Vietnam Airlines chính thức có cổ đông chiến lược ngoại đầu tiên
Giảm 50% thuế thu nhập cá nhân đối với nhân lực công nghệ cao CNTT
Tiềm năng tăng tốc dòng vốn từ Nhật Bản
Quảng Ngãi:Rút ngắn 50% thời gian thực hiện thủ tục đầu tư
FPT ký thỏa thuận hợp tác với hai đối tác Nhật
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 28-05-2016
- Cập nhật : 28/05/2016
Cảnh giác với “bóng ma” lạm phát
Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính trong 10 năm gần đây, thì mức tăng CPI trong tháng 5/2016 ở mức 0,54% là khá cao, chỉ thấp hơn mức tăng 0,8%; 3,91% và 2,21% của tương ứng tháng 5 các năm 2007, 2008, 2011 - là những năm Việt Nam có lạm phát rất cao.
Ngoài những yếu tố khiến CPI tháng 5/2016 cao như tăng giá xăng dầu, giá lương thực nhảy vọt, dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng… , thì nguy cơ vẫn chưa dừng lại ở đó. Liên tiếp từ tháng 2 đến nay, giá dầu thô đã liên tục tăng và có nguy cơ chạm mốc 50 USD/thùng sẽ tác động làm tăng giá hầu hết các vật tư, nguyên liệu.
Trong khi đó, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, “Việt Nam đang phải nhập khẩu khoảng 85% nguyên, nhiên liệu, vật tư, thiết bị cho đầu tư, sản xuất - kinh doanh, thì việc giá dầu thô tăng sẽ đẩy chi phí, giá thành sản xuất tăng lên”.
Chưa dừng lại ở đó, các vấn đề cá chết ở vùng biển các tỉnh miền Trung, hạn hán, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên, tôm chết hàng loạt tại nhiều tỉnh… sẽ khiến thiếu hụt nguồn cung, đẩy giá các mặt hàng nông sản tăng lên… sẽ tiếp tục tác động đến CPI trong những quý tới.
Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, hiện tại giá các mặt hàng nông lâm thủy sản đã tăng lên do thiếu hụt nguồn cung như: Cá tra, tôm giống, gạo… Điều đáng lo ngại là những bất thường về thời tiết, khí hậu vẫn diễn biến phức tạp và tiếp tục gây thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp, là nguyên nhân gây thiếu hụt về nguồn cung tạo tác nhân tác động đẩy CPI tăng lên.
Cảnh báo về điều này, trong kỳ báo cáo Chính phủ tháng 4/2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã nhấn mạnh xu hướng lạm phát đang có “dấu hiệu tăng lên” và có khả năng vượt qua mục tiêu 5% mà Chính phủ và Quốc hội đề ra. “Nhiều yếu tố cả đầu vào và tổng cầu sẽ gây áp lực tăng giá trong thời gian tới”, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phân tích như vậy. Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và đầu tư, tháng trước, lạm phát mới chỉ là 1,33%, còn tháng này thì đã tăng lên 1,88%, và con số này có khả năng sẽ cao hơn ở các tháng tiếp theo.
Chỉ số IIP tăng trở lại trong tháng 5, sản xuất điện tăng mạnh
Số liệu thống kê cho thấy chỉ số IIP trong tháng này tăng 2,4% so với tháng trước, trong đó chỉ số IIP của ngành khai khoáng tăng 0,9%, ngành chế biến chế tạo tăng 2,3%, ngành sản xuất và phân phối điện tăng tới 7,6%, và ngành cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 2,4%.
So với cùng kỳ năm trước, chỉ số IIP tăng 7,8%, trong đó các ngành chế biến chế tạo và sản xuất điện tăng trên 11%, ngành cung cấp nước và xử lý rác thải tăng trên 7%, riêng ngành khai khoáng giảm 4,4%.
Trong ngành khai khoáng, hoạt động khai thác dầu thô giảm 9,2% so với cùng kỳ, hoạt động khai thác đá, cát, sỏi, đất sét giảm 1,1%.
Tính chung 5 tháng đầu năm, chỉ số IIP cũng tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong ngành công nghiệp chế biến và chế tạo, báo cáo cho thấy chỉ số tiêu thụ tháng 4/2016 giảm 1,2% so với tháng trước đó nhưng tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm ngày 1/5/2016 tăng 4,8% so với tháng trước và tăng 8,7% cùng thời điểm năm 2015.
