Việt - Hàn nâng kim ngạch thương mại song phương lên 70 tỷ USD
Cá tra nguyên liệu không còn để cung cấp cho nhà máy
Rủi ro khi đầu tư đất vùng ven chờ tăng giá
Cổ phiếu Eximbank bị đưa vào diện cảnh báo
Dự án thép hơn 8.000 tỷ nằm chờ nhà thầu Trung Quốc 4 năm
Tin kinh tế đọc nhanh 03-04-2016
- Cập nhật : 03/04/2016
“Nợ công và trả lãi đang bào mòn ngân sách với tốc độ rất lớn!”
Vết gợn trong báo cáo việc làm tháng 3 của Mỹ
Trong tháng 3, các công ty đã tạo ra nhiều hơn con số dự báo 215.000 việc làm mới và thu nhập trung bình/giờ cũng tăng 0,3% so với tháng 2. Tỷ lệ thất nghiệp tăng nhẹ từ 4,9% lên 5% do có thêm nhiều người tham gia vào lực lượng lao động.
Tuy nhiên, vẫn còn 1 chỉ số về tuyển dụng vẫn tiếp tục thụt lùi. Ông John Canally – chiến lược gia tại LPL Financial – cho biết trong 3 tháng nay, lượng việc làm tạm thời đang ở mức yếu và chỉ có 4.000 công việc ngắn hạn được tạo ra trong tháng 3, thấp hơn nhiều so với con số 10.000 việc làm tạm thời được ra ra trong cùng kỳ năm trước. Đáng ngạc nhiên khi chỉ số quan trọng này đã giảm hơn 55.000 đơn vị trong tháng 1 và 2.
Việc làm tạm thời được các nhà kinh tế theo dõi chặt chẽ khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi sau giai đoạn suy thoái bởi sự tăng trưởng của thị trường việc làm ngắn hạn là dấu hiệu ban đầu cho thấy những nhà tuyển dụng đang hướng tới những việc làm dài hạn.
Mặc dù nền kinh tế Mỹ cho thấy dấu hiện giảm tốc khi được dự báo chỉ tăng trưởng chưa đầy 1%, nhưng báo cáo việc làm lại cho thấy sự hồi sinh của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Những số liệu của báo cáo việc làm tháng 3 cho thấy tiền lương đã tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập trung bình sau khi giảm 2% trong tháng 2 đã tăng 7% trong tháng 3.
Vấn đề tiền lương cũng được theo dõi chặt chẽ bởi nó sẽ đưa ra những dấu hiệu sớm về lạm phát. Nếu lạm phát vẫn tiếp tục duy trì ở dưới mức kỳ vọng như hiện nay, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ không thể tiếp tục tăng lãi suất.
Theo thông tin từ RBS, sau khi báo cáo việc làm tháng 3 được công bố, tỷ lệ người dự báo FED sẽ nâng lãi suất trong tháng 9 tăng từ 46% lên 54% và tháng 12 tăng từ 72% lên 78%.
Các nhà phân tích cho rằng bất kể thị trường trái phiếu phản ứng ra sao, báo cáo việc làm tích cực này cũng chưa thể làm quyết định giảm số lần nâng lãi suất trong năm 2016 từ 4 xuống 2 lần vừa được FED đưa ra trong cuộc họp ngày 15-16/3.
Một mảng của báo cáo việc cũng cho thấy tỷ lệ lực lượng lao động có tăng trưởng. Tỷ lệ này tăng nhẹ từ 62,9% lên 63%. Nên nhớ rằng trước cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2008, lực lượng lao động Mỹ chiếm 66% dân số nước này và chỉ số này đang liên tục tăng trong vài tháng qua, làm dấy lên những lo ngại về dấu hiệu lịch sử sẽ lập lại.
Trong tháng 3, lĩnh vực bán lẻ tạo ra 48.000 việc làm, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và xây dựng cùng tuyển thêm 37.000 nhân sự. Ngược lại, số lượng việc làm trong ngành sản xuất đã giảm 29.000 việc làm.
Ông Joseph LaVorgna – nhà kinh tế trưởng Mỹ của Deutsche Bank – cho rằng nhìn tổng thể, những con số này rất ấn tượng nhưng việc mất đi nhiều việc làm trong ngành sản xuất lại không tốt chút nào.
Kinh tế Trung Quốc hồi sinh qua chỉ số PMI
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Chính phủ Trung Quốc tăng 1,2 điểm lên mức 50,2 điểm – lần đầu tiên chỉ số này đạt trên 50 điểm, tương đương mức tăng trưởng, kể từ tháng 6/2015.
Trước đó, các dự báo được đưa ra chỉ đạt con số 49,3 điểm.
Sự tăng trưởng lần này có đóng góp lớn của các doanh nghiệp lớn, bù đắp cho sự yếu kém cố hữu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Chỉ số PMI của các doanh nghiệp lớn đã tăng từ 49,9 điểm của tháng 2 lên 51,5 điểm của tháng 3. Trong khi đó, chỉ số của doanh nghiệp vừa chỉ đạt 49,0 điểm và doanh nghiệp nhỏ đạt 48,1 điểm, cho thấy những công ty này đang vẫn đang chịu ảnh hưởng của nền kinh tế giảm tốc.
