tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 19-09-2017

  • Cập nhật : 19/09/2017

Doanh nghiệp dệt may muốn Chính phủ giảm thuế sợi về 0%

VITAS đề nghị Bộ Tài chính và Bộ Công Thương bỏ quy định tăng mức thuế nhập khẩu từ 0% lên 2% đối với xơ polyester.

Dựa trên nhiều phản ánh, kiến nghị của các doanh nghiệp thành viên, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chinh phủ đề nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp dệt may.

VITAS đưa ra hàng loạt kiến nghị như đề nghị Bộ Tài chính và Bộ Công Thương bỏ quy định tăng mức thuế nhập khẩu từ 0% lên 2% đối với xơ polyester do các doanh nghiệp vẫn phải nhập khẩu là chủ yếu và sản xuất trong nước do nhiều nguyên nhân đến nay chưa đáp ứng được, thậm chí có doanh nghiệp đã ngừng hoạt động như nhà máy xơ sợi Đình Vũ.

Tại văn bản này, VITAS cũng kiến nghị Bộ Công Thương nghiên cứu sửa đổi Thông tư 49/2015/TT-BCT theo hướng bỏ quy định khi sản xuất hoặc gia công xuất khẩu quân trang, quân phục cho nước ngoài phải “xác định về đơn vị/cơ quan/tổ chức sử dụng cuối cùng sản phẩm quân phục đặt sản xuất, gia công tại Việt Nam”.

“Đây là quy định mà khách hàng nước ngoài đặt gia công quan trang, quân phục cho rằng họ khó có thể đáp ứng”, đại diện VITAS cho biết.

Bên cạnh đó, VITAS kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu để các doanh nghiệp sử dụng vải trong nước gia công xuất khẩu vì theo luật thuế nhập khẩu có hiệu lực từ 1/9/2016 thì nguyên phụ liệu nhập khẩu để gia công xuất khẩu sẽ được miễn thuế thay vì hoàn thuế như trước đây.

Ngoài ra, Hiệp hội này còn đề nghị Bộ Thông tin và truyền thông sớm tham mưu cho Chính phủ sửa đổi nghị định 60/2014/NĐ-CP quy định điều kiện cấp phép nhập khẩu máy in trên sản phẩm dệt may xuất khẩu là “chủ doanh nghiệp phải có bằng cấp từ cao đẳng trở lên về ngành in hoặc được Bộ Thông tin truyền thông cấp giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý hoạt động in”. Đến nay Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức họp lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi, đề nghị đẩy nhanh quá trình ra văn bản sửa đổi.

Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2017 của ngành dệt may ước đạt 14,1 tỷ USD tăng 10% so với cùng kỳ năm 2016, trong khi kim ngạch nhập khẩu ước đạt 9,5 tỷ USD, tăng 16,27% so với cùng kỳ.(Vneconomy)
------------------------------

Các ngân hàng Trung ương không thể làm ngơ trước sự bùng nổ của tiền điện tử

Các ngân hàng Trung ương trên thế giới không thể làm ngơ trước sự bùng nổ của tiền điện tử do nó tiềm ẩn nhiều rủi ro về tính ổn định hệ thống tài chính, theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cho hay.

Theo đó, BIS chỉ ra rằng các ngân hàng trung ương cần xác định rõ có nên phát hành tiền điện tử và đặc tính của đồng tiền đó là gì, mặc dù quyết định này vẫn còn đang được một số quốc gia như Thụy Điển xem xét. Số lượng người sử dụng tiền điện tử ở Thụy Điển đang giảm dần.

Các ngân hàng cần xem xét những quy định không chỉ về tính bảo mật, hiệu quả của hệ thống thanh toán mà còn về những ảnh hưởng của tiền điện tử lên nền kinh tế và chính sách tiền tệ, theo nhận định của BIS trong bản báo cáo hàng quý.

Tuần trước là quãng thời gian đầy khủng hoảng đối với tiền điện tử khi CEO của JPMorgan, ông Jamie Dimon cho rằng bitcoin chỉ là "trò lừa đảo". Đồng thời, hàng loạt các sàn giao dịch Trung Quốc tuyên bố đóng cửa bắt đầu từ cuối tháng 9.

Tuy nhiên, với sự phổ biến của bitcoin và một số đồng tiền điện tử khác như một công cụ thanh toán di động và nhà đầu tư không ngừng đổ tiền vào loại tiền này, các ngân hàng trung ương đang bắt đầu nghiên cứu sâu hơn về chúng cũng như công nghệ blockchain.

Tại Ngân hàng Trung ương Anh, thống đốc Mark Carney đã coi tiền điện tử là một phần của cuộc cách mạng tài chính đầy tiềm năng.

Để hiểu rõ hơn về hệ thống, Ngân hàng Trung ương Hà Lan đã tạo ra đồng tiền điện tử riêng nhưng chỉ dùng trong nội bộ. Giới chức Mỹ cũng đang nghiên cứu vấn đề này mặc dù hồi tháng 3, thống đốc Fed Jerome Powell cho biết vẫn còn nhiều vấn đề liên quan đến chính sách cần phải được nghiên cứu trong đó bao gồm những thiệt hại gây ra bởi tấn công an ninh mạng, tính bảo mật...

