“2016 vẫn là một năm tích cực cho thị trường bất động sản Việt Nam”
Trung Quốc phá giá đồng nội tệ phiên thứ hai liên tiếp
Đồng USD sụt giá so với yen Nhật và bảng Anh
VinGroup đã bỏ ra gần 5.700 tỷ để nắm 1 dự án rộng 215ha tại Hà Nội
Phát hiện một doanh nghiệp FDI xuất khống gần 700.000 mét vải
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 04-04-2016
- Cập nhật : 04/04/2016
Vốn ngoại vẫn kỳ vọng ở Việt Nam
65% các DN FDI tin rằng môi trường đầu tư của Việt Nam có ít rủi ro hơn các quốc gia cạnh tranh khác, và chỉ 5% cho rằng nhiều rủi ro hơn... Kết quả khảo sát trong khuôn khổ PCI 2015 được công bố mới đây cho thấy hầu hết các NĐT nước ngoài đều nhận định Việt Nam là một điểm đến rất an toàn.
Cũng theo khảo sát trên, năm 2015 có 11,3% DN FDI cho biết đã tăng đầu tư và 62,4% DN tuyển thêm lao động mới. Mặc dù thấp hơn số liệu điều tra năm 2014, song những con số này vẫn cho thấy những cải thiện lớn hơn so với giai đoạn đầu tư ảm đạm năm 2012-2013.
Nhưng mặt khác, số liệu cũng cho thấy doanh thu của DN FDI đã giảm đáng kể khi so với năm trước, số DN kinh doanh có lãi ít hơn (55%), DN báo lỗ nhiều hơn (37,8%).
Sự bất cân xứng giữa triển vọng mở rộng sản xuất kinh doanh với hiệu quả hoạt động thực tế nêu trên cho thấy, DN FDI đã phải “gồng mình” như thế nào trong những năm qua. Nhưng đồng thời, nó cũng chỉ báo rằng các DN FDI đã nhận thấy những dấu hiệu ấm lên của nền kinh tế, và họ đang tiến hành những chuẩn bị nhân lực và vật lực để tận dụng những cơ hội sắp tới một cách tốt nhất có thể. Khi đánh giá triển vọng kinh doanh trong tương lai, gần 50% DN cho biết có ý định mở rộng sản xuất kinh doanh.
TS. Michael A. Trueblood, Giám đốc Phát triển kinh tế và Quản trị Nhà nước, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) khẳng định lại, mức độ lạc quan của DN FDI tại Việt Nam hiện nay là tương đối cao. Ông cho biết, Việt Nam tiếp tục được đánh giá tích cực so với các quốc gia cạnh tranh về sự ổn định của chính sách, mức độ rủi ro bị thu hồi tài sản thấp, khả năng tham gia của DN nước ngoài vào quá trình hoạch định chính sách cao, và các mức thuế hợp lý.
Tuy nhiên, môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn còn kém hấp dẫn về chi phí không chính thức, gánh nặng quy định, chất lượng của cơ sở hạ tầng và chất lượng dịch vụ công như y tế, giáo dục. Riêng về cơ sở hạ tầng, mặc dù rất nỗ lực cải thiện bằng việc đẩy mạnh thu hút đầu tư, song cho tới nay các NĐT nước ngoài đánh giá chất lượng hạ tầng của Việt Nam chỉ tương đương Campuchia và Lào. Trong khi đó, gánh nặng về quy định vẫn rất lớn, trên 70% DN FDI cho biết họ phải sử dụng hơn 5% thời gian để thực hiện các thủ tục hành chính.
