tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh sáng 29-05-2016

  • Cập nhật : 29/05/2016

Thống đốc ra thông điệp về chính sách tiền tệ những tháng cuối năm

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng vừa ban hành chỉ thị về các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng những tháng cuối năm 2016.
thong doc ngan hang nha nuoc le minh hung.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng.

Ngày 27/5/2016, Thống đốc NHNN ban hành Chỉ thị số 04/CT-NHNN về một số giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng những tháng cuối năm 2016 để góp phần thực hiện các mục tiêu của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 7/1/2016, Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 9/5/2016, Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016.
Theo đó, trong những tháng cuối năm 2016, Ngân hàng Nhà nước kiên định với mục tiêu đã đề ra tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 23/2/2016, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng không chủ quan với diễn biến của lạm phát.
Tại Chỉ thị này, Thống đốc NHNN yêu cầu các đơn vị bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ và hoạt động ngân hàng để điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ; điều tiết chủ yếu thông qua nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn với thời hạn, khối lượng và lãi suất hợp lý để hỗ trợ thanh khoản và nguồn vốn cho các tổ chức tín dụng nhưng đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Theo dõi, kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống cũng như từng tổ chức tín dụng; có biện pháp xử lý nghiêm các tổ chức tín dụng vi phạm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước.
Bên cạnh đó, tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, nhất là các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khởi sự doanh nghiệp.
Theo dõi, giám sát chặt chẽ và cảnh báo tổ chức tín dụng có quy mô và tốc độ tăng trưởng tín dụng ở một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như tín dụng trung, dài hạn, tín dụng đối với nhóm khách hàng lớn, tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản, tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông.
Rà soát để chỉnh sửa, hoàn thiện khung pháp lý về cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng cho phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan và điều kiện thực tế hoạt động của tổ chức tín dụng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.
Thống đốc chỉ đạo các đơn vị tại trụ sở chính Ngân hàng Nhà nước tiếp tục công bố tỷ giátrung tâm hằng ngày phù hợp với mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, thực hiện các giải pháp nhằm ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ phù hợp với mục tiêu điều hành kinh tế vĩ mô và chính sách tiền tệ.
Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm quản lý có hiệu quả thị trường ngoại hối, đảm bảo phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chống đô la hóa của Chính phủ; Hoàn thành chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng; nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách để tạo điều kiện phát triển, mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng của cá nhân và doanh nghiệp.
Tăng cường công tác thanh tra, giám sát thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật; Chủ động triển khai các giải pháp cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu gắn với việc triển khai Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế.
Trong đó tập trung xây dựng Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, đẩy mạnh xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường; thực hiện phân loại các khoản nợ đã mua từ tổ chức tín dụng để có biện pháp xử lý nợ xấu một cách hiệu quả. Sớm có cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển thị trường mua, bán nợ và khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Phát huy vai trò của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam trong việc xử lý, thu hồi nợ xấu, bảo đảm quyền lợi của chủ nợ; và triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại các Nghị quyết của Quốc hội và chuẩn bị tốt nội dung phục vụ các kỳ họp Quốc hội khóa XIV.
Đối với các tổ chức tín dụng, trên cơ sở chỉ đạo và các giải pháp điều hành của Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn để đảm bảo thanh khoản, ổn định lãi suất huy động, có điều kiện giảm lãi suất cho vay; chú trọng quản lý rủi ro thanh khoản, rủi ro chênh lệch kỳ hạn và loại tiền, đảm bảo an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng.
Đồng thời rà soát và cân đối khả năng tài chính để áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay; thực hiện tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng vay nhưng đảm bảo an toàn tài chính trong hoạt động.
Kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng phù hợp với khả năng huy động vốn và theo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đã được Ngân hàng Nhà nước thông báo, đảm bảo tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong tiếp cận vốn tín dụng; kiểm soát chặt chẽ các khoản cho vay đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ. Tăng cường công tác thẩm định, giám sát việc sử dụng vốn vay, đảm bảo đúng mục đích, hạn chế nợ xấu mới phát sinh. Kiểm soát chặt chẽ quy mô, cơ cấu tín dụng ngắn hạn, trung và dài hạn, bằng đồng Việt Nam và ngoại tệ phù hợp với khả năng, kỳ hạn và cơ cấu huy động vốn;...

