Giá thuốc hỗn loạn do mua bán lòng vòng
Hàng loạt dự án dùng vốn ưu đãi trước nguy cơ bị hủy vốn
Nông nghiệp khó đạt mục tiêu xuất khẩu 31 tỷ USD
Cứ sau một năm, nợ công VN tăng hơn 8 tỉ USD
Đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt xe sang lên gấp đôi
Tin kinh tế đọc nhanh 18-03-2016
- Cập nhật : 18/03/2016
MoMo nhận đầu tư 28 triệu USD từ Standard Chartered và Goldman Sachs
Sáng nay (17/3), M_Service JSC (đơn vị sở hữu thương hiệu MoMo) công bố khoản đầu tư trị giá 28 triệu USD từ Standard Chartered Private Equity (SCPE) và Ngân hàng Đầu tư Toàn cầu Goldman Sachs (NYSE: GS). Trong đó, SCPE đầu tư 25 triệu USD.
Goldman Sachs năm 2013 đã đầu tư 5,75 triệu USD vào MoMo và trở thành cổ đông chiến lược của MoMo. Như vậy, sau 2 đợt đầu tư, GS đã rót 8,75 triệu USD vào MoMo.
Ban điều hành MoMo gồm bà Nguyễn Thị Minh Hiền, Chủ tịch HĐQT; Ông Phạm Thành Đức, Tổng Giám đốc MoMo. Ông Trương Đình Anh, Cựu CEO FPT làm Thành viên HĐQT MoMo. Đặc biệt, ông Bert Kwan, đại diện đến từ SCPE trở thành Thành viên HĐQT của MoMo sau đợt đầu tư này. Sự tham gia của ông Bert Kwan được MoMo kỳ vọng sẽ đưa ra những ý kiến, định hướng có giá trị trong quá trình phát triển của MoMo.
Ông Phạm Thành Đức, Tổng Giám đốc MoMo cho biết sau khi nhận được đầu tư, MoMo sẽ liên tục cung cấp các sản phẩm - dịch vụ mới; Tăng cường kết nối với ngân hàng và các đơn vị cung cấp dịch vụ; Mở rộng việc phát triển hệ thống điểm chấp nhận thanh toán MoMo tại các đơn vị bán lẻ dịch vụ.
Theo ông Đức, với việc đầu tư lần này, MoMo tin tưởng có đủ nguồn lực để mở rộng vùng phủ. Mục tiêu tối thiểu là mỗi đơn vị phường xã sẽ xuất hiện 1 điểm giao dịch, khoảng 11.000 đơn vị phường xã. Như vậy, MoMo sẽ phải mở rộng thêm 8.000 điểm giao dịch trong 2 năm tới. Ngoài ra, trong 3 năm tới, MoMo lên kế hoạch mục tiêu phục vụ từ 5 - 7 triệu khách hàng, hiện tại con số này là 2,5 triệu khách.
"MoMo đang phải giải quyết câu chuyện có tiền trong ví và không có tiền trong ví. 80% dân số chưa tiếp cận được ngân hàng cũng phải dùng được dịch vụ. Giai đoạn đầu, chúng tôi đang làm những dịch vụ online, tới đây sẽ cung cấp nhiều dịch vụ cho đối tượng offline, sau đó mới phát triển khách hàng", ông Đức cho biết.
Theo ông Đức, ước tính bình quân giá trị giao dịch của khách hàng khoảng 200.000 - 300.000 đồng/tháng. Dịch vụ nhiều người dùng nhất của MoMo hiện tại là nạp tiền điện thoại, sau đó là hóa đơn điện, nước. Từ năm 2016, MoMo sẽ chú trọng vào thanh toán thương mại điện tử, thúc đẩy phương tiện thanh toán từ Ví MoMo.
Mỹ cấm khai thác dầu ở Đại Tây Dương
Chính quyền Obama đã đảo ngược chính sách và quyết định cấm khoan dầu ngoài khơi bờ Đại Tây Dương của Mỹ, theo VOA.
Bộ trưởng Nội vụ Mỹ Sally Jewell hôm thứ Ba cho biết biết quyết định được đưa ra sau khi lắng nghe hàng ngàn người dân từ những làng đánh cá ở vùng đông bắc cho tới những khu du lịch bãi biển ở bang Florida cực nam, và ý kiến của Ngũ Giác Đài vì họ tiến hành những cuộc tập trận quân sự ở đây.