Đáng chú ý là theo ghi nhận của các NĐT nước ngoài, có 2 loại rủi ro chính khiến họ quan ngại. Đó là rủi ro về kinh tế vĩ mô, và những thay đổi trong quy định pháp luật hoặc thuế khiến lợi nhuận của họ có thể giảm sút. Trong đó, gần 80% NĐT nước ngoài đã chọn sự bất ổn kinh tế vĩ mô là một trong ba mối quan tâm lớn nhất của họ. 49% các NĐT nước ngoài cho rằng sự bất ổn kinh tế vĩ mô là rủi ro chính mà họ gặp phải khi đầu tư tại Việt Nam. 36% xếp hạng đây là rủi ro số một.
Kết quả này có thể nói là khá bất ngờ, khi đã tái hiện lại mối lo ngại vốn đã tồn tại khá lâu ở Việt Nam, kể từ cuộc khủng hoảng và suy thoái kinh tế thế giới mấy năm về trước đã tác động đến trong nước. Mặc dù những năm gần đây, các nhà hoạch định chính sách rất nhất quán với đường lối ổn định vĩ mô và được ghi nhận đã có thành công, song trong mắt NĐT nước ngoài có vẻ thực tế vẫn chưa đủ sức thuyết phục.
Rủi ro khác mà NĐT nước ngoài quan ngại liên quan tới những thay đổi về quy định pháp luật hoặc thuế khiến lợi nhuận của NĐT bị giảm sút. Vấn đề này ngày càng nghiêm trọng kể từ năm 2014. Nguyên nhân chính của những quan ngại này không đến từ các yêu cầu khi gia nhập thị trường, mà từ chính sách gánh nặng quy định khi vận hành DN và các cuộc thanh, kiểm tra của cơ quan quản lý.
Mặc dù số lần DN bị thanh tra trung bình là tương đối thấp theo tiêu chuẩn quốc tế, khoảng 2 lần/DN/năm. Song vẫn còn một lượng nhỏ DN FDI bị sách nhiễu với trên 10 lần thanh tra/DN/năm. Vấn đề này khiến nhiều DN FDI tại Việt Nam hiện hoạt động trong tình trạng cảnh giác, dè chừng.
Trên thực tế, việc Việt Nam bị các NĐT nước ngoài đánh giá kém ở tiêu chí rủi ro chính sách cũng là điều đáng ngạc nhiên khi cơ quan quản lý đã có rất nhiều nỗ lực cải thiện thủ tục hành chính và thủ tục đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, theo một NĐT nước ngoài, chi phí gia nhập thị trường hiện nay đã không còn là mối lo ngại lớn của các NĐT tại Việt Nam nữa. Bởi sau khi nhận giấy chứng nhận đầu tư và đăng ký kinh doanh, DN có thể hoạt động hợp pháp.
Song, điều đáng nói là sau đó họ gặp phải rất nhiều quy định trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh do các quy định pháp luật phát sinh làm giảm kỳ vọng của DN, thậm chí thay đổi cả chính sách đầu tư. Đơn cử như quy định hạn chế nhập khẩu máy móc thiết bị đã qua sử dụng trong năm 2015 đã vấp phải sự phản đối của rất nhiều DN FDI.(TBNH)
Nhu cầu vàng trang sức đang tăng mạnh
Tại đại hội cổ đông thường niên lần thứ 20 của PNJ sáng 2-4, bà Cao Thị Ngọc Dung, thành viên HĐQT PNJ, cho biết như trên.
Bên cạnh đó vàng trang sức của Việt Nam so với tổng tiêu thụ vàng chỉ chiếm 25% trong khi tỉ lệ này tại các nước trong khu vực là trên 50% (trừ Thái Lan chỉ 12%).
Mặc dù là một trong 15 quốc gia tiêu thụ vàng nhiều nhất thế giới nhưng đa số người dân Việt Nam vẫn có thói quen mua vàng miếng nhằm đầu cơ tích trữ hơn là làm đẹp.