Chính thức mở lại cho vay ngoại tệ từ 1/6

Ngày 27/5, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 07/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015/TT-NHNN quy định hoạt động cho vay bằng ngoại tệ.
anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Theo đó, một nhóm đối tượng là các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được trở lại vay vốn bằng ngoại tệ, sau khi cơ chế đã khép lại từ ngày 1/4 vừa qua.
Cụ thể, Thông tư 07 vừa ban hành cho phép tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối xem xét quyết định cho khách hàng là người cư trú vay vốn ngắn hạn bằng ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay.
Điều kiện đi kèm, khi được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giải ngân vốn vay, khách hàng vay phải bán số ngoại tệ vay đó cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay (spot), trừ trường hợp nhu cầu vay vốn của khách hàng để thực hiện giao dịch thanh toán mà pháp luật quy định đồng tiền giao dịch phải bằng ngoại tệ.
Quy định trên được thực hiện đến hết ngày 31/12/2016.
Theo Ngân hàng Nhà nước, việc mở lại cơ chế trên nhằm tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh và tình hình kinh tế - xã hội còn khó khăn.
Thực tế trong những tháng đầu năm nay, tăng trưởng kinh tế thấp hơn cùng kỳ năm trước. Cùng đó, tình hình hạn hán tại Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và hạn hán, xâm mặn ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long diễn biến phức tạp, sự cố bất thường tại một số tỉnh ven biển miền Trung đã tác động tiêu cực tới hoạt động nuôi trồng, khai thác hải sản và du lịch biển.
Việc điều chỉnh chính sách trên của Ngân hàng Nhà nước đặt trong bối cảnh khó khăn đó. Đáng chú ý, những khó khăn đó diễn ra khách quan, ngoài dự tính của chính sách tín dụng ngoại tệ đã xác định cuối 2015.
Trước đây, từ năm 2012, Ngân hàng Nhà nước cũng đã hai lần đóng rồi mở lại tín dụng ngoại tệ như trên, do hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn và cần hỗ trợ.
Trong nhiều giai đoạn, dù có những biến động và rủi ro tỷ giá, nhưng tín dụng ngoại tệ là nguồn vốn có lãi suất vay thấp hơn nhiều so với lãi vay VND, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu vay vốn giảm thiểu chi phí và tăng cường năng lực cạnh tranh.

Cẩn trọng với dịch vụ “cho vay không thế chấp”

Nhan nhản khắp hang cùng ngõ hẻm là các tờ rơi quảng cáo cho vay không cần thế chấp, cho vay tài chính, sẵn sàng giải ngân sau 10 phút “phỏng vấn”...
anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Mặc dù các ngân hàng đã cởi mở hơn với các gói cho vay tiêu dùng nhưng nhiều người vẫn e ngại phần thủ tục nên chọn các dịch vụ tài chính đơn giản, nhanh gọn, cũng vì thế dịch vụ “cho vay nóng”, “cho vay không thế chấp” nở rộ như nấm sau mưa. Tuy nhiên, bên trong các lời quảng cáo này tiềm ẩn nhiều hiểm họa...

Cho vay “nóng” núp bóng dưới các dạng hợp đồng

Theo khảo sát, hầu hết những người làm nghề cho vay nặng lãi đều có những mánh khóe để ứng phó với các cơ quan tố tụng nếu... nhỡ bị đụng đến, đó chính là việc cho vay tiền dưới dạng các hợp đồng khác nhau. Với sinh viên thì dưới hình thức cho thuê laptop, mua bán laptop; với người dân thì ở dạng “mua xe trả góp”... Cá biệt, có người còn bị đưa vào thế “nhận tiền chạy việc” mà vì ở vào tình thế không thể lùi được, đành phải nhắm mắt ký liều.