Bà Jewell nói quyết định này "bảo vệ Đại Tây Dương cho những thế hệ tương lai."
"Khi cân nhắc những xung đột lợi ích với quốc phòng, những hoạt động kinh tế như đánh cá và du lịch, và sự phản đối từ nhiều cộng đồng địa phương, việc xúc tiến với bất kỳ vụ mua bán hợp đồng sử dụng nào trong năm năm tới đơn giản là không hợp lý."
Tòa Bạch Ốc công bố một kế hoạch vào năm ngoái mà nếu thành hiện thực sẽ mở ra một vùng rộng lớn thuộc Bờ biển Đại Tây Dương, những địa điểm hơn 80km ngoài khơi các bang Virginia, North Carolina, South Carolina và Georgia, cho hoạt động khoan dầu đến trước năm 2021.
Những nhà vận động vì môi trường rất vui mừng trước việc chính quyền hủy bỏ kế hoạch của mình.
Ngành dầu khí thì không. Người đứng đầu Viện Dầu khí Mỹ nói rằng quyết định này "xoa dịu những người cực đoan" muốn chấm dứt hoạt động sản xuất dầu mỏ và khí đốt thiên nhiên ở Mỹ.
Những hợp đồng khoan dầu khí sẽ được mua bán bắt đầu từ năm 2017 và bao gồm 10 khu vực ở vùng Vịnh Mexico và ba địa điểm ngoài khơi bang Alaska - nhưng không phải những khu vực thuộc các biển Beaufort và Chukchi và Vịnh Bristol của Alaska mà ông Obama đã tuyên bố không được phép sử dụng vì lý do môi trường.
Sau bán lẻ, thực phẩm.. Người Thái bắt đầu dòm ngó BĐS Việt Nam
Sau bán lẻ, tiêu dùng, thực phẩm… thu hút vốn đầu tư của người Thái, mới đây, CP Group cho biết sẽ rót một nửa khoản đầu tư trong số 3,6 tỷ USD vào bất động sản Việt Nam.
Thái Lan đứng thứ 11 về vốn đầu tư FDI vào Việt Nam
Trong thời gian qua, Việt Nam liên tục đón sóng đầu tư của các Tập đoàn kinh tế Thái Lan trên nhiều lĩnh vực như tiêu dùng, ngân hàng, bán lẻ, tài chính, thực phẩm.
Các thương vụ đầu tư điển hình như Central Group chi khoảng 100 triệu USD sở hữu 49% Nguyễn Kim, Berli Jucker (BJC) chi 879 triệu USD mua Metro Cash & Carry Việt Nam hay Siam Cement Group (SCG) đầu tư nhiều công ty ngành nhựa như Nhựa Tiền Phong, Nhựa Bình Minh…
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến tháng 2/2016, các dự án nhà đầu tư Thái Lan có 428 dự án đầu tư trực tiếp (FDI) vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư đạt khoảng 7,88 tỷ USD, xếp thứ 11 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư lớn nhất vào Việt Nam.
Lĩnh vực đầu tư mà người Thái quan tâm ở Việt Nam trước nay chủ yếu là nông, lâm nghiệp và thủy sản và các ngành tiêu dùng bán lẻ…
Đối với đầu tư gián tiếp, các quỹ đầu tư Thái Lan đã trở thành cổ đông lớn của các doanh nghiệp ngành ô tô.
Chẳng hạn, quỹ đầu tư Finansia Syrus Securities Public Company Limited vào cuối tháng 10/2015 đã mua thêm cổ phần của Công ty Cổ phần Dịch vụ Tổng hợp Sài Gòn (mã SVC - HoSE) để nâng sở hữu lên 5,2% vốn điều lệ và trở thành cổ đông lớn.
Cùng với Savico, các tổ chức đến từ Thái Lan cũng là cổ đông lớn của 3 trong 5 doanh nghiệp ô tô niêm yết trên sàn. Vào tháng 5/20115, Ton Poh Thailand Fund, một quỹ đầu tư Thái Lan tương đối mới tại Việt Nam, đã mua gom 5,9 triệu cổ phiếu HHS của CTCP Đầu tư Dịch vụ Kỹ thuật Hoàng Huy, nâng tỷ lệ sở hữu của quỹ đầu tư Thái Lan này từ 0% lên 5,32% và trở thành cổ đông lớn của công ty.
