Anh cam kết chi 20 tỉ euro cho thỏa thuận Brexit; Nhiều người Đức không tin tưởng vào xe tự lái; Quy hoạch ĐBSCL thế nào để ứng phó với biến đổi khí hậu?; Chủ tịch Tập đoàn Hoá chất bị kỷ luật cách chức
Tin kinh tế đọc nhanh 20-09-2017
- Cập nhật : 20/09/2017
Tập đoàn KIDO tiếp tục dẫn đầu ngành kem với 40% thị phần
Euromonitor dự báo ngành kem và thực phẩm tráng miệng từ sữa sẽ đạt tỉ lệ tăng trưởng kép hàng năm ở mức 7%.Nguồn ảnh: baodautu.vn
Theo báo cáo mới nhất của công ty phân tích toàn cầu Euromonitor, trong năm 2017 ngành kem và thực phẩm tráng miệng làm từ sữa tại Việt Nam đã có sản lượng bán lẻ đạt 26.600 tấn, tăng 7%, còn giá trị bán lẻ đạt 3.033 tỷ đồng, tăng 15%.
Trong đó, Tập đoàn KIDO tiếp tục dẫn đầu ngành này với thị phần 40%. Năm ngoái, Kido chiếm 38% thị phần. Lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp này đến từ hai thương hiệu mạnh là Celano và Merino, mạng lưới phân phối toàn quốc, mùi vị ngon, giá cả cạnh tranh và sản phẩm đa dạng.
Euromonitor dự báo ngành kem và thực phẩm tráng miệng từ sữa sẽ đạt tỉ lệ tăng trưởng kép hàng năm ở mức 7%, dự kiến đạt khoảng 4.191,3 tỷ đồng trong năm 2022. Tăng trưởng này có được là do thu nhập người dân tăng, chất lượng cuộc sống người dân ngày càng cao và sử dụng các sản phẩm cao cấp hơn. Xu hướng cao cấp hóa đã tác động tích cực đến sự tăng trưởng ngành kem, đặc biệt là ở các thành phố lớn như TPHCM và Hà Nội.
Cũng theo Euromonitor đánh giá, các doanh nghiệp nội địa tiếp tục dẫn đầu ngành kem và thực phẩm đông lạnh trong năm 2017. Tuy nhiên, sự cạnh tranh từ các thương hiệu kem nước ngoài như Cornetto, Paddle Pop, Haagen-Dazs và New Zealand Natural bắt đầu gia tăng đáng kể, đặc biệt ở các thành phố lớn như TPHCM, nơi người tiêu dùng ưa chuộng sản phẩm ở phân khúc cao cấp, chất lượng cao.
Cuối năm 2015, hai sản phẩm kem mới là Milo và Kit Kat của Nestlé đã tạo nên những tác động nhất định trong ngành. Những sản phẩm này được nhập khẩu từ Thái Lan, và gặt hái được sự tiếp cận nhanh chóng từ phía khách hàng. Tuy nhiên, nếu so sánh với các công ty đang dẫn đầu hiện tại thì doanh thu bán hàng của những sản phẩm này không đáng kể.
Bên cạnh đó, trong năm 2016, Vinamilk đã giới thiệu thêm dòng sản phẩm Twin Cows, nhắm vào nhóm người tiêu dùng thu nhập cao với bao bì cao cấp bắt mắt và mùi vị ngon. Tương tự như Milo và Kit Kat, thương hiệu này cũng có những tác động nhất định trong ngành.
Các kênh phân phối hiện đại như cửa hàng tiện lợi, siêu thị và đại siêu thị của ngành kem cũng đang phát triển tích cực hơn. Năm 2017, kênh bán lẻ online bắt đầu phát triển hơn mặc dù doanh thu bán hàng chưa đáng kể. Theo dự báo, kênh bán lẻ online sẽ ngày càng trở nên quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam trong thời gian tới.
Các sản phẩm mới của Nestlé và Vinamilk sẽ có những tác động lớn hơn trong ngành cũng như sẽ có những thay đổi về vị thế thương hiệu, do cả hai công ty đều sở hữu thương hiệu tốt và mạng lưới phân phối rộng khắp toàn quốc.(NCĐT)
------------------------------
Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc mang về 1,79 tỷ USD
Trong 8 tháng đầu năm 2017, chỉ riêng 6 nhóm hàng xuất khẩu sang Trung Quốc với giá trị trên 1 tỷ USD đã mang về hơn 10,5 tỷ USD.Nguồn ảnh: Báo Công thương
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm 2017 tăng cao so với cùng kỳ năm 2016, đạt trên 18,73 tỷ USD, tăng 45% (tương đương 6 triệu USD), chiếm 14% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước.
