Khởi tạo thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Mekong Capital rót 7 triệu USD vào chuỗi nhà hàng Wrap & Roll
Đại gia vàng nợ thuế bị thu hồi giấy phép
Có thể rút hết vốn Nhà nước tại Sabeco và Habeco
Trái phiếu ngân hàng đắt hàng
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 18-09-2017
- Cập nhật : 18/09/2017
Ưu đãi Samsung tỉ đô nhưng thu thuế bà bún bò có công bằng?
Chính sách ưu đãi doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam như Samsung khiến cho nhà nước mất nhiều tỉ USD thuế. Trong khi đó một hộ bán bún bò 10 tô/ngày cũng phải đóng thuế thu nhập cá nhân...
Chỉ trong 6 tháng năm 2017, 4 công ty của Samsung Electronics ở Việt Nam đã mang về 27,4 tỉ USD doanh thu, tương đương 622.000 tỉ đồng. Lợi nhuận của Samsung ở Việt Nam đạt 3,1 tỉ USD, tức khoảng 70.600 tỉ đồng.
Hai con số doanh thu và lợi nhuận tỉ đô này có ý nghĩa như thế nào?
Trước hết, thử làm một phép tính đơn giản, ta có thể tính được mỗi ngày 4 công ty ở Việt Nam của Samsung ăn nên làm ra như thế nào?
Tính luôn cả thứ Bảy và Chủ nhật, mỗi ngày, trong 6 tháng đầu năm, các công ty Samsung ở Việt Nam (chỉ riêng mảng điện tử) bán được lượng hàng trị giá 1.700 tỉ đồng, thu về lợi nhuận 193 tỉ đồng.
Nếu tính cả năm, đem con số trên nhân đôi ta có con số rất đẹp: 3.400 tỉ doanh thu, 386 tỉ đồng lợi nhuận mỗi ngày.
Để thấy con số lợi nhuận trên lớn hay nhỏ như thế nào, hãy thử đặt cạnh hai đại công ty của Việt Nam có doanh thu số 1 và số 2.
Theo các số liệu, 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của Viettel là 21.500 tỉ đồng, tức chưa đầy 1 tỉ USD, còn của Tập đoàn Dầu khi là 13.000 tỉ đồng, tức khoảng hơn nửa tỉ đô.
Như vậy, nếu cộng cả hai ông lớn của Việt Nam cũng chỉ mới bằng phân nửa của bốn ông nhỏ của Samsung Electronics ở Việt Nam.
Trên cả nước có khoảng 600.000 doanh nghiệp đang hoạt động, cùng vài triệu hộ kinh doanh đang được vận động để nâng cấp lên doanh nghiệp.
Trong số đó, thử đặt câu hỏi có bao nhiêu doanh nghiệp bươn chải 365 ngày vẫn chưa bằng 24 tiếng đồng hồ của Samsung ở Việt Nam?
Và có bao nhiêu doanh nghiệp tầm cỡ có được phần tiền lời mà Samsung chỉ cần làm trong ba ngày, tức hơn 1.000 tỉ?
Có nên thả tôm bắt tép
Dẫu rằng mọi so sánh là khập khiễng, nhưng sẽ không quá khi đặt câu hỏi: Làm thế nào mà Samsung lại có doanh thu và lợi nhuận "khủng" như vậy?
Câu trả lời sẽ khá dài dòng, từ chuyện thương hiệu, từ mạng lưới sản xuất toàn cầu, từ những sản phẩm công nghệ đỉnh cao, từ sản xuất lớn...
Nhưng cũng cần lưu ý một điều rằng lợi nhuận của Samsung Electronics Việt Nam một phần không nhỏ đến từ các ưu đãi, trong đó có thuế.
Ở nhiều khu công nghiệp Việt Nam những khoảng đất vàng đẹp nhất, thuận lợi nhất với đầy đủ hạ tầng, và cơ sở vật chất... luôn dành để chờ các nhà đầu tư nước ngoài FDI.
Chưa đủ, Chính phủ luôn dành các ưu đãi về thuế, từ ưu đãi về tiền thuê đất đến thuế thu nhập doanh nghiệp, lĩnh vực đầu tư, miễn giảm thuế...
Những doanh nghiệp nào mon men ra nước ngoài sẽ thấy khó hiểu: Với nhiều quốc gia, các nhà đầu tư FDI chỉ đòi hỏi ưu đãi bằng doanh nghiệp trong nước là đã thấy quá đủ.
Vậy mà, ở Việt Nam thì ngược lại: FDI quá được ưu đãi khiến doanh nghiệp trong nước phải nằm mơ.
