EU cảnh báo nâng thuế đối với thép Trung Quốc
Lô hàng cá da trơn của 2 doanh nghiệp Việt Nam bị nhiễm hóa chất
Goldman Sachs cảnh báo tình trạng thặng dư quặng sắt
Hyundai N sẽ sớm cạnh tranh với BMW M và Mercedes AMG
EIA công bố dự báo triển vọng thị trường khí thiên nhiên thế giới
Tin kinh tế đọc nhanh 30-05-2016
- Cập nhật : 30/05/2016
Chủ tịch FED: Hoàn toàn có thể tăng lãi suất trong vài tháng tới
Khi được hỏi về chính sách thay đổi lãi suất của FED tại cuộc nói chuyện tại một trường đại học, bà Yellen cho biết FED sẽ tăng lãi suất một cách từ từ và thận trọng. Nếu trong điều kiện thích hợp, lãi suất có thể tăng trong những tháng tới.
Bà Yellen cũng cảnh báo rằng nếu thực hiện tăng lãi suất quá nhanh, sự giảm tốc là không thể tránh khỏi đối với nền kinh tế Mỹ nói riêng và toàn cầu nói chung.
Nhận định này của vị Chủ tịch FED được đưa ra khi các cộng sự của bà đang kêu gọi việc sớm tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 6 tới. Cá nhân bà Yellen đang tỏ ra lo ngại về vấn đề lãi suất trong năm nay bởi lạm phát tại Mỹ hiện vẫn đang dưới mức mục tiêu 2% và những rủi ro toàn cầu vẫn chưa được dập tắt.
Sau quý I/2016 tăng trưởng chậm chạp, bà Yellen cho biết nền kinh tế Mỹ vẫn đang tiếp tục cải thiện. Giá dầu và đồng USD đang gần ổn định và điều này giúp đẩy mục tiêu lạm phát tới gần FED hơn.
CME Group cho biết, sau phát biểu của bà Yellen, khả năng Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) quyết định tăng lãi suất trong cuộc họp ngày 14-15/6 đã tăng từ 28% lên 34%. Bên cạnh đó, khả năng tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 7 cũng tăng từ 57% lên 62%.
Biên bản cuộc họp tháng 4 vừa được công bố tháng này cho thấy các nhà hoạch định chính sách của FED đều ủng hộ việc tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 6 nếu các số liệu kinh tế được cải thiện như dự báo.
Trong thời gian gần đây, các thành viên của FOMC – những người trực tiếp bỏ phiếu quyết định về vấn đề thay đổi lãi suất – đã liên tục đưa ra những thông điệp về khả năng tăng lãi suất trong cuộc họp tháng tới.
Thống đốc Jerome Powell cho rằng có thể sẽ diễn ra trong thời gian rất ngắn tới đây. Ông Powell cũng cho biết thêm rằng ông ủng hộ việc tăng lãi suất một cách từ tốn nếu các số liệu kinh tế cho thấy nền kinh tế Mỹ đang phát triển.
Trước đó, Chủ tịch FED St. Louis – ông James Bullard – nhận định rằng thị trường đã đón nhận biên bản cuộc họp một cách chính xác khi chủ động tăng tỷ lệ dự báo cho đợt tăng lãi suất trong tháng 6.
Bên cạnh vấn đề lãi suất, bà Yellen cũng đưa những đánh giá rộng hơn về nên kinh tế số 1 thế giới. Bà cho rằng nền kinh tế Mỹ đã có những tiến bộ rõ rệt sau cuộc khủng hoàng tài chính năm 2008, đặc biệt là ở thị trường việc làm khi thị trường này đã gần đạt tới điểm toàn dụng nhân công. Tuy nhiên, vẫn còn đó những vấn đề liên quan đến người lao động như tiền lương hay tăng trưởng năng suất.(NĐH)
Top 10 ngân hàng lớn nhất thế giới: Sự thụt lùi của Mỹ
Trong khi các nhà quản lý và lập pháp của Mỹ đang cố gắng giảm sự ảnh hưởng tài chính của các ngân hàng trong nước, chúng ta có thể thấy rõ ràng rằng các ngân hàng tại Mỹ đang tiếp tục thụt lùi so với các đối thủ quốc tế.
Theo bảng xếp hạng mới nhất được S&P Global Market Intelligence công bố, 8 trong số 10 ngân hàng lớn nhất thế giới hiện nay có trụ sở nằm ngoài nước Mỹ. Thậm chí, hai ngân hàng lớn nhất của Mỹ là JPMorgan Chase và Bank of America chỉ đứng cuối bảng xếp hạng ở vị trí lần lượt là 7 và 9.
