NMDC sắp được chính phủ Ấn Độ cho phép mua cổ phần Masan Resources; Việt Nam và EU nỗ lực sớm phê chuẩn EVFTA; PVN bác thông tin bán rẻ dầu thô cho Trung Quốc; 1 bài phát biểu ở phố Wall, ông Obama nhận thù lao bằng 1 năm lương Tổng thống
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 19-09-2017
- Cập nhật : 19/09/2017
TP HCM dự kiến thu phí ôtô vào nội đô từ năm 2020
Trong đề án thu phí ôtô vào trung tâm Sài Gòn, 36 cổng thu phí được xây trong vành đai khép kín, áp dụng công nghệ thu phí hiện đại.
Công ty CP Công nghệ Tiên Phong (ITD) vừa báo cáo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM đề án thu phí ôtô vào trung tâm, sau khi đã hoàn thiện, chỉnh sửa đề án cũ trình UBND thành phố từ năm 2012.
So với trước, đề án lần này có nhiều nghiên cứu bổ sung trong việc áp dụng công nghệ và mở rộng địa bàn thu phí. Đơn vị lập đề án đề xuất phương án lắp trạm thu phí theo hai giai đoạn.
Giai đoạn đầu triển khai năm 2019 - xây dựng 36 cổng thu phí không dừng trên một vành đai khép kín khu vực trung tâm TP HCM. Trung tâm điều hành sẽ kết nối các cổng, xử lý thông tin và quản lý các hoạt động thu phí của hệ thống.
Giai đoạn hai sẽ xây bổ sung 3 cổng trên các tuyến ùn tắc ở khu vực Tân Sơn Nhất như Trường Sơn, Trường Chinh, Cộng Hòa - khi thành phố đã có phương tiện vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn như tuyến metro số 1, xe buýt nhanh...
Theo Công ty ITD, hiện có đến 60-70% ôtô "mượn" đường Trường Sơn chứ không đi vào sân bay Tân Sơn Nhất nên đề án bổ sung trạm thu phí ở đầu đường này, thu tiền trước. Nếu xe nào vào sân bay thì khi ra cổng kiểm soát sẽ được hoàn tiền, góp phần hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông khu vực sân bay.
Về thu phí, đơn vị lập đề án xây dựng ba kịch bản để xác định mức phí phù hợp trong thời gian từ 6h đến 17h là 30.000-50.000 đồng tùy loại xe; kiến nghị giảm phí cho taxi và người dân sống trong khu vực trung tâm.
Khu vực thu phí được ITD đề xuất trước đây (bên trong đường màu đỏ).
Thêm điểm mới trong đề án lần này là chủ đầu tư sẽ sử dụng công nghệ nhận diện vô tuyến (RFID) kết hợp tự động nhận dạng biển số (ANPR). Cách này được cho là đảm bảo khả năng thu phí đa làn không dừng với công suất 1.800 ôtô mỗi giờ trên một làn, thay vì sử dụng thiết bị OBU như lần nghiên cứu trước.
Tuy nhiên, tổng mức đầu tư được điều chỉnh lên 1.660 tỷ đồng (giai đoạn đầu nghiên cứu là 1.200 tỷ đồng).
Dù đã đề xuất những phương án khá cụ thể, song vẫn còn nhiều ý kiến của các cơ quan chức năng chưa thực sự đồng thuận và đặt ra nghi vấn: dự án thu phí ôtô vào nội đô có phát sinh phí chồng phí? có chắc chắn giảm được ùn tắc ở trung tâm? tên gọi của loại phí này như thế nào để người dân hiểu và đồng thuận? nhà đầu tư đưa ra mức phí 30.000-50.000 đồng mỗi lượt dựa vào cơ sở nào?...
Trong buổi làm việc về đề án, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM Bùi Xuân Cường nói rằng, đây là đề án "thu phí chống ùn tắc vào nội đô thành phố" chứ không phải thu phí bảo trì đường bộ, mục tiêu dự án không phải để kinh doanh thu tiền người dân mà nhằm giảm ùn tắc giao thông.
Do đó, khi triển khai đề án, người dân "cần chấp nhận luật chơi", cân nhắc trước khi dùng phương tiện nào vào trung tâm.