Ưu đãi lớn như thế, doanh thu và lợi nhuận lớn như thế, nhưng theo một nghiên cứu từ Đại học Fulbright, phía Việt Nam chỉ được hưởng phần ít, chỉ độ chừng 8% giá trị do Samsung trong nước tạo ra.
Intel, một tập đoàn công nghệ cao tỉ đô khác ở Việt Nam, cũng theo nhóm nghiên cứu này, phần giá trị mà Việt Nam hưởng còn ít hơn: chỉ chừng 1%.
Chuyện ưu đãi chồng ưu đãi này tương phản với khối doanh nghiệp trong nước: thuế chồng thuế, phí chồng phí.
Điều đó dẫn đến một sự phát triển kinh tế khá khập khiểng: FDI ngày càng lớn mạnh, doanh nghiệp Việt ngày càng teo tóp.
Và thêm một lần nữa, việc tăng 5 sắc thuế mà Bộ Tài chính đang nhăm nhe nhắm vào, khiến cho những người dân và các doanh nghiệp nhỏ vốn dễ tổn thương, càng thêm dễ gãy vỡ.
Thử lấy ví dụ bà Ba bán một ngày được 10 tô bún bò, mỗi tô 30.000 đồng, mỗi tháng được gần 10 triệu, vậy là bà Ba phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Các loại thuế khác, dĩ nhiên là không tránh khỏi.
Có hàng triệu bà Ba như thế trên khắp Việt Nam, đại diện cho các hộ kinh doanh nhỏ. Hàng năm các cơ quan thuế phải dành 26% nhân lực để thu thuế nhóm này với vỏn vẹn số thuế thu được chiếm 2% ngân sách.
Trong khi đó, những ông lớn doanh thu hàng chục tỉ USD, lợi nhuận hàng tỉ USD thì lại được hưởng các ưu đãi rất nhiều, như Samsung chẳng hạn.
Chúng ta có thể nói rằng một Samsung được ưu đãi là vì đóng góp lớn cho xã hội, cho ngân sách, còn những bà Ba thì chỉ thu vén trong gia đình họ thôi?
Cũng sẽ có người lý giải rằng khó trách Bộ Tài chính khi nếu không ưu đãi thì những Samsung, LG, Intel... sẽ không lựa chọn Việt Nam, mà đi tìm các "vùng đất hứa" khác. Lúc đó bà Ba sẽ chẳng biết bán bún cho ai?
Nhưng cái vòng luẩn quẫn sẽ là thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến bằng ưu đãi thì để giữ chân họ lại cũng sẽ phải bằng các ưu đãi.
Câu chuyện về Toyota "dọa" rút khỏi Việt Nam nếu không được "ưu đãi" con số lên tới 2 tỉ USD, cũng phần nào cho thấy điều đó.
Samsung, chẳng hạn, khi nhà máy Bắc Ninh hết hạn ưu đãi, có thể chuyển phần sản xuất đến Thái Nguyên, để kéo dài thời gian không phải đóng thuế hơn?
Và trong khi những đại tập đoàn được nhận các ưu đãi ngất trời đó, những hộ kinh doanh gia đình như bà Ba bán bún bò, các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, vừa, bán hàng qua Facebook... lại phải được đưa vào diện nộp thuế để bù vào phần ưu đãi đó?
Dường như có cái điều gì đó không đúng?(Tuoitre)
------------------------
Doanh nghiệp nước giải khát lo bị ảnh hưởng nếu đánh thuế tiêu thụ đặc biệt nước ngọt
Lý do đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt bởi mặt hàng này gây béo phì và các bệnh tim mạch, tiểu đường theo đại diện doanh nghiệp là chưa thuyết phục. Phía doanh nghiệp cũng tính toán việc tăng thuế sẽ khiến giá các sản phẩm tăng 12%.
Tại hội thảo: “Góp ý đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 luật thuế” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 14/9, ông Nguyễn Tiến Vỵ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam dẫn lại một trong những cơ sở áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt được Bộ Tài chính đưa ra trước đó là bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng cụ thể là bệnh béo phì và tiểu đường.
Theo ông Vỵ, cơ sở này phải được chứng minh một cách khoa học. “Liệu nước ngọt có phải là nguyên nhân chính gây ra bệnh tiểu đường và béo phì hay không”, ông Vỵ đặt câu hỏi.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, nước ngọt có thể ảnh hưởng tới sức khỏe nhưng tăng cân, béo phì không hẳn chỉ do thức uống này gây ra. Điều quan trọng hơn theo ông là nguyên nhân từ khẩu phần ăn hàng ngày đặc biệt là thức ăn nhanh, thậm chí việc ăn quá nhiều cơm, gạo.
