IMF kêu gọi thắt chặt hợp tác chính sách để ổn định tài chính
Đồng yên Nhật tăng vọt
Phố Wall giảm điểm mạnh nhất 1 tháng
Châu Âu đang tạo ra quá nhiều điện "sạch", nhiều đến mức điện lưới không tải nổi, nhưng khi cần vẫn thiếu
Donald Trump: "Tôi có thể xóa khoản nợ 20 nghìn tỷ USD của Mỹ trong 8 năm"
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 21-07-2017
- Cập nhật : 21/07/2017
Nửa số việc làm ở Mỹ đứng trước nguy cơ bị robot thay thế
Những công việc có nguy cơ bị thay thế nhiều nhất thường là việc làm đem lại thu nhập thấp. Nhóm lao động dễ bị thay thế bằng robot hưởng lương trung bình 38.000 USD/năm.
Lực lượng lao động Mỹ đứng trước áp lực lớn với thay đổi đang diễn ra trên nhiều mặt. Nghiên cứu mới cho thấy sự thiếu chắc chắn trên đang dẫn đến bất ổn chính trị và xã hội.
Theo CNBC, Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Kinh tế tại Đại học Ball State (Mỹ) vừa công bố báo cáo mới có tựa đề “Xã hội Mỹ dễ bị tổn thương ra sao trước tự động hóa, thương mại và đô thị hóa?”, chỉ ra rằng bốn việc làm ở Mỹ thì có một việc làm có nguy cơ bị chuyển ra nước ngoài trong những năm tới. Một nửa số việc làm thì có nguy cơ bị thay thế bằng tự động hóa. Báo cáo tổng hợp kết quả của nhiều nghiên cứu gần đây về xu hướng việc làm, đưa ra cái nhìn cận cảnh về tương lai một số vùng ở Mỹ.
Báo cáo viết: “Một số nơi và một số người có thể hưởng lợi ích lớn trong khi những người khác thì chủ yếu là chịu thiệt. Điều này để lại tác động kinh tế, xã hội và chính trị”. Báo cáo sử dụng số liệu kỹ năng nghề nghiệp và việc làm từ Cục Thống kê lao động Mỹ và Cục Điều tra dân số.
Các nhà nghiên cứu cho biết những công việc có nguy cơ bị thay thế bằng tự động hóa cao nhất thường là công việc có thu nhập thấp. Nhóm lao động dễ bị thay thế bằng robot hưởng lương trung bình 38.000 USD/năm. Nhân viên tiếp thị qua điện thoại, làm khóa là hai trong số 10 nghề dễ bị thay thế nhất, mỗi nghề có mức lương trung bình hằng năm dưới 30.000 USD.
Số việc làm Mỹ có nguy cơ bị chuyển ra nước ngoài thì thấp hơn hẳn, song những việc làm loại này được phân bổ đều hơn theo thước đo thu nhập. Đó là vì khi một nhà máy được tự động hóa, nhiều vị trí như quản lý vẫn tồn tại. Song khi một nhà máy bị dời ra nước ngoài, tất cả việc làm tại nhà máy đều mất đi.
Các công việc dễ bị chuyển ra nước ngoài nhất là lập trình viên máy tính, thống kê, tính toán học. Người làm những nghề này thường hưởng lương từ 80.000 USD/năm trở lên.(Thanhnien)
------------------------
Lâm Đồng cấp phép cho 10 đơn vị tổ chức du lịch thể thao mạo hiểm
Ngày 20/7, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng đã trao giấy xác nhận đủ điều kiện tổ chức và kinh doanh du lịch thể thao mạo hiểm cho 10 công ty du lịch, lữ hành trên địa bàn.
