từ tháng 6 đến tháng 9 tới đây để hình thành giá xuất trung bình giao động ở mức 2,5-2,7 USD/kg. Riêng thị trường Mỹ, các doanh nghiệp tự tin giá giao dịch từ tháng 5 sẽ là 1,5 USD/pound (tương đương khoảng 3,3 USD/kg) và chắc chắn với đà này, giá cá tra xuất khẩu của quý II/2016 tăng hơn 20% so với quý I/2016.
Rủi ro khi đầu tư đất vùng ven chờ tăng giá
Tổng giám đốc Công ty Tư vấn đầu tư Nam Phát - Nguyễn Mạc Hoài Nam cho biết, mặc dù thu gom đất vùng ven TP HCM chờ tăng giá theo thời gian là một cách đầu tư khôn ngoan, khả năng sinh lời cao nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro. Chuyên gia này chia sẻ những ẩn số khó lường của kênh đầu tư này.Thứ nhất: Rủi ro pháp lý. Nhiều nhà đầu tư mua đất lẻ phân lô của hộ gia đình không lường được sự phức tạp của các quy định của ngành này. Có trường hợp nhiều người chung hộ khẩu tại khu nhà đất đang giao dịch khiến cho việc hoàn thiện các thủ tục làm giấy chứng nhận kéo dài, thậm chí là không thể thực hiện được. Một số người mua đất nông nghiệp là đất lúa, bên bán cam kết chuyển lên đất vườn nhưng thực tế lại không chuyển mục đích sử dụng được hoặc thời gian chuyển kéo dài rất lâu. Đó là chưa kể đến các khả năng đất đang rao bán có tranh chấp mà bên mua không biết, có thể khiến tiền mất tật mang. Muốn tránh những điều này cần rất nhiều thời gian thẩm định, kiểm tra tài sản. Rủi ro pháp lý được xem là ẩn số lớn nhất đối với kênh đầu tư này.
Đầu tư đất vùng ven chờ tăng giá là kênh hấp dẫn, lợi nhuận cao nhưng rủi ro tiềm ẩn cũng không hề nhỏ. Ảnh: T.S
Thứ hai: Rủi ro quy hoạch. Sự thay đổi quy hoạch của địa phương có thể giúp một số người được hưởng lợi nhưng cũng có những trường hợp bị thiệt hại. Chẳng hạn như thay đổi vị trí khu vực cây xanh, khu đất thay vì gần một công viên thì nay gặp rủi ro rớt giá do gần các bãi rác tập trung, bị ảnh hưởng bởi yếu tố môi trường. Việc mở rộng các khu công nghiệp cũng tác động đến kế hoạch đầu tư. Nếu khu đất trước đây không nằm trong khu quy hoạch cụm, khu công nghiệp nay lọt thỏm vào khu vực này thì rủi ro bắt đầu tăng lên. Đất nằm trong các dự án bị vướng quy hoạch treo cũng có thể khiến cho tài sản không thể tăng giá, đồng nghĩa với việc nhà đầu tư bị chôn vốn trong một thời gian dài mà không có lãi.
Thứ ba: Rủi ro do các công trình hạ tầng giao thông và hạ tầng xã hội chậm tiến độ. Mua đất để trông chờ vào việc mở đường, thông cầu, trường, chợ, bệnh viện, nhà trẻ... mọc lên nhưng thời gian xây dựng các công trình này bị kéo dài hoặc không thể xác định thời gian triển khai sẽ là những mối lo lớn. Các công trình tiện ích và hạ tầng đóng vai trò quan trọng trong việc kích giá nhà đất tọa lạc gần đó, nếu thiếu các dự án này đồng nghĩa với việc bất động sản bị suy giảm giá trị.
Thứ tư: Rủi ro có tính chu kỳ của thị trường địa ốc. Mua đất đầu tư dài hạn chờ cơ hội tăng giá thường phụ thuộc vào độ nóng lạnh của thị trường trong cả một thập niên thậm chí lâu hơn. Theo đó, trong chục năm này, không phải lúc nào giá đất cũng tăng cao mà chỉ đi lên trong những thời điểm nhất định. Chọn sai thời điểm mua vào hoặc bán ra sẽ đẩy suất đầu tư vào chân tường.