Tuy nhiên, cùng với sự ổn định của nền kinh tế, xu hướng dịch chuyển từ mua vàng miếng sang vàng trang sức đang diễn ra mạnh mẽ. Lượng vàng trang sức tiêu thụ tại Việt Nam liên tục tăng trong ba năm trở lại đây, ngược lại với xu hướng của vàng miếng giảm mạnh 2014 và 2015 lần lượt giảm 33% và 15%. Riêng PNJ, nguồn thu từ vàng trang sức đạt 1,828 tỉ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 27% so với kế hoạch.
Tỷ giá tiếp tục ổn định trong phiên đầu tuần
Theo khảo sát của thoibaonganhang.vn, mở đầu tuần giao dịch mới, sáng nay (4/4), nhiều ngân hàng tiếp tục giữ nguyên giá mua – bán USD như cuối tuần trước. Hiện giá bán tại các ngân hàng vẫn phổ biến trong khoảng 22.320-22.330 đồng/USD.
Theo đó, Vietcombank chỉ tăng nhẹ 5 đồng ở cả 2 chiều mua – bán lên 22.260/22.330 đồng/USD.
Trong khi, VietinBankđiều chỉnh giảm nhẹ giá mua và giá bán 2 đồng. Hiện giá mua – bán USD tại ngân hàng này là 22.245/22.325 đồng/USD.
Tương tự, Agribank giảm 10 đồng ở giá mua xuống 22.240 đồng/USD, tuy nhiên vẫn tiếp tục giữ nguyên giá bán ở mức 22.320 đồng/USD.
Trong khi, BIDV không điều chỉnh tỷ giá USD của mình, hiện vẫn là 22.255/22.325 đồng/USD.
Với khối NHTMCP, Eximbank và LienVietPostBank đều giao dịch USD ở 22.240/22.320 đồng/USD, không đổi so với phiên trước.
Tương tự, DongA Bank không điều chỉnh giá mua – bán đồng bạc xanh của mình, hiện vẫn ở mức 22.250/22.320 đồng/USD.
Trong khi, ACB tăng 10 đồng ở cả giá mua và giá bán. Hiện giá mua – bán USD tại ACB là 22.250/22.330 đồng/USD.
Sacombank chỉ tăng giá bán 10 đồng trong khi vẫn giữ nguyên giá mua. Hiện tỷ giá USD tại Sacombank là 22.240/22.330 đồng/USD.
Techcombank sáng nay niêm yết tỷ giá USD ở 22.240/22.340 đồng/USD, tăng giá mua thêm 10 đồng, tuy nhiên không thay đổi giá bán so với phiên trước đó.
Như vậy, giá mua vào thấp nhất trên thị trường sáng nay là 22.240 đồng/USD, giá mua cao nhất là 22.260 đồng/USD. Trong khi giá bán ra thấp nhất trên thị trường là 22.320 đồng/USD, giá bán cao nhất là 22.340 đồng/USD.
Sáng nay, tỷ giá trung tâm được NHNN Việt Nam tăng nhẹ thêm 2 đồng lên mức 21.852 đồng/USD. Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng được áp dụng hôm nay là 22.508 đồng và tỷ giá sàn là 21.196 đồng/USD.
Sở Giao dịch NHNN sáng nay vẫn giữ nguyên giá mua vào USD ở mức 22.300 đồng/USD, song giá bán được điều chỉnh tương ứng với mức giá trần mới là 22.508 đồng/USD.
Khi DN vàng trang sức… ngại báo cáo
Từ ngày 15/2/2016, theo quy định tại Thông tư 38/2015/TT-NHNN (sửa đổi) hướng dẫn các đơn vị sản xuất vàng nữ trang, mỹ nghệ, hàng quý và hàng năm các DN có giấy phép sản xuất sản phẩm vàng trang sức nếu có mua 5 lượng vàng nguyên liệu trở lên phải lập báo cáo theo mẫu gửi về NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố.
Theo quy định mới nhất hiện nay, cơ sở, DN sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ phải có đủ văn bản tài liệu chứng minh quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp địa điểm sản xuất trong lĩnh vực ngành nghề này. Trong kế hoạch sản xuất phải có bản kê khai về cơ sở vật chất và trang thiết bị cho sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.