Anh Lê Hồng Kỷ, chủ một công ty chuyên phân phối nội thất cao cấp chính là người đã bị “gài” cho vay tiền dưới dạng “nhận tiền chạy việc”. Trình bày với phóng viên, anh không giấu được chua xót: “Tôi muốn kể câu chuyện của mình với mong muốn đây sẽ là một bài học để mong mọi người đừng rơi vào vòng xoáy của cho vay nặng lãi bởi vay nhỏ chết nhỏ, vay to chết to”.

Anh cho biết, vào dịp Tết năm ngoái, do lo lắng không có hàng bán sau Tết, lại đúng dịp giảm giá của các thương hiệu lớn nên anh vội vàng gom vốn lấy hàng. Tiền các đại lý nhỏ nợ anh chưa đòi được, hỏi vay người nhà cũng không được, bí quá anh quyết định vay lãi với lãi suất lên đến 20% với hy vọng chỉ mất khoảng một tháng sau Tết là anh có thể gom đủ tiền trả nợ.

Anh vay 1 tỷ đồng và bị cắt luôn 200 triệu đồng tiền lãi nhưng với điều kiện phải ký vào giấy biên nhận, nhận tiền với lý do “chạy việc”. Vì vào dịp Tết, đã gần đến ngày nghỉ nên cực chẳng đã anh đành bấm bụng viết giấy nhận tiền. Đến hạn, anh không gom đủ tiền trả, lại bị ép ký một giấy vay nợ khác với số tiền lớn hơn vì chủ nợ “ngọt nhạt” bảo rằng “tôi phải đi vay của người khác để lo khoản nợ cho ông”. Với hình thức này, số tiền anh vay lãi để lấy hàng hiện nay đã lên đến 3 tỉ đồng, bán một ngôi nhà đi vẫn chưa đủ trả nợ. Cực chẳng đã, anh phải bỏ nhà đi nơi khác làm ăn.

Với đối tượng vay là sinh viên, hầu hết phải viết giấy thuê laptop với giá 35.000-40.000 đ/ngày. Với hình thức này, các sinh viên muốn vay tiền chịu 2 khoản lãi. Trước hết là cắt luôn khoản lãi 10 ngày thuê laptop, trừ vào số tiền được vay. Sau đó là trả lãi và góp theo ngày với mức lãi suất từ 3.000-5.000đ/triệu/ngày.

Với mức lãi suất này, tính theo ngân hàng lên đến 180%/năm, một mức lãi suất quá khủng khiếp mà hầu hết giới sinh viên đều chưa tính đến, bởi họ chỉ nghĩ rằng “có tiền đã, trả tiền tính sau, có mấy nghìn một ngày thôi, ăn thua gì” - như lời khẳng định của một sinh viên Trường Đại học Công nghệ mà chúng tôi gặp trong một cửa hàng cầm đồ, cho vay thế chấp.

Cẩn trọng với bẫy “tín dụng đen”

Theo địa chỉ quảng cáo về cho vay không cần thế chấp, chúng tôi đến một văn phòng hỗ trợ tài chính trên phố Chùa Bộc (Đống Đa, Hà Nội). Khi chúng tôi vừa đặt vấn đề vay tiền mua ô tô, “ông chủ” tận tình tư vấn: “Em sẽ giới thiệu cho chị một cán bộ ngân hàng để vay mua ô tô, giải ngân mua ô tô nhanh lắm. Có ô tô rồi chị mang đăng ký xe ra đây, bọn em giữ lại đăng ký, còn chị cứ đi ô tô bình thường, đến kỳ thì trả cả lãi lẫn gốc thôi”.

Tưởng ngon ăn, chúng tôi dò hỏi tiếp thì mới biết, ngay sau khi mang đăng ký ô tô ra đặt tại đây, “ông chủ” sẽ nghiễm nhiên cắt lãi trước một tháng. Dân trong nghề gọi đây là “lãi đứng”. Bởi gần như ngay lập tức sau khi mua ô tô, người đi vay lại mất thêm một khoản nữa và với mức lãi suất “chỉ 3.000đ/triệu/ngày” như các tờ rơi cam kết.

Chưa kể, theo kinh nghiệm của những người từng là “con nợ” của các dịch vụ cho vay lãi suất thấp thì sau khi vay, nếu không trả nợ gốc và lãi đúng hẹn, người vay sẽ lập tức bị “siết nợ”. Với mức lãi suất như trên, nếu không thận trọng và tỉnh táo, người vay tiền có nguy cơ mất chiếc ô tô ngay trước mũi lúc nào không biết.