Thứ năm: Mất chi phí cơ hội. Trong khoảng thời gian dài bỏ tiền vào đất chờ tăng giá, thường kéo dài 5-10 năm, dòng vốn sẽ nằm yên trong đất, không thể dịch chuyển sang những kênh đầu tư khác được. Như vậy, suốt chu kỳ đầu tư này, người sở hữu tài sản buộc phải bỏ qua những cơ hội mới trên thị trường.
Cổ phiếu Eximbank bị đưa vào diện cảnh báo
Dự án thép hơn 8.000 tỷ nằm chờ nhà thầu Trung Quốc 4 năm
Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO - thuộc Tổng công ty Thép Việt Nam) đã tính đến việc tìm nhà thầu phụ để thi công trong trường hợp dự án khởi động lại.
Dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 quy mô đầu tư lên tới 8.104 tỷ đồng xây dựng từ năm 2007, tổng thầu EPC được chọn là Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC). Gần chục năm triển khai, đến nay dự án vẫn đắp chiếu, chi phí hao mòn lên tới hàng trăm tỷ đồng.Thái Nguyên được coi là "lò luyện" thép lớn nhất Việt Nam với hàng loạt các dự án lớn nhỏ ra đời. Nhà máy gang thép Thái Nguyên được coi là một trong những công trình lịch sử của ngành thép. Năm 2012, khi TISCO gặp khó khăn về tài chính, MCC đã rút về nước khi chưa bàn giao những hạng mục quan trọng.
Trong một báo cáo mới công bố ngày 29/3, hiện TISCO cho biết đã thu xếp được vốn cho dự án. Cụ thể, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) đã cho vay bổ sung 1.359 tỷ đồng, Tổng công ty Kinh doanh và Đầu tư vốn Nhà nước (SCIC) góp 1.000 tỷ đồng thông qua mua cổ phiếu tăng vốn, VietinBank cho vay thêm 1.100 tỷ đồng. Như vậy tổng số vốn đã thu xếp được đạt 3.459 tỷ đồng. Theo hợp đồng với MCC, tính đến 31/12/2015, tổng giá trị đầu tư của dự án là 4.438 tỷ đồng.
"Dù đã thu xếp được vốn nhưng việc đàm phán với nhà thầu MCC vẫn chưa có kết quả cụ thể, dự án đến nay vẫn chưa thể tiếp tục triển khai", báo cáo viết.
Theo đó, quá trình đàm phán với MCC diễn ra suốt từ năm 2012 đến nay. Công ty cũng mời hãng luật Vinalegal tham gia tư vấn pháp lý trong quá trình này. Trải qua 10 lần đàm phán, hiện phụ lục sửa đổi hợp đồng lần 9 và Hợp đồng thi công lắp đặt thiết bị vẫn chưa được ký kết. TISCO cho biết xúc tiến làm việc nhanh với MCC để ký kết hợp đồng và lựa chọn nhà thầu phụ thi công khi dự án tái khởi động trở lại.
Ngoài ra, chủ đầu tư dự án là TISCO đã phối hợp với Tư vấn thiết kế luyện kim của Tổng công ty Thép lập phương án và dự toán chi phí bảo dưỡng, sửa chữa vật tư thiết bị hoen gỉ, lão hoá, hư hỏng do 4 năm tạm ngừng hoạt động.
Để dự án khởi động trở lại, công ty phải bồi thường cho nhà thầu Trung Quốc số tiền hơn 100 tỷ đồng do những trang thiết bị hư hỏng. Chi phí bảo dưỡng các thiết bị khác cũng lên đến gần 90 tỷ đồng. Chi phí phát sinh trong thời gian "chết lâm sàng" cộng với phí bồi thường, bảo dưỡng máy móc khiến dự án có nguy cơ đội vốn lên 9.000 tỷ đồng.
Vì vốn đầu tư đội lên quá cao ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án nên chủ đầu tư đã thuê Tổng công ty tư vấn xây dựng Việt Nam và Viện Kinh tế xây dựng thuộc Bộ Xây Dựng thẩm tra, điều chỉnh mức đầu tư để dự án tái khởi động hiệu quả là 7.800 tỷ đồng.
