Tạm giữ container chứa hàng điện tử cấm nhập vào Việt Nam; PJICO hoàn tất bán cổ phần cho Samsung Fire and Marine Insurance Co., LTD; Chạy đua thu hút đầu tư vào năng lượng tái tạo; Các nhà ngân hàng trung ương đau đầu với lạm phát yếu
Tin kinh tế đọc nhanh 21-07-2017
- Cập nhật : 21/07/2017
Đối thoại thương mại Mỹ, Trung kết thúc nhạt nhòa
Mỹ và Trung Quốc kết thúc đối thoại kinh tế thường niên ở thủ đô Washington ngày 19.7 mà không đạt được tuyên bố chung, và hủy luôn họp báo.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin và Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương trước cuộc đối thoại kinh tế Mỹ-Trung ở Washington, D.C ngày 19.7 REUTERS
Một quan chức Mỹ tiết lộ với Reuters rằng hai bên đã “trao đổi thẳng thắn”, nhưng không đạt được bước tiến nào về hầu hết những vấn đề kinh tế và thương mại quan trọng đối với Mỹ. Những vấn đề nói trên bao gồm yêu cầu của Mỹ được tiếp cận thì trường dịch vụ tài chính của Trung Quốc, giảm thuế ô tô, cắt trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước và nâng tỷ lệ cổ phần của công ty nước ngoài ở Trung Quốc…
Sau cuộc họp, lãnh đạo phái đoàn Trung Quốc, Phó Thủ tướng Uông Dương, rời khỏi tòa nhà Bộ Tài chính Mỹ mà không có phát biểu nào với giới phóng viên. Trước đó, ông Uông cảnh báo rằng cuộc đối đầu giữa hai nước sẽ gây ra tổn hại. Đại sứ quán Trung Quốc ở Mỹ cũng từ chối bình luận về cuộc đối thoại.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài Chính Mỹ Steven Mnuchin và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross nhấn mạnh trong thông cáo sau cuộc đối thoại: “Trung Quốc công nhận mục tiêu của chúng tôi là giảm thâm hụt thương mại và hai bên sẽ cùng hợp tác để đạt được”.
Thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc trong năm 2016 đã đạt tới 309 tỉ USD. Mỹ lập luận quan hệ thượng mại bất cân đối này xuất phát từ chính sách hạn chế nước ngoài tiếp cận thị trường Trung Quốc của Bắc Kinh. Trong khi đó, Bắc Kinh khẳng định chính những quy định cấm xuất khẩu công nghệ cao của Mỹ góp phần gây ra tình trạng nói trên.
Cuộc đối thoại kinh tế Mỹ-Trung Quốc diễn ra sau khi Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hội đàm ở bang Flordia hồi tháng 4. Khi đó, Tổng thống Trump khen ngợi ông Tập đã có nỗ lực tác động lên CHDCND Triều Tiên và điều này có thế góp phần cải thiện quan hệ thương mại với Mỹ.
Kết thúc cuộc họp, hai nhà lãnh đạo còn nhất trí với kế hoạch 100 ngày nhằm cải thiện quan hệ thương mại và tăng cường hợp tác hai bên. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay chưa có sáng kiến mới nào được đưa ra và ông Trump ngày càng bất mãn với tình trạng Trung Quốc không chịu gây thêm sức ép lên Triều Tiên, theo Reuters.(Thanhnien)
------------------------
Đàm phán Brexit căng thẳng nhưng có dấu hiệu tiến bộ
Ngày 19/7, một ngày trước khi kết thúc vòng đàm phán thứ hai, các nhà đàm phán về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, thừa nhận sự thất vọng của cả hai bên vì những bất đồng sâu sắc. Tuy nhiên, đã xuất hiện dấu hiệu tiến bộ trong những ngày thương lượng vừa qua tại Brussels (Bỉ).
Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier (phải) và Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit David Davis (trái) của Anh tại cuộc họp ở Brussels, Bỉ ngày 17/7. Ảnh: EPA/TTXVN
Phóng viên TTXVN tại Brussels dẫn một nguồn tin từ cuộc đàm phán cho biết các quan chức hai bên đã đi sâu vào nghiên cứu một cách chi tiết về các vấn đề chính để có thể hoàn thành trước tháng 10 tới, thời điểm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh EU.
