Đồ nhựa Việt Nam ‘gặp nạn’ tại Ấn Độ
Goldman Sachs chịu án phạt kỷ lục
Tăng trưởng GDP của TP.HCM có khả năng đạt trên 10%
Cải cách thuế vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng
Xuất khẩu giảm khiến nông dân lao đao
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 18-09-2017
- Cập nhật : 18/09/2017
Trung Quốc hối hả đổ tiền vào Iran
Tập đoàn đầu tư CITIC của Trung Quốc ngày 16-9 đã ký kết thỏa thuận cung cấp gói tín dụng trị giá 10 tỉ USD dành cho các ngân hàng của Iran.
Thỏa thuận được ký kết tại Bắc Kinh (Trung Quốc) giữa CITIC và một phái đoàn của các ngân hàng Iran do Chủ tịch ngân hàng trung ương Ira Valiollah Seif dẫn đầu.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Lãnh đạo Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei trong một cuộc gặp tại Tehran tháng 1-2016. Ảnh: Tân Hoa xã
Gói tín dụng trị giá 10 tỉ USD nói trên sẽ được dùng để tài trợ cho các cho các dự án nước, năng lượng và giao thông tại Iran. Số tiền sẽ được cung cấp bằng đồng euro và nhân dân tệ (NDT) nhằm tránh những lệnh trừng phạtcủa Mỹ đang áp đặt lên Iran.
Theo trang geo.tv của Pakistan, ngoài gói tín dụng 10 tỉ USD nói trên, Bắc Kinh trước đó còn cung cấp thêm một khoản đầu tư trị giá 15 tỉ USD vào các dự án chưa được công bố tại Iran. Trang tin này nhận định rằng đây là động thái rõ ràng cho thấy ý chí mạnh mẽ trong việc tiếp tục hợp tác giữa hai bên.
Với cam kết sẽ tăng cường đáng kể quan hệ thương mại với Iran, Bắc Kinh trước đó đã mở 2 gói tín dụng lên tới 4,2 tỉ USD để xây dựng các tuyến đường sắt cao tốc giữa Tehran và các thành phố Mashhad và Isfahan, theo Iran Daily.
Iran vốn đóng một vai trò quan trọng trong tham vọng thương mại của Trung Quốc trong chiến lược “Vành đai và Con đường” trị giá hàng ngàn tỉ USD nhằm tăng cường quan hệ giữa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với các quốc gia tại châu Âu và châu Phi. Kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Iran đã tăng thêm hơn 30% trong nửa đầu năm này.
Theo trang Sputnik, giữa lúc các ngân hàng phương Tây tỏ ra thận trọng, đặc biệt là Mỹ đã áp đặt nhiều biện pháp phong tỏa tài chính đối với Tehran, các cuộc thương thảo vẫn đang tiến triển giữa các ngân hàng của Áo, Đan Mạch và Đức để cung cấp gói tín dụng lên tới 22 tỉ USD cho Iran.(NLĐ)
-------------------------
Bộ Công Thương chưa bỏ điều kiện với nhập khẩu ôtô
Sẽ có hơn 50% giấy phép con của Bộ Công Thương được cắt giảm tới đây, nhưng điều kiện về sản xuất, nhập khẩu ôtô chưa nằm trong số này.
Ngành nghề sản xuất, nhập khẩu ôtô không nằm trong đợt rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh lần này của Bộ Công Thương.
Tại cuộc họp chiều 15/9 về rà soát thủ tục hành chính, Bộ Công Thương cho biết, đã rà soát 1.216 điều kiện kinh doanh thuộc 27 ngành, nghề (chưa tính ngành, nghề sản xuất, nhập khẩu ôtô) và đề xuất 2 phương án giảm "giấy phép con" đang "ẩn" trong các ngành, nghề mà cơ quan này quản lý. Do ngành sản xuất, nhập khẩu ôtô không nằm trong diện rà soát lần này, nên những điều kiện kinh doanh lĩnh vực này chưa được dỡ bỏ.
Theo các phương án đề xuất cắt giảm, Bộ này sẽ giảm 464 điều kiện, tương đương 38,15% tổng số các điều kiện kinh doanh. Trong đó riêng lĩnh vực kinh doanh thực phẩm đề xuất cắt giảm 180/350 điều kiện. Phương án 2, mức cắt giảm lên đến 612 điều kiện kinh doanh, tương đương 50,3% các ngành nghề. Trong đó, riêng lĩnh vực kinh doanh thực phẩm, số điều kiện đề xuất cắt giảm là 331 trên tổng số 350 điều kiện kinh doanh.