Theo BIS, phương án khả thi dành cho các Ngân hàng Trung ương có thể là phát hành đồng tiền điện tử ra công chúng và do ngân hàng quản lý cũng như thực hiện việc chuyển đổi ra tiền mặt và ngược lại. Tuy nhiên, điều này tiềm ẩn rủi ro lớn hơn đối với hoạt động điều hành của ngân hàng và các tổ chức cho vay thương mại có thể đối mặt với việc thiếu tiền gửi. Một câu hỏi lớn khác được đặt ra và cần có câu trả lời sớm đó là tính bảo mật của hệ thế tiền điện tử.(NDH)
----------------

Hơn 1 triệu chiếc Ford Explorer có thể bị triệu hồi vì rò rỉ khí thải

Ford Explorer, dòng SUV phổ biến nhất của Ford Mortor, đang đứng trước nguy cơ bị triệu hồi ở Mỹ do những cáo buộc xung quanh việc rò rỉ khí thải vào bên trong xe.

Theo Bloomberg, Cục Quản lý An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NHTSA) tuần qua thực hiện một bước đi tạm thời nhằm thúc đẩy việc triệu hồi 1,3 triệu chiếc Ford Explorer đời 2011 - 2017 và cả dòng Ford Explorer đặc dụng dành cho cảnh sát phiên bản 2016 - 2017.

Trên trang web chính thức, NHTSA cho biết việc triệu hồi này có liên quan đến một số vụ tai nạn và hiện tượng ngộ độc khí thải khiến tài xế bị buồn nôn, chóng mặt. Sự việc xảy ra hơn một năm kể từ khi NHTSA bắt đầu xem xét các khiếu nại xung quanh vấn đề mùi hôi và rò rỉ khí thải vào bên trong xe. Hiện NHTSA đang tiến hành “phân tích kỹ thuật” để điều tra sâu hơn sau khi nhận được ít nhất 2.719 đơn khiếu nại liên quan đến những chiếc SUV Ford Explorer.

“Chúng tôi sẽ quyết định dựa theo những dữ liệu có sẵn. Khi dữ liệu cho thấy việc triệu hồi là cần thiết cho sự an toàn, chúng tôi sẽ nhanh chóng tiến hành”, Michael Levine, người phát ngôn của Ford, cho biết trong một email hôm 16.9.

Theo hồ sơ của NHTSA, đã có ba tai nạn và 41 thương tích liên quan đến vấn đề xả thải của dòng Ford Explorer kể từ ngày 1.7.2016. Trong đó, phần lớn là bị ngộ độc khí CO, bao gồm các triệu chứng như buồn nôn, nhức đầu và mất ý thức. Tháng 8.2017, một sĩ quan cảnh sát ở Auburn, bang Massachusetts (Mỹ) đã gặp phải vấn đề ngộ độc khí tương tự dẫn đến bị thương khi đang lái chiếc Ford Explorer đặc dụng dành cho cảnh sát.

Một đại diện của Ford thời điểm đó nói rằng việc ngộ độc do phơi nhiễm khí CO chỉ mới được ghi nhận trong những chiếc Explorer dành cho cảnh sát, trong khi đó báo cáo về các mẫu Explorer khác chỉ liên quan đến khí thải có mùi hôi. Đồng thời cho biết trong giai đoạn 2012 - 2014, công ty đã phát hành thông cáo kỹ thuật cho các đại lý để cảnh báo họ về các khiếu nại liên quan đến “mùi hôi trong xe”.(Thanhnien)
-----------------------------

Đại sứ Thái Lan kêu gọi doanh nghiệp nhanh chân vào Việt Nam

Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam, ông Manopchai Vongphakdi kêu gọi các doanh nghiệp Thái Lan nhanh chóng thực hiện chiến lược đầu tư vào Việt Nam, nếu không cơ hội sẽ không còn cho họ trong vòng vài năm nữa.

Ông Manopchai nói rằng kinh tế Việt Nam tăng trưởng hằng năm trong khi dân số trẻ vẫn chiếm phần lớn trong phát triển kinh tế. Chính yếu tố này tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài như Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Singpaore và Mỹ, không ngừng đổ vốn vào Việt Nam.

“Bất kể hiện tại đầu tư của Thái Lan ở Việt Nam chưa nhiều nếu so với các nước nhưng điều này không đồng nghĩa cơ hội ở đây không hấp dẫn. Nếu trong vòng 4-5 năm tới, các doanh nghiệp Thái Lan không thay đổi và tăng cường đầu tư vào Việt Nam, đó sẽ là điều đáng tiếc cho họ và cả quan hệ thương mại song phương của hai nước”, Prachachat thuộc nhóm Matichon dẫn phát biểu của ông Manopchai nhân một sự kiện tổ chức ở Hà Nội.

Theo ông Đại sứ, ba lĩnh vực đầu tư đang hấp dẫn ở Việt Nam hiện nay là xây dựng khách sạn, viễn thông và vận tải hàng hải. Bên cạnh đầu tư, ông Manopchai cho rằng cơ hội gia tăng thương mại cũng rất lớn ở Việt Nam nhờ thị trường tiêu thụ lớn và sức mua dồi dào. Tuy nhiên, theo ông Đại sứ, để thành công ở Việt Nam doanh nghiệp và nhà đầu tư Thái Lan cần phải nghiên cứu thị trường và nhu cầu của người tiêu dùng vì cạnh tranh ở đây cao và khả năng thất bại cũng cao.

Tính đến nay, các nhà đầu tư Thái Lan cam kết đầu tư vào Việt Nam 468 dự án với tổng vốn là 8 tỉ USD, đứng thứ 10 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Prachachat cho hay vấn đề khiến các doanh nghiệp Thái Lan lo lắng khi đầu tư ở Việt Nam là thuê đất, mà theo họ là giá cao và thời gian sử dụng ngắn.(Thanhnien)

Trở về

Bài cùng chuyên mục