Trung Quốc cáo buộc Mỹ gây tổn hại thép thế giới
Thâm hụt thương mại tháng Tư của Mỹ tăng thấp hơn dự kiến
Chi tiêu bán lẻ của Anh phục hồi trong tháng 5 sau hai tháng ổn định
Hơn 1 tấn vải thiều đầu tiên xuất sang thị trường Mỹ trong năm 2016
Dự báo tăng trưởng kinh tế của Indonesia tăng 5,2-5,6% trong năm 2017
Tin kinh tế đọc nhanh tối 06-06-2016
- Cập nhật : 06/06/2016
Tăng thu nội địa để bù số thu thuế xuất nhập khẩu giảm?
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), VN đang trội hơn các nước trong khu vực xét về hiệu suất thu thuế, nhưng điều này có thể thay đổi khi VN thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế.
Nhóm nghiên cứu Ngân hàng HSBC đã đưa ra nhận định trên trong báo cáo triển vọng kinh tế VN tháng 6-2016 vừa phát hành, đồng thời khuyến cáo VN cần nỗ lực mở rộng cơ sở doanh thu và giảm thiểu chi tiêu hiện tại, dù không thể thực hiện một sớm một chiều.
Một trong khoản thuế giảm rõ nhất là thuế thu nhập doanh nghiệp, từ 25% xuống còn 22% vào tháng 1-2014 và về mức 20% vào đầu năm 2016, chưa kể một số vùng kinh tế đặc biệt hay một số lĩnh vực ưu tiên nên được miễn, giảm thuế.
Trong khi đó, hoạt động thu thuế xuất nhập khẩu cũng đang chịu nhiều áp lực do VN tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, tiến tới xóa bỏ thuế hàng hóa.
Theo cam kết đến năm 2018, VN sẽ phải cắt giảm các mức thuế suất xuống 0% cho đối tác thương mại khu vực ASEAN ở hầu hết dòng thuế.
Cũng từ năm 2018, Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng bắt buộc các nước thành viên phải dỡ bỏ hầu hết hàng rào thuế quan và tiến tới xóa dần thuế trong vòng mười năm tới, nếu TPP được tất cả thành viên thông qua.
Trong bối cảnh hội nhập, tỉ trọng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu sẽ bị giảm đi so với tổng thu ngân sách, theo nhận định tại báo cáo, tỉ trọng nguồn thu từ nội địa phải tăng lên để bù đắp. Thực tế cho thấy dù các hiệp định trên vẫn chưa có hiệu lực, số thu thuế xuất nhập khẩu đã sụt giảm rõ rệt.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan trong năm tháng đầu năm, ước thu ngân sách nhà nước của toàn ngành đạt 102.000 tỉ đồng, bằng 37,78% dự toán và giảm 1,89% so với cùng kỳ.
Ngoài lý do kim ngạch nhập khẩu của một số mặt hàng chính có số thu lớn có xu hướng giảm mạnh, yếu tố khác khiến nguồn thu giảm là giá dầu thô giảm, cắt giảm thuế khi tham gia các hiệp định thương mại tự do...
Doanh nghiệp ngành điều gặp khó vì thiếu nguyên liệu
Sản lượng điều thô trong nước hiện nay mới chỉ đáp ứng được gần 1/3 nhu cầu của hơn 300 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu.
Việt Nam đang là nước sản xuất, nhập khẩu và xuất khẩu điều lớn nhất thế giới. Theo kế hoạch của Hiệp hội điều Việt Nam, năm nay sản lượng điều xuất khẩu của nước ta sẽ đạt 350.000 tấn với kim ngạch hơn 2,5 tỷ USD. Tuy nhiên, sản lượng điều thô trong nước chỉ đáp ứng được gần 1/3 nhu cầu của hơn 300 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu.Thiếu nguyên liệu đang khiến các doanh nghiệp ngành điều gặp nhiều khó khăn.
Thời điểm này, bà con nông dân ở hai vùng trồng điều lớn nhất cả nước là các tỉnh Đông Nam bộ và Tây Nguyên đã hoàn thành mùa thu hoạch. Vụ điều năm nay, sản lượng điều của nước ta đạt gần 400.000 tấn, giảm khoảng 20% so với vụ điều năm ngoái. Trong khi đó, công suất chế biến của hơn 300 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu hạt điều trên cả nước lên đến 1,3 triệu tấn. Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ nhập khẩu 450.000 tấn hạt điều thô với tổng giá trị hơn 600 triệu USD.
