Vinasoy đầu tư 900 tỷ đồng xây nhà máy tại Bình Dương
Vinamilk đứng top 300 công ty năng động nhất châu Á năm 2016
Sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu một số mặt hàng xăng dầu
Giá bán khí hóa lỏng theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước
Tập đoàn Monsanto vừa công bố Báo Cáo Phát Triển Bền Vững năm 2015
Tin kinh tế đọc nhanh tối 18-03-2016
- Cập nhật : 18/03/2016
Thị trường dược phẩm Việt Nam có giá trị lên đến 3,5 tỷ USD
Trong Chương trình Giao lưu Thương mại Việt Nam-Ấn Độ ngành dược phẩm tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 17/3, ông Ravi Uduy Bhaskar, Giám đốc điều hành Hội đồng Xúc tiến Xuất khẩu Dược phẩm Ấn Độ (PHARMEXCIL) nhận định thị trường dược phẩm Việt Nam có giá trị lên đến 3,5 tỷ USD, rất hấp dẫn đối với các doanh nghiệp trong ngành dược phẩm Ấn Độ.
Theo ông Ravi Uduy Bhaskar, những thay đổi đáng kể về quy định pháp luật cũng như cơ chế chính sách của ngành dược phẩm Việt Nam góp phần tạo nên động lực lớn cho doanh nghiệp Ấn Độ tăng cường thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, các mặt hàng dược phẩm Ấn Độ có lợi thế xuất xứ từ những nhà máy đạt tiêu chuẩn cao, phương thức quản lý đảm bảo chất lượng nên có thể chinh phục nhiều thị trường xuất khẩu khó tính.
Chia sẻ về những cơ chế chính sách của Việt Nam trong quản lý ngành dược phẩm, bà Hoàng Thanh Mai, Phó phòng Quản lý Thông tin và Quảng cáo, Cục Quản lý Dược Việt Nam, nhấn mạnh: Cơ quan quản lý Việt Nam luôn nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, trong đó có các công ty Ấn Độ.
Đặc biệt, Cục Quản lý Dược đã tích cực phối hợp với nhiều đơn vị trong và ngoài nước đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý như đăng ký thuốc, kê khai giá, tiếp nhận hồ sơ đăng ký thông tin...
Song song đó, Cục Quản lý Dược đang tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy trong lĩnh vực dược, nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý của Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế.
Do đó, các doanh nghiệp Ấn Độ khi tham gia vào thị trường Việt Nam cần tìm hiểu, cập nhật các quy định pháp luật mới của Việt Nam để hoạt động hiệu quả hơn.
Theo Cục Quản lý Dược Việt Nam, tại Việt Nam có 7.630 số đăng ký thuốc nước ngoài còn hiệu lực; trong đó có 2.814 số đăng ký thuốc của các công ty Ấn Độ.
Ngoài ra, trong tổng số 718 doanh nghiệp nước ngoài được cấp giấy phép đang ký hoạt động về thuốc và nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam đang còn hiệu lực, có 200 doanh nghiệp Ấn Độ.
Không chỉ cung cấp vào thị trường Việt Nam các loại thuốc generics thông thường, doanh nghiệp Ấn Độ còn cung ứng các loại thuốc chuyên khoa đặc trị mà tại Việt Nam chưa sản xuất được.
Bà Vũ Thu Hằng, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành dược Việt Nam trong giai đoạn 2015-2020 dự kiến đạt gần 16%/năm.
Ấn Độ là một trong những quốc gia có thế mạnh về khoa học, kỹ thuật, công nghệ và công nghiệp dược, mỹ phẩm, hoá chất. Vì vậy, sự kết nối giao lưu thương mại Việt Nam-Ấn Độ ngành dược phẩm sẽ góp phần mang lại cơ hội chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm đối tác, thúc đẩy mối quan hệ thương mại, đầu tư trong ngành này
2 đối tác cùng Bánh kẹo Hải Hà muốn đầu tư dự án BĐS trên đất nhà máy cũ
Công ty Bánh kẹo Hải Hà cùng với 2 đối tác khác sẽ lập ra một công ty cổ phần mới để hợp đầu tư đầu tư vào dự án BĐS dự kiến sẽ xây dựng trên đất nhà máy cũ tại số 25 -27 Trương Định, Hà Nội.
Quyết định kinh doanh này vừa được CTCP Bánh kẹo Hải Hà công bố và ký hợp tác đầu tư với với 2 đối tác mới đầu tư xây dựng dự án “Tổ hợp văn phòng, Giới thiệu sản phẩm, Dịch vụ thương mại và Nhà ở” tại 25 – 27 Trương Định, Hà Nội. Khu đất có diện tích 2,2ha.