Tổ chức đầu tư rót vốn vào CTCP Ô tô Trường Long (mã HTL - HoSE) là Chairatchakarn một doanh nghiệp phân phối lớn nhất của Hino tại Thái Lan.
Rục rịch tìm hiểu thị trường bất động sản
Ngành xây dựng bất động sản không được nhắc đến nhiều trong các khoản đầu tư của các đại gia Thái Lan tại Việt Nam.
Tuy vậy, vào cuối tháng 1/2016, đại diện Tập đoàn Charoen Pokphand Group (CP Group) cho biết sẽ đầu tư 3,6 tỷ USD vào Việt Nam trong 5 năm tới, trong đó một nửa khoản tiền trên sẽ “rót” vào bất động sản và một chuỗi cửa hàng bán lẻ.
CP Group đã xuất hiện trên thị trường Việt Nam 15 năm và đầu tư khoảng 350 triệu USD vào nông nghiệp và công nghiệp. Đến nay, CP Group vẫn đang đầu tư ngành bán lẻ, thức ăn chăn nuôi, chế biến thủy sản, chưa có bất kỳ động thái nào cho việc đầu tư bất động sản.
Không chỉ có CP Group, mới đây, quỹ đầu tư Probus Opportunities Mekong Fund (trụ sở tại Thái Lan) đã có buổi làm việc với CTCP Tư vấn – Thương mại – Địa ốc Hoàng Quân (mã chứng khoán HQC) để tìm hiểu về quy mô, hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản của Công ty này cũng như tình hình tài chính.
Đại diện của Quỹ này tỏ ý sẽ ghé thăm những dự án nhà ở xã hội do Hoàng Quân đầu tư trong một ngày gần nhất.
Probus Opportunities Mekong Fund tập trung vào nắm giữ cổ phiếu doanh nghiệp, chủ yếu là cổ phiếu niêm yết của các doanh nghiệp khu vực Mê Kông (bao gồm Thái Lan, Việt Nam, Campuchia, Lào, và Myanmar).
Trước đó, vào đầu năm 2016, Công ty chứng khoán KT ZMICO của Thái Lan cũng có buổi làm việc với Hoàng Quân về các dự án nhà ở xã hội cũng như hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này.
KT ZMICO là công ty chứng khoán có trụ sở chính tại Bangkok, Thái Lan, là thành viên thuộc Ngân hàng Krung Thai (KTB), ngân hàng lớn nhất của Thái Lan. KT ZMICO có hơn 700 nhân viên và 21 chi nhánh tại Thái Lan, quản lý tài sản với tổng giá trị khoảng 4 tỷ USD.
Tại Việt Nam, một trong những hoạt động của KT ZMICO là giới thiệu cơ hội đầu tư vào các cổ phiếu đang niêm yết trên Sàn Giao dịch Chứng khoán cho các Nhà đầu tư Thái Lan.
Lãnh đạo Hoàng Quân mới đây cũng đã từng tiết lộ sẽ xúc tiến để chào đón 1 nhà đầu tư nước ngoài và 1 nhà đầu tư chiến lược trong nước. Gần đây, cổ phiếu công ty BĐS này cũng đã được khối ngoại mua ròng nhiều hơn, đặc biệt sau khi có tin được thêm vào danh mục của FTSE Vietnam ETF.
Theo đánh giá của CBRE Việt Nam, trong năm 2016, thị trường bất động sản nhà ở và thương mại của Việt Nam đang dần hồi phục một cách rõ nét kể từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008.
Niềm tin vào thị trường được đẩy mạnh thông qua số dự án chào bán mới cũng như lượng giao dịch tăng vọt, giá bán cải thiện trong năm 2015.
Phân khúc bình dân chiếm một phần lớn của nguồn cung được chào bán và là lựa chọn số một cho hầu hết khách mua để ở trong năm này. Đó là những yếu tố thuận lợi và cơ hội cho dòng vốn ngoại đang đổ mạnh vào thị trường địa ốc Việt.
Chính phủ sẽ chỉ tập trung bảo lãnh cho các lĩnh vực không tạo ra lợi nhuận
Doanh nghiệp Nhà nước có thể được dùng vốn Nhà nước để làm tài sản thế chấp với những khoản tự vay tự trả khi vay vốn với các tổ chức nước ngoài
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng sắp tới quy định mới sẽ yêu cầu DNNN phải minh bạch thông tin, quản trị hiệu quả.
