Nhập khẩu rau quả vào Việt Nam tăng 92%; Tháng 11, Habeco sẽ hoàn tất đàm phán bán cổ phần cho Carlsberg; Doanh nghiệp vốn 15 tỷ, Kế toán trưởng “rút ruột” 38 tỷ đồng chơi lô đề; Doanh nghiệp Đức quan tâm điện mặt trời tại Việt Nam
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 18-09-2017
- Cập nhật : 18/09/2017
19.000 tỷ USD tài sản nhà nước đủ sức lấp núi nợ của Trung Quốc
Các nhà nghiên cứu nhà nước Trung Quốc cho rằng nợ chính phủ không quá rủi ro như vẻ bề ngoài.
Theo Bloomberg, nhiều học giả tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS), một viện chính sách chính phủ ở Bắc Kinh, vừa phân tích bảng cân đối của chính phủ trong vài năm và đi đến kết luận rằng mức tài sản nhà nước khủng có thể bù đắp mối đe dọa nợ.
CASS ước tính trong báo cáo mới rằng tài sản của chính phủ Đại lục đạt khoảng 125.400 tỷ nhân dân tệ, tương đương 19.000 tỷ USD, năm 2015, tương đương 1,8 lần GDP. Tài sản nhà nước bao gồm các khoản tài sản cố định như nhà cửa, ô tô, tài nguyên như đất và mỏ dầu, tiền mặt trong tài khoản chính phủ, quỹ an sinh xã hội và các tổ chức tài chính.
Dù vậy, các loại tài sản trên sẽ không được thanh khoản dễ dàng trong trường hợp khủng hoảng. Các nhà nghiên cứu cũng cảnh báo về nguy cơ tiềm ẩn khi trích dẫn khoản nợ tiềm ẩn hay các khoản nợ có khoản bảo đảm nhà nước ngầm. Trong số này có nợ công ty đường sắt nhà nước, nợ của chính quyền địa phương, nợ xấu của các tổ chức tài chính quốc doanh, nợ nước ngoài tiềm ẩn và trái phiếu được các tổ chức bán chính phủ, chẳng hạn như ngân hàng chính sách, phát hành.
Giới nghiên cứu viết: “Chính phủ Trung Quốc đang sử dụng nhiều nguồn lực sẵn có, có khả năng hồi phục và sự linh hoạt tốt để chống lại rủi ro”. Các chuyên gia ước tính tỷ lệ tài sản ròng của chính phủ so với GDP lớn hơn 80%, tạo bộ đệm lớn chống lại bất ổn tài chính.
Khẳng định của giới chuyên gia đến đúng thời điểm Đại hội Đảng lần thứ 19 của Trung Quốc sắp diễn ra vào tháng 10. Đây là sự kiện cải tổ đội ngũ lãnh đạo hai lần mỗi thập niên, diễn ra vài tháng sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và dàn quan chức hàng đầu cam kết làm tất cả để kiểm soát rủi ro tài chính.(Thanhnien)
---------------------------------
Ngân hàng ráo riết thu giữ tài sản để siết nợ
Các nhà băng đã tiến hành thu giữ nhiều tài sản đảm bảo của khách vay, sau khi VAMC khai màn bằng việc 'siết' cao ốc Sài Gòn One Tower.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) vừa cho biết vào ngày 21/9 sẽ tiến hành thu giữ tài sản đảm bảo là Trạm biến áp tại Hải Phòng thuộc tài sản của Công ty Sửa chữa tàu biển Vinalines Đông Đô. Lý do là công ty này đã vi phạm nghĩa vụ trả nợ theo các hợp đồng tín dụng đã ký kết với Agribank.
Trước đó, mở đầu cho "làn sóng" thu giữ tài sản để xử lý nợ theo Nghị quyết 42 phải kể đến động thái của VAMC thu giữ dự án cao ốc Sài Gòn M&C trên đường Tôn Đức Thắng, quận 1, TP HCM vào cuối tháng 8.
Ngân hàng Nhà nước cho biết trước khi thu giữ dự án cao ốc này, VAMC đã ký hợp đồng mua nợ với một số ngân hàng đối với khoản nợ của Công ty Sài Gòn One Tower, Công ty Liên Phát, Công ty Minh Quân, Công ty Superdeck M&C với tổng dư nợ (gốc và lãi) trên 7.000 tỷ đồng mà các công ty này đã vay từ nhiều nhà băng để đầu tư vào dự án.