Ngân hàng thoái vốn nước rút
Theo lộ trình, cácngân hàngthương mại nắm tỷ lệ sở hữu cổ phần tại hơn 2 tổ chức tín dụng khác phải tính đến việc thoái vốn trong 1 năm kể từ khi Thông tư 36/2014/TT-NHNN có hiệu lực (ngày 1/2/2015). Tuy nhiên, đến nay, các ngân hàng vẫn chưa hiện được quy định này, vì thế, thời điểm này, cuộc đua thoái vốn bắt đầu “nóng” dần.
Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) vừa có công văn gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (Hose) thông báo về việc thoái vốn cổ phầnđầu tưtại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (Saigonbank) thông quađấu giá.
Nhiều ngân hàng chưa thực hiện được quy định về giảm sở hữu chéo tại tổ chức tín dụng theo Thông tư 36/2014/TT-NHNN.
Theo đó, tại Văn bản số 6336/TGĐ-NHCT44, VietinBank cho biết, sẽ chào bán đấu giá 16,875 triệu cổ phần, tương ứng 5,48% vốn điều lệ Saigonbank để giảm tỷ lệ sở hữu từ 10,39% xuống 4,91% (15,122 triệu cổ phần). VietinBank lý giải quyết định của mình là để đảm bảo tuân thủ quy định tại Thông tư số 36/2014/TT-NHNN về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Ngoài VietinBank, Saigonbank còn có nhiều cổ đông là các ngân hàng thương mại buộc phải thoái vốn theo quy định trên. Trong đó, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) là một trong những cổ đông lớn của Saigonbank, với tỷ lệ nắm giữ 4,37%.
Vietcombank đứng đầu danh sách các ngân hàng đang nắm giữ cổ phần tại ngân hàng khác trên 5% khi vẫn nắm quyền chi phối tại 4 tổ chức tín dụng khác và 1 công tytài chính. Cụ thể, Vietcombank đang nắm hơn 7,16% vốn tại Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBB); 8,19% cổ phần Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank); 5,07% vốn tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), 4,37% vốn tại Saigonbank và 10,91% vốn tại Công ty Tài chính cổ phần Xi măng.
Vì thế, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016 của Vietcombank vừa diễn ra trong tháng 4/2016, câu chuyện thoái vốn theo quy định của Thông tư 36/2014/TT-NHNN đã được các cổ đông của Ngân hàng chất vấn HĐQT khá nhiều về thời gian cũng như lộ trình thoái vốn, về việc sẽ “buông” ngân hàng nào và giữ ngân hàng nào.
Chủ tịch Vietcombank, ông Nghiêm Xuân Thành cho biết, trước mắt, Ngân hàng Nhà nước cho phép Ngân hàng giữ nguyên tỷ lệ này tại MBB, do ngân hàng này hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, Vietcombank cũng sẽ xem xét để chỉ giữ lại cổ phần ở 2 tổ chức tín dụng khác, nhưng tùy vào diễn biến của thị trường, giá cổ phiếu và kế hoạch kinh doanh của mỗi ngân hàng.
Trong số 4 tổ chức tín dụng mà Vietcombank đang nắm giữ cổ phần, Vietcombank từng có ý định sẽ sáp nhập thêm Saigonbank. Tuy nhiên, kế hoạch này bất thành và tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015, HĐQT Saigonbank đã không trình cổ đông vấn đề sáp nhập với Vietcombank, do cổ đông lớn của Saigonbank là Thành ủy (UBND TP.HCM) chưa có ý định sáp nhập.
Hiện nay, Saigonbank đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho tăng vốn từ hơn 3.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng. Nếu kế hoạch này thành công, khả năng Vietcombank và một số cổ đông lớn khác của Saigonbank như VietinBank sẽ thoát án “vượt rào” sở hữu tại tổ chức tài chính khác.
Mặc dù đã nỗ lực lớn trong năm qua, nhưng một số ngân hàng cũng chưa tuân thủ được quy định nói trên tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN. Eximbank cũng cho biết, chưa thoái được khoản vốn đầu tư hơn 8% tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) theo quy định và sẽ tiến hành thực hiện khi điều kiện thị trường cho phép.