Một cuộc thảo luận diễn ra trong nhiều giờ đồng hồ được dành riêng cho chủ đề về duy trì một đường biên giới “mềm” tại Ireland hậu Brexit và đảm bảo quyền của các công dân châu Âu sinh sống ở Anh.
Cũng theo nguồn tin trên, vấn đề thanh toán tài chính cho EU và giải quyết những cam kết của Anh đến nay vẫn là một trong những điểm gây bất đồng chủ yếu trong các cuộc thương lượng diễn ra những ngày qua.
Cả hai bên đều đang cố gắng để hiểu rõ quan điểm của nhau thông qua việc chất vấn phía bên kia để có thể làm rõ các nội dung và tìm ra được những điểm thống nhất.
Bị nhà đàm phán EU Michel Barnier buộc tội lãng phí thời gian, phía Anh đã tìm cách khôi phục lại niềm tin thông qua việc giải thích quan điểm của mình về những vấn đề then chốt. Các nhà chức trách Anh đánh giá rằng chính phủ của họ đã vượt qua một giai đoạn quan trọng tuần vừa qua khi lần đầu tiên thừa nhận bằng văn bản rằng họ sẽ phải trả tiền cho EU.
Các nhà phân tích cho biết số tiền này, dựa trên các cam kết trong quá khứ, có thể lên tới 100 tỷ euro. Tuy nhiên, Anh vẫn chưa đồng ý chấp nhận con số đề nghị của EU.
Quan điểm mới nhất của Chính phủ Anh là cố gắng thuyết phục các nhà đàm phán EU rằng phía Anh cam kết tôn trọng các nguyên tắc về giải quyết tài chính nhưng sẽ không đưa ra lời hứa cụ thể.
Một nguồn tin giấu tên khác cho biết phía Anh đang muốn kéo dài thời gian càng lâu càng tốt trong vấn đề thanh toán tài chính và sẽ không đưa ra bất kỳ cam kết ràng buộc nào cho đến khi ký một thỏa thuận tổng thể về Brexit.
EU đã tuyên bố các cuộc đàm phán cần phải đạt được "tiến bộ đầy đủ" trên các nội dung về thanh toán tài chính, quyền của công dân và vấn đề biên giới với Ireland trước khi chuyển sang các vấn đề cốt lõi về mối quan hệ thương mại tương lai – theo dự kiến sẽ được tiến hành vào tháng 10 tới.
Các nhà đàm phán cũng đang hết sức nỗ lực tại thủ đô Brussels để có thể đạt được một thỏa thuận từ nay đến cuối năm 2018.
Theo kế hoạch, nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ thì Anh và EU sẽ ký kết một thỏa thuận về Brexit vào cuối năm 2018 và sau đó Nghị viện châu Âu sẽ phê chuẩn văn bản này trước khi nước Anh chính thức rời khỏi khối vào tháng 3/2019.(baotintuc)
----------------------------
Đại lý Mercedes báo lỗ lần đầu trong 4 năm
Chạy theo chính sách giảm giá với các hãng xe khác khiến lợi nhuận của Haxaco ghi nhận âm, không đủ bù đắp chi phí.
Công ty cổ phần Dịch vụ Ôtô Hàng Xanh - Haxaco (mã CK: HAX) vừa công bố báo cáo tài chính quý II với khoản lỗ hơn 7 tỷ đồng, kết quả thua lỗ theo quý đầu tiên kể từ 2012. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận của Haxaco chỉ còn hơn 19 tỷ đồng, giảm 43% cùng kỳ.Là một trong ba đại lý phân phối chính thức của dòng sản phẩm Mercedes-Benz tại Việt Nam, kết quả của Haxaco đi ngược với xu hướng thị trường khi trong nửa đầu năm 2017 sức tiêu thụ của dòng xe này đang tăng mạnh. Theo số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất Ôtô Việt Nam (VAMC), doanh số tiêu thụ của Mercedes-Benz tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm đạt 3.375 chiếc, tăng 37% so với cùng kỳ.