"Về mặt pháp lý, việc thu phí chống ùn tắc chưa có trong quy định. Tuy nhiên, thành phố đã kiến nghị Trung ương cho phép áp dụng quy chế đặc thù vào việc thu phí này, tiền thu được sẽ do thành phố quản lý", ông Cường cho biết.
Giám đốc Sở GTVT cũng đề nghị nhà đầu tư tiếp nhận góp ý của các sở ngành để làm rõ những vấn đề còn chưa thống nhất. Sau đó, gửi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP HCM xem xét mới có cơ sở lập dự án khả thi. "Tiến độ lạc quan của đề án có thể đến năm 2020 sẽ triển khai để đồng bộ với tuyến metro số 1", ông Cường cho hay.
Kẹt xe tại Sài Gòn ngày càng nghiêm trọng. Ảnh: Duy Trần
.
Hồi năm 2010 UBND TP HCM chấp thuận đề xuất của ITD về dự án tổ chức thu phí ôtô vào khu trung tâm. Hai năm sau đề án chính thức được trình UBND TP HCM nhưng sau đó bị ngưng.
Trong đề án lúc đó, 34 cổng thu phí tự động sẽ được xây xung quanh khu vực hạn chế trên các tuyến đường bao quanh quận 1, 3 và vùng giáp ranh với quận 5, 10; bao gồm: đường 3/2, Lê Hồng Phong, Lý Thái Tổ, Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Kiệt, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Phúc Nguyên (giao với đường CMT8) và tuyến đường Hoàng Sa dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Mức phí được đề xuất là 30.000 đồng một lượt đối với xe du lịch, 50.000 đồng với các loại xe còn lại và sẽ điều chỉnh tùy vào giờ cao điểm hay thấp điểm. Việc thu phí sẽ được thực hiện từ 6h đến 20h hàng ngày, trong hai năm sẽ có thể hoàn vốn đầu tư.
Đến cuối năm 2016, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong yêu cầu Sở GTVT phối hợp với đơn vị đề xuất chỉnh sửa, hoàn thiện đề án và xem đây như một trong những giải pháp giảm ùn tắc giao thông ở trung tâm.
Theo đơn vị đề xuất, xe máy là phương tiện đi lại chính của người dân thành phố với hơn 80%, nên các giải pháp hạn chế xe và thu phí xe máy trong thời điểm này là rất khó khả thi. Vì vậy, dự án thu phí ôtô vào trung tâm thành phố theo mô hình của Singapore là hoàn toàn hợp lý.(Vnexpress)
----------------------------
Việt Nam không xuất khẩu mọi loại cát ra nước ngoài
Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã gửi công văn tới Bộ Xây dựng về việc nghiên cứu việc ngừng xuất khẩu cát vĩnh viễn của Campuchia và ảnh hưởng tới thị trường vật liệu xây dựng Việt Nam.
Ngày 13/7/2017, báo Tuổi trẻ online đăng bài "Campuchia cấm xuất khẩu cát vĩnh viễn" vì lý do ảnh hưởng tới môi trường. Hãng tin BBC dẫn lời ông Meng Saktheara, người phát ngôn của Bộ Khoáng sản và năng lượng Campuchia: "Lo ngại của những tổ chức môi trường là đúng bởi nguy cơ (khi khai thác cát) là rất lớn, vì vậy bộ quyết định cấm xuất khẩu cát và nạo cát diện rộng".
Trước tình hình trên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Xây dựng nghiên cứu việc ngừng xuất khẩu cát vĩnh viễn của Campuchia và ảnh hưởng tới thị trường vật liệu xây dựng Việt Nam đồng thời có giải pháp phù hợp để hướng dẫn các địa phương chủ động ổn định thị trường vật liệu xây dựng trên địa bàn. Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương không xuất khẩu mọi loại cát ra nước ngoài.(NDH)
--------------------------
Vụ bán dầu thô giá rẻ sang Trung Quốc: PVN lên tiếng
Trong 8 tháng đầu năm nay, khách hàng Trung Quốc đã tham gia trực tiếp mua dầu thô từ Việt Nam với tổng khối lượng mua khoảng 1,78 triệu tấn- chiếm khoảng 20% tổng sản lượng dầu thô Việt Nam sản xuất và khoảng 35% tổng sản lượng dầu thô Việt Nam xuất khẩu.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vừa phát đi thông tin liên quan đến hoạt động xuất khẩu dầu thô sang Trung Quốc.
Tập đoàn này cho hay đến hết tháng 8-2017, tổng số lượng dầu thô được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đối tác là chủ mỏ dầu xuất bán -thông qua đơn vị đại lý, ủy thác bán dầu là Tổng Công ty Dầu Việt Nam - PVOIL là 8,81 triệu tấn với doanh thu đạt khoảng 3,597 tỉ USD.
Trong đó xuất khẩu là 4,976 triệu tấn (đạt 2,004 tỉ USD) và bán cho các khách hàng trong nước là 3,836 triệu tấn (đạt 1,59 tỉ USD). Giá xuất khẩu dầu thô Việt Nam trung bình cho cả giai đoạn 8 tháng năm 2017 là 402,41 USD/tấn.
PVN cũng khẳng định, dầu thô Việt Nam hiện được xuất bán đi tiêu thụ tại nhiều nước trên thế giới như Nhật, Hoa Kỳ, Singapore, Úc…và Trung Quốc.
Dầu thô Việt Nam được xuất bán đến thị trường Trung Quốc bao gồm một phần từ khách hàng Trung Quốc tham gia đấu thầu mua trực tiếp, một phần do các công ty kinh doanh dầu thô quốc tế mua dầu thô của Việt Nam rồi bán lại vào thị trường Trung Quốc.
Trong 8 tháng đầu năm 2017, khách hàng Trung Quốc (là công ty Dầu Unipec) đã tham gia trực tiếp mua dầu thô từ Việt Nam với tổng khối lượng mua khoảng 1,78 triệu tấn- chiếm khoảng 20% tổng sản lượng dầu thô Việt Nam sản xuất và khoảng 35% tổng sản lượng dầu thô Việt Nam xuất khẩu- có tổng giá trị đạt 733 triệu USD.
Giá trung bình xuất khẩu cho khách hàng Trung Quốc mua trực tiếp là 412 USD/tấn, cao hơn so với giá trung bình dầu thô Việt Nam xuất khẩu khoảng 9,59 USD/tấn.
Tính chung giá dầu thô Việt Nam xuất bán vào thị trường Trung Quốc do khách hàng Trung Quốc mua trực tiếp hoặc mua lại thông qua các công ty kinh doanh dầu thô quốc tế bán lại có giá trung bình 405,31 USD/tấn -cao hơn so với giá dầu thô trung bình được Việt Nam xuất khẩu khoảng 2,9 USD/tấn.
Hoạt động chứa và vận chuyển dầu thô trên biển- Nguồn: PVN
Trước đó, một số thông tin cho rằng, trung bình giá xuất khẩu dầu thô của Việt Nam sang thị trường các nước 8 tháng đầu năm 2017 vào khoảng 408 USD/tấn (tương đương 9,3 triệu đồng), nhưng giá bán dầu thô Việt Nam sang Trung Quốc chỉ đạt mức 400 USD/tấn (tương đương 9,1 triệu đồng). Như vậy với 1,7 triệu tấn dầu thô được Trung Quốc mua, Việt Nam mất hơn 340 tỷ đồng.(PLO)
-------------------------------
Trung Quốc chi 300 triệu USD nhập thịt nhân tạo
Chính phủ Trung Quốc vừa ký kết thỏa thuận trị giá 300 triệu USD (6.800 tỉ đồng) để mua thịt được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm của Israel.
Tờ The Independent dẫn lời ông Lý Tuấn Phong, Tổng giám đốc Trung tâm quốc gia về chiến lược biến đổi khí hậu và hợp tác quốc tế của Trung Quốc, cho hay thỏa thuận mới sẽ giúp hạn chế đáng kể khí thải từ ngành chăn nuôi.
Thịt nhân tạo xuất hiện lần đầu năm 2009 do các nhà khoa học Hà Lan tổng hợp trong phòng thí nghiệm từ tế bào lợn.
Đến nay, sản phẩm này được xem là hướng đi đầy triển vọng giúp ngăn chặn hàng tỉ con gia súc, gia cầm bị giết mổ hằng năm cũng như hạn chế ô nhiễm từ chăn nuôi truyền thống. Ngoài ra, theo các chuyên gia, động thái mới của Trung Quốc có thể mở ra thị trường công nghệ thịt sạch trị giá hàng tỉ USD.(Thanhnien)