Gửi tham luận tại hội thảo, đại diện Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN nêu quan điểm, nếu cơ quan soạn thảo quan tâm đến sức khỏe người dân, đặc biệt là bệnh béo phì và tiểu đường thì dự thảo nên đánh thuế tất cả các loại thực phẩm có thể là nguyên nhân gây ra các loại bệnh đó như bánh kẹo, đồ ăn, đặc biệt là đồ ăn nhanh.
Đáng chú ý, trong danh mục đề xuất chịu thuế tiêu thụ đặc biệt của Bộ Tài chính có nước uống thể thao. Từ đó, đại diện Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cũng đặt nghi vấn, đồ uống thể thao thường không có đường, thậm chí nếu có, hàm lượng đường rất thấp. Trong khi đó, đồ uống thể thao có chứa khoáng chất và vitamin, cần thiết để giúp vận động viên hoặc người chơi thể thao thay thế nước, chất điện giải và năng lượng.
Ông Nguyễn Hồng Uy, đại diện Tiểu ban Thực phẩm dinh dưỡng, Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam thắc mắc việc, dự thảo của cơ quan chức năng loại trừ sản phẩm nước trái cây, nước rau quả 100% tự nhiên khỏi danh sách chịu thuế.
Theo ông, nước trái cây, rau quả rất có ích và thường chỉ chứa một lượng chất phụ gia tạo hương vị và bảo quản. Bởi vậy, nếu yêu cầu trái cây, rau quả 100% tự nhiên là điều kiện khó đáp ứng.
Từ đó, ông đề xuất, không nên để điều kiện 100% tự nhiên mà có thể quy định, các sản phẩm nước trái cây, rau quả trong đó thành phần tự nhiên chiếm 90% hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn.
Theo tính toán của Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát, dự luật được thông qua sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp nước giải khát nói riêng do các doanh nghiệp sẽ phải chịu nhiều loại thuế với mức tăng và bổ sung.
Theo đó, giá các sản phẩm nước giải khát trên thị trường sẽ tăng khoảng 12% ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, chi phí sản xuất sẽ tăng lên do mức tăng thuế VAT áp dụng cho đường. (Bizlive)
-----------------
Lượng nhập khẩu ô tô nguyên chiếc đang có chiều hướng giảm dần
Tính từ đầu năm tới hết tháng 8/2017, lượng ô tô nhập khẩu của cả nước là gần 65,5 nghìn chiếc, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2016; trị giá nhập khẩu là 1,39 tỷ USD, giảm mạnh 14,1%.
Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 8/2017, lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu là 7,83 nghìn chiếc, tăng 12,8% so với tháng trước, trị giá đạt 187,8 triệu USD, tăng 12,7%. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn cả lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2016.
Nếu tính từ đầu năm đến hết tháng 8/2017, lượng ô tô nhập khẩu của cả nước là gần 65,5 nghìn chiếc, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2016; trị giá nhập khẩu là 1,39 tỷ USD, giảm mạnh 14,1%. Trong đó lượng xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống là 32,7 nghìn chiếc, tăng 13,9%; ô tô tải là 25,4 nghìn chiếc, giảm 14% và ô tô loại khác là 7,4 nghìn chiếc, giảm 30,2%.
Diễn biến từ đầu năm cho thấy tình hình nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc đang có chiều hướng giảm dần. Lượng nhập khẩu trong 2 tháng gần đây đều thấp hơn so với lượng nhập khẩu bình quân của quý I/2017 là 8,85 nghìn chiếc/tháng và quý II/2017 là 8,24 nghìn chiếc/tháng.
Đáng chú ý, Thái Lan đang dẫn đầu về xuất khẩu ô tô nguyên chiếc sang Việt Nam trong 8 tháng/2017 với lượng nhập khẩu là 23,84 nghìn chiếc, trị giá đạt 431,85 triệu USD, tăng 12,8% về lượng và tăng 9,9% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Trong đó lượng xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống là 7,25 nghìn chiếc, xe tải là 16,53 nghìn chiếc.
Trong khi đó, Indonesia đứng thứ 2 với 15,54 nghìn chiếc, trị giá hơn 277 triệu USD gấp 8,6 lần về lượng và gấp 12,1 lần về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, loại xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống là 13,32 nghìn chiếc và xe tải là 2,22 nghìn chiếc.
Như vậy, Thái Lan và Indonesia là hai đối tác lớn nhất cung cấp ô tô nguyên chiếc cho Việt Nam, riêng lượng ô tô nhập khẩu từ hai thị trường này đã lên tới hơn 60% tổng lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu của cả nước.