Lãi suất vừa giảm vừa… run?

Nhiều yếu tố bất lợi nằm ngoài khả năng can thiệp của Ngân hàng Nhà nước đang thể hiện...
anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Có nhiều thời điểm và giai đoạn lãi suất trên liên ngân hàng rất thấp, vốn dồi dào trong hệ thống nhưng lãi suất cho vay vẫn không dễ chịu - Ảnh: Quang Phúc.

Tháng 5 sắp trôi qua, nghị quyết về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2016 đã rút ngắn độ trễ thực thi, trong đó có định hướng giảm lãi suất cho vay.

Trên thị trường, sau hai tháng cầm chừng, lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại có trồi sụt không đáng kể. Một số thành viên đã nâng mức cao nhất 7,3-7,4%/năm lên 7,5%/năm, có trường hợp sau khi rút xuống 7%/năm nhưng nhanh chóng nâng trở lại 7,1%/năm, có những trường hợp giảm nhẹ từ 0,1-0,2%/năm ở một số kỳ hạn.

Diễn biến rõ nét nhất thể hiện trên thị trường liên ngân hàng. Lần đầu tiên kể từ hồi tháng 5/2013, lãi suất trên thị trường này mới giảm xuống rất thấp, kỳ hạn qua đêm thấp nhất đã xuống dưới 1%/năm, các kỳ hạn ngắn khác chỉ từ 1,5-3,5%/năm.

Tuy nhiên, như phân tích của chuyên gia trong bài viết trên VnEconomy mới đây , thị trường liên ngân hàng và thị trường mở (OMO) chủ yếu phản ánh và điều tiết trạng thái thanh khoản của hệ thống, còn sức truyền dẫn tác động đến lãi suất cho vay lại hạn chế.

Hiện nay, cũng như nhiều thời điểm trước đây, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng rất thấp, nhưng lãi suất các ngân hàng cho vay doanh nghiệp vẫn ở mức cao.

Thị trường đang chờ đợi những tác động cụ thể và rõ rệt hơn từ Ngân hàng Nhà nước, để lãi suất cho vay thực sự giảm được như mong muốn và định hướng Chính phủ đã đề ra.

Định hướng giảm lãi suất cho vay Chính phủ đặt trực tiếp đối với Ngân hàng Nhà nước, nhưng thực tế lại đang thể hiện những trở ngại nằm ngoài chủ động hoặc khả năng can thiệp được trực tiếp của nhà điều hành chính sách tiền tệ.

Những trở ngại này đang đặt nhà điều hành vào tình thế, nói một cách dân dã thì vừa giảm lãi suất vừa… run.

Thông tin cập nhật, tháng 5/2016, tháng thứ 8 liên tiếp lạm phát tăng và có chiều hướng tăng mạnh lên. Bên cạnh chỉ đạo giảm lãi suất cho vay mà Chính phủ đặt ra, mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 5% cũng gắn trực tiếp với Ngân hàng Nhà nước.

Một mặt, cả hai mục tiêu trên thực hiện đến một mức độ nào đó sẽ như mâu thuẫn. Mặt khác, có những yếu tố lại nằm ngoài khả năng kiểm soát và điều tiết của Ngân hàng Nhà nước.

Như với quan ngại lạm phát tăng trở lại, bên cạnh việc giám sát và điều tiết các yếu tố lạm phát lõi liên quan đến chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước không thể tham gia vào xử lý được các yếu tố trọng yếu khác, như giá xăng dầu, giá điện, giá các dịch vụ y tế… Mà những yếu tố này đã và đang thể hiện áp lực.

Và như các chuyên gia cảnh báo thời gian qua, giảm lãi suất vẫn luôn phải dè chừng biến động tỷ giá. Thực tế tỷ giá USD/VND cũng đang có biểu hiện nhấp nhổm.