Bản kế hoạch dự kiến về quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường, trong đó có việc thực hiện quy định về công bố tiêu chuẩn áp dụng và ghi nhãn hàng hóa đối với việc thực hiện quy định về công bố tiêu chuẩn áp dụng và ghi nhãn hàng hóa đối với vàng trang sức, mỹ nghệ mà các cơ sở phải thực hiện theo mẫu hướng dẫn của chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố.
Giới chuyên gia trong lĩnh vực vàng trang sức cho rằng, việc các cơ sở sản xuất vàng trang sức và mỹ nghệ được quản lý như hiện nay, sẽ hạn chế tối đa những đơn vị kinh doanh vàng miếng trá hình lẩn vào hoạt động trang sức và thủ công mỹ nghệ. Từ đây có thể gây biến động về giá trên thị trường vàng miếng, thậm chí có thể xuất vàng dưới mọi hình thức biến tướng từ nữ trang và mỹ nghệ như đã từng xảy ra.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, việc quản lý cấp phép sản xuất kinh doanh vàng trang sức đảm bảo cho các đơn vị yên tâm làm ăn và giữ uy tín thương hiệu trang sức trên thị trường và đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng.
Các DN sản xuất vàng trang sức cho rằng, việc sản xuất sản phẩm trang sức vàng theo diễn biến thị trường, không diễn ra đều đặn nên báo cáo rất khó chính xác vì tháng này nhập có thể chờ thị trường cho vài tháng sau.
Bà Hà Thanh Hương, chủ một đơn vị kinh doanh vàng (Quận 5, TP.HCM) cho rằng, nhu cầu vàng như nhẫn trơn sản xuất ở các cơ sở chi phí bao giờ cũng thấp hơn ở các công ty lớn từ 120.000-150.000 đồng/lượng vàng, nhiều năm qua đơn vị này chuyên sản xuất trang sức bán về ĐBSCL cho các tiệm vàng ở các vùng xa xôi phân phối lẻ.
“Năm ngoái chúng tôi mới được Nhà nước (NHNN) cấp cho giấy phép đủ điều kiện sản xuất kinh doanh vàng trang sức, nhưng coi bộ phải học thêm nhiều cách lập giấy tờ hơn so với trước chỉ việc buôn bán kinh doanh”, bà Hương cho biết.
Báo cáo hàng quý, hàng năm về hoạt động sử dụng nguyên liệu vàng trang sức cũng rất khó khăn cho các bộ phận quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này. Chẳng hạn: TP.HCM hiện có khoảng 400 giấy phép sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ được cấp phép và số đơn vị cần cấp phép hoạt động trong lĩnh vực này có thể sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Do trước khi có quy định mới về quản lý sản xuất kinh doanh vàng TP.HCM có đến 3.000 DN sản xuất kinh doanh nữ trang. Với số lượng đơn vị có giấy phép sản xuất vàng trang sức ngày một tăng, trong khi mức độ cán bộ quản lý trong lĩnh vực vàng ở các chi nhánh NHNN địa phương thì có hạn sẽ là một áp lực về xử lý báo cáo hàng quý.
Chưa kể, hoạt động báo cáo thực hiện quy định pháp luật về đo lường, quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường chưa sát với thị trường. Điển hình như việc đo lường chất lượng vàng trang sức hiện được các đơn vị sản xuất phân loại theo hàm lượng thay vì trong quy định quản lý yêu cầu lập báo cáo đơn vị tính theo kara. Bên cạnh đó các cơ quan hữu quan ở địa phương theo dõi và lập báo cáo không thể cập nhật số liệu thống kê theo tháng về số lượng mua vàng nguyên liệu của các cơ sở, DN sản xuất vàng trang sức.