Bà Thái Nhật Hoa, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Nhật Huy cho biết, doanh nghiệp đã dự tính mua một lượng điều nguyên liệu nhất định để chế biến trong một năm. Tuy nhiên, với tình hình thiếu nguồn cung như hiện nay, nếu khách hàng không giao hàng thì doanh nghiệp sẽ bị vỡ kế hoạch, không có hàng cho công nhân làm. Trong khi đó, với những hợp đồng doanh nghiệp đã kí cung cấp cho khách hàng, thiếu nguyên liệu sẽ dẫn tới không có hàng giao gây cho doanh nghiệp thiệt hại rất lớn.
Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều đang bị phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ các nước châu Phi và Campuchia. Đây là thị trường chứa nhiều rủi ro, nhất là tình trạng các doanh nghiệp đối tác hủy hợp đồng khi hạt điều thô tăng giá. Việc tranh chấp hợp đồng mua bán giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài ngày càng phức tạp.
Theo thống kê của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), số vụ tranh chấp thương mại giữa doanh nghiệp Việt Nam với đối tác nước ngoài tăng lên rõ rệt. Từ năm 2008 đến 2014, cơ quan này đã giải quyết 539 vụ kiện, trong đó đa số là kiện về hợp đồng mua bán. Do không có sự chuẩn bị tốt cho tranh chấp thương mại quốc tế phát sinh và thiếu hiểu biết về pháp luật nên nhiều doanh nghiệp nhập khẩu điều của nước ta không thể khởi kiện và chấp nhận thua thiệt.
Bên cạnh đó, việc cạnh tranh mua nguyên liệu giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều của Trung Quốc, Ấn Độ và Bờ Biển Ngà ngày càng gay gắt. Riêng Bờ Biển Ngà là nước sản xuất điều thô lớn nhất châu Phi với sản lượng khoảng 725.000 tấn trong năm 2016 này, nhưng khả năng chế biến của họ chỉ đạt 6% (tương đương với 45.000 tấn).
Tuy nhiên, ngành điều của nước này đang xác định hướng đi rõ ràng là sẽ đầu tư mạnh hơn vào công nghệ chế biến trong thời gian tới. Bên cạnh đó, chính các doanh nghiệp của nước ta cạnh tranh không lành mạnh, đẩy giá điều thô ở các nước châu Phi và Campuchia tăng lên đến hơn 16% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Phạm Văn Công, Phó Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam cho biết, Văn phòng và thường trực Hiệp hội điều Việt Nam đã cung cấp cho các doanh nghiệp chế biến điều danh sách các doanh nghiệp nước ngoài không có khả năng cung cấp, tuy nhiên những doanh nghiệp này vẫn sang Việt Nam chào bán. Có nhiều nhà máy của Việt Nam đã không xem thông tin đó nên bị thua thiệt.
Theo quy hoạch, đến năm 2020, cả nước sẽ có 300.000 ha điều, tăng 5.000 ha so với thời điểm hiện tại. Theo Tiến sỹ Nguyễn Như Hiến, Phó Trưởng phòng cây công nghiệp – cây ăn quả - Bộ NN&PTNT, để ngành điều phát triển bền vững, các doanh nghiệp cần có sự liên kết chặt chẽ hơn với người nông dân để có nguồn nguyên liệu tại chỗ ổn định. Các địa phương có thời tiết, đất đai phù hợp với cây điều như: Bình Phước, Đồng Nai, Gia Lai cần có quy hoạch cụ thể cho mỗi vùng trồng điều. Từ đó, kết hợp với doanh nghiệp để hỗ trợ nông dân chọn giống tốt, áp dụng kỹ thuật thâm canh để nâng cao năng suất, chất lượng của cây điều.