Quy định mới cho phép các doanh nghiệp nhà nước tiếp cận các nguồn tự vay tự trả. Liệu Bộ Tài chính làm thế nào để quản lý DNNN và kiểm soát được các nguồn vốn vay này?
Bộ Tài chính được Chính phủ giao xây dựng quy định liên quan đến các khoản vay tự vay tự trả không có sự bảo lãnh của Chính phủ. Đây là kênh huy động mới cho DN nói chung, thực hiện theo đúng mục tiêu và quy định của Luật. Vì thế tự vay tự trả, thì cũng phải đảm bảo theo chỉ đạo của Nhà nước.
Tức là khi vay vốn thì DN sẽ lấy tài sản đảm bảo chính là vốn chủ (vốn nhà nước), và các tài sản được hình thành từ các khoản vay trong tương lai, để đảm bảo cho khoản vay tự vay tự trả này. Do đó, quyền lợi của Nhà nước, đặc biệt là những DN có 100% vốn Nhà nước, vẫn phải được đảm bảo.
Yêu cầu của Luật và Nhà nước đặt ra là phải bảo toàn vốn nhà nước đối với các khoản tự vay tự trả nên sẽ có sự giám sát chặt chẽ của Nhà nước mà trực tiếp là cơ quan quản lý tài chính doanh nghiệp của Bộ Tài chính.
Trong khuôn khổ pháp lý hiện nay, chúng tôi đã có cơ chế giám sát, như Nghị định 87 về giám sát tài chính trong đó có giám sát với khoản vay này; hoặc Nghị định 81 về công bố thông tin DN của Bộ Kế hoạch Đầu tư. Tới đây Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng ban hành những nghị định để giám sát những khoản vốn vay, không chỉ vốn vay ODA có bảo lãnh mà còn cả khoản vốn tự vay tự trả có kiểm soát.
Bên cạnh đó, khi vận hành Nghị định 87 thì sẽ hình thành hệ thống giám sát tài chính thông qua công nghệ thông tin để kịp thời tổng hợp định kỳ và có báo cáo của DNNN. Điều này nhằm đảm bảo nguồn vốn vay, không chỉ khoản tự vay tự trả mà nguồn vốn vay khác sử dụng hiệu quả, gắn với an toàn tài chính của DN.
Thế nhưng phần vốn mà các DNNN dùng làm tài sản đảm bảo về bản chất vẫn là vốn Nhà nước, vậy có quan ngại những rủi ro làm thất thoát vốn Nhà nước không?
Tự vay tự trả là khoản vay hoàn toàn độc lập như vay ngân hàng nên vấn đề này thuộc về quản trị của DN. Việc tự vay tự trả là hoàn toàn do DN thực hiện, Nhà nước không can thiệp gì cả. Vấn đề đặt ra là DN lấy nguồn đâu để trả, vì đó là tài sản đảm bảo của doanh nghiệp?
Do đó, sẽ kiểm soát khu vực DNNN, để làm sao những khoản tự vay tự trả này cân đối với khả năng của doanh nghiệp. Nên một trong những điều kiện vay là tình hình tài chính DN phải hiệu quả, đủ năng lực, vốn đối ứng, kế hoạch sản xuất kinh doanh hiệu quả mới được đi vay.
Đây là cơ chế đổi mới, cơ chế thị trường và dần dần Chính phủ sẽ không bảo lãnh cho tất cả các DN nữa, mà chỉ bảo lãnh những lĩnh vực mà Nhà nước thấy cần quốc kế dân sinh. Đó là hướng mà DN phải triển khai, vì hoàn toàn theo thông lệ thị trường, và DN muốn vay được thì quản trị DN phải tốt, công khai và minh bạch thông tin, chịu chi phí và rủi ro khi đi vay, bị chủ nợ giám sát trong trường hợp sử dụng vốn không hiệu quả.
Theo ông thì hình thức tự vay tự trả không cần bảo lãnh này có ý nghĩa như thế nào với việc tái cấu trúc DNNN?
Nếu DN tiếp cận đước, vay được có nghĩa là quản trị DN, hay nói cách khác là tình hình tài chính DN phải lành mạnh. Muốn vậy phải cải tổ quản trị, minh bạch thông tin, DN phải chấp nhận hoạt động theo thị trường, không còn bấu víu gì nữa và phải chấp nhận rủi ro.