Theo Bánh kẹo Hải Hà, hiện nay dự án đang gặp khó khăn do vướng chủ trương quy hoạch khu đất 25 Trương Định và thủ tục cấp phép của thành phố Hà Nội, đối tác được lựa chọn trước đây là Liên danh CTCP Phát triển Kinh tế Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam và Công ty CP Xây lắp và Phát triển nhà (DEVYT-ICH) xin thanh lý hợp đồng và không tiếp tục thực hiện dự án.
Để tiếp tục dự án, Công ty đã lựa chọn và đàm phán để ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Liên danh giữa Công ty cổ phần ACI Việt Nam và Công ty cổ phần Hạ tầng Đông Á, thành lập công ty cổ phần để thực hiên việc chuyển mục đích sử dụng đất tại khu đất 25 Trương Định, Hà nội.
Công ty và các đối tác đang tiến hành các bước tiếp theo để xin chủ trương của cơ quan Nhà nước đồng ý chuyển đổi chức năng sử dụng đất và cấp Giấy chứ ng nhận đầu tư cho Dự án.
Trong khi chờ sự chấp thuận chủ trương của các cơ quan Nhà nước về việc chuyển đổi mục đích sử dụng với khu đất 25-27 Trương Định, Hà Nội (hiện đang là trụ sở, nhà máy sản xuất bánh kẹo của HHC), HHC sẽ thành lập CTCP mới do các bên làm cổ đông sáng lập và thực hiện dự án ( trước đó HHC là cổ đông sáng lập góp 26% vốn điều lệ và Liên danh giữa 2 Công ty ICI và Đông Á góp 74% vốn điều lệ).
Trước đó, vào ngày 10/1 vừa qua, HHC cũng đã chính thức động thổ xây dựng nhà máy mới tại Khu Công nghiệp, đô thị và Dịch vụ VSIP thuộc Tỉnh Bắc Ninh với tổng trị giá xây mới và lắp đặt hơn 485 tỷ đồng. Tại ĐHCĐ sắp tới của công ty này cũng sẽ xin ý kiến cổ đông tăng vốn điều lệ bằng việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, số tiền thu được từ đợt phát hành dự kiến hơn 90 tỉ để phục vụ cho việc di dời nhà máy cũ, đầu tư nhà máy mới.
Tổng Giám đốc dùng đất trên giấy lừa 7 triệu USD
Tổng số tiền Lượng chiếm đoạt của hai nhà đầu tư ngoại quốc là 6,9 triệu USD, tương đương 145 tỷ đồng.
Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao vừa tống đạt cáo trạng truy tố bị can đối với Hoàng Văn Lượng (SN 1959, trú tại phường Đông Hương, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và giao cho Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bình Phước thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm đối với vụ án của bị can này.
Theo cáo trạng, Hoàng Văn Lượng, nguyên là Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Rạng Đông.
Vào thời gian khoảng tháng 5/2010, mặc dù doanh nghiệp do mình lãnh đạo không hề được cấp phép đầu tư xây dựng dự án bất động sản tại khu đất của nhà máy Z756 Bộ Tư lệnh Công binh (nay là Công ty TNHH một thành viên 756) nhưng Lượng vẫn sử dụng nhiều giấy tờ, văn bản của các cấp có thẩm quyền như UBND tỉnh Bình Phước, UBND TP.HCM, Bộ Tư lệnh Công binh, Nhà máy Z756, Hợp tác xã Rạng Đông và Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại Rạng Đông nhằm lừa hai nhà đầu tư mang quốc tịch Úc là ông Lee Park Ling và Lam Yin Choi.
Lượng đã lừa hai nhà đầu tư nước ngoài rằng mảnh đất rộng 3.500m2 tại nhà máy Z756 đã được cấp cho Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại Rạng Đông, công ty do mình phụ trách sẽ xây dựng 2 block cung cư cao tầng tại mảnh đất đó và kêu gọi ông Lee Park Ling và Lam Yin Choi góp vốn. Khi họ đồng ý, Lượng chỉ đạo một người có tên Trần Việt, quốc tịch Úc đứng ra đại diện Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại Rạng Đông ký hợp đồng với ông Lee Park Ling và Lam Yin Choi.
Hai nhà đầu tư này đã chuyển cho Lượng tổng số tiền gần 6,9 triệu USD, tương đương 145 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, sau khi nhận tiền của hai nhà đầu tư nước ngoài, Lượng không hề triển khai xây dựng được bất cứ tòa nhà cao ốc nào trên mảnh đất của nhà máy Z756 như đã cam kết.
Hành vi của Lượng đã được Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao xác định là đủ cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và đã tống đạt cáo trạng truy tố đối với bị can này.
Opera chấp nhận “bán mình” cho Trung Quốc với giá 1,2 tỷ USD
Hơn 20 năm sau ngày thành lập, hãng Opera Software của Na Uy đã chính thức chấp nhận đơn giá “bán mình” 1,2 tỷ USD của các nhà đầu tư Trung Quốc Kunlun Tech và Qihoo 360 Software.
