Tập đoàn hàng đầu lắp ráp ô tô tại Malaysia “rục rịch” lên kế hoạch sang Việt Nam; “Cú hích” cho sản phẩm dệt may thâm nhập thị trường Nga; Thương mại điện tử sớm đạt mức 10 tỷ USD; Vinamilk lãi gần 3.000 tỷ đồng quý 1/2017, tăng mạnh so với cùng kỳ
Tin kinh tế đọc nhanh tối 29-09-2018
- Cập nhật : 29/09/2018
Huy động và cho vay 9 tháng đều thấp hơn cùng kỳ năm ngoái
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 20/9/2018, tổng phương tiện thanh toán tăng 8,74% so với cuối năm 2017, trong khi cùng kỳ năm 2017 tăng 9,59%.
Mức tăng trưởng của các chỉ tiêu 3 quý đầu năm đều giảm so với cùng kỳ. Tăng trưởng huy động vốn của các tổ chức tín dụng đạt 9,15%, thấp hơn mức 10,08% cùng kỳ năm 2017. Tín dụng của nền kinh tế tăng 9,52%, trong khi cùng kỳ năm 2017 tăng 11,02%.
Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của các tổ chức tín dụng nói chung tương đối ổn định. Theo đánh giá của cơ quan thống kê, mặc dù một số ngân hàng đã có động thái tăng lãi suất huy động nhưng mức độ tăng nhỏ, không thể hiện xu hướng tăng của thị trường.
Hiện mặt bằng lãi suất huy động đồng Việt Nam phổ biến ở mức 0,6%-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,3%-5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,3%-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,5%-7,3%/năm.
Lãi suất cho vay đồng Việt Nam phổ biến khoảng 6%-9%/năm đối với ngắn hạn và 9%-11%/năm đối với trung và dài hạn; đối với khách hàng tốt, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4%-5%/năm.
Về tín dụng, cơ cấu đã tiếp tục chuyển hướng theo hướng tích cực tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, các dự án lớn, trọng tâm trọng điểm theo chủ trương của Chính phủ.
Hoạt động kinh doanh bảo hiểm quý III năm 2018 tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao, ước tính tăng 18% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực phi nhân thọ tăng 14%, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ tăng 20%. Ước tính doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 9 tháng tăng 22% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực phi nhân thọ tăng 13%, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ tăng 27%.
Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tiếp tục đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng kinh tế. GDP 9 tháng đầu năm của nền kinh tế tăng 6,98%, cao nhất 8 năm.
Trong đó, mảng dịch vụ tăng 6,89%, tuy thấp hơn mức tăng 7,21% của 9 tháng năm trước nhưng cao hơn so với cùng kỳ giai đoạn 2012-2016. Riêng mảng tài chính tăng trưởng 7,85%, đóng góp 0,46 điểm phần trăm vào mức tăng của GDP.(NDH)
------------------------
Fed tăng lãi suất, Việt Nam ứng phó thế nào?
TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng phải hết sức thận trọng, không cần chạy đua theo những thông tin từ bên ngoài.
Ngày 27/9, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đã nâng lãi suất tái cấp vốn liên bang lên thêm 0,25% để đưa mức lãi suất lên mức 2% - 2,25%. Đây là lần tăng lãi suất thứ ba trong năm nay và là lần tăng thứ tám trong chu kỳ tăng lãi suất. Bất chấp các căng thẳng thương mại gia tăng, FOMC vẫn có kế hoạch tăng lãi suất thêm 1 lần nữa trong năm nay, và 3 đợt tăng trong năm 2019 trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế ổn định, thị trường lao động phát triển và lạm phát ở gần mức mục tiêu 2%. FOMC đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ năm 2018 lên 3,1% từ mức 2,8%, và lên 2,5% từ 2,4% cho năm 2019 như ước tính trong cuộc họp tháng 6. FOMC cũng cho biết các diễn biến áp thuế tính đến nay vẫn chưa ảnh hưởng đến số liệu kinh tế, trong khi việc cắt giảm thuế của Tổng thống Trump có thể tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Sau thông báo của Fed, chỉ số USD đã tăng 0,35%, trong khi tỷ giá USD/VND tăng nhẹ 0,07% lên 23.345 đồng (+2,9% tính từ đầu năm).
Đánh giá tác động của sự kiện này, TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng trong ngắn hạn sẽ có áp lực lên tỷ giá, lãi suất của Việt Nam.
TS Lê Xuân Nghĩa. Ảnh: VGP.
"Bối cảnh hiện nay có thể đẩy tỷ giá hối đoái vào tình trạng rất khó khăn và có thể ảnh hưởng đến cả lạm phát", ông Nghĩa nhận định.
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bước vào“Giai đoạn 2” với việc Mỹ áp thuế với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và Bắc Kinh đáp trả bằng thuế với 60 tỷ USD hàng hóa Washington – có hiệu lực từ ngày 24/9. Sự leo thang của cuộc chiến thương mại kéo theo lo ngại về cuộc chiến tiền tệ, đồng NDT có thể mất giá hơn nữa. Khi đó, nếu tỷ giá neo theo USD, VND càng mất giá so với NDT.