Tương tự, Techcombank cũng đã thu giữ tài sản đảm bảo của 11 khách hàng là các tổ chức và cá nhân do vi phạm nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký, thời gian thu giữ trong tháng 9. Tính chung kể từ cuối tháng 8 đến nay, Techcombank thông báo thu giữ 32 tài sản đảm bảo là bất động sản và xe của cá nhân và tổ chức.
Nhìn nhận diễn biến này, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, dự kiến trong thời gian tới việc xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi các khoản nợ xấu sẽ nhanh chóng hơn nhờ việc cho phép ngân hàng được thu giữ tài sản đảm bảo mà không cần phải qua tòa án.
"Nhờ đó, nó sẽ tạo ra sự thuận lợi cho ngân hàng để họ có thể nhanh chóng thu hồi lại nợ và giải quyết vấn đề nợ xấu", ông nói.
Theo tinh thần của Nghị quyết 42, Thống đốc Lê Minh Hưng từng đưa ra nhận định, nếu Nghị quyết được triển khai tốt trong thực tiễn sẽ tạo cơ chế xử lý đồng bộ, hiệu quả, khả thi để xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu, qua đó góp phần khơi thông nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế đất nước.
Tuy nhiên, hiện mới chỉ qua một tháng triển khai nên Tiến sĩ Hiếu cho rằng còn quá sớm để đánh giá những tác động tích cực và tiêu cực. Nhưng theo ông, do mới áp dụng và trong tâm thế "vừa làm vừa dò xét" nên chắc chắn trong quá trình thực hiện sẽ vướng nhiều vấn đề như chủ nợ chống đối, bất hợp tác... Nhất là việc thu giữ tài sản là nhà ở duy nhất của cá nhân vay nợ.
"Liệu có thể thu giữ chỗ ở duy nhất của họ, đuổi họ ra đường? Hiến pháp đã quy định về quyền có chỗ ở của công dân, cũng như Hiến chương Liên hợp quốc đã quy định về quyền có chỗ ở của trẻ em. Do đó, những trường hợp trên dù ngân hàng có muốn cũng khó thu hồi tài sản", ông nói.
Tiến sĩ Hiếu phân tích thêm, nếu như bên Mỹ thì người dân có quyền kiện lại ngân hàng với lý do đây là nơi sinh sống duy nhất của họ. Khi tòa tuyên bố cho phép phá sản cá nhân (Việt Nam chưa cho điều này) thì lúc đó cá nhân yêu cầu tòa mở thủ tục phá sản cho họ. Khi đã cho phá sản, tòa có thể cho cá nhân đó giữ lại một nơi sinh sống, hoặc là một chiếc xe làm phương tiện sống...
"Vì mới bước đầu triển khai, các ngân hàng và cơ quan quản lý cần thực hiện chặt chẽ và phải có giải pháp xử lý dung hoà quyền lợi giữa ngân hàng với người bị thu giữ tài sản, tránh để xảy ra tình trạng đòi nợ theo kiểu xã hội đen", ông nhìn nhận.
Hiện nay, không chỉ tiến hành thu giữ, các ngân hàng cũng đang ráo riết đẩy mạnh việc đấu giá bán tài sản để thu hồi nợ. Ngày 14/9, Ngân hàng Quốc Dân (NCB) tiến hành bán đấu giá tài sản thế chấp là lô đất 2.100 m2 tại khu phố Hòa Lân 1, phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương với giá khởi điểm hơn 11,6 tỷ đồng.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) dự kiến ngày 19/9 sẽ tổ chức bán đấu giá toàn bộ tài sản và quyền sử dụng đất của dự án V-Ikon với mức khởi điểm 319,5 tỷ đồng. Dự án này được xây dựng trên khu đất 1.106 m2, quy mô 4 tầng hầm và 26 tầng cao, tọa lạc trên đường Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, TP HCM do Công ty Việt Thuận Thành làm chủ đầu tư.
