Tin tặc có thể hạ gục ngân hàng
Microsoft và Facebook xây dựng đường cáp quang nhanh nhất thế giới
Cisco: Cơn lốc số thức sẽ “nhấn chìm” 4 trong số 10 công ty hàng đầu
Quảng cáo trên Google sắp chứng kiến sự thay đổi lớn nhất trong 15 năm qua
Muốn “dẫn dắt cuộc chơi OTT” nhà mạng cần làm gì?
Tin kinh tế đọc nhanh tối 27-05-2016
- Cập nhật : 27/05/2016
Nhiều loại trái cây tăng giá, không đủ hàng xuất khẩu
Theo báo cáo tháng 5-2016 của Bộ NN&PTNT, do ảnh hưởng của nắng hạn, xâm nhập mặn kéo dài khiến năng suất và sản lượng trái cây ở các tỉnh ĐBSCL sụt giảm, đẩy giá lên cao.
Tại tỉnh Tiền Giang, xoài cát Hòa Lộc giá khoảng 50.000-60.000 đồng/kg nhưng không đủ hàng để xuất khẩu sang Nhật. Tương tự, thanh long ruột đỏ giá 35.000 đồng/kg, ruột trắng 17.000 đồng/kg, tăng 30% so với các tháng trước đó.
Nắng nóng kéo dài cũng khiến năng suất trái cây có múi giảm mạnh, đẩy giá cam sành, quýt đường, bưởi… tăng 5.000-10.000 đồng/kg so với trước đó nhưng khan hàng.
Đặc biệt, tại Bến Tre do cung không đủ cầu nên một số nơi thương lái mua luôn cả dừa non (loại dừa lấy dầu) để bán. Hiện dừa uống giá 60.000-70.000 đồng/chục (12 quả), dừa xiêm xanh 90.000-100.000 đồng/chục
Giá chuối xuất khẩu giảm mạnh
Chia sẻ với VnExpress, chủ một doanh nghiệp xuất khẩu chuối ở Đồng Nai cho biết, hơn một tháng nay giá chuối đã giảm mạnh so với quý I. Nếu quý I đơn hàng xuất khẩu dồn dập và giá cao từ 14.000 đến 15.000 đồng một kg thì sang quý II giá giảm xuống gần một nửa.
Nguyên nhân là do lượng hàng xuất sang Trung Quốc đi xuống do thị trường này giảm mua, còn chuối đạt chất lượng cao để xuất đi Nhật, Dubai lại không nhiều.
“Đa phần chuối Việt Nam xuất sang Trung Quốc vì thị trường này không đặt tiêu chuẩn quá cao. Vào những tháng đầu năm, Trung Quốc thiếu hụt nguồn hàng nên tăng mua vào khiến giá đẩy lên cao. Tuy nhiên, sang quý II, Trung Quốc bước vào vụ thu hoạch chuối nên các doanh nghiệp nước này giảm thu gom khiến giá giảm mạnh”, doanh nghiệp ở Đồng Nai cho biết.
Cũng xác nhận giá chuối giảm, ông Lê Sĩ Công, Giám đốc Công ty La Ba Đà Lạt (Lâm Đồng) cho biết, đối với những chuối có chất lượng không cao, Trung Quốc thường là đơn vị thu mua với số lượng lớn. Thế nhưng, hơn một tháng nay họ giảm mua vì nguồn cung trong nước đã dồi dào. Riêng với các thị trường nhập khẩu như Nhật Bản, nhu cầu vẫn cao nhưng nguồn hàng chất lượng để cung ứng lại không đủ.
“Giá chuối công ty tôi xuất sang Nhật vẫn duy trì ở mức 22.000 đồng một kg. Ngoài 10ha của công ty thì tôi còn kết hợp với nông dân để thu gom hàng nhưng chất lượng chuối trong dân vẫn còn kém. Một phần nhỏ được xuất đi Nhật, số còn lại đa phần người dân bán cho thương lái với giá rẻ”, ông Công cho biết.
Không chỉ giá chuối phía Nam giảm mà tại miền Bắc cũng chỉ còn 6.000-8.000 đồng một kg.
Ông Trần Văn Căn, chủ cơ sở xuất khẩu chuối tại Hưng Yên cho biết, hơn một tháng nay giá chuối đã hạ nhiệt xuống còn 8.000 đồng một kg đối với chuối tiêu hồng, còn chuối Tây chỉ ở mức 5.000-6.000 đồng. Các hợp đồng chuối xuất đi Trung Quốc chậm hơn so với 3 tháng đầu năm.