Cụ thể: năm 2015 NHNN chi nhánh TP.HCM đơn vị đầu mối cấp phép tạm nhập vàng nguyên liệu tái xuất sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ cho 5 công ty, với tổng hạn mức (quy đổi ra vàng 24K) hơn 126 kg (01 kg vàng bằng 26,455 lượng). Mỗi công ty chỉ có quota khoảng vài chục kg vàng nguyên liệu, đến hết năm mới chỉ có 1 DN sử dụng hết hạn mức vàng nguyên liệu được cấp phép nhập khẩu. Bốn DN đã có hạn ngạch nhập vàng nguyên liệu vào mục đích sản xuất trang sức sử dụng đến tháng 5/2016.
Theo NHNN chi nhánh TP.HCM, đến hết tháng 1 vừa qua mới có 41,26 kg hạn ngạch của năm trước được các DN nhập khẩu nguyên liệu vàng về sản xuất tái xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Theo đó việc báo cáo cập nhật theo tháng đối với các giấy phép tạm nhập nguyên liệu tái xuất vàng đối với các cơ quan quản lý địa phương gần như không thể.
Các DN sản xuất vàng nữ trang cũng cho rằng nên chăng giảm bớt quy trình báo cáo cho họ hoặc có một hình thức quản lý sao cho DN có thể tập trung vào sản xuất kinh doanh sẽ tốt hơn thay vì phải làm báo cáo thường xuyên.(TBNH)
Hàng Việt cần tận dụng thị trường Hồng Kông
Theo bà Tina Phan, Giám đốc khu vực Đông Dương của Cục Phát triển mậu dịch Hồng Kông, ba năm trở lại đây, thương mại song phương giữa Việt Nam và Hồng Kông phát triển mạnh mẽ.
Việt Nam là đối tác thương mại lớn trong top 10 của Hồng Kông với mức tăng trưởng kim ngạch thương mại song phương từ 16% - 19%/năm. Hồng Kông xem Việt Nam vừa là thị trường tiềm năng của ngành du lịch, thương mại và là nguồn cung hàng hóa cho thị trường nội địa. Lợi thế lớn nhất của Hồng Kông là trung tâm châu Á về chuỗi cung ứng, có thể kết nối giữa nhà sản xuất với người mua và người bán.
Đồng thời là cửa ngõ để các DN Việt Nam tiếp cận với thị trường Trung Quốc, bởi hiện có trên 10.000 DN Trung Quốc đang kinh doanh tại đây. Hồng Kông còn có cảng container lớn thứ 3 trên thế giới, với cơ sở hạ tầng hiện đại. DN xuất khẩu của Việt Nam không chỉ hướng đến thị trường Hồng Kông như là một thị trường tiêu thụ tiềm năng, mà còn là một nơi trung chuyển hàng hóa đến các thị trường lớn như Nhật Bản, châu Âu, châu Mỹ...
Hiện nay, Hồng Kông nhập khẩu nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu từ Việt Nam, như máy vi tính, sản phẩm điện tử, điện thoại và linh kiện, máy ảnh, thực phẩm, hàng thủ công mỹ nghệ, gia dụng.
Đặc biệt, những tháng đầu năm 2016, nhóm hàng bánh kẹo và sắt thép nhập khẩu từ Việt Nam tăng đột biến, trên 100% mỗi loại. Thị trường Hồng Kông tiêu thụ hàng hoá khá đa dạng, yêu cầu chất lượng, kỹ thuật cũng không quá cao.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng Phòng Giao dịch quốc tế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, DN phân phối, xuất nhập khẩu của Hồng Kông đánh giá cao thế mạnh sản xuất hàng gia dụng, thực phẩm, điện tử… của DN Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều DN Việt còn thụ động trong khảo sát, tìm hiểu, mở rộng thị trường sang đây. Điều này khiến hàng Việt Nam vẫn còn ít được biết đến tại Hồng Kông.