Theo Tech Crunch, thỏa thuận này là một minh chứng cho sự kiên nhẫn và kiên định của một công ty nổi tiếng nhất thế giới về trình duyệt internet di động. Dù trình duyệt Opera Mini đứng thứ 4 tính theo thị phần, song doanh thu quảng cáo di động ngày càng gia tăng của Opera đã thu hút sự quan tâm của các hãng Trung Quốc.
Trong thông cáo báo chí đưa ra hôm nay (10/02), Opera cho biết họ đã thông báo cho các cổ đông về việc chấp nhận mức giá thâu tóm 1,2 tỷ USD của các hãng đầu tư Trung Quốc là Kunlun Tech và Qihoo 360 Software.
Theo Opera, thương vụ này sẽ giúp công ty nhanh chóng tiến vào thị trường di động đang phát triển mạnh của Trung Quốc, đồng thời mang lại danh mục các công ty đầu tư của Kunlun và Qihoo tiếp cận với nền tảng quảng cáo quốc tế rộng lớn hơn.
“Vụ thâu tóm này thực sự có tính chiến lược mạnh mẽ cho cả hai bên”, Lars Boilesen, CEO của Opera, nói. “Chúng tôi tin rằng các nhà đầu tưTrung Quốc, với sức mạnh và vị trí thị trường mạnh mẽ tại các thị trường mới nổi, sẽ là người chủ lớn cho Opera”.
Được thành lập năm 1995, Opera ban đầu tập trung vào thị trường trình duyệt internet, song hãng nhận ra thách thức trước Microsoft và Netscape. Thực sự, công ty bắt đầu chuyển hướng sang thị trường di động. Điều này giúp mở rộng kinh doanh cho công ty nhưng cũng khiến Opera tụt phía sau xa những trình duyệt lớn như Chrome của Google và Safari của Apple.
Năm 2013, Opera đã có quyết định chiến lược quan trọng khi ra Opera Mediaworks, một loạt sản phẩm quảng cáo di động bao gồm cả video.
Quý 4/2015, Opera đạt 193,5 triệu USD doanh thu, tăng 25% so với năm trước. Trong đó, các sản phẩm quảng cáo di động chiếm 145,4 triệu USD. Và trong doanh thu quảng cáo này, các quảng cáo video di động là 60%.Với việc lưu lượng internet và video tiếp tục chuyển sang các thiết bị di động, việc có một sản phẩm quảng cáo video mobile trở nên rất hấp dẫn. Mùa hè năm ngoái, Opera tuyên bố họ đã nhận được một số yêu cầu của các nhà đầu tư quan tâm và đã bắt đầu chính thức quá trình định giá họ.
Nikkei Asian Review: FPT sẽ bán mảng Bán lẻ và phân phối với giá 103 - 121 triệu USD
Theo thông tin đăng tải trên trang Nikkei Asian Review, CTCP FPT(mã: FPT) dự kiến sẽ bán mảng bán lẻ và phân phối vào cuối năm nay để tập trung cho hoạt động cốt lỗi là công nghệ và phân khúc viễn thông.
Trang tin này cho biết, nguồn tin có được từ nội bộ công ty.
Trong kế hoạch kinh doanh năm 2016, FPT cho biết động lực tăng trưởng chính trong năm này vẫn là từ mảng công nghệ và mảng phân phối bán lẻ. Riêng trong mảng bán lẻ, công ty có kế hoạch mở thêm 50 cửa hàng mới để nâng số lượng cửa hàng lên 310 điểm.
Mới đây, trả lời báo chí, đại diện FPT Shop cho biết tập đoàn FPT dự kiến kêu gọi đầu tư từ các nhà đầu tư có tài chính mạnh, có năng lực, có kinh nghiệm trong lĩnh vực bán lẻ và trực tuyến… để giúp FPT Shop phát triển mạnh mẽ tiếp trong giai đoạn tiếp theo.
Nikkei Asian Review trích dẫn ý kiến của bà Lê Hồng Liên, thuộc bộ phận phân tích của Maybank Kim Eng rằng giá trị thương vụ này khoảng 2.300 - 2.700 tỷ đồng, tương đương 103 - 121 triệu USD. FPT có thể sẽ đầu tư số tiền này vào việc phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ và các dịch vụ viễn thông mới.
Trong năm 2015, chuỗi FPT Shop/Studio đem về doanh thu khoảng 7.830 tỷ đồng, tăng 148% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 19,6% tổng doanh số của FPT. Lợi nhuận trước thuế tăng 339% cùng kỳ lên 180 tỷ đồng, tương đương 6,2% tổng lợi nhuận.
Tại ĐHCĐ thường niên năm trước, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT FPT từng cho biết sẽ bán mảng kinh doanh này do xét về lâu dài sẽ gặp phải sự cạnh tranh đến từ nhiều đối thủ và không đạt được tốc độ tăng trưởng như mảng công nghệ. Đồng thời, khi mảng Retail đang tăng trưởng tốt cũng là cơ hội mang lại cho FPT mức giá bán hợp lý.