Trên thị trường liên ngân hàng, những phiên từ đầu tuần này giá USD liên tục tăng, đến hôm qua (25/6) đã ở trên mức 22.360 VND. Điều này có nghĩa hoạt động mua vào ngoại tệ suốt từ đầu tháng 2/2016 của Ngân hàng Nhà nước có thể đã bị gián đoạn, khi giá mua vào của Sở Giao dịch vẫn yết ở 22.300 VND.

Trên biểu niêm yết của các ngân hàng thương mại, mức cao nhất đến sáng 26/5 đã lên tới 22.420 VND (tại Techcombank), phổ biến là 22.380 VND.

Những năm trước, chính sách điều hành tỷ giá gắn với khoảng biến động mà Ngân hàng Nhà nước định hướng như một cam kết, việc điều chỉnh nhảy cóc chủ yếu diễn ra vào giữa và cuối năm. Theo đó, thị trường có “thói quen tâm lý” chờ đợi có điều chỉnh, thường tập trung vào tháng 6 hàng năm.

Năm nay, cơ chế điều hành tỷ giá đã thay đổi, linh hoạt, trườn bò và không “hẹn” nhảy cóc với tâm lý chờ điều chỉnh như trước.

Tuy nhiên, bên cạnh đà giảm nhanh và sâu của lãi suất trên thị trường liên ngân hàng, yếu tố tác động từ bên ngoài cũng đang thể hiện rõ hơn. Ngân hàng Nhà nước phải nhấn ga rõ ràng hơn theo con đường giảm lãi suất mà Chính phủ đã vạch, nhưng đang phải dè chừng hơn với tỷ giá khi khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất đang được hâm nóng.

Năm ngoái, tình huống FED tăng lãi suất và đảo chiều dòng vốn ngoại tệ cũng đã ám ảnh chính sách tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước suốt từ tháng 6 cho đến cuối năm. Năm nay, một lần nữa ám ảnh này lại tiếp tục thể hiện, và đồng USD đang lên giá trở lại…

Giữa các sự dè chừng và phải cân đối, giữa những tác động bất lợi nằm ngoài khả năng điều tiết trực tiếp của mình, Ngân hàng Nhà nước hẳn sẽ càng thận trọng trong thực hiện mục tiêu giảm lãi suất cho vay mà Chính phủ giao, một mục tiêu mà không thể cùng lúc hài hòa được các mong muốn “ngon, bổ, rẻ”.