Cụ thể, dẫn đầu là nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, chiếm 21,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này, đạt 4,04 tỷ USD, tăng 100% so với cùng kỳ năm 2016.
Nhóm hàng rau quả chiếm 9,5% trong tổng kim ngạch, đạt 1,79 tỷ USD, tăng 62% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt 1,35 tỷ USD, chiếm 7,2%, tăng 137%.
Xuất khẩu xơ, sợi dệt đạt 1,3 tỷ USD, chiếm 6,9%, tăng 26% so với cùng kỳ. Đứng thứ 5 là máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 1,07 tỷ USD, chiếm 5,7%, tăng 58,5%, thứ 6 là máy ảnh, máy quay phim và linh kiện đạt 1,04 tỷ USD, chiếm 5,5%, tăng 42% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý nhất trong số các nhóm hàng xuất sang Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm 2017 là nhóm hàng giấy và các sản phẩm từ giấy có mức tăng rất mạnh 811% so với cùng kỳ, đạt 22,25 triệu USD.
Xuất khẩu cao su cũng mang về tới 867 triệu USD trong 8 tháng qua, tăng 72% so với cùng kỳ; Giày dép các loại 745 triệu USD, tăng 28%; Gỗ và sản phẩm gỗ 705 triệu USD, Gạo đạt 700 triệu USD, tăng 30% so với cùng kỳ..
Ngoài ra, có rất nhiều nhóm hàng tăng trưởng mạnh trên 100% về kim ngạch như: sắt thép tăng 116%; dây điện và dây cáp điện tăng 136%; điện thoại tăng 137%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 100%; Clinker và xi măng tăng 155%.
Ngược lại, xuất khẩu sụt giảm mạnh ở các nhóm hàng như: Cà phê giảm 24%, với 56 triệu USD, chè giảm 36%, đạt hơn 9 triệu USD, dầu thô giảm 23%, đạt 685 triệu USD, giảm 23% về trị giá so với cùng kỳ năm 2016.(TCHQ)
--------------------------
Trung Quốc lại rót mật vào tai, Nga đã biết trái đắng
Thương mại song phương Nga và Trung Quốc tăng mạnh nhưng có thực sự tin tưởng.
Đại sứ Trung Quốc tại Nga Li Hui mới đây thông báo về hợp tác thương mại song phương của Trung Quốc và Nga được ghi nhận ngày càng tăng lên và tin tưởng vào sự phát triển trong tương lai.
Phát biểu tại thông tấn xã Rossiya Segodnya, Đại sứ Li Hui cho biết: "Doanh thu thương mại song phương đã tăng lên đáng kể trong vòng 7 tháng đầu năm nay và đạt mức 46,62 tỷ USD, tăng 24,96% so với cùng kỳ năm ngoái".
Theo vị Đại sứ, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga trong vòng 7 năm qua và ghi nhận đã có sự gia tăng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng.
"Trung Quốc và Nga đã tiến hành hợp tác xây dựng nhà máy chế biến khí đốt Amur, giai đoạn đầu tiên của dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng Yamal sẽ bắt đầu được thực hiện trong năm nay" - Đại sứ Trung Quốc nói.
RT cho biết, hồi đầu tháng 9, Giám đốc điều hành Kirill Dmitriev của Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF) trả lời phỏng vấn của tờ Tân Hoa xã cho biết, năm 2016 đã ghi nhận mức tăng 12% đầu từ trực tiếp của Trung Quốc vào Nga.
Một trong những thành công gần đây về hợp tác song phương Nga - Trung là thỏa thuận về một quỹ đầu tư trị giá 68 tỉ Nhân dân tệ (khoảng 10 tỉ USD) nhằm thúc đẩy sử dụng thương mại giữa đồng rúp và đồng Nhân dân tệ.
Nga và Trung Quốc đang có nhiều dự án hợp tác về cơ sở hạ tầng giao thông và hậu cần nằm trong chuỗi dự án được phát triển trong Sáng kiến "Một vành đai - Một con đường" của Trung Quốc, còn được gọi là Con đường Tơ lụa mới.