Trên thực tế, JPMorgan Chase hoàn toàn có thể đứng ở vị trí thứ 2 nếu sử dụng phương thức kế toán chuẩn mực IFRS giống như những ngân hàng nước ngoài khác thay vì nguyên tắc kế toán thừa nhận GAAP. Sự khác biệt cơ bản giữa báo cáo tính bởi GAAP và báo cáo tính bởi IFRS chính là tài sản phái sinh. Nên nhớ rằng, trong bảng xếp hạng năm ngoái, JPMorgan Chase đã có thể chiễm chệ ở vị trí số 1 thế giới nếu sử dụng IFRS.
Nhìn rộng ra, trong Top20 cũng chỉ có tổng cộng 4 ngân hàng của Mỹ và trong Top50 thì con số này là 6. Cụ thể: Wells Fargo đứng thứ 11, Citigroup đứng thứ 13, Goldman Sachs đứng thứ 28 and Morgan Stanley ở vị trí thứ 38.
Ngược lại, danh sách năm nay chứng kiến sự trỗi dậy của các ngân hàng Trung Quốc khi họ đóng góp 4 ngân hàng trong Top10 và tổng cộng trong Top50 là 11 ngân hàng.
Xu hướng này diễn ra trong bối cảnh những ngân hàng tại Phố Wall đang liên tiếp có những tin đồn về việc thu hẹp kinh doanh hoặc phá sản. Những là phiếu của cổ đông các ngân hàng này trong thời gian gần đây không cho thấy điều này nhưng áp lực từ chính phủ Mỹ vẫn tiếp tục gia tăng.
Phó chủ tịch Dick Bove tại Rafferty Capital Markets cho rằng các chính sách công của chính phủ Mỹ đang phát huy tác dụng. Ông Bove cho biết các ngân hàng của Mỹ đang bị thu hẹp cho dù các đối thủ của họ không hề mong muốn điều này. Điều này sẽ dẫn tới sự chuyển giao quyền lực giữa các tổ chức tài chính toàn cầu.
Ông Bove chỉ là một trong số ít những người phản đối chính sách thu hẹp quy mô của các ngân hàng “quá lớn để sụp đổ” của chính phủ Mỹ.
Theo vị lãnh đạo của Rafferty Capital Markets, việc chính phủ cố gắng thu hẹp quy mô các ngân hàng sẽ khiến khối lượng các khoản vay giảm đi. Điều này đồng nghĩa với việc cung tiền bị ảnh hưởng và nền kinh tế sẽ chịu những tác động tiêu cực từ việc đó. Mọi người đều đang ủng hộ việc thu hẹp quy mô các ngân hàng tại Mỹ nhưng dường như họ đã bỏ qua vấn đề này.(NĐH)
NHNN mở "van" cho vay ngoại tệ trong nước tới 31/12
Ngày 27/5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư số 07/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung điểm c, Khoản 1, Điều 3 của Thông tư số 24/2015/TT-NHNN quy định hoạt động cho vay bằng ngoại tệ.
Theo đó, tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối xem xét quyết định cho vay vốn ngắn hạn bằng ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay.
Các khách hàng này phải bán số ngoại tệ vay đó cho TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay (spot), trừ trường hợp nhu cầu vay vốn của khách hàng để thực hiện giao dịch thanh toán mà pháp luật quy định đồng tiền giao dịch phải bằng ngoại tệ.
Thông tư 24 đã quy định chấm dứt hoạt động cho vay này kể từ 31/3/2016. Như vậy, sau gần 2 tháng áp dụng, NHNN đã quyết định cho vay ngoại tệ trở lại từ ngày 01/6/2016. Quy định này được thực hiện đến hết ngày 31/12/2016.