“Mặc dù trong 3 năm vừa rồi, Cục trồng trọt đã cố gắng đưa năng suất điều tăng lên được 3 tạ/ha. Tuy nhiên, mục tiêu trong thời gian tới là phải đưa năng suất điều lên khoảng 2 tấn/ha. Như vậy thì mới có thể đáp ứng được một phần nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, đồng thời mới nâng cao được đời sống của bà con nông dân”, ông Nguyễn Như Hiến nói.
Song song với việc doanh nghiệp ngành điều liên kết chặt chẽ để tạo thành sức mạnh cạnh tranh trên trường quốc tế, Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas) cần hỗ trợ các doanh nghiệp giải quyết tranh chấp với doanh nghiệp nước ngoài và phát huy hơn nữa vai trò làm cầu nối để các doanh nghiệp điều trong nước tiếp cận với những chính sách mới của thị trường Mỹ, Trung Quốc và châu Âu
Thủy sản có nguy cơ bị EU tẩy chay nếu DN xuất khẩu tiếp tục “làm liều“
Đó là cảnh báo của các chuyên gia kinh tế và cơ quan quản lý, khi thời gian gần đây, hàng loạt lô hàng xuất khẩu (XK) của Việt Nam bị thị trường thế giới phát đi cảnh báo.
Tại cuộc họp với Tổng cục Thủy sản ngày 2.6, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu (XK) Thủy sản Việt Nam (VASEP) lo lắng cho biết: Cơ quan thẩm quyền của Liên minh Châu Âu (EU) đã có văn bản cảnh báo số tới 28 nước thành viên EU về việc cá chết bất thường tại Việt Nam và đề nghị các nước kiểm soát chặt chẽ các lô hàng thủy sản biển nhập khẩu từ Việt Nam.
Lần thứ 3 bị EU cảnh báo
Theo VASEP, ngay sau khi có cảnh báo này, hiện các nhà nhập khẩu thủy sản của EU đã và đang tiến hành xem xét lại các đơn hàng NK thủy sản có nguồn gốc từ Việt Nam để kiểm tra và truy xuất về nguy cơ nguồn gốc. Cùng với việc phát đi cảnh báo về hiện tượng cá chết bất thường tại miền Trung Việt Nam, trước đó, cơ quan thẩm quyền EU đã có công thư gửi Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản –Nafiqad ( Bộ NNPTNT) thông báo: Các biện pháp kiểm soát hóa chất kháng sinh đối với sản phẩm thủy sản của Việt Nam vẫn chưa khắc phục hiệu quả vấn nạn lạm dụng hóa chất kháng sinh trong SX kinh doanh thủy sản XK.
Đây đã là lần thứ 3 kể từ năm 2014, EU có cảnh báo về vấn đề tồn dư kháng sinh đối với thủy sản XK từ Việt Nam. Trong khi đó, thực tế cho thấy số lượng các lô hàng vi phạm về dư lượng kháng sinh của Việt Nam XK sang EU trong các năm qua liên tục giảm.
Cùng với các cảnh báo từ EU, Cơ quan Thanh tra về An toàn thực phẩm Hoa Kỳ (FSIS) mới đây cũng đã có thông báo về việc phát hiện 2 lô hàng cá da trơn họ Siluriformes của hai DN Việt Nam XK vào nước này bị phát hiện nhiễm hoá chất, kháng sinh cấm (gồm Malachite Green, Enrofloxacine, Gentian Violet). FSIS yêu cầu phía Việt Nam phải khẩn trương đưa ra biện pháp điều tra truy xuất nguyên nhân tới tận vùng nuôi, đồng thời có các biện pháp kiểm soát tới.
Đối với DN bị cảnh báo, FSIS sẽ thực hiện lấy mẫu kiểm nghiệm đối với từng lô hàng cá da trơn họ Siluriformes tiếp theo cho đến khi DN có biện pháp khắc phục đạt yêu cầu… Ngay sau khi EU phát đi cảnh báo, VASEP đã có thông báo khẳng định: Sản phẩm hải sản XK của Việt Nam vẫn đảm bảo chất lượng ổn định. Thông cáo nêu rõ: Các ngư trường khai thác chính nguyên liệu hải sản phục vụ cho XK của Việt Nam bao gồm các tỉnh từ Đà Nẵng trở vào Nam Trung Bộ (Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Thuận…) và các tỉnh Nam Bộ (Kiên Giang, Cà Mau…), được khai thác bằng các tàu công suất lớn, đánh bắt xa bờ. Nguồn nguyên liệu của các địa phương này cung cấp hầu hết nguyên liệu cho các DN chế biến và XK các mặt hàng hải sản chính như cá ngừ, cua ghẹ, surimi cá khô và cá biển khác.