Ông Tuấn nhận xét, Hồng Kông có dân số gần 8 triệu người, là một thương cảng tấp nập. Hàng hóa tại Hồng Kông có rất nhiều xuất xứ, từ châu Âu, châu Mỹ, Trung Đông đến châu Á. Thị trường tiêu dùng và xu hướng mua sắm của người dân rất hiện đại, nhưng cũng đa dạng, từ kênh mua sắm tiên tiến là trung tâm thương mại, siêu thị, xen lẫn những khu mua sắm bình dân, tập trung nhiều nhất tại hai đảo chính là Cửu Long và Hồng Kông. Hàng hóa tại Hồng Kông, ngoài tiêu thụ của người dân bản xứ thì còn một lượng lớn để bán cho du khách, vì du lịch vốn là một thế mạnh của Hồng Kông. Chính vì thế mà tại Hồng Kông có mặt hầu hết các hãng thời trang, mỹ phẩm, gia dụng lớn của thế giới.
DN tại Hồng Kông phần lớn là công ty tư nhân, nhiều công ty nhỏ một chủ sở hữu. Bên cạnh đó là công ty liên doanh, văn phòng đại diện của các tập đoàn hay công ty lớn ở nước ngoài. Thương nhân Hồng Kông trong lĩnh vực bán lẻ rất năng động, nắm bắt sát xu hướng tiêu dùng và nhu cầu thị trường. Những nhóm hàng tiêu thụ rất mạnh tại Hồng Kông là nữ trang (trang sức vàng, kim loại quý, đá quý), thời trang, quà tặng, hàng điện tử, điện thoại, thiết bị viễn thông.
Đặc biệt, trong việc tìm nguồn cung hàng cho hệ thống bán lẻ nội địa, DN Hồng Kông chú trọng các hàng hóa chất lượng, hợp thời, có phong cách riêng biệt và thương hiệu có uy tín, giao hàng nhanh. Việc giao hàng nhanh, đúng hạn rất quan trọng, bởi thị trường mua sắm Hồng Kông hiện đại, đào thải nhanh theo từng mùa trong năm. Đôi khi lô hàng chỉ bán 2 - 3 tháng là đưa ra nhóm đại hạ giá đến 70%.
Theo Cục Phát triển Mậu dịch Hồng Kông, với lợi thế là thị trường trung chuyển của khu vực châu Á, hàng năm chính quyền Hồng Kông và nhiều tổ chức, Hiệp hội ngành nghề liên tục tổ chức nhiều hội chợ triển lãm mang tầm quốc tế, nhằm giới thiệu hàng hóa của Hồng Kông và các nước trong khu vực đến người mua trên toàn thế giới.
Cụ thể như năm 2015, riêng Cục này đã tổ chức 30 hội chợ thương mại, thu hút 35.000 đơn vị triển lãm, hơn 726.000 lượt khách tham quan đến từ khắp nơi trên thế giới. Trong đó, số lượng DN Việt Nam (gồm những nhà triển lãm và khách mua hàng) tham gia tăng khoảng 10%/năm.
Đến năm 2016, đơn vị này dự kiến tổ chức trên 35 hội chợ quốc tế, tập trung nhiều nhất là vào thời điểm tháng 4 và tháng 5 với 8 hội chợ chuyên ngành hàng điện tử, dệt may, gia dụng… Đây vốn là những ngành sản xuất thế mạnh của DN Việt Nam. Phía đơn vị tổ chức Hồng Kông đã mời nhiều DN Việt Nam tham gia.
Bà Tina Phan cho rằng, những DN Việt Nam từng tham gia các hội chợ do đơn vị tổ chức như Kềm Nghĩa, may Nhà Bè, Thắng Lợi, Phong Phú, Nhôm - inox Kim Hằng, trái cây sấy Vinamit, sữa Vinamilk, thực phẩm ăn liền Cầu Tre, Tuyền Ký, Vifon… đều tạo được ấn tượng tốt với người tiêu dùng Hồng Kông và người mua quốc tế.(TBMH)