Theo báo cáo của Tổ công tác, trong số 27 ngành nghề nằm trong diện rà soát thì có 10 ngành, nghề không có đề xuất cắt giảm. 17 ngành, nghề kinh doanh đề xuất cắt giảm gồm: xăng dầu; khí; tiền chất thuốc nổ; hóa chất; rượu; thuốc lá; thực phẩm; điện; tạm nhập tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh; nhượng quyền thương mại; logistic; tiền chất công nghiệp; sở giao dịch hàng hóa; giám định thương mại; đa cấp; thương mại điện tử; vật liệu nổ công nghiệp (bao gồm cả hoạt động tiêu hủy).
Như vậy, sau khi cắt giảm, tổng số điều kiện còn lại của ngành công thương là 752, nếu áp dụng theo phương án một và 604 điều kiện, nếu áp dụng phương án 2. Theo Tổ công tác của Bộ, dù cắt giảm theo phương án nào thì vẫn còn khoảng 100 điều kiện khác cần được rà soát, cắt giảm bổ sung.
Đánh giá của Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Bộ Công Thương với 1.216 điều kiện kinh doanh đang tồn tại, hiện là "quán quân" trong số các bộ, ngành còn nhiều thủ tục hành chính cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Phần lớn các điều kiện kinh doanh này đang tạo ra rào cản bất hợp lý đối với đầu tư, gia nhập thị trường, làm hạn chế số lượng doanh nghiệp đăng ký mới, gia tăng chi phí sản xuất, làm nản lòng các doanh nghiệp. Do vậy, cả VCCI và CIEM đều kiến nghị Bộ Công Thương cần tiếp tục cải cách hành chính, cắt giảm tiếp các thủ tục, trong đó có việc bãi bỏ một số điều kiện kinh doanh đối với mặt hàng khí, gạo, rượu và dịch vụ logistics.
Tại cuộc họp của Tổ công tác Chính phủ với các Bộ, ngành, địa phương diễn ra đầu tháng 9, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương nhanh chóng rà soát, cắt giảm các thủ tục, điều kiện kinh doanh không cần thiết.(Vnexpress)
---------------------------
Ấn Độ vẫn là quốc gia cung cấp ô tô nhập khẩu rẻ nhất vào Việt Nam
Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, đơn giá nhập khẩu ô tô nguyên chiếc bình quân trong 8 tháng/2017 thấp nhất là từ Ấn Độ chỉ với hơn 5 nghìn USD/chiếc (tương đương khoảng 115 triệu đồng).
Tổng cục Hải quan cho biết, mặc dù nhập khẩu ô tô đã tăng trở lại trong tháng 8/2017 sau hai tháng giảm liên tiếp nhưng đến hết tháng 8/2017, ô tô nguyên chiếc nhập khẩu của cả nước vẫn thấp hơn cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2016.
Số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu trong tháng 8 là 7,83 nghìn chiếc, tăng 12,8% so với tháng trước, trị giá đạt 187,8 triệu USD, tăng 12,7%. Như vậy sau khi lượng nhập khẩu ô tô xuống mức thấp nhất trong tháng 7/2017, sang tháng 8 số lượng xe nhập khẩu đã tăng 891 chiếc, trị giá tăng tương ứng 21 triệu USD.
Diễn biến từ đầu năm cho thấy tình hình nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc đang có chiều hướng giảm dần. Lượng nhập khẩu trong 2 tháng gần đây đều thấp hơn so với lượng nhập khẩu bình quân của quý I/2017 là 8,85 nghìn chiếc/tháng và quý II/2017 là 8,24 nghìn chiếc/tháng.
Tính đến hết tháng 8/2017, lượng ô tô nhập khẩu của cả nước là gần 65,5 nghìn chiếc, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2016; trị giá nhập khẩu là 1,39 tỷ USD, giảm mạnh 14,1%. Trong đó lượng xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống là 32,7 nghìn chiếc, tăng 13,9%; ô tô tải là 25,4 nghìn chiếc, giảm 14% và ô tô loại khác là 7,4 nghìn chiếc, giảm 30,2%.
Thái Lan đang dẫn đầu về xuất khẩu ô tô nguyên chiếc sang Việt Nam trong 8 tháng/2017 với lượng nhập khẩu là 23,84 nghìn chiếc, trị giá đạt 431,85 triệu USD, tăng 12,8% về lượng và tăng 9,9% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Trong đó lượng xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống là 7,25 nghìn chiếc, xe tải là 16,53 nghìn chiếc.