VND rơi vào thế kẹp giữa hai đồng tiền đều có quan hệ thương mại lớn với Việt Nam.
Do đó, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng ảnh hưởng từ việc Fed tăng lãi suất và chiến tranh thương mại tới Việt Nam như thế nào phụ thuộc lớn vào chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.
Theo ông Nghĩa, phản ứng tốt nhất hiện nay là "giữ bất biến ứng vạn biến".
"Trong lúc các vấn đề chưa rõ ràng, chiến tranh thương mại và cuộc chiến tiền tệ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, tốt nhất Việt Nam đừng vội vàng điều chỉnh. Nên cố gắng giữ ổn định cả lãi suất và tỷ giá hối đoái để tạo niềm tin cho nhà đầu tư, nhất cho nhà đầu tư nước ngoài để tránh nguy cơ rút vốn ồ ạt", ông Nghĩa phân tích. Việt Nam nên giữ ổn định lãi suất và cố gắng kiểm soát lạm phát khoảng 4%.
Về kịch bản tháng 12 Fed tiếp tục tăng lãi suất, trong khi đó, NDT có thể mất giá sâu hơn nếu chiến tranh mở rộng, ông Nghĩa cho rằng Việt Nam nên tiếp tục quan sát. Theo ông, khả năng NDT mất giá hơn nữa không cao. Thời gian qua, NDT đã mất giá 7-8%, Trung Quốc sẽ dè dặt hơn trong việc tiếp tục phá giá đồng tiền. Thay vào đó, nước này có thể dùng các biện pháp thị trường để xử lý tổn hại từ việc đánh thuế của Mỹ.
"Việt Nam phải hết sức thận trọng, không cần chạy đua theo những thông tin từ bên ngoài. Điều quan trọng nhất hiện này là Việt Nam phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô", nguyên Phó chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia khuyến cáo.
Theo đánh giá của CTCP Chứng khoán Bản Việt, các lãi suất của Fed đã phần nào được phản ảnh vào thị trường trước thời điểm công bố, nhưng đã thu hẹp mức chênh lệch lãi suất giữa các thị trường mới nổi, và tạo ra áp lực lên chính sách tiền tệ, lãi suất và tỷ giá. VCSC cho rằng nền tảng kinh tế vững chắc của Việt Nam, bao gồm dòng vốn đầu tư nước ngoài, tăng trưởng xuất khẩu, sản xuất công nghiệp mở rộng và tiêu dùng trong nước cải thiện, sẽ giúp đảm bảo cho việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có thể quản lý hiệu quả đồng VND phù hợp với mục tiêu hiện tại. (NDH)
----------------------
Kiến nghị dùng tối đa 45% vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn
Cho rằng áp dụng tỷ lệ 40% vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn áp dụng ngay từ 1/1/2019 sẽ khiến doanh nghiệp, nhà đầu tư và người tiêu dùng BĐS khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, HoREA kiến nghị tỷ lệ này tối đa là 45%.
Thông tư 19/2017 của Ngân hàng Nhà nước quy định kể từ ngày 1/1/2019, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng tối đa 40% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn (năm 2018 là 45%). Hệ số rủi ro của các khoản vay để kinh doanh bất động sản (BĐS) là 200%.
Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) đánh giá lộ trình này khiến các doanh nghiệp, nhà đầu tư và người tiêu dùng trên thị trường BĐS khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Theo HoREA, việc áp dụng tỷ lệ 40% từ năm 2019 là chưa cần thiết và chưa phù hợp với thực tiễn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển ổn định của thị trường BĐS. Do đó, Hiệp hội kiến nghị vẫn giữ nguyên mức 45% trong năm 2019.
Hiệp hội cho rằng doanh nghiệp BĐS hoạt động kinh doanh cần nguồn vốn trung hạn, dài hạn. Theo quy định của Luật Kinh doanh BĐS, tùy theo quy mô diện tích dự án, chủ đầu tư phải có vốn chủ sở hữu 15% hoặc 20% vốn đầu tư, còn lại 80 - 85% nhu cầu vốn thì chủ yếu dựa vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng và vốn huy động từ khách hàng.
Trong 8 tháng đầu năm, dư nợ BĐS cả nước chiếm tỷ trọng khoảng 7% tổng dư nợ tín dụng, chưa bao gồm một phần tín dụng tiêu dùng có liên quan BĐS.
Tỷ trọng tín dụng BĐS lên đến khoảng 14,43%. Tại TP HCM, dư nợ BĐS là 10,8% cao hơn mức bình quân của cả nước. Nếu tính cả tín dụng cho vay tiêu dùng có liên quan BĐS thì cho vay BĐS trên địa bàn thành phố chiếm tỷ trọng khoảng 15% tổng dư nợ.
Thị trường BĐS cũng bị sụt giảm mạnh trong 9 tháng đầu năm cả về nguồn cung dự án, sản phẩm và giao dịch trên tất cả các phân khúc thị trường. Tăng trưởng tín dụng 8 tháng đầu năm đạt khoảng 9%, chỉ bằng hơn một nửa so với chỉ tiêu 17% cả năm. Tăng trưởng tín dụng BĐS rất thấp, chỉ đạt 4,55% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất trong 3 năm gần đây.(NDH)