Thống đốc ra thông điệp về chính sách tiền tệ những tháng cuối năm
Chính thức mở lại cho vay ngoại tệ từ 1/6
Cẩn trọng với dịch vụ “cho vay không thế chấp”
Lãi suất vừa giảm vừa… run?
Mong manh lãi suất
Tin kinh tế đọc nhanh 28-05-2016
- Cập nhật : 28/05/2016
Citigroup bị phạt 425 triệu USD do hành vi thao túng lãi suất
Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ (CFTC) ngày 25/5 thông báo phạt tập đoàn ngân hàng Citigroup (Mỹ) tổng cộng 425 triệu USD do hành vi thao túng lãi suất liên ngân hàng trên toàn cầu trong giai đoạn 2007-2012.
Citigroup phải chịu án phạt 175 triệu USD sau khi CFTC xác định rằng chi nhánh của Citigroup tại Nhật Bản đã tìm cách thao túng lãi suất liên ngân hàng Anh (Libor) trong năm 2010.
Theo CFTC, Citigroup cũng bị buộc tội không đưa ra thông tin xác thực vào năm 2008-2009, sau khi ngân hàng này nhận được khoản tài chính trong chương trình “giải cứu” các ngân hàng của Chính phủ Mỹ trong giai đoạn khủng hoảng tài chính.
Libor là lãi suất mà tại đó các ngân hàng có thể vay mượn tiền từ các ngân hàng khác trên thị trường liên ngân hàng London.
Mỗi ngày, Hiệp hội Ngân hàng Anh sẽ thống kê lãi suất vay liên ngân hàng của khoảng 18 ngân hàng được chọn đại diện cho toàn thị trường để tính lãi suất bình quân Libor.
Libor do đó cung cấp một công cụ giúp ước lượng mức lãi suất thực tế sử dụng giữa các ngân hàng.
Libor là chỉ số lãi suất chính và quan trọng nhất của thế giới với khoảng 10.000 tỷ USD các khoản vay cũng như khoảng 350.000 tỷ USD hoạt động phái sinh đang gắn chặt với nó.
Bên cạnh đó, CFTC cũng phạt Citigroup 250 triệu USD do hành vi thao túng ISDAFIX - giá trị tham chiếu phổ biến thường được sử dụng để xác định tỷ lệ hoán đổi lãi suất cố định liên ngân hàng.
Tính chung cả án phạt của Citigroup, CFTC đã quyết định tổng cộng hơn 17 vụ việc liên quan tới dàn xếp lãi suất với tổng giá trị tiền phạt lên tới 5,1 tỷ USD.
G7: Nhất trí về các biện pháp tài chính cho tăng trưởng toàn cầu
Các nhà lãnh đạo của Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) ngày 26/5 đã nhất trí thực hiện linh động các biện pháp tài chính, đồng thời đẩy mạnh cải cách cơ cấu nhằm kích thích tăng trưởng toàn cầu trong bối cảnh suy giảm tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc và các thị trường đang nổi khác.
Sau các cuộc hội đàm về kinh tế trong ngày đầu tiên của Hội nghị Thượng đỉnh G7 kéo dài 2 ngày tại tỉnh Mie, miền Trung Nhật Bản, một quan chức cấp cao của Nhật Bản cho biết các nhà lãnh đạo “đã chia sẻ quan điểm rằng G7 sẽ không chần chừ đưa ra các gói kích thích tài chính nhằm thúc đẩy nhu cầu và đối phó với vấn đề người tỵ nạn, thảm họa và các vấn đề khác mà mỗi quốc gia G7 đối mặt."
Trong khi đó, phát biểu với báo giới, Phó Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hiroshige Seko cho biết quy mô và thời gian tung ra các gói kích thích tài chính “cần được xem xét tùy theo tình hình của mỗi nước.”
Theo ông Hiroshige Seko, các nhà lãnh đạo G7 nhất trí rằng việc các nền kinh tế đang nổi tăng trưởng chậm đã làm gia tăng tình trạng cam go của nền kinh tế toàn cầu, và G7 phải đi đầu trong việc đưa kinh tế toàn cầu đạt tăng trưởng bền vững.
Dự kiến, tại hội nghị, các nhà lãnh đạo G7 sẽ đưa ra cách ứng phó thống nhất trước cuộc khủng hoảng người tị nạn ở Syria, tình hình Ukraine, chương trình phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, cũng như hoạt động trốn thuế từ vụ rò rỉ "Hồ sơ Panama"...