Chi tiết: Thông tư 07/2016
NHNN cho biết trong bối cảnh tình hình kinh tế-xã hội còn khó khăn tăng trưởng kinh tế thấp hơn so với cùng kỳ năm trước; tình hình hạn hạn ở các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và hạn hán, xâm nhập mặn ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn diễn biến phức tạp; sự cố bất thường tại một số tỉnh ven biển miền Trung tác động tiêu cực đến hoạt động nuôi trồng, khai thác hải sản và du lịch biển. Quyết định ban hành Thông tư 07/2016 nhằm góp phần thực hiện mục tiêu của Chính phủ và nhằm thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Khi Thông tư 24/2015 được ra đời, các DN đã tỏ ra lo lắng vì vay tiền đồng lãi suất sẽ cao hơn so với vay ngoại tệ. Do vậy sẽ làm tăng chi phí, ảnh hưởng đến hoạt động. Tuy nhiên trả lời về vấn đề này, vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Bùi Quốc Dũng khi đó cho biết việc ngừng cho vay ngoại tệ với nhóm đối tượng này không có tác động nhiều vì thực ra họ không có nhu cầu sử dụng ngoại tệ. Họ chỉ vay ngoại tệ để bán ra lấy tiền đồng sử dụng trong nước nhằm mục tiêu hưởng lãi suất thấp. Ông Dũng cũng đã cho biết việc thu hẹp đối tượng cho vay ngoại tệ (chỉ phục vụ đúng đối tượng cần ngoại tệ) nhằm thực hiện theo lộ trình chống đô la hóa.
Sửa đổi Thông tư 36: "Vòng kim cô" siết tín dụng BĐS đã được nới rộng hơn
Cuối ngày 27/5/2016, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức công bố ban hành Thông tư 06/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Chi tiết: Sửa đổi Thông tư 36
Sửa đổi lớn nhất được đề cập trong Thông tư mới này liên quan đến định hướng “siết chặt” tín dụng vào kinh doanh, đầu tư bất động sản. NHNN đã có điều chỉnh nhưng mức độ điều chỉnh đã được giảm xuống. Cụ thể bao gồm việc điều chỉnh hệ số rủi ro của các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản và tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn
Đối với hệ số rủi ro của các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản, Thông tư 36/2014 dự kiến tăng mạnh từ 150% lên 250%. Tuy nhiên, ở Thông tư 06 vừa bàn hành, tỷ lệ này chỉ nâng lên 200%. Việc nâng HSRR sẽ được áp dụng thực hiện từ 1/1/2017.
Trước đó, do tín dụng bất động sản đã liên tục tăng mạnh trong hai năm gần đây, đặc biệt trong năm 2015, Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất nâng hệ số rủi ro nói trên là nhằm phát đi tín hiệu kiểm soát.
Đối với việc điều chỉnh tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn đối với các tổ chức tín dụng, lộ trình áp dụng đã được chia thành ba giai đoạn, qua đó từ từ nâng tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn đối với các tổ chức tín dụng. Trước đó, Thông tư 36 dự kiến sẽ giảm luôn tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 60% xuống 40%.
Lộ trình giảm tỷ lệ sử dụng ốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn
Cùng ngày 27/5, NHNN đã ra Thông tư 07 sửa đổi Thông tư 24 /2015/ TT-NHNN quy định cho vay bằng ngoại tệ. Tân Thống đốc Lê Minh Hưng cũng đã ra Chỉ thị đầu tiên của mình, trong đó định hướng gỡ khó cho doanh nghiệp, không chủ quan lạm phát.
Nhiệt điện nửa tỉ đô lại “liệt” một nửa
Sự cố tốn triệu đô
Hai tổ máy số 1 và 2, hay còn gọi là Nhiệt điện Cẩm Phả 1 và 2 chính thức hoạt động từ năm 2010 và được nhà thầu Trung Quốc - Cty TNHH Công trình điện quốc tế Cáp Nhĩ Tân (Trung Quốc) - bàn giao cho Cty CP Nhiệt điện Cẩm Phả - Vinacomin vào tháng 9.2011. Tổng công suất của hai nhà máy là 680MW, có tổng vốn đầu tư 10.635 tỉ đồng do 10 cổ đông góp vốn, trong đó Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) giữ cổ phần chi phối. Bình quân, khi hoạt động ổn định, mỗi năm, Cty CP Nhiệt điện Cẩm Phả cung cấp cho thị trường khoảng 3,3 tỉ kWh, với doanh thu trên 4.300 tỉ đồng.
Tuy nhiên, vào tháng 2.2016, trong khi đang hoạt động, tua-bin của tổ máy số 1 gặp sự cố nghiêm trọng - bị gãy cánh, khiến nhà máy này phải dừng hoạt động khẩn cấp. Đây không phải là lần đầu tiên tua-bin của nhiệt điện Cẩm Phả gặp sự cố nghiêm trọng. Năm 2014, tua-bin của tổ máy số 2 cũng từng bị gãy cánh và phải ngừng hoạt động mất 4 tháng, từ 17.7 - 17.11.2014.