Bên cạnh 2 quốc gia trong khu vực, thị trường lớn thứ 3 xuất khẩu ô tô nguyên chiếc vào Việt Nam trong 8 tháng đầu năm nay là Hàn Quốc với gần 6 nghìn chiếc, trị giá đạt 126,94 triệu USD giảm 53,4% về lượng và giảm 43,8% về trị giá. Trong đó, loại xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống là gần 1,9 nghìn chiếc, xe tải là 3,32 nghìn chiếc và 766 xe ô tô loại khác.
Tiếp theo là các thị trường Ấn độ (5,23 nghìn chiếc); Trung Quốc (gần 5 nghìn chiếc); Nhật Bản (2,41 nghìn chiếc).
Các số liệu thống kê cũng cho thấy, đơn giá nhập khẩu ô tô nguyên chiếc bình quân trong 8 tháng/2017 thấp nhất là từ Ấn Độ chỉ với hơn 5 nghìn USD/chiếc, do xe ô tô nguyên chiếc nhập từ Ấn Độ chủ yếu là loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống (hơn 5 nghìn chiếc, chiếm 96% tổng lượng xe nhập khẩu từ Ấn độ).
Trong khi đó, loại xe nhập khẩu từ Trung Quốc lại chủ yếu là xe tải và xe loại khác nên đơn giá nhập khẩu bình quân từ thị trường này rất cao (hơn 38,3 nghìn USD/chiếc). (Viettimes)
------------------------
Bơ, ổi, chà là... Thái Lan ồ ạt tràn vào Việt Nam
Các tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Thái Lan như Central Group, TCC Group đã mua bán, sáp nhập các chuỗi bán lẻ tại Việt Nam và tiếp tục có kế hoạch mở rộng tại Việt Nam. Đây là điều kiện thuận lợi để DN Thái đưa trực tiếp hàng Thái tới người tiêu dùng Việt
Báo của Vụ Thị trường châu Á-châu Phi Bộ Công Thương cho hay trong 8 tháng đầu năm 2017, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Thái Lan đạt khoảng 9,64 tỉ USD.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Thái Lan đạt khoảng 3,07 tỉ USD, kim ngạch nhập khẩu từ Thái Lan đạt 6,57 tỉ USD. Như vậy Việt Nam nhập siêu từ Thái Lan 3,5 tỉ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2016.
Theo đó, có năm nhóm mặt hàng nhập khẩu lớn nhất từ Thái Lan là rau quả 618 triệu USD, ô tô nguyên chiếc 432 triệu USD, xăng dầu các loại 406 triệu USD…
Riêng rau quả, năm 2016 Việt Nam nhập khẩu 410 triệu USD chiếm 44,3% tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả của Việt Nam từ thế giới, gấp 10 lần kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Thái Lan trong năm 2016.
Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Thái Lan các loại đậu hạt, nấm, sầu riêng, chôm chôm, nhãn, măng cụt, bơ, ổi, chà là, bưởi, cam… Trong khi đó, Thái Lan mới cấp phép cho thanh long, vải và nhãn của Việt Nam vào thị trường Thái Lan.
Các tập đoàn bán lẻ Thái Lan đã mua các chuỗi bán lẻ Việt Nam và tiếp tục mở rộng
Lý giải về vấn đề này, Vụ Thị trường châu Á-châu Phi nguyên nhân Việt Nam nhập siêu từ Thái Lan là do chính phủ Thái Lan dành ngân sách khá lớn cho việc triển khai với quy mô lớn và có hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường Việt Nam.
Hàng năm, có khoảng 12 đến 20 hội chợ hàng Thái được Bộ Thương mại Thái Lan, Hiệp hội DN Thái tổ chức tại Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh, thành Việt Nam.
Đặc biệt Thái Lan đã thiết lập kênh phân phối vững chắc, các tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Thái Lan như Central Group, TCC Group đã mua bán, sáp nhập các chuỗi bán lẻ tại Việt Nam và tiếp tục có kế hoạch mở rộng tại Việt Nam.
Đây là điều kiện thuận lợi để DN Thái đưa trực tiếp hàng Thái tới người tiêu dùng Việt Nam. Do hàng Thái Lan được hưởng ưu đãi thuế theo hiệp định ATIGA…
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng cần phải tìm hiểu toàn diện lý do tại sao Việt Nam lại nhập siêu từ Thái Lan, trong khi đó cũng là các nước trong khu vực ASEAN như Indoneisa, Philippines, hàng Thái không thể thâm nhập sâu rộng như tại thị trường Việt Nam.
"Các bộ ngành cần chủ động, quyết liệt triển khai các biện pháp đã được xác định nhằm thúc đẩy xuất khẩu sang Thái Lan. Khắc phục và giảm dần tình trạng nhập siêu, hướng tới một cán cân thương mại giữa hai nước cân bằng hơn trong thời gian tới", Bộ trưởng nói.(PLO)
----------------------------------