Thống đốc PBOC cảnh báo về núi nợ Trung Quốc
Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên - Ảnh: Bloomberg
Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) Chu Tiểu Xuyên mới đây cảnh báo về mức độ nợ gia tăng của Trung Quốc.
Theo Bloomberg, ông Chu cho hay tỷ lệ cho vay doanh nghiệp so với tổng sản phẩm quốc nội đã quá lớn. Trung Quốc cần phát triển thị trường vốn mạnh mẽ hơn bằng cách định hướng tiết kiệm vào thị trường vốn. “Cho vay so với GDP, đặc biệt là cho vay doanh nghiệp so với GDP, đang ở mức quá cao”, ông Chu nói.
Tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc ở thủ đô Bắc Kinh, Thống đốc PBOC còn thừa nhận Đại lục vẫn còn đối mặt với vấn đề gây quỹ bất hợp pháp và các dịch vụ tài chính hiện vẫn chưa đủ.
Giới chức Trung Quốc đang chật vật cân bằng giữa việc vừa đáp ứng mục tiêu tăng trưởng ít nhất 6,5% từ nay đến năm 2020, vừa giải quyết mức nợ ngày càng cao. Hôm 16.2, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã cho hay tỷ lệ nợ cao của doanh nghiệp “không phải là chuyện mới ở Trung Quốc”, và nước này sẽ tìm cách hạ nó xuống bằng việc cải cách thị trường vốn.
Nợ doanh nghiệp Trung Quốc hiện ở mức 160% so với GDP Đại lục, theo số liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Tổng thư ký OECD Angel Gurria cho biết các ngành như sắt thép, xi măng, than đá đặc biệt có mức nợ cao và Trung Quốc phải giải quyết vấn đề này vì đây là nguy cơ trong ngắn hạn.
Nói về dự trữ đang sụt giảm nhanh chóng của đất nước, ông Chu cho biết dự trữ ngoại hối Trung Quốc đã “bùng nổ” sau năm 1997 và giai đoạn năm 2002 - 2008. Với mức vốn chảy vào nhiều, dòng vốn thoái lớn hiện nay là bình thường.
Diễn đàn Phát triển Trung Quốc kéo dài ba ngày với sự tham gia của các quan chức chính phủ hàng đầu Đại lục cùng CEO Facebook Mark Zuckerberg, CEO UBS Sergio Ermotti và giám đốc điều hành Ginni Rometty của hãng International Business Machines.Thông điệp mà giới lãnh đạo Trung Quốc đưa ra khá quen thuộc: tiếp tục đẩy mạnh cải cách cơ cấu cần thiết, ngay cả khi kinh tế tăng trưởng chậm lại.
Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde nói tại sự kiện trên: “Sự chuyển đổi là tốt cho Trung Quốc và thế giới. Như bất cứ sự thay đổi nào, quá trình chuyển đổi sẽ gặp phải một số khó khăn khi thực hiện”.
Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam chống hàng giả
Một lô hàng giả từ Trung Quốc nhập lậu về Việt Nam bị phát hiện - Ảnh: Đàm Huy
Chính phủ Nhật Bản sẽ giúp Việt Nam đấu tranh chống hàng giả nhập khẩu với hy vong nâng cao tính hiệu quả của các quy tắc Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Theo trang Nikkei Asian Review, TPP có một chương về sở hữu trí tuệ, trong đó bảo vệ bản quyền và thương hiệu nhiều hơn các hiệp định thương mại khác, chẳng hạn như cho phép việc các cơ quan chủ động vạch trần nhiều trường hợp vi phạm mà không cần đến khiếu nại từ chủ thể có bản quyền.
Song các doanh nghiệp không thể hưởng lợi hoàn toàn từ quy định trên, trừ khi tất cả các thành viên tham gia TPP đều thi hành đúng. Chính phủ Nhật Bản vì thế cho rằng các nền kinh tế mới nổi cần kỹ năng phòng chống hàng giả, hàng nhái và muốn hỗ trợ các nước này, bắt đầu từ Việt Nam.