Hội nghị thượng đỉnh G7 lần này diễn ra trong bối cảnh bất ổn ngày càng tăng trong nền kinh tế thế giới vốn đang đương đầu với chủ nghĩa khủng bố, tăng trưởng kinh tế giảm tại Trung Quốc và các nền kinh tế đang nổi khác, tác động của giá dầu giảm đối với các nước sản xuất dầu mỏ, cũng như khả năng Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (EU) sau cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 23/6 tới.
Nhật Bản: CPI giảm tháng thứ 2 liên tiếp, tạo áp lực nới lỏng thêm tiền tệ
Giá tiêu dùng Nhật Bản tiếp tục giảm trong tháng 4, tháng giảm thứ 2 liên tiếp có thể khiến Thống đốc NHTW Nhật Haruhiko Kuroda nới lỏng hơn nữa tiền tệ thông qua chuwong trình mua vào tài sản và chính sách lãi suất âm để thúc đẩy lạm phát.
Theo Cục Thống kê Nhật Bản, chỉ số giá tiêu dung (CPI) không bao gồm thực phẩm tươi sống của Nhật tiếp tục giảm 0,3% trong tháng Tư so với cùng kỳ năm trước, sau khi cũng đã giảm 0,3% trong tháng Ba. Tuy nhiên mức giảm này vẫn thấp hơn so với dự báo của các nhà kinh tế theo khảo sát của Bloomberg là giảm 0,4%.
Nguyên nhân chủ yếu là do giá năng lượng giảm tới 12,6% trong tháng Tư so với một năm trước đó, tước khoảng 1,1 điểm phần trăm của chỉ số chung.
"Lạm phát của Nhật Bản sẽ vẫn còn yếu", ông Takashi Shiono - một nhà kinh tế của Credit Suisse Group tại Tokyo cho biết. "Nếu nhìn vào nền tảng kinh tế và giá cả hiện nay, BOJ phải nới lỏng hơn nữa từ sớm". Takashi Shiono là người đã dự báo chính xác CPI tháng Tư tại Nhật sẽ giảm 0,3%.
Trong khi đó Tsuyoshi Ueno - một nhà kinh tế tại Viện Nghiên cứu NLI, giá tiêu dùng lõi dự báo sẽ giảm từ 0,1% đến 0,5% trong giai đoạn đến tháng 9 trước khi giá dầu tăng làm tăng áp lực lạm phát.
Lạm phát yếu đang tạo áp lực lớn đến NHTW Nhật Bản trong việc nới lỏng hơn nữa tiền tệ sau khi cơ quan này đã khiến thị trường thất vọng khi giữ ổn định chính sách tại cuộc họp tháng Tư.
Được biết tại cuộc họp chính sách tháng trước, NHTW Nhật đã lui lại thời điểm đạt được mức lạm phát mục tiêu 2% trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2018. Đây là lần thứ tư NHTW Nhật phải lui lại thời điểm này.
Thống đốc NHTW Nhật Haruhiko Kuroda đã bắt đầu chương trình nới lỏng tiền tệ chưa từng có vào tháng 4/2013 với một mục tiêu đạt được mục tiêu lạm phát trong khoảng 2 năm. Tuy nhiên, đến nay mục tiêu này vẫn rất xa vời.
Khả năng Fed tăng lãi suất hỗ trợ đồng USD tăng giá
Sau khi tăng mạnh trong năm ngoái, đồng bạc xanh đã quay trở lại xu thế giảm giá trong những tháng đầu năm 2016. Chỉ số ICE đồng USD tương lai - một trong những chỉ báo quan trọng đối với xu hướng của đồng USD - đã giảm xuống mức thấp nhất trong một năm qua vào ngày 2/5 vừa qua.
Tìm lại đà phục hồi
Nhưng một loạt dữ liệu kinh tế tích cực và những nhận định lạc quan của nhiều quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã có tác động đảo chiều đồng bạc xanh, với ghi nhận mức tăng trở lại 3% chỉ trong ba tuần vừa qua.
Theo kế hoạch, bà Chủ tịch Fed Janet Yellen sẽ có bài phát biểu nhận định về nền kinh tế Mỹ vào ngày 27/5 tại Đại học Harvard và theo các nhà phân tích, các quan điểm được bà Yellen đưa ra nếu làm rõ hơn khả năng tăng lãi suất vào phiên họp chính sách tháng 6 tới thì đồng USD sẽ tiếp tục tăng mạnh hơn nữa.
“Đồng USD có thể sẽ tăng lên những mức cao mới trong năm nay" - Ed Yardeni, Giám đốc chiến lược đầu tư thuộc Trung tâm nghiên cứu Yardeni tin tưởng.
Đồng USD đã tăng giá so với Euro, Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc, đồng Peso của Mexico và một số đồng tiền khác trong tháng này. Trong khi trước đó, USD liên tục duy trì xu hướng giảm giá trong bối cảnh giá hàng hóa cơ bản tăng và Fed “hạ nhiệt” những kỳ vọng về tăng lãi suất trong tháng 3 vừa qua.
Một đồng USD mạnh lên không phải là tin tức tốt lành cho các nền kinh tế đang phát triển như Mexico, Thái Lan hay những nền kinh tế khác. Bởi điều có nghĩa là bất kỳ món nợ nào mà họ phải trả bằng USD sẽ phải gánh chi phí đắt đỏ hơn.
Việc đồng USD tăng giá trong 2-3 tuần qua đang phản ánh kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất vào tháng 6. Các dự báo cho thấy vào ngày 13/5, cơ hội Fed tăng lãi suất chỉ là 7,5%. Nhưng con số này đã tăng nhanh chóng lên gấp đôi, rồi gấp ba trong 2 tuần qua khi doanh số bán lẻ của thị trường Mỹ tăng mạnh mẽ, lạm phát cũng nhích lên, trong khi lương tăng và doanh số bán nhà cũng tăng.
Tất cả những diễn biến tích cực đó giúp cho giới chức Fed cảm thấy vững tâm hơn về chuyển biến tích cực của nền kinh tế, nên khả năng tăng lãi suất ngay trong tháng 6 tới cũng được “bỏ ngỏ” hơn.
Chủ tịch Fed San Francisco John Williams nhận định rằng, các dữ liệu kinh tế gần đây đang tạo ra cơ sở tốt cho các lần tăng lãi suất trong các cuộc họp chính sách tới.
Ông John Williams và một số quan chức khác của Fed cho rằng sẽ có 2 hoặc 3 lần tăng lãi suất được đưa ra trong năm nay. Biên bản cuộc họp chính sách của Fed vào tháng 4 và công bố tuần trước cũng đang nghiêng về khả năng tăng lãi suất trong tháng 6/2016.
Trước mắt, thị trường sẽ rất chú ý đến nội dung phát biểu của Yellen tại Đại học Harvard bởi nó có trọng lượng và hàm ý rất nhiều đến những quyết định cuối cùng của Fed về lãi suất cũng như diễn biến tương lai của đồng USD.
Kinh tế Mỹ còn khó khăn
Ở một góc độ khác, một khảo sát hàng năm lần thứ ba vừa được Fed công bố ngày 25/5 lại cho thấy cảm nhận của các hộ gia đình Mỹ về tình hình kinh tế hiện nay rất phân rẽ. Có tới gần một nửa các hộ gia đình người Mỹ được khảo sát cho biết họ sẽ phải vật lộn vất vả để có thể chi trả cho các khoản chi phí khẩn cấp. Trong khi đó, những người có trình độ trung học hoặc thấp hơn cho biết có nhiều khả năng phúc lợi của họ đã giảm sút.
Khảo sát lần này của Fed tập trung vào tình hình tài chính của các hộ gia đình Mỹ. Đây là một vấn đề quan trọng trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống sắp diễn ra. Kết quả khảo sát cho thấy, những người Mỹ có bằng cử nhân hoặc cao hơn đang cảm thẩy ổn với tình hình tài chính và cuộc sống thoải mái hiện nay cũng như ghi nhận sự cải thiện tài chính của họ trong năm qua. Hiện có khoảng 1/3 số người Mỹ trưởng thành có bằng cử nhân hoặc cao hơn.
Trong khi đó, trong số những người có trình độ trung học hoặc thấp hơn, chỉ có 1/5 số người được hỏi cho biết cuộc sống có những cải thiện trong năm và một số lượng tương tự cho biết cuộc sống của họ đang suy giảm.
Đáng chú ý, một số lượng khá lớn cho biết họ đang gặp khó khăn với tình trạng lương không tăng và số việc làm cho tầng lớp trung lưu đang ngày càng ít đi. Đây chính là những yếu tố đã tiếp sức cho các chiến dịch tranh cử Tổng thống của ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump và ứng viên đảng Dân chủ Bernie Sanders trong thời gian vừa qua.
“Mặc dù có những tín hiệu cải thiện về tổng thể nhưng có tới 46% số người được hỏi cho rằng, họ sẽ gặp khó khăn trong đáp ứng một khoản chi tiêu khẩn cấp 400 USD và 22% công nhân cho biết họ đang phải làm 2 công việc hay thậm chí nhiều hơn để đảm bảo cuộc sống” – ông Lael Brainard, thành viên Hội đồng Thống đốc Fed cho biết.
Chỉ có 23% số người được hỏi kỳ vọng thu nhập của họ sẽ cao hơn trong năm nay, thấp hơn mức 29% trong khảo sát năm ngoái. Đặc biệt, các hộ gia đình có thu nhập thấp, gia đình da đen và gốc Tây Ban Nha cho biết họ vẫn phải đối mặt với những thách thức tài chính.
Khảo sát của Fed cũng lưu ý, trong khi tổng thể phúc lợi tài chính của các hộ gia đình Mỹ đã tiếp tục cải thiện thì vẫn còn nhiều gia đình phải vật lộn với tình hình tài chính căng thẳng nếu nền kinh tế tiếp tục gặp khó khăn và đây cần là một mối quan tâm.
Định nghĩa các khó khăn tài chính bao gồm việc mất việc làm, cắt giảm giờ làm việc, tình trạng khẩn cấp về sức khỏe hoặc tịch biên và trục xuất khỏi nhà. Fed cho biết, khảo sát này được tiến hành vào tháng 10 và tháng 11/2015 và nhận được phản hồi từ 5.695 người.(TBNH)
Báo động: Nhân dân tệ đã xuống mức thấp nhất 5 năm
Hãng tin CNN vừa có bài giật tít như vậy, trong đó nhấn mạnh việc các nhà lãnh đạo Trung Quốc tiếp tục lo ngại về nền kinh tế này và các nước khác trên thế giới cũng không thể làm ngơ.
Ngày 25/5, đồng NDT đã giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua sau khi NHTW Trung Quốc giảm giá đồng tiền này thêm 0,3%. Tuy nhiên, động thái này không khiến thị trường thế giới bước vào vòng xoáy đi xuống như trong tháng 8/2015 khi Trung Quốc phá giá đồng tiền gần 2%.
Tuy nhiên, đây vẫn là một động thái đáng cảnh báo. “Liệu sự tái căng thẳng của Trung Quốc lại xuất hiện hay không vẫn là một ẩn số quan trọng" – Nhóm nghiên cứu kinh tế tại Deutsche Bank viết trong một thông báo ngày 25/5.
Dù Trung Quốc tuyên bố, nước này vẫn đang duy trì mức tăng trưởng GDP khoảng 6,5-7%/năm nhưng theo Capital Economics – một trong các tổ chức dự báo độc lập - thì con số thực tế chỉ là 4,2%. Các nhà phân tích cũng tin rằng, động thái mới nhất của Trung Quốc trong điều chỉnh đồng NDT vừa qua là để đón đầu trước khả năng Fed sẽ tăng lãi suất mà theo lý thuyết sẽ khiến đồng bạc xanh còn mạnh lên nữa.
Dường như đang có một cuộc đấu tranh quyền lực mạnh mẽ về những gì cần làm tiếp theo giữa các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc. Liệu kinh tế Trung Quốc có cần phải kích thích chi tiêu hay không? Đây là một câu hỏi lớn tại một thời điểm khi mà thế giới đang dõi xem Fed sẽ hành động như thế nào.
Đang có một cơ hội 50-50 Fed sẽ tăng lãi suất vào tháng 6 hoặc tháng 7 tới. Nhưng trong khi dõi theo Fed, sẽ là thiếu sót nếu bỏ qua các tín hiệu khá không rõ ràng đến từ các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh.
Đầu tư nhà nước đã tăng mạnh đầu năm 2016 tại Trung Quốc, và điều này đã phần nào giúp xóa đi lo ngại nền kinh tế này sẽ “hạ cánh cứng”. Một mặt, các nhà đầu tư toàn cầu kỳ vọng việc Bắc Kinh tăng đầu tư đã giải cứu hàng hóa toàn cầu và giúp giá tăng mạnh.
Nhưng mặt khác, cũng đang có những dấu hiệu Bắc Kinh đang giảm dần đầu tư. “Tôi cho rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang hoang mang. Và có vẻ đó là một cuộc đấu tranh quyền lực đang xảy ra” - nhà kinh tế Ed Yardeni, Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu Yardeni nhận định.
Trong đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dường như đang sẵn sàng để ngăn chặn các gói kích cầu. Các phát biểu mới nhất của ông Tập trên báo chí nhà nước của Trung Quốc cho thấy ông quan tâm nhiều tới việc thúc đẩy cải cách, đặc biệt là đối với khu vực nhà nước cồng kềnh hiện nay.
Ngược lại, các nhà lãnh đạo chủ chốt khác của Trung Quốc như Thủ tướng Lý Khắc Cường lại muốn tập trung vào việc duy trì tốc độ tăng trưởng GDP gần 7%, thể hiện trong bài phát biểu tại Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc vào tháng 3 vừa qua.