Các đơn vị được trao giấy xác nhận gồm: Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Thử thách Việt, Công ty TNHH Mạo hiểm PTA, Công ty TNHH Kỳ nghỉ Cao Nguyên, Công ty TNHH Thể thao Cao Nguyên, Công ty TNHH Du ngoạn Đà Lạt, công ty TNHH Tắc Kè Xinh, công ty TNHH Chuyển động Việt, Chi nhánh công ty cổ phần Mạo hiểm Việt tại Đà Lạt, Công ty cổ phần Du lịch Lâm Đồng và Công ty cổ phần Sài Gòn Madagui.
Đoàn kiểm tra Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng thẩm định tour du lịch mạo hiểm đu dây vượt thác tại thác Đatanla – Đà Lạt.
Theo đó, các công ty trên có thể khai thác kinh doanh du lịch thể thao mạo hiểm tại 6 địa điểm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng gồm: Hồ Tuyền Lâm (thành phố Đà Lạt), thác Đatanla (thành phố Đà Lạt), khu du lịch Thung lũng Vàng (huyện Lạc Dương), khu du lịch Madagui (huyện Đạ Huoai), thác Đasar (huyện Lạc Dương), sông Đạ Đờn (huyện Lâm Hà). Các loại hình tổ chức du lịch thể thao mạo hiểm mà các đơn vị trên được cấp phép khai thác gồm đu dây vượt thác, chèo thuyền vượt ghềnh thác, chèo thuyền Kayzak, đu dây Zipline, leo vách đá nhân tạo, đi bộ băng rừng (Trekking)…
Trước đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức đoàn kiểm tra đi thẩm định hoạt động du lịch mạo hiểm đối với 11 doanh nghiệp lữ hành, du lịch trên địa bàn. Đoàn kiểm tra đã thẩm định về các nội dung trong hoạt động tổ chức du lịch thể thao mạo hiểm như về trang thiết bị, công tác cứu hộ cứu nạn, các yếu tố đảm bảo an toàn cho du khách, đội ngũ hướng dẫn viên… Kết quả thẩm định, có 10/11 đơn vị được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện tổ chức và kinh doanh du lịch thể thao mạo hiểm.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cũng đã tổ chức khoá tập huấn nghiệp vụ cho 60 hướng dẫn viên du lịch thể thao mạo hiểm của 10 doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn. Các hướng dẫn viên này được tập huấn nhiều kỹ năng liên quan đến du lịch mạo hiểm.(TTXVN)
----------------------
Kido lãi gấp 3 lần nhờ hợp nhất 'ông trùm' ngành dầu ăn
Kido ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng đột biến nhờ hợp nhất kết quả kinh doanh của Vocarimex sau khi nâng tỷ lệ sở hữu lên 51%.
Tập đoàn Kido (mã CK: KDC) cho biết, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm nay đồng loạt tăng đột biến so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, tập đoàn ghi nhận 2.896 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ và vượt kết quả thực hiện cả năm 2016. Lợi nhuận sau thuế xấp xỉ 400 tỷ, tăng 183% so với năm ngoái.
Ban lãnh đạo công ty cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến tăng trưởng nhảy vọt là do hợp nhất kết quả kinh doanh của “ông trùm” ngành dầu ăn sau khi tập đoàn hoàn tất thủ tục chào mua công khai để nâng tỷ lệ sở hữu tại đây lên 51%.
Điều này cũng làm cơ cấu đóng góp doanh thu phân theo ngành có sự thay đổi rõ rệt. Theo đó, ngành thực phẩm đóng gói đang chiếm 70% doanh thu và dự kiến sẽ tăng thêm vào cuối năm nay, trong khi cùng kỳ chỉ khoảng 35%. Dầu ăn vẫn là sản phẩm chủ lực nhưng trong thời gian tới, tập đoàn sẽ đa dạng danh mục sản phẩm thông qua hoạt động mua bán và sáp nhập. Tuy chưa tiết lộ kế hoạch chi tiết, nhưng lãnh đạo Kido cho biết đang thực hiện giai đoạn đầu là trở thành nhà phân phối cà phê, trà và gạo cho một số doanh nghiệp.