Sau khi bị các nước Mỹ và châu Âu tăng cường trừng phạt kinh tế, Nga đã tìm cách thúc đẩy hợp tác với nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc.
Hàng loạt các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và thỏa thuận kinh tế mới được ký kết, Nga cũng đã tạo nhiều điều kiện ưu ái cho các doanh nghiệp, công ty của Trung Quốc thực hiện các dự án tại Nga. Song, thực tế lại không được thuận lợi do các nhà đầu tư Trung Quốc liên tục đưa ra các đòi hỏi.
Điều này đã được chính giới chức Nga ghi nhận và cảnh báo về các chiêu thức đầu tư cũng như cách ra điều kiện để thực hiện dự án của các doanh nghiệp Trung Quốc.
Đại biểu Duma Quốc gia Nga của Đảng Tự do Dân chủ, Chủ tịch Ủy ban của Quốc hội về y tế, ông Sergei Furgal cho rằng việc Trung Quốc đầu tư và đòi hỏi chuyển các nhà máy của Trung Quốc sang Viễn Đông chỉ có lợi cho Trung Quốc còn Nga thì gánh hậu quả môi trường nặng nề.
“Nếu nói một cách đơn giản thì các quan chức của Bộ Phát triển Viễn Đông đã thỏa thuận về việc Trung Quốc chuyển tới Viễn Đông các nhà máy và xí nghiệp lạc hậu trong lĩnh vực xây dựng, luyện kim, năng lượng, chế tạo máy và đóng tàu, hóa chất, dệt may và xi măng, công nghệ thông tin và nông nghiệp” - ông Sergei Furgal nhấn mạnh.
Theo ý kiến của chuyên gia này, gần như tất cả các lĩnh vực được liệt kê đều vô cùng ô nhiễm và nguy hiểm cho môi trường.
Tại Trung Quốc đang diễn ra tình trạng “môi trường bị ô nhiễm khủng khiếp”, “khói độc ở khắp nơi”, “nguồn nước bị nhiễm độc”, và không thể để điều tương tự lặp lại ở Viễn Đông.
Từ các dự án đơn lẻ với Trung Quốc luôn gặp trở ngại, Nga đương nhiên không chấp nhận đầu tư rủi ro "bỏ hết trứng vào một rổ".
Ngoài Trung Quốc, Nga vẫn thúc đẩy hàng loạt các dự án đầu tư và xây dựng mạng lưới bán lẻ vào các thị trường khác như Nhật Bản, Việt Nam, Ai Cập, Nam Phi, Argentina, Brazil, Chile...
Chưa kể, Nga vẫn nhận được hàng loạt các dự án từ các nước châu Âu và Mỹ bất chấp trừng phạt kinh tế.
Thời gian qua đã ghi nhận sự tăng lên về các dự án đầu tư từ các tập đoàn châu Âu và Mỹ về thực phẩm, thức ăn nhanh, chế biến sữa... vào Nga. Việc áp dụng đáp trả các biện pháp trừng phạt kinh tế của Moscow trong thời gian dài đã có tác động ngược tới nến kinh tế phương Tây và Mỹ khiến họ buộc phải tìm cách để đối phó, tìm cửa ngách để hoạt động kinh doanh.
Năm 2016, Đức trở thành nhà đầu tư lớn thứ 2 tại Nga sau Trung Quốc với mức đầu tư trục tiếp là 2,05 tỉ USD/9 tháng đầu năm.
Các công ty của Đức tập trung vào Nga trong các lĩnh vực: máy móc nông nghiệp, sản xuất ô tô, hóa chất gia dụng và công nghiệp...
Ban đầu, Nga hỗ trợ các công ty đầu tư nước ngoài có mức đầu tư trên 750 triệu rúp. Các công ty từ Đức và nước ngoài cho tới tháng 10/2016 đã tiếp tục đầu tư với cam kết số tiền tối thiểu là 10 triệu euro.(Baodatviet)
-------------------
Đề nghị tổng kiểm tra việc bổ nhiệm cán bộ trên cả nước
Ủy ban Tư pháp kiến nghị Chính phủ trả lời việc bổ nhiệm lãnh đạo nhiều hơn công chức, xếp người thân vào vị trí dễ phát sinh tham nhũng.