Sản lượng ngành sản xuất cũng có bước nhảy vọt đáng kể khi nhảy từ 50,2 điểm lên 52,3 điểm – mức tăng trưởng cao nhất từ tháng 9/2015.
Chỉ số đơn đặt hàng và đơn xuất khẩu mới – mức đánh giá hoạt động trong tương lai – cũng tăng trở lại lần lượt ở mức 51,4 và 50,2 điểm.
Mặt khác, những vấn đề về việc làm, đơn tồn đọng và hàng tồn kho tiếp tục thu hẹp với chỉ số đo được lần lượt là 48,1, 45,7 và 48,2 điểm.
Cũng khởi sắc như ngành sản xuất, ngành dịch vụ đã có tháng 3 tăng trưởng với tốc độ cao. Chỉ số PMI phi sản xuất tăng 1,1 điểm lên mức 53,8 điểm.
Mặc dù nhận được ít sự chú ý nhưng những ngành phi sản xuất có thể sẽ quan trọng đối với chính phủ hơn khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang chuyển dịch kinh tế sang lĩnh vực dịch vụ và tiêu dùng thay thế cho ngành sản xuất và đầu tư.
Nhiều lô hàng thủy sản xuất khẩu bị Nhật Bản cảnh báo
Cụ thể, các cơ sở có lô hàng bị cảnh báo gồm: Công ty cổ phần hải sản Nha Trang (DL 115); Phân xưởng 2-Xí nghiệp chế biến mặt hàng mới NF, Công ty cổ phần thủy sản Cà Mau (DL 196); Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Chế biến Thủy sản và xuất nhập khẩu NGÔ BROS (mã số DL 786) và Công ty trách nhiệm hữu hạnThực phẩm Xuất khẩu Hai Thanh (DL 389).
Trước tình trạng bị cảnh báo nêu trên, ông Ngô Hồng Phong, Phó Cục trưởng Nafiqad yêu cầu các cơ sở điều tra nguyên nhân lô hàng bị cảnh báo; thiết lập và thực hiện các hành động khắc phục phù hợp, tổ chức tự thẩm tra hiệu quả của các hành động khắc phục đã thực hiện và lập báo cáo giải trình về Nafiqad trước ngày 30/4.
Mặt khác, các cơ sở này cũng cần tiến hành đăng ký kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm cho các lô hàng (có sản phẩm bị cảnh báo) xuất khẩu vào các thị trường Nhật Bản tại các Trung tâm Chất lượng Nông lâm thủy sản vùng theo quy định.
Theo đó, đối với các Trung tâm Chất lượng Nông lâm thủy sản vùng, Nafiqad yêu cầu các đơn vị thực hiện chế độ lấy mẫu kiểm nghiêm chỉ tiêu/nhóm chỉ tiêu bị cảnh báo đối với từng lô hàng thủy sản (có sản phẩm bị cảnh báo) sản xuất tại các cơ sở nêu trên xuất khẩu sang Nhật Bản theo quy định.
68% doanh nghiệp thiếu nhân viên kinh doanh
Thống kê của của JobStreet.com Việt Nam, chưa đầy 2 tháng (31/1 – 22-/3), số lượng mẩu tin tuyển dụng đã tăng đến 71% so với thời điểm trước. Còn nếu so với cùng kỳ năm ngoái, con số này tăng đến 203%.
Nhà tuyển dụng này đã khảo sát các doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng. Theo đó, hơn 68% công ty cho biết, đang có nhu cầu tuyển dụng ngành sales trong 6 tháng đầu năm 2016. Điều này dù mở ra nhiều cơ hội cho người lao động, nhưng các nhà tuyển dụng lại đang gặp nhiều khó khăn vì khó tuyển được nhân sự theo ý muốn.
Theo chia sẻ của hơn 370 doanh nghiệp trong quý 1/2016, có gần 95% công ty cho biết đang có nhu cầu tuyển dụng trong 3-6 tháng tới, và 81% cho biết nhu cầu này cao hơn hẳn so với năm 2015. Sales, marketing, công nghệ thông tin - máy tính và kỹ thuật tiếp tục dẫn đầu danh sách các ngành có nhu cầu tuyển dụng cao trong năm 2016. Dẫn đầu là ngành sales, khi có gần 70% nhà tuyển dụng cho biết đang có nhu cầu tuyển dụng nhân sự cho bộ phận này trong 3 tháng tới.
Lý do chính khiến nhu cầu tuyển dụng ngành sales cao được các doanh nghiệp chia sẻ là do tỷ lệ nhảy việc rất cao.
Trong tháng 3, JobStreet.com cũng thực hiện một khảo sát khác liên quan đến thói quen ứng tuyển của người lao động. Có 73% cho rằng, môi trường làm việc là thông tin hàng đầu để họ quyết định nộp hồ sơ ứng tuyển. Khoảng 23% ứng viên khẳng định danh tiếng công ty là yếu tố hàng đầu để họ cân nhắc nộp hồ sơ
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM, trong quý II/2016, dự kiến nhu cầu tuyển dụng tại TP HCM khoảng 70.000 người.
Riêng trog tháng 4, các doanh nghiệp thành phố cần khoảng 25.000 nhân lực. Lao động phổ thông vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất với 30%, sơ cấp nghề - công nhân kỹ thuật lành nghề chiếm 15%, trung cấp 20%, cao Đẳng – đại học trở lên 35%.