Ở chiều ngược lại, ngành hàng lạnh chỉ chiếm gần 30% doanh thu, trong khi năm ngoái nhờ thắng đậm với sản phẩm kem mà tỷ trọng doanh thu chiếm hơn 65%. Dự báo trong ngắn hạn, tỷ trọng ngành hàng lạnh tiếp tục giảm nhưng duy trì mức tăng ổn định về giá trị, nhất là khi tập đoàn vừa ký kết mua 50% cổ phần tại Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Dabaco (Dabaco Food) nhằm đánh dấu sự hiện diện ở ba phân khúc quan trọng của ngành hàng này gồm thực phẩm tươi sống, đông lạnh và đồ hộp.
Năm nay, tập đoàn đặt mục tiêu doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 7.700 tỷ đồng và 490 tỷ đồng. Tỷ lệ chia cổ tức dự kiến duy trì như năm ngoái là 16% và có thể phát sinh khoản cổ tức bất thường nếu bán hết toàn bộ cổ phiếu quỹ với điều kiện giá trên 50.000 đồng một cổ phiếu.(Vnexpress)
------------------------------
Giao thương riêng với tỉnh Quảng Đông đạt 17 tỉ USD
Tỉnh Quảng Đông tiếp tục là một trong những địa phương của Trung Quốc đi đầu về hợp tác kinh tế - thương mại với Việt Nam.
Thứ trưởng Lê Hoài Trung (phải) bắt tay Phó tỉnh trưởng thường trực tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) Lâm Thiếu Xuân trước cuộc họp tại Hà Nội sáng 19-7 - Ảnh: BNG
Sáng 19-7, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung và Phó tỉnh trưởng thường trực tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) Lâm Thiếu Xuân đã đồng chủ trì Hội nghị lần 6 kiểm điểm tình hình hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương Việt Nam và tỉnh Quảng Đông.
Theo tin từ Bộ Ngoại giao Việt Nam, tại hội nghị, hai bên đã kiểm điểm lại tình hình hợp tác từ sau Hội nghị lần thứ 5 tổ chức tại Quảng Đông tháng 11-2015.
Trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, năm 2016, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Quảng Đông đạt 17 tỉ USD, tăng 2,9% so với năm 2015. Quảng Đông tiếp tục là một trong những địa phương của Trung Quốc đi đầu về hợp tác kinh tế - thương mại với Việt Nam.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Lê Hoài Trung khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng, Chính phủ Việt Nam là coi trọng quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác cùng có lợi với Trung Quốc nói chung và tỉnh Quảng Đông nói riêng phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững.
Đoàn đại biểu tỉnh Quảng Đông trao đổi với đoàn Bộ Ngoại giao Việt Nam (phải) về tình hình hợp tác tại Hà Nội sáng 19-7 - Ảnh: BNG
Ông Lê Hoài Trung cũng đề nghị Quảng Đông tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam, nhất là nông, lâm, thủy hải sản, các sản phẩm sữa, hoa quả đã chế biến có mặt nhiều hơn trên thị trường Quảng Đông, góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại Việt - Trung phát triển cân bằng, bền vững.
Về phần mình, Phó Tỉnh trưởng Lâm Thiếu Xuân khẳng định tỉnh Quảng Đông coi trọng phát triển quan hệ với các bộ, ngành và địa phương Việt Nam, sẵn sàng phối hợp triển khai tốt các chương trình hợp tác trong thời gian tới, nhất là các lĩnh vực hợp tác cùng có lợi về kinh tế, thương mại, đầu tư, góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung - Việt phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững.
Tỉnh Quảng Đông mong muốn các cơ quan chức năng của Việt Nam quan tâm, nghiên cứu dành ưu đãi về chính sách cho việc xây dựng Khu công nghiệp An Dương tại Hải Phòng. (Tuoitre)