Sáng 19/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2017, phòng chống tội phạm, thi hành án...
Thẩm tra báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng năm 2017 của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp cho rằng, nếu như trước đây tình trạng “lợi ích nhóm”, “sân sau” mới là nghi ngờ của dư luận cử tri thì qua một số vụ án lớn xét xử gần đây, qua kết quả kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho thấy những nghi ngờ là có căn cứ."Vì thế tới đây cần tập trung phát hiện, xử lý, phòng ngừa tham nhũng dưới hình thức lợi ích nhóm, sân sau", báo cáo nêu rõ.
Ủy ban Tư pháp cũng đánh giá việc tự phát hiện tham nhũng vẫn là khâu rất yếu. Số vụ, việc được phát hiện qua thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử còn ít, chưa tương xứng với tình hình tham nhũng; tiến độ xử lý một số vụ việc còn để kéo dài.
Bên cạnh đó, có dấu hiệu của việc “hành chính hóa” quan hệ hình sự, “hình sự hóa” quan hệ hành chính trong xử lý hành vi tham nhũng. Việc xử lý người có hành vi tham nhũng, người bao che và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng trong nhiều trường hợp chưa nghiêm dẫn đến tình trạng “nhờn luật”. Việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng vẫn chưa đạt chỉ tiêu được Quốc hội giao.
Trước thực tế đó, Ủy ban Tư pháp đề nghị Quốc hội, Chính phủ xây dựng quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của mọi người trong toàn xã hội; tiếp tục hoàn thiện quy định về minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, nhất là nội dung kiểm tra, giám sát, xác minh việc kê khai, trách nhiệm giải trình việc tăng, giảm tài sản, các khoản chi tiêu, giao dịch có giá trị lớn.Đồng thời, cần quy định rõ chế tài xử lý đối với người kê khai tài sản không trung thực.
"Chính phủ cần chỉ đạo tổng kiểm tra về công tác bổ nhiệm cán bộ trong phạm vi cả nước để trả lời cử tri về tình trạng bổ nhiệm cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không đúng quy định, bổ nhiệm lãnh đạo nhiều hơn công chức, bố trí người thân vào những vị trí dễ phát sinh tham nhũng", Ủy ban Tư pháp đề nghị.
Tặng quà của Oceanbank, chi hoa hồng của VN Pharma gây bức xúc
Liên quan đến việc tặng quà và nộp lại quà tặng, Ủy ban Tư pháp đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng trong việc thực hiện quy định về nghiêm cấm tặng quà, nhận quà dưới mọi hình thức.Tuy nhiên, thực tế việc tặng quà để giải quyết công việc, hối lộ bằng hình thức tặng quà vẫn còn diễn ra rất phức tạp, dưới nhiều hình thức, nhất là việc lạm dụng phong tục truyền thống của dân tộc trong thăm hỏi, tặng quà nhân dịp lễ tết, hiếu, hỉ…
Việc nộp lại quà tặng cũng được cơ quan thẩm tra xác định là hầu như chỉ được thực hiện sau khi có phát hiện sai phạm. Qua một số vụ án xét xử gần đây, dư luận rất bức xúc trước việc tặng quà của Ngân hàng Oceanbank và chi hoa hồng cho bác sĩ của Công ty Cổ phần VN Pharma…
Cụ thể, trong vụ án buôn lậu xảy ra tại Công ty Cổ phần VN Pharma, các bị cáo khai nhận đã chi tiền "hoa hồng" cho bác sĩ tại nhiều bệnh viện lên tới 7,5 tỷ đồng để được bác sĩ kê đơn thuốc cho bệnh nhân. Trong vụ đại án xảy ra tại Oceanbank, ông Ninh Văn Quỳnh đã thừa nhận và nộp lại 20 tỷ đồng đã nhận của Nguyễn Xuân Sơn. Cơ quan điều tra đã thu giữ tại nhà Nguyễn Trường Duy, cán bộ Hải quan TP HCM 64 phong bì với tổng cộng gần một tỷ đồng, là số tiền hối lộ của doanh nghiệp.
"Ủy ban Tư pháp cho rằng, đây là vấn đề lớn, liên quan đến đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ và phòng chống tham nhũng cần được Chính phủ đánh giá, nghiên cứu để có quy định ngăn chặn tình trạng này", báo cáo nêu.(Vnexpress)