Theo giải trình vừa được ban lãnh đạo công ty công bố, kết quả thua lỗ của nhà phân phối này là do cuộc chạy đua về giá dẫn tới chi phí bán hàng và quản lý tăng mạnh. Bên cạnh đó, việc giải phóng hàng tồn kho chậm, phải cắt lỗ đối với một số dòng C-class cũng tác động tiêu cực đến hiệu quả hoạt động của công ty.
Với sức tiêu thụ xe Mercedes tốt, trong quý II Haxaco đạt gần 1.035 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 21% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, nhà phân phối này ghi nhận hơn 1.800 tỷ doanh thu, tăng gần 40%. Tuy nhiên, trong bối cảnh các hãng xe liên tục sử dụng chính sách giảm giá tại Việt Nam, để đạt được con số này Haxaco cũng phải thực hiện hàng loạt các biện pháp hỗ trợ khách hàng.
Bởi vậy, cả chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của nhà phân phối này đều tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Tổng hai khoản mục này trong 6 tháng đầu năm đạt gần 62 tỷ, trong khi cùng kỳ chỉ hơn 30 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, khối lượng xe nhập và tồn kho từ đầu năm đến nay của Haxaco cũng tăng mạnh dẫn đến chi phí tăng cao, phần lớn là chi phí lãi vay. Chỉ trong 6 tháng, doanh nghiệp này vay ngắn hạn ngân hàng thêm hơn 400 tỷ, do vậy chi phí lãi vay phải chịu hơn 14 tỷ đồng, gấp 3,5 lần cùng kỳ năm trước.
Theo thuyết minh báo cáo tài chính, lý do Haxaco gia tăng vay nợ được công ty giải trình nhằm phục vụ kinh doanh ôtô, điều này có thể xuất phát từ sức mua của dòng xe này tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm khiến Haxaco gia tăng lượng hàng tồn. Tại thời điểm cuối quý II, giá trị hàng tồn kho của Haxaco đã lên tới 610 tỷ đồng, so với mức 390 tỷ hồi đầu năm.
Dù vậy, không chỉ ảnh hưởng tới chi phí, việc gia tăng tích trữ cũng khiến đại lý này phải giải phóng lượng hàng tồn cũ. Ban lãnh đạo Haxaco cho biết đã buộc phải giảm giá bán lỗ với lô xe C-class nhằm tiếp nhận các dòng xe mới.(Vnexpress)
---------------------
Xuất khẩu nông sản tăng mạnh, xấp xỉ 9,5 tỉ USD
Mỗi ngày có hơn 1.500 xe ôtô chở hàng qua cửa khẩu Lạng Sơn, đưa Trung Quốc trở thành thị trường nông sản lớn nhất của Việt Nam với hơn 3 tỉ USD trong tổng số gần 9,5 tỉ USD tính đến nay.
Số liệu thống kê Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản tính đến ngày 15-7 đạt 9,43 tỉ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước.
Các mặt hàng thuộc nhóm xuất khẩu "tỉ đô" gồm cà phê đạt 2 tỉ USD, rau quả 1,85 USD, hạt điều 1,65 USD, gạo 1,37 tỉ USD...
Trong 6 tháng đầu năm đến nay, hàng nông sản chủ yếu được xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc với hơn 3,05 tỉ USD, tăng 34,6% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 35,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản của cả nước.
Giá trị nông sản xuất khẩu sang thị trường EU đạt 1,53 tỉ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 17,9%.
Trong khi đó, hàng nông sản xuất sang Hoa Kỳ đạt 1,04 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 12,2%;…
Trao đổi với Tuổi trẻ, ông Nguyễn Công Tưởng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, cho biết bình quân mỗi ngày có trên 1.500 xe ô tô chở hàng hóa xuất sang Trung Quốc qua các cửa khẩu trên địa bàn Lạng Sơn.
Hàng Việt xuất sang Trung Quốc chủ yếu là hàng nông sản như cao su, sắn, hoa quả tươi…(Tuoitre)