Mong manh lãi suất

Sau lời hứa cam kết hạ lãi suất được lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra, một số ngân hàng (NH) lớn đã đồng thời hạ lãi suất cho vay thêm khoảng 0,5%/năm, áp dụng lãi suất trung, dài hạn tối đa 10% đối với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây liệu có thể trở thành xu hướng và có được giữ ổn định hay không vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ.
anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Một điều có thể dễ dàng nhận thấy là câu chuyện hạ lãi suất vẫn chưa được thấy ở khối NHTMCP. Điều này có thể vì bản thân các NH đang phải đau đầu với việc làm ra bao nhiêu lợi nhuận thì đều bị chi phí trích lập dự phòng “ăn mất”. Và nếu phải giảm lãi vay, thì không chỉ ảnh hưởng đến lợi nhuận, mà còn đến cả sức khỏe của NH, cho nên dù muốn thì lãi suất cho vay cũng khó hạ được ngay. Bởi vì theo thống kê hiện nay giá vốn của các NHTMCP dao động ở mức 6 - 7%/năm.
Trong khi đó, câu chuyện có dễ dàng cho doanh nghiệp tiếp cận với mức lãi suất vay thấp vẫn chưa thấy có sự suôn sẻ. Theo tìm hiểu thì hiện tại, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều vẫn đang phải tiếp cận nguồn vốn vay lãi cao.
Ông Nguyễn Ninh - giám đốc một công ty xuất nhập khẩu ở quận Tân Phú, TP.HCM cho biết: “Mặc dù nghe rằng mức lãi suất được giảm và nhiều NH đang cho vay với các gói vay lãi suất 6 - 7%/năm, nhưng thực tế chúng tôi vẫn chưa thể tiếp cận và cả nhiều doanh nghiệp trên địa bàn cũng chưa tiếp cận được vốn của NH nào với mức lãi suất như vậy. Hiện các doanh nghiệp trên địa bàn chúng tôi đang phải vay vốn với lãi suất cao hơn từ 10 - 11%. Thậm chí, ngay cả với mức lãi suất này để vay được cũng đã khó. Lãi suất NH hạ được bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là mọi doanh nghiệp phải tiếp xúc được với khoản vốn vay”.
Trong khi đó, tại báo cáo tình hình kinh tế tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2016 vừa được Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia công bố, thời gian qua, thanh khoản NH có dấu hiệu chịu áp lực, đẩy lãi suất liên NH (LNH) tăng mạnh trong tuần từ 4 - 8/4 tại tất cả các kỳ hạn (tăng 1 điểm % so với tuần cuối tháng 3).
Nguyên nhân xuất phát từ nhóm các NH thương mại có tỉ lệ LDR (cho vay so với vốn huy động) và tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn cao hơn mức dự kiến điều chỉnh Thông tư 36. Ngoài ra, lãi suất LNH thời gian qua tăng chủ yếu do áp lực từ tăng lãi suất huy động trên thị trường, bởi các NH đang tăng dự trữ vốn phục vụ cho nhu cầu tín dụng tăng cao hơn trong quý II.
Cũng theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, lãi suất huy động tăng đã đẩy lãi suất cho vay tăng nhẹ lên mức 9,3 -11%/năm đối với các khoản vay trung và dài hạn. Một số NH thương mại nâng lãi suất cho vay dài hạn (từ 12 - 60 tháng) lên tới 11,5%. Đối với các lĩnh vực ưu tiên, mặt bằng lãi suất phổ biến ở mức 6 - 7%/năm đối với ngắn hạn và 9 - 10,5%/năm cho trung và dài hạn.
Số liệu thống kê của NHNN cho thấy, trong tuần cuối tháng 4, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6 - 7%/năm đối với ngắn hạn, các NH thương mại nhà nước tiếp tục áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9 - 10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8 - 9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3 - 11%/năm đối với trung và dài hạn.
Lãnh đạo một NHTMCP ở TPHCM cho biết, hiện nay trong bối cảnh tín dụng đang tăng mạnh, phần lớn các NH đang “lạm dụng” sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn. Một khi không thể điều tiết được nguồn vốn thì rất khó để giảm lãi suất. Bởi vì các NH phải cố gắng huy động thật nhiều để kịp xoay vòng vốn cho vay mới, lãi suất huy động lên nghĩa là chi phí vốn tăng thì rất khó nói chuyện giảm lãi suất.
Chính vì vậy, câu hỏi liệu lãi suất có được giảm và giữ ổn định lâu dài hay không vẫn chưa thể có câu trả lời chắc chắn!

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục

  • Tin kinh tế đọc nhanh chiều 30-05-20161

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 30-05-2016

    Giám đốc World Bank: Cần tạo điều kiện cho tư nhân dẫn dắt nền kinh tế thị trường
    50% số lượng thuốc trừ sâu nhập về Việt Nam là từ Trung Quốc
    Ngân sách quốc gia đang “mở cờ trong bụng”
    Doanh nghiệp nhỏ và vừa tìm thị trường “ngách” để cạnh tranh
    Thuế, phí “đè bẹp” doanh nghiệp

  • Tin kinh tế đọc nhanh trưa 30-05-20162

    Tin kinh tế đọc nhanh trưa 30-05-2016

    Can thiệp vào giá sữa là không ổn!
    Tỷ giá tiếp tục tăng ngay khi bước vào tuần giao dịch mới
    Khi khối ngoại dẫn lối BĐS
    Vải thiều Bắc Giang vẫn chọn Trung Quốc là thị trường chủ lực
    Hàng tiêu dùng Thái Lan đang chiếm lĩnh thị trường Việt

  • Tin kinh tế đọc nhanh sáng 30-05-20163

    Tin kinh tế đọc nhanh sáng 30-05-2016

    Gạo Việt xuất mạnh sang Trung Quốc
    Nợ xấu lại “vật” nhà băng
    Money Week: Thị trường chứng khoán Việt Nam đang siêu rẻ
    Sài Gòn bùng nổ các 'siêu' dự án
    Người giàu nhất Trung Quốc tuyên chiến với Disneyland

  • Tin kinh tế đọc nhanh 30-05-20164

    Tin kinh tế đọc nhanh 30-05-2016

    Chủ tịch FED: Hoàn toàn có thể tăng lãi suất trong vài tháng tới
    Top 10 ngân hàng lớn nhất thế giới: Sự thụt lùi của Mỹ
    NHNN mở "van" cho vay ngoại tệ trong nước tới 31/12
    Sửa đổi Thông tư 36: "Vòng kim cô" siết tín dụng BĐS đã được nới rộng hơn
    Nhiệt điện nửa tỉ đô lại “liệt” một nửa

  • Tin kinh tế đọc nhanh chiều 29-05-20165

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 29-05-2016

    Hơn 220 doanh nghiệp 'chết' mỗi ngày
    Nhận diện "tấm lá chắn" cho ngành thủy sản
    Quảng cáo của Trung Quốc bị chỉ trích phân biệt chủng tộc
    Phân bón giả gây thiệt hại 2 tỉ USD mỗi năm
    Mỹ, Hàn Quốc chuộng trái cây Việt

  • Tin kinh tế đọc nhanh trưa 29-05-20166

    Tin kinh tế đọc nhanh trưa 29-05-2016

    Vietnam Airlines chính thức có cổ đông chiến lược ngoại đầu tiên
    Giảm 50% thuế thu nhập cá nhân đối với nhân lực công nghệ cao CNTT
    Tiềm năng tăng tốc dòng vốn từ Nhật Bản
    Quảng Ngãi:Rút ngắn 50% thời gian thực hiện thủ tục đầu tư
    FPT ký thỏa thuận hợp tác với hai đối tác Nhật

  • Tin kinh tế đọc nhanh 29-05-20167

    Tin kinh tế đọc nhanh 29-05-2016

    Tin tặc có thể hạ gục ngân hàng
    Microsoft và Facebook xây dựng đường cáp quang nhanh nhất thế giới
    Cisco: Cơn lốc số thức sẽ “nhấn chìm” 4 trong số 10 công ty hàng đầu
    Quảng cáo trên Google sắp chứng kiến sự thay đổi lớn nhất trong 15 năm qua
    Muốn “dẫn dắt cuộc chơi OTT” nhà mạng cần làm gì?

  • Tin kinh tế đọc nhanh tối 28-05-20168

    Tin kinh tế đọc nhanh tối 28-05-2016

    Vì sao đầu tư vào Nga nhiều lợi nhuận hơn là ở Mỹ?
    Đồng USD tăng sau phát biểu của Chủ tịch Fed
    Cấm Bitcoin, Nga sẽ tung ra đồng tiền ảo riêng
    Cảnh sát Pháp “sờ gáy” hãng thức ăn nhanh nổi tiếng McDonald's
    Pháp mỗi năm phí phạm 10 triệu tấn thực phẩm, trị giá 16 tỷ euro

  • Tin kinh tế đọc nhanh  chiều 28-05-20169

    Tin kinh tế đọc nhanh chiều 28-05-2016

    Nam Phi đã bán 10 triệu thùng dầu dự trữ trong tháng 12
    Argentina tăng sản lượng dầu thô lên 653.000 thùng/ngày vào năm 2025
    Sản lượng quả vải có thể giảm khoảng 10% so với năm ngoái
    Giá muối xu hướng giảm, tồn kho tăng tới 66%
    Giá hoa quả tại ĐBSCL tăng do nắng nóng

  • Tin kinh tế đọc nhanh trưa 28-05-201610

    Tin kinh tế đọc nhanh trưa 28-05-2016

    Hàng Thái Lan, Nhật Bản tràn từ vỉa hè đến siêu thị nhà bán lẻ nội địa có còn cơ hội?
    Tập đoàn Phú Thái bác tin đồn bị đại gia Thái Lan thâu tóm
    Người Thái “thâu tóm” Sabeco?
    “Chỉ được phép thanh tra 1 năm 1 lần, nếu hơn doanh nghiệp có quyền không tiếp”
    Từ đầu năm đến nay, Việt Nam bán hạt điều thu nhiều ngoại tệ hơn dầu thô