Để giảm vốn, đầu tháng 3, Bộ Công Thương đã gửi văn bản lên Thủ tướng về các kiến nghị của chủ đầu tư. Theo đó, TISCO đề nghị miễn thuế nhập khẩu đối với vật tư thiết bị, thuế nhà thầu… cho tổng thầu Trung Quốc với giá trị 530 tỷ đồng. Doanh nghiệp cũng mong muốn VDB khoanh nợ gốc, miễn phần lãi vay trong giai đoạn dự án ngừng hoạt động là 386 tỷ đồng. Với các khoản vay của VietinBank, TISCO đề nghị được miễn 50% lãi vay.Bộ Công Thương cho rằng nếu không ưu đãi, dự án có nguy cơ đổ vỡ. Do đó, đề xuất Chính phủ và Bộ Tài chính xem xét giảm thuế nhập khẩu và lãi vay cho TISCO. Tuy nhiên, ngay sau khi Bộ Công Thương gửi kiến nghị của TISCO lên Thủ tướng, Bộ Tài chính đã có phản đối việc thêm ưu đãi cho dự án này với lý do đảm bảo an toàn nợ công.
Về phía TISCO, công ty vẫn chuẩn bị mặt bằng, san gạt đường đi, mời các đơn vị tư vấn kiểm định chất lượng công trình thi công dở dang… sẵn sàng thi công khi dự án được tái khởi động. Công ty dự định năm 2016 sẽ giải ngân khoảng 1.850 tỷ đồng thực hiện dự án. Đầu tư lớn vào TISCO, SCIC cũng tỏ ra khá sốt ruột, xúc tiến đàm phán nhanh với phía tổng thầu Trung Quốc.
"Dự án vô cùng khó khăn, Thường trực Chính Phủ phải họp và đến bây giờ vẫn chưa tìm ra lối thoát. Trước đó, công ty lỗ kinh doanh liên tục. SCIC đã phải tái cơ cấu, tăng cường công tác quản trị doanh nghiệp, cử cán bộ xuống nắm vị trí chủ chốt, tối đa hoá các chi phí. Thay đổi phương thức bán hàng, không để khách mua thép đến ăn chực nằm chờ mấy ngày liền kiểu bao cấp. Những thay đổi đó đã đem lại hiệu quả", Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC - Nguyễn Đức Chi đánh giá. Năm 2013 và 2014, TISCO gặp rất nhiều khó khăn với mức thua lỗ lần lượt là 291 và 79 tỷ đồng.
Thực tế, năm 2015, TISCO đã thoát lỗ và có một vài điểm sáng khi đạt doanh thu 7.955 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ở mức 87 tỷ đồng, tăng 87%. Tuy nhiên, góp công lớn vào lãi lại đến từ khoản tiền gửi ngân hàng 1.000 tỷ đồng của SCIC góp vốn (trong giai đoạn chưa triển khai giai đoạn 2, công ty đem đầu tư).
Tuy nhiên, tình hình tài chính của chủ đầu tư vẫn còn khá ngổn ngang. Khả năng thanh toán hiện thời chỉ đạt 0,93 lần, tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản ở mức thấp 0,55%. Công ty có nhóm nợ xấu khó thu hồi là 670 tỷ đồng. Hàng tồn kho tăng mạnh lên 2.329 tỷ đồng. Chi phí lãi vay trong năm 2015 đã lên tới 320 tỷ đồng.
Tổng tài sản ở mức 10.998 tỷ đồng, nợ phải trả đạt 8.398 tỷ đồng. Trong đó, vay ngân hàng ngắn hạn 2.789 tỷ đồng và vay dài hạn là 4.013 tỷ đồng. Thị giá cổ phiếu chỉ còn 6.000 đồng.
TISCO là công ty thuộc sở hữu của Nhà nước, trong đó Tổng công ty thép nắm giữ 42,11%, SCIC là 35,21%. Trong bối cảnh hội nhập, ngành thép đang gặp bất lợi lớn, hiện thép giá rẻ từ Trung Quốc và một số nước tràn sang khiến nhiều doanh nghiệp thua lỗ, đứng bên bờ vực phá sản