"Hiện một tuần tôi xuất khoảng 3 container, mỗi container chừng 10 tấn. Trong đó, số lượng xuất đi thị trường Nga và Trung Đông không nhiều mà chủ yếu là xuất sang Trung Quốc", ông Căn nói.
Hoàng Anh Gia Lai có thể được nhập khẩu đường với thuế 0%
Theo đó, Bộ Tài chính cho biết căn cứ vào Hiệp định Thương mại biên giới giữa Lào và Việt Nam được ký kết từ 27-6-2015, Bộ Tài chính giao cho Cục Hải quan Gia Lai - Kon Tum kiểm tra cụ thể số đường mía do công ty nhập về Việt Nam.
Nếu kết quả kiểm tra cụ thể số đường mía do công ty nhập khẩu về Việt Nam đúng là được sản xuất theo dự án mà HAGL đầu tư ra nước ngoài tại tỉnh Attapeu (Lào) và được cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu S do cơ quan có thẩm quyền phía Lào cấp thì được áp thuế suất 0%.
Trước đó, HAGL đã có công văn gửi Tổng cục Hải quan về việc tháo gỡ khó khăn cho sản phẩm đường nhập khẩu từ Lào về Việt Nam của công ty.
Theo đó, HAGL cho biết vừa qua công ty đã được Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan tạo điều kiện cho phép công ty nhập sản phẩm đường do HAGL sản xuất theo dự án đầu tư nước ngoài tại tỉnh Attapeu.
Việc nhập sản phẩm mía đường được thực hiện theo Hiệp định Thương mại biên giới Lào-Việt đã có hiệu lực và công ty đã được cấp giấy chứng nhận thương nhân biên giới theo văn bản do UBND tỉnh Kon Tum cấp. Tuy nhiên, công ty gặp khó khăn khi xác định thuế nhập khẩu đường mía từ Lào về Việt Nam.
HAGL cho biết hiện nay do chưa có thông tư hướng dẫn của liên bộ về thủ tục thực hiện thuế xuất nhập khẩu mặt hàng đường mía theo Hiệp định biên giới nên Cục Hải quan Gia Lai - Kon Tum chưa có cơ sở áp dụng mức thuế suất 0% đối với mặt hàng đường mía nhập khẩu từ Attapeu, Lào. Theo đó, Cục Hải quan Gia Lai - Kon Tum vẫn yêu cầu công ty phải nộp 85% thì mới được thông quan.
Theo nguồn tin, ngày 20-5, Tổng cục Hải quan cũng đã có công văn gửi Bộ Công Thương đề nghị bộ này sớm ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện Hiệp định Thương mại biên giới Việt-Lào để Bộ Tài chính có cơ sở ban hành thông tư hướng dẫn về thuế nhập khẩu.
Gần 3.400 tỷ đồng đầu tư xây dựng KCN Minh Hưng - Sikico
Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư đối với Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Minh Hưng - Sikico, tỉnh Bình Phước.
Dự án do Công ty cổ phần công nghiệp Minh Hưng - Sikico làm chủ đầu tư với quy mô diện tích quy hoạch là 655 ha tại xã Đồng Nơ, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước. Thời hạn thực hiện dự án là 50 năm. Tổng mức đầu tư thực hiện Dự án gần 3.400 tỷ đồng.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Bình Phước chỉ đạo chủ đầu tư nghiên cứu, tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; lập, trình thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định; chỉ đạo việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty cổ phần công nghiệp Minh Hưng - Sikico thực hiện dự án đầu tư.
Bên cạnh đó, đôn đốc các đơn vị liên quan phối hợp với chủ đầu tư triển khai các giải pháp liên quan đến đời sống người lao động trong khu công nghiệp, trong đó có vấn đề nhà ở cho người lao động; thực hiện điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối 2016-2020 theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Quỹ Đầu tư tín thác BĐS: Tạo kỳ vọng cho thị trường địa ốc
Quỹ Đầu tư tín thác BĐS (REIT) trên thị trường chứng khoán (TTCK) đang được xem là “cứu cánh” về vốn dài hạn cho thị trường BĐS khi tín dụng cho BĐS đang dần siết lại.
Vốn đầu tư vào thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam chưa ổn định, phụ thuộc quá lớn vào vốn vay từ các NHTM. Do vậy, bên cạnh chứng khoán hóa vốn đầu tư, việc thúc đẩy sự phát triển của Quỹ Đầu tư tín thác BĐS (REIT) trên thị trường chứng khoán (TTCK) đang được xem là “cứu cánh” về vốn dài hạn cho thị trường BĐS khi tín dụng cho BĐS đang dần siết lại.
Ông Lê Văn Lương, chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, chứng khoán hóa vốn đầu tư vào thị trường BĐS và thành lập quỹ REIT là giải pháp chưa thu hút được sự quan tâm của NĐT dù đã có khung pháp luật về loại hình quỹ này cũng đã được hình thành ở cấp độ nghị định của chính phủ và thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Tính đến nay, thị trường tài chính Việt Nam mới chỉ có quỹ REIT nội đầu tiên, là Quỹ đầu tư BĐS Techcom Việt Nam REIT (Techcom REIT) của Công ty quản lý quỹ Techcom Capital. Còn các quỹ BĐS trước đó như VPH của Công ty quản lý quỹ Saigon Asset Management (SAM), VPF của Dragon Capital, ILH3 của Indochina Capital, hay VinaLand của VinaCapital vốn được thành lập và niêm yết ở nước ngoài.
Trong khi đó theo ông Lương với giải pháp chứng khoán hóa vốn đầu tư, ngoài việc các DN BĐS niêm yết trên TTCK, hình thức niêm yết dự án đầu tư cũng đã được áp dụng. Theo đó, cơ chế mua bán BĐS hình thành trong tương lai có thể chuyển sang niêm yết theo dự án và trả BĐS theo số lượng cổ phiếu.
Giải pháp này sẽ giải quyết được thực trạng thị trường BĐS vẫn phụ thuộc chính vào dòng tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, nguồn vốn này không có tính ổn định do phụ thuộc chính sách tiền tệ và thường hay thay đổi. Ngoài nguồn vốn tín dụng, các chủ đầu tư dự án BĐS cũng hướng đến nguồn tiền nhàn rỗi từ người dân và các quỹ đầu tư.
Thực tế, thời gian qua, một số DN địa ốc trong nước cũng đã hướng đến một số quỹ đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên nguồn vốn này cũng có mức lãi suất không thấp, từ 5-7%/năm và kèm theo hàng loạt yêu cầu khắt khe.
“REIT là hình thức góp vốn cho một hay nhiều dự án BĐS từ những cá nhân, tổ chức khác, thông qua việc phát hành các chứng từ có giá như cổ phiếu, chứng chỉ quỹ. Tại các quốc gia phát triển, quỹ REIT thường được niêm yết trên TTCK và NĐT góp vốn thông qua việc mua lại chứng chỉ quỹ. Bởi vậy, tôi cho rằng, quỹ REIT là một định hướng tốt, khả thi tạo ra dòng tiền dài hạn cho thị trường BĐS”, ông Lương nói.
Tuy nhiên, một trong những vướng mắc khiến cho quỹ REIT vẫn còn khá mới mẻ với thị trường Việt Nam đó là nhận thức của NĐT và DN trong nước về mô hình này còn e ngại. Bên cạnh đó, thị trường cũng đang thiếu các nhà quản lý quỹ chuyên nghiệp có kinh nghiệm về đầu tư BĐS. Trong khi đó, dù gia tăng khá nhiều về số lượng, nhưng chất lượng về nguồn cung BĐS chưa được đảm bảo. Hơn nữa, cơ chế khuyến khích các NĐT tham gia vào các mô hình này vẫn chưa thực sự rõ ràng, khiến nhiều người lăn tăn, dù rất muốn tìm hiểu để thành lập hoặc tham gia.
Chính vì vậy, để hạn chế sự phụ thuộc vào dòng vốn tín dụng ngân hàng, các chuyên gia chứng khoán cho rằng, thị trường BĐS cần hội tụ thêm các yếu tố để có thể hút vốn từ các kênh dẫn vốn khác như chứng khoán, FDI, kiều hối…
Ở góc nhìn của mình, ông Lê Văn Lương cho rằng, 2016, thị trường BĐS Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục chuyển biến tích cực; song vấn đề vốn cho phát triển thị trường này luôn cần tới các giải pháp phù hợp. Bởi lẽ hiện nay, luồng vốn chủ yếu mà các NĐT dự án hay làm là thực hiện cơ chế "mua bán BĐS hình thành trong tương lai", mặc dù rủi ro khá lớn và giải pháp khắc phục rủi ro vẫn chưa phát huy tác dụng. Và việc tiếp tục thành lập thêm các quỹ REIT để thu nhận vốn đầu tư trên TTCK huy động vốn từ các ngân hàng nước ngoài là những giải pháp hiệu quả...