Ngay sau khi tua-bin của tổ máy số 1 gặp đại nạn, một loạt chuyên gia trong nước và sau đó là các chuyên gia Trung Quốc được mời đến để “khám” và “chữa” bệnh cho tổ máy này, nhưng bất lực. Không còn cách nào khác, Cty CP Nhiệt điện Cẩm Phả buộc phải đưa cả tua-bin nặng khoảng 80 tấn sang Trung Quốc “chữa trị”.
Từ Cẩm Phả, một chiếc xe siêu trường, siêu trọng chở chiếc tua-bin trên lên cửa khẩu Lạng Sơn, rồi một chiếc xe cùng cỡ của đối tác Trung Quốc đón đưa sâu vào nội địa - khoảng 4.000km, với hành trình khoảng 20 ngày mới đến nơi sửa chữa. Chúng tôi đã nhiều ngày nỗ lực liên hệ xin làm việc với lãnh đạo Cty CP Nhiệt điện Cẩm Phả (NCP) để có thông tin thêm về số phận chiếc tua-bin trên nhưng đều bất thành. Tuy nhiên, đến nay, tua-bin của tổ máy số 1 vẫn đang trong quá trình đại sửa chữa bên Trung Quốc và dự kiến phải đến tháng 7 tới, tổ máy số 1 may chăng mới trở lại hoạt động. Giới chuyên môn ước tính, sẽ phải mất hàng chục tỉ đồng để khắc phục sự cố này; chưa kể tới liệu sửa xong, tổ máy có tái bệnh hay không.
Không chỉ tốn cả triệu đô để sửa chữa tua-bin, mà việc tổ máy số 1 dừng hoạt động cả nửa năm còn khiến Cty CP Nhiệt điện Cẩm Phả mất cả trăm tỉ đồng khi công suất giảm mất 50%, nhất là vào dịp hè này nhu cầu điện tăng đột biến.
Khó khăn chồng chất
Kể từ khi đi vào hoạt động, đến nay, các cổ đông - chủ yếu là các Cty thuộc Vinacomin, như: Than Đèo Nai, Cao Sơn, Cọc Sáu, Mông Dương… - vẫn chưa nhìn thấy tương lai được nhận cổ tức, khi mà mức lỗ dù đã giảm nhưng năm 2015 vẫn ở mức trên 270 tỉ đồng và nay lại “dính” phải vụ đại sự cố hỏng tua-bin.
Theo lý giải của Cty CP Nhiệt điện Cẩm Phả, nguyên nhân chính gây lỗ lớn là do Cty chưa áp dụng Nghị định 41 về việc thanh toán giá điện theo tỉ giá tại thời điểm thanh toán. Cụ thể, Cty vay ngoại tệ để xây dựng nhà máy, nhưng đến nay vẫn chỉ được tính giá ngoại tệ 19.500 đồng/USD trong kết cấu giá điện, trong khi giá USD hiện đã trên 22.400 đồng/USD, trong khi đó, nhiều nhà máy khác lại được áp dụng Nghị định 41.
Theo ông Phạm Quốc Cường - Chủ tịch Công đoàn Cty CP Nhiệt điện Cẩm Phả - bản thân thu nhập của 720 cán bộ, công nhân viên Cty cũng luôn thấp hơn so với các nhà máy điện khác do không được hưởng Nghị định 41, nay gặp sự cố tua-bin, lại càng thấp hơn.
Để tạm thời ổn định công việc của người lao động, Cty phải linh hoạt luân chuyển công việc: Người lao động ở tổ máy số 1 và số 2 thay phiên nhau đổi vị trí làm việc. “Cty vẫn bố trí lực lượng trung tu, bảo dưỡng tổ máy số 1, nhưng nếu cứ làm ở đây thì thu nhập sẽ thấp. Vì thế, luôn có sự hoán đổi lao động ở hai tổ máy với nhau, nhằm đảm bảo thu nhập công bằng cho người lao động trong toàn Cty” - ông Cường cho biết. Cũng theo ông Cường, sở dĩ dù gặp đại sự cố, phải dừng hoạt động hơn nửa năm, nhưng thu nhập của người lao động không giảm quá nhiều là do có nguồn tiền dự phòng từ năm 2015. Tuy nhiên, từ tháng 5-6.2016 trở đi, tình hình sẽ khó khăn hơn nhiều do nguồn dự phòng đó đã hết.