TS Nguyễn Văn Thuận, Trưởng Khoa tài chính, Ngân hàng (Trường đại học Mở TP.HCM) cho rằng, các ngân hàng cũng muốn thoái vốn để đáp ứng quy định của Thông tư 36/2014/TT-NHNN, nhưng chưa thể làm được, do thị trường còn khó khăn, giá cổ phiếu ngân hàng giảm dưới mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, hoạt động ngân hàng còn phải đối mặt với 2 vấn đề là nợ xấu và áp lực từ các đợt thoái vốn của công ty nhà nước đầu tư ngoài ngành.
3 ngân hàng Việt lọt Top 2.000 công ty lớn nhất thế giới của Forbes
Tạp chí Forbes vừa công bố danh sách 2.000 công ty niêm yết lớn nhất thế giới năm 2016. Bảng xếp hạng này được đưa ra dựa trên các tiêu chí như doanh thu, tài sản, lợi nhuận và giá trị thị trường.
Theo thống kê của Forbes, Global 2000 năm nay có sự góp mặt của các công ty đến từ 63 quốc gia với tổng doanh thu 35.000 tỷ USD, lợi nhuận 2.400 tỷ USD, 162.000 tỷ USD tài sản và thị giá 44.000 tỷ USD.
Việt Nam có 3 đại diện lọt vào danh sách này là Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).
Cụ thể, BIDV xếp thứ 1.691 với doanh thu 2,6 tỷ USD và giá trị thị trường đạt 2,6 tỷ USD. Tiếp theo là Vietinbank, đứng thứ 1.808 với doanh thu 2,3 tỷ USD và thị giá 2,8 tỷ USD. Trong khi đó, với doanh thu 1,8 tỷ USD và thị giá 5,5 tỷ USD, Vietcombank xếp ở vị trí 1.843.
Đứng đầu bảng xếp hạng năm nay là ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC). Trong số 2.000 công ty, ngân hàng này được xếp số 1 về quy mô tài sản, số 2 về lợi nhuận, đứng thứ 13 về doanh thu và thứ 25 về giá trị thị trường.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng có 3 đại diện khác nằm trong Top 10 là Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB), Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC) và Bank of China.
Tập đoàn Berkshire Hathaway của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett và hãng công nghệ nổi tiếng Apple lần lượt đứng ở vị trí số 4 và 8 trong Top 10.
Liên Danh Lotte và các đối tác Nhật được chỉ định đầu tư dự án 2,2 tỷ USD tại Thủ Thiêm
Sau 7 năm đeo đuổi, Liên danh Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) và các Công ty Nhật Bản vừa được UBND TP.HCM vừa chính thức chấp thuận chỉ định thực hiện dự án Khu phức hợp thông minh (Eco Smart City) tại Khu chức năng số 2a trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Liên danh Tập đoàn Lotte, gồm 4 công ty con: Lotte Asset Development Co., Ltd.; Lotte Shopping Co., Ltd.; Hotel Lotte Co., Ltd. và Lotte Engineering & Construction Co., Ltd. với 3 công ty là Mitsubishi Corporation; Mitsubishi Estate Co., Ltd. và Toshiba Corporation.
Eco Smart City là Khu trung tâm tài chính thương mại dịch vụ tổng hợp và dân cư đa chức năng, trong đó chức năng tài chính thương mại dịch vụ tổng hợp đóng vai trò rất quan trọng trong Khu Lõi trung tâm của Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Tổng số vốn đầu tư mà liên doanh Lotte rót vào khoảng 2,2 tỷ USD. Đề án có diện tích khoảng 16,71 hecta không bao gồm Đại lộ Vòng Cung, đường ven Hồ trung tâm và đường ven sông Sài Gòn.
Trong đó, diện tích đất phát triển dự án khoảng 12,55 ha bao gồm 12 lô đất được quy hoạch xây dựng các cao ốc để hình thành trung tâm tài chính - ngân hàng quốc tế, khách sạn, thương mại, dịch vụ, dân cư đa chức năng và công trình giáo dục. Quy mô dân số của dự án khoảng gần 12 ngàn người và số người làm việc khoảng 40 ngàn người.
Trước đó, vào tháng 8/2015, Tập đoàn Lotte đã chấp nhận ký quỹ và đóng khoảng 2.000 tỷ đồng tiền sử dụng đất để được giao trước 6 lô đất trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.