Đẩy mạnh kiểm tra xiết chặt quản lý
Theo Bộ NNPTNT, hải sản xuất khẩu của Việt Nam vẫn đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Bộ đã chỉ đạo khảo sát, lấy mẫu và khẳng định các khu vực khai thác xa bờ (vùng biển xa bờ ngoài 20 - 30 hải lý) thuộc 4 tỉnh có hiện tượng cá chết đều an toàn. Bộ NNPTNT cũng đã có công văn 3441/BNN-TCTS ngày 2/5/2016, chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai các biện pháp để đảm bảo vệ sinh môi trường và ATTP cho tiêu thụ nội địa và XK.
Các cơ quan kiểm soát ATTP tại địa phương tăng cường giám sát hoạt động khai thác, tổ chức lấy mẫu sản phẩm hải sản cập cảng để kiểm tra các chỉ tiêu ATTP theo quy định của Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng đã yêu cầu các cơ sở chế biến XK thủy sản tuyệt đối không thu mua cá chết để chế biến XK, chủ động lấy mẫu giám sát tăng cường các chỉ tiêu ô nhiễm (thủy ngân, chì, cadimi, arsen) trong các lô hải sản nguyên liệu. Cho đến nay, cùng với sự giám sát và kiểm tra chặt chẽ, các DN chế biến và XK đã và đang nghiêm túc thực hiện việc kiểm soát các chỉ tiêu trên cũng như tăng cường các biện pháp truy xuất nguồn gốc để đảm bảo chất lượng sản phẩm XK ổn định.
Do vậy, vụ việc cá chết bất thường tại ven biển 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế) không gây ảnh hưởng đến nguồn cung và mức độ an toàn cho nguyên liệu hải sản XK... và có thể khẳng định chất lượng các mặt hàng hải sản XK không bị ảnh hưởng bởi hiện tượng cá chết ở ven biển 4 tỉnh miền Trung trong thời gian qua.
Tạm dừng nhập khẩu 3 tháng kháng sinh Enrofloxacin
Theo Cục Thú y, trong thời gian vừa qua, việc sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi, lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản để phòng, trị bệnh dẫn đến sản phẩm động vật, sản phẩm thủy sản bị tồn dư kháng sinh, chất độc hại đã gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, ảnh hưởng uy tín xuất khẩu sản phẩm động vật và sản phẩm thủy sản của Việt Nam.
Đồng thời, qua khảo sát đã phát hiện người nuôi trồng thủy sản sử dụng nguyên liệu kháng sinh Enrofloxacin là hoạt chất cấm sử dụng để phòng, trị bệnh thủy sản theo quy định tại Thông tư 03/2012/TT-BNNPTNT ngày 16.1.2012 của Bộ NNPTNT. Do đó, kể từ ngày 15.4.2016, Cục Thú y tạm dừng nhập khẩu 3 tháng đối với nguyên liệu kháng sinh Enrofloxacin để kinh doanh, sản xuất thuốc thú y cho mục đích sử dụng trong nước.
Các giấy phép nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh này đã được Cục Thú y cấp phép không còn hiệu lực kể từ ngày 15.4.2016. Các lô hàng nguyên liệu Enrofloxacin đã làm thủ tục xuất khẩu về Việt Nam trước ngày 15.4 thì được phép làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam. Đối với doanh nghiệp đã ký hợp đồng và chuyển tiền cho công ty xuất khẩu nguyên liệu Enrofloxacin trước ngày 15.4, căn cứ hợp đồng và giấy xác nhận chuyển tiền của Ngân hàng, Cục Thú y sẽ xem xét cho phép nhập khẩu đối với từng trường hợp cụ thể.