Hay như dự án cao ốc đình đám Sài Gòn M&C, lãnh đạo của VAMC cho biết, các công ty trên đã đồng ý cho bán đấu giá dự án để thu hồi nợ. VAMC đang thành lập hội đồng thẩm định để định giá, xác định giá khởi điểm nhằm tiến hành bán đấu giá công khai dự án này trong thời gian tới. (Vnexpress)
------------------------------
TP.HCM: Điều chỉnh quy hoạch tổng thể Khu đô thị Tây Bắc thành phố
UBND TP.HCM đã giao Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng Khu đô thị Tây Bắc thực hiện công tác điều chỉnh quy hoạch tổng thể Khu đô thị Tây Bắc thành phố và chuẩn bị tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch.
UBND Thành phố chấp thuận điều chỉnh cục bộ các đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 thuộc Khu đô thị Tây Bắc, nhằm tạo điều kiện cho người dân ổn định cuộc sống, đồng thời đảm bảo định hướng quy hoạch cải tạo chỉnh trang khu vực dân cư hiện hữu, hài hòa với khu vực phát triển đô thị mới.
Trung tâm Thông tin Quy hoạch sẽ tiếp tục nghiên cứu nhiệm vụ và đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 Khu đô thị Tây Bắc; phối hợp với các sở, ngành liên quan lập hồ sơ điều chỉnh cục bộ các đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu này, đồng thời nghiên cứu xây dựng quy định quản lý theo đồ án để quản lý đất đai, xây dựng trong phạm vi ranh khu dân cư hiện hữu chỉnh trang.
Sở Tài nguyên và Môi trường được giao phối hợp với Sở Xây dựng tiếp tục tham mưu cơ chế, chính sách về đất đai, xây dựng; đảm bảo đầy đủ quyền lợi chính đáng cho người dân trong khu dân cư hiện hữu cải tạo chỉnh trang và các khu vực khác trong khi chờ thực hiện quy hoạch Khu đô thị Tây Bắc.(Bizlive)
-----------------------------
Ông trùm xe máy một thời xin xoá nợ hơn 11 tỷ đồng tiền phạt chậm nộp thuế
Công ty TNHH Đức Phương (Nam Định) - một trong những doanh nghiệp trong nước sản xuất xe máy với sản lượng lớn có ông chủ Vũ Đình Ngọc hay thường gọi là Ngọc "kem", vừa có công văn đề nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan xoá số tiền phạt chậm nộp là hơn 11 tỷ đồng cho doanh nghiệp.
Được biết, số tiền trên là tiền phạt chậm nộp của Công ty tại Cục Hải quan các địa phương gồm Hà Nam Ninh, Lạng Sơn, Quảng Trị và TP.HCM kể từ năm 2000.
Cụ thể, tại Cục Hải quan Hà Nam Ninh, Công ty bị phạt chậm nộp thuế số tiền là 3,08 tỷ đồng cho 7 tờ khai linh kiện xe máy nhập khẩu từ năm 2000.
Tới năm 2002 và 2003, Công ty lại có số tiền phạt chậm nộp là 2,94 tỷ đồng. Tới năm 2004 - 2005, vẫn tại Cục Hải quan Hà Nam Ninh, Công ty lại bị phạt chậm nộp thuế số tiền là 1,274 tỷ đồng và năm 2008 - 2009 lại bị phạt chậm nộp thuế với số tiền 1,147 tỷ đồng.
Tại Cục Hải quan TP.HCM, Công ty cũng bị phạt số tiền chậm nộp thuế năm 2000-2001 là 1,527 tỷ đồng. Với Cục Hải quan Lạng Sơn, Công ty có số tiền phạt chậm nộp thuế là 170 triệu đồng.
Trong thư gửi các cơ quan hữu trách mới đây, Công ty TNHH Đức Phương cho hay, dù đang còn thua lỗ, nhưng hiện tại không còn nợ thuế quá hạn tại tất cả các cơ quan hải quan trong toàn quốc, ngoài nợ tiền phạt chậm nộp thuế như nói trên. Bởi vậy, doanh nghiệp đã đề nghị cho được xoá nợ tiền phạt chậm nộp thuế như trên nhằm giúp Công ty được hoạt động nhập khẩu bình thường, tiếp tục tồn tại và đảm bảo đời sống cho người lao động. (Baodautu)