Chính phủ sẽ giảm bớt bảo lãnh cho DNNN và chỉ tập trung bảo lãnh cho các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, là lĩnh vực không tạo ra lợi nhuận. Còn những DN sản xuất kinh doanh thì phải theo thị trường, tự tìm nguồn.
Cơ chế này tạo thói quen đi tìm nguồn và phải đánh giá được năng lực và tín nhiệm của DN trên thị trường. Theo đó, DN phải cơ cấu lại chiến lược kinh doanh, ngành nghề và quản trị kinh doanh. DN nào muốn mở rộng DN tốt hơn thì phải đẩy nhanh cổ phần hóa, như vậy giúp thị trường minh bạch, đổi mới thông tin và quản trị tốt hơn.
Chính phủ Anh tìm ra giải pháp vừa giúp tăng ngân sách, lại bảo vệ sức khỏe cho người dân
Chính phủ Anh vừa quyết định giảm thuế cho các doanh nghiệp và nâng phí đối với các sản phẩm đồ uống có đường trước nguy cơ kinh tế quốc gia này có thể sẽ tăng trưởng thấp hơn so với dự đoán trong vòng 5 năm tới.
Chính quyền Luân Đôn tin rằng bệnh béo phì và những hệ lụy kèm theo đã khiến nước này tiêu tốn khoảng 27 tỷ Bảng Anh (39 tỷ USD) hàng năm.
Quyết định này của chính phủ Anh nhận được nhiều lời ủng hộ khi nghiên cứu cho thấy đường dễ bị hấp thu qua các loại đồ uống hơn là thực phẩm.
Hiện tại, một lon Coca 330 ml tại anh phải chịu phí đồ uống có đường là 8 cent, trong khi lon Coca ít đường chịu thuế là 6 cent.
Động thái này của chính phủ Anh được cho là sẽ khiến lượng tiêu thụ đồ uống có đường tại đây giảm khoảng 5% mỗi năm.
Một số doanh nghiệp sản xuất đồ uống cũng đang xem xét các biện pháp đối phó với quyết định này, như thay đổi công thức làm ngọt hay giảm lượng đường trong sản phẩm.
Tuy nhiên, đồ uống có đường chỉ chiếm chưa đến 20% trong tổng lượng đường mà người dân nước này tiêu thụ, vì vậy một số chuyên gia nhận định động thái này của chính quyền Luân Đôn có lẽ chưa đủ mạnh trong việc chống căn bệnh béo phì.
Nguyên nhân thực sự
Trên thực tế, việc chính phủ Anh nâng phí đồ uống có đường và giảm thuế doanh nghiệp là nhằm giải quyết tình trạng trốn thuế tại đây.
Mức thuế khá cao tại Anh đã khiến nhiều doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tại quốc gia khác, khiến nước này bị thâm hụt ngân sách.
Việc giảm thuế cho doanh nghiệp mặc dù có thể thu hút các doanh nghiệp quay lại đóng thuế cho chính phủ nhưng lại làm ảnh hưởng đến ngân sách. Để bù đắp cho quyết định đó, việc nâng phí đồ uống có đường là một bước đi khôn ngoan khi tăng cường ngân sách mà lại bảo vệ sức khỏe cho người dân.
Dự đoán tăng trưởng kinh tế của Anh tháng 11/2015 (màu cam) và mới đây (màu lam)
Thâm hụt ngân sách của Anh (tỷ Bảng Anh)
Theo ước tính, việc nâng phí đồ uống có cồn sẽ khiến ngân sách Anh tiết kiệm được khoảng 520 triệu Bảng Anh trong năm đầu tiên.
Đồng thời với đó, các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh ở Anh cũng sẽ được giảm thuế từ 20% hiện nay xuống 17% vào năm 2020. Ngoài ra, chính phủ Anh sẽ giảm thuế đặc biệt cho các công ty xăng dầu từ mức 20% hiện nay xuống 10% nhằm thúc đẩy doanh thu của các doanh nghiệp này.
Nền kinh tế Anh năm nay dự đoán sẽ tăng trưởng 2%, tỷ lệ này là 2,2% năm 2017 và 2,1% năm 2018, thấp hơn mức dự đoán trước đó tương ứng là 2,4%-2,5%-2,4%.
Ước tính trong năm 2015-2016, ngân sách Anh sẽ thâm hụt 72,2 tỷ Bảng Anh và quốc gia này sẽ chỉ bắt đầu thặng dư 10,4 tỷ Bảng Anh vào năm 2019-2020.