Thái Lan sắp bán hơn 2 triệu tấn gạo dự trữ
Ngày 2/6, Vụ trưởng Vụ Ngoại thương thuộc Bộ Thương mại Thái Lan, bà Duangporn Rodphaya, cho biết chính phủ nước này dự kiến sẽ tổ chức bán đấu giá khoảng 2,24 triệu tấn gạo dự trữ để tận dụng việc giá gạo lên cao sau khi nguồn cung sụt giảm vì thiên tai, hạn hán.
Theo bà Duangporn, việc đấu giá số lượng gạo nhiều kỷ lục trên đã được Ủy ban Chính sách lúa gạo quốc gia do Thủ tướng Prayut Chan-ocha đứng đầu chấp thuận. Trong lần đấu giá này, 16 loại gạo sẽ được chào bán, trong đó có gạo Hom Mali, gạo trắng, gạo nếp và tấm hiện đang trữ tại 173 nhà kho ở 35 tỉnh.
Bà Duangporn nói: “Giá gạo tại các thị trường trong và ngoài nước đều đang tăng do hạn hán trên diện rộng đã ảnh hưởng đến sản xuất lúa gạo”. Vụ Ngoại thương Thái Lan dự kiến sẽ cho phép các nhà thầu đến xem xét các điều khoản tham chiếu trong ngày 3/6, kiểm tra chất lượng gạo từ ngày 6-10/6 và nộp hồ sơ vào ngày 15/6.
Đây là lần đấu giá gạo với số lượng lớn nhất kể từ khi Hội đồng quốc gia vì Hòa bình và trật tự (NCPO) lên nắm quyền. Dự trữ lúa gạo của Thái Lan hiện là 18,7 triệu tấn, từ các chương trình mua tạm trữ khác nhau mua gạo từ nông dân với giá cao 40% so với giá thị trường trong các năm từ 2011-2014. Sau cuộc đảo chính tháng 5/2014, Thái Lan đã bán tổng cộng 6,12 triệu tấn gạo, thu về 15 tỷ baht.
Ông Chookiat Ophaswongse, Chủ tịch danh dự của Hiệp hội các nhàxuất khẩu gạo Thái Lan, nhận định lần đấu giá mới được thực hiện trong thời điểm rất thích hợp do nhu cầu lúa gạo đang cao nhưng cũng giữ thái độ khá thận trọng bởi số lượng bán ra lần này khá nhiều. Ông Chookiat cũng cho rằng lần đấu giá mới của chính phủ Thái Lan không ảnh hưởng nhiều đến thị trường gạo thế giới do hầu hết gạo bán ra là gạo cũ trong khi các nhà thầu quốc tế chuộng mua loại gạo mới thu hoạch.
Cùng ngày, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha khẳng định rằng chính phủ của ông sẽ không thực hiện chương trình mua trữ gạo của nông dân và thay vào đó sẽ thành lập các quỹ hỗ trợ họ, giữa bối cảnh tình trạng hạn hán do lượng mưa thấp hơn mức trung bình trong bốn năm liên tiếp đang ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và đẩy nhiều nông dân vào cảnh nợ nần.
Theo nhà lãnh đạo Thái Lan, chính phủ nước này không muốn lặp lại sai lầm của chính phủ tiền nhiệm khiến hàng triệu nông dân rơi vào cảnh khốn đốn. Ông nói rằng việc thành lập các quỹ hỗ trợ nông dân sẽ là cách giúp đỡ hiệu quả hơn nhiều các chương trình mua gạo. Thủ tướng Prayut cũng nhấn mạnh rằng nông dân Thái Lan nên thay đổi tư duy, tập trung vào việc sản xuất ra các loại gạo chất lượng cao thay vì trồng cấy ồ ạt các loại gạo chất lượng thấp.
Hồi cuối tháng 4 vừa qua, chính phủ Thái Lan đã thông báo kế hoạch bán toàn bộ 11,4 triệu tấn gạo dự trữ trong vòng 2 tháng tới với mục tiêu thu về 100 tỷ baht (2,84 tỷ USD). Đây là lần bán gạo ra thị trường thế giới lớn chưa từng có trong lịch sử xuất khẩu lúa gạo của quốc gia Đông Nam Á này.
Cơ hội từ dệt may Việt Nam hấp dẫn nhiều doanh nghiệp Ấn Độ