Indonesia đứng thứ 2 với 15,54 nghìn chiếc, trị giá hơn 277 triệu USD gấp 8,6 lần về lượng và gấp 12,1 lần về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, loại xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống là 13,32 nghìn chiếc và xe tải là 2,22 nghìn chiếc.
Thái Lan và Indonesia là hai đối tác lớn nhất cung cấp ô tô nguyên chiếc cho Việt Nam, riêng lượng ô tô nhập khẩu từ hai thị trường này đã lên tới hơn 60% tổng lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu của cả nước.
Thị trường lớn thứ 3 xuất khẩu ô tô nguyên chiếc vào Việt Nam trong 8 tháng đầu năm nay là Hàn Quốc với gần 6 nghìn chiếc, trị giá đạt 126,94 triệu USD giảm 53,4% về lượng và giảm 43,8% về trị giá. Trong đó, loại xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống là gần 1,9 nghìn chiếc, xe tải là 3,32 nghìn chiếc và 766 xe ô tô loại khác.
Tiếp theo là các thị trường Ấn độ (5,23 nghìn chiếc); Trung Quốc (gần 5 nghìn chiếc); Nhật Bản (2,41 nghìn chiếc).
Các số liệu thống kê cũng cho thấy, đơn giá nhập khẩu ô tô nguyên chiếc bình quân trong 8 tháng/2017 thấp nhất là từ Ấn Độ chỉ với hơn 5 nghìn USD/chiếc, do xe ô tô nguyên chiếc nhập từ Ấn Độ chủ yếu là loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống (hơn 5 nghìn chiếc, chiếm 96% tổng lượng xe nhập khẩu từ Ấn độ).
Trong khi đó, loại xe nhập khẩu từ Trung Quốc lại chủ yếu là xe tải và xe loại khác nên đơn giá nhập khẩu bình quân từ thị trường này rất cao (hơn 38,3 nghìn USD/chiếc). (Bizlive)
-----------------------------
Tổng cục Hải quan: Siết chặt kiểm soát xuất nhập khẩu các loại tiền chất
Tổng cục Hải quan yêu cầu các cục hải quan địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc, tăng cường công tác kiểm soát đối với hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu, mua bán, vận chuyển trái phép các loại tiền chất.
Theo đó, Tổng cục Hải quan yêu cầu các cục hải quan địa phương chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm các quy định về quy trình thủ tục hải quan, nhất là khâu tiếp nhận hồ sơ, khai báo hải quan, kiểm tra thực tế hàng hóa…
Đồng thời, tổ chức kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ chính sách quản lý hàng hóa, chính sách thuế và các quy định khác của pháp luật đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là các loại tiền chất nằm trong Danh mục ma túy và tiền chất do Chính phủ ban hành.
Các Đội kiểm soát hải quan, Đội Kiểm soát ma túy chuyên trách, các tổ và các cán bộ, công chức được phân công nhiệm vụ phòng, chống ma túy tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các doanh nghiệp kinh doanh thương mại, đầu tư, gia công, sản xuất xuất khẩu có liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất.
Qua đó, nắm rõ mục đích sử dụng, số lượng, chủng loại, định mức tiêu hao, tồn đọng, tiêu hủy, các hoạt động mua bán, chuyển nhượng tiền chất giữa các doanh nghiệp, kịp thời pháp hiện các trường hợp vi phạm để xử lý.
Khi phát hiện các vụ việc có dấu hiệu vi phạm về lĩnh vực này, các đơn vị phải tổ chức điều tra, xác minh, lập hồ sơ chặt chẽ và xem xét, đánh giá cụ thể từng trường hợp để có biện pháp xử lý hành chính hoặc chuyển cho cơ quan chức năng xử lý.
Tổng cục Hải quan yêu cầu, Cục Điều tra chống buôn lậu có trách nhiệm chỉ đạo lực lượng kiểm soát hải quan và kiểm soát ma túy chuyên trách tăng cường các biện pháp nghiệp vụ. Tập trung làm tốt công tác thu thập, phân tích thông tin, điều tra cơ bản, xác minh các đối tượng, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất.
Qua đó, kịp thời pháp hiện các trường hợp vi phạm để chủ động xây dựng phương án đấu tranh, xử lý nghiêm đối với những hoạt động mua bán, vận chuyển xuất khẩu, nhập khẩu trái phép các loại tiền chất.
Phối hợp chặt chẽ với lực lượng nghiệp vụ của Công an, Y tế, Công Thương trong công tác kiểm soát và quản lý tiền chất. Trường hợp phát hiện các vụ việc vi phạm thì thống nhất biện pháp xử lý với các lực lượng theo đúng quy định, chức năng, quyền hạn.(TCTC)