Nhật Bản sẽ giúp các quan chức cửa khẩu Việt Nam nâng cao kỹ năng phát hiện hàng giả từ các sản phẩm hàng thật, hợp pháp, tạo khuôn khổ cần thiết để các nhà quản lý tham gia cùng các ngành công nghiệp bán lẻ để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái. Những biện pháp trên là một phần trong sự hợp tác mà Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Motoo Hayashi cam kết với các quan chức Việt Nam trong buổi làm việc gần đây tại Hà Nội.
Xe máy giả và các sản phẩm khác đang tràn vào Việt Nam từ Trung Quốc, một quan chức thương mại Nhật Bản cho biết. Những người làm hàng giả, hàng nhái chuyên nghiệp đã khiến việc phát hiện hàng giả, hàng nhái chỉ dựa vào bề ngoài sản phẩm khó hơn.
Sau Việt Nam, Tokyo có kế hoạch mở rộng sự hỗ trợ cho Malaysia và các nước khác tham gia ký kết TPP, mở đường cho việc tăng cường nhập khẩu các sản phẩm hợp pháp từ Nhật Bản.
Việt Nam và Nhật Bản cũng sẽ mở rộng hợp tác trong ngành công nghiệp dệt may. Trong thời gian tới, hai nước sẽ cân nhắc bỏ thuế đối với một số mặt hàng dệt may, xem xét trợ cấp và giảm thuế cho các nhà sản xuất Nhật Bản mở nhà máy tại Việt Nam. Nhật Bản và Việt Nam có kế hoạch thảo luận về các vấn đề trên thường xuyên từ cuộc họp đầu tiên diễn ra vào tháng 6 sắp tới.
Xuất khẩu từ Nhật Bản vào Việt Nam tăng 21% lên 1.510 tỉ yên Nhật, tương đương 13,5 tỉ USD, trong năm 2015. Dân số Việt Nam đang tăng lên và chính phủ Nhật Bản kỳ vọng hợp tác kinh tế nhiều hơn với quốc gia Đông Nam Á.
Anh sẽ mất 100 tỷ bảng nếu rời EU
Một nghiên cứu cho thấy rời Liên minh châu Âu (EU) sẽ gây ra "một cú sốc kinh tế nghiêm trọng", có thể khiến Anh mất 100 tỷ bảng và gần 1 triệu việc làm.
Ngày 23/6 tới, Anh sẽ thực hiện trưng cầu dân ý về việc đi hay ở lại EU. Tuy nhiên, Nghiên cứu của Liên đoàn Doanh nghiệp Anh (CBI) cho biết việc rời EU sẽ gây ra "những ảnh hưởng tiêu cực" kéo dài trong nhiều năm. Anh có thể mất 5% GDP và 950.000 việc làm cho đến năm 2020.Giám đốc CBI - Carolyn Fairbairn cho biết việc rời EU "sẽ là một cú đánh thực sự vào mức sống, việc làm và tăng trưởng". "Khoản tiết kiệm được nhờ không phải đóng góp vào ngân sách chung cho EU và việc điều hành khối này sẽ chẳng thấm vào đâu so với các ảnh hưởng tiêu cực lên thương mại và đầu tư. Kể cả trong trường hợp tốt nhất, kinh tế Anh vẫn phải chịu một cú sốc", bà cho biết.
Một biểu ngữ kêu gọi Anh rời EU tại văn phòng một nhóm hoạt động ở London. Ảnh: Reuters
Hãng tư vấn PwC - công ty thực hiện nghiên cứu này cho CBI - dự báo nếu Anh chọn ở lại EU, tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2016-2020 sẽ là 2,3%.
Còn nếu không phải thành viên EU, trong trường hợp ký Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với khối này, tốc độ trên chỉ là 1,5%. Và nếu giao thương với tư cách thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tốc độ này sẽ còn 0,9%.
Về việc làm, đến năm 2020, PwC dự báo số người có việc sẽ đạt 32,2 triệu. Nhưng nếu không còn là thành viên EU, con số này sẽ giảm thêm 550.000 nếu ký FTA, và 950.000 trong trường hợp dùng tư cách thành viên WTO.
Báo cáo của PwC cho rằng Anh sẽ trải qua "bất ổn kinh tế và chính trị lớn" nếu rời EU. Do nước này sẽ phải mất ít nhất 2 năm để rành mạch quan hệ với EU trong thương mại và các vấn đề khác.
Bà Fairbairn cho biết: "Nền kinh tế sẽ hồi phục dần dần. Nhưng sẽ không bao giờ về như trước đây nữa. Rời EU cũng có nghĩa nền kinh tế sẽ co hẹp lại năm 2030".
CBI hiện là tổ chức đại diện cho doanh nghiệp lớn nhất tại Anh. Họ đã công bố báo cáo này sau một khảo sát cho thấy 80% thành viên muốn ở lại EU. CBI khẳng định sẽ không đứng về bên nào trong cuộc tranh luận này. Nhưng theo kết quả khảo sát, họ cho rằng Anh sẽ có lợi ích kinh tế nhiều hơn nếu ở lại.
Tập đoàn Dewan 'cầu cứu' dự án tại Nha Trang
Phối cảnh dự án Dewan VN tại Nha Trang
Dự án Trường ĐH Khánh Hòa có tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng trên diện tích 10 ha tại xã Vĩnh Lương, TP.Nha Trang do chủ đầu tư là Công ty CP Dewan Projects cam kết hoàn thành sau 24 tháng thi công kể từ ngày động thổ (28.1.2015).
Tỉnh Khánh Hòa sẽ hoán đổi 2,2 ha “đất kim cương” ngay tại vị trí Trường CĐ Nha Trang hiện nay. Để đảm bảo năng lực tài chính, tỉnh yêu cầu chủ đầu tư phải góp vốn điều lệ là 5,5 triệu USD trước khi dự án khởi công. Tuy nhiên, chủ đầu tư không thực hiện, sau nhiều lần gia hạn góp vốn, tháng 11.2015, Tỉnh ủy Khánh Hòa tổ chức họp và chỉ đạo UBND tỉnh thu hồi dự án nói trên.
Trước thông tin dự án bị thu hồi, tháng 12.2015, Dewan Projects đã có thư gửi Thủ tướng xin can thiệp, cho tiếp tục làm dự án nói trên. Phía Dewan Projects đề xuất xin góp vốn điều lệ sau khi hợp đồng BT (xây dựng chuyển giao) chính thức ký. Đồng thời đề nghị Tỉnh ủy Khánh Hòa hoãn thu hồi dự án vì chỉ thị này gây rắc rối trong việc chuyển tiền từ Ấn Độ vào VN. Sau khi phía Dewan có ý kiến, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, đề nghị tỉnh Khánh Hòa xem xét, trả lời cho Dewan và báo cáo Chính phủ.
Theo ông Trần Hòa Nam, Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Khánh Hòa, quan điểm của tỉnh là vẫn thu hồi dự án này, nhưng các bước phải tiến hành theo đúng thủ tục pháp lý. Hơn thế, đây là dự án liên quan đến công ty nước ngoài nên phải làm chặt chẽ, tránh phát sinh kiện tụng sau này. Bước đầu, Sở KH-ĐT đã có công văn gửi lên UBND tỉnh về việc chấm dứt dự án, bước thứ hai mới tiến hành đề xuất thu hồi dự án.
Thị trường ô tô Malaysia giảm mạnh
Suy thoái kinh tế nói chung cùng nhiều nguyên nhân khác đang tác động mạnh đến ngành công nghiệp xe hơi Malaysia khi doanh số toàn ngành tháng 2 rớt xuống mức thấp nhất trong gần 3 năm.
Tờ Nikkei Asian Review dẫn báo cáo của Hiệp hội Xe hơi Malaysia (MAA) cho biết chỉ có 37.876 xe được bán ra trong tháng trước, giảm gần 25% so cùng kỳ năm ngoái và giảm 15% so với tháng 1.
Theo MAA, nguyên nhân chính là do các cửa hàng đóng cửa nghỉ Tết âm lịch và hiệp hội kỳ vọng các chiến dịch quảng bá rầm rộ sẽ cải thiện tình hình trong tháng 3. Tuy nhiên, nhiều phân tích cho thấy người dân trong nước đang thắt chặt chi tiêu do kinh tế có dấu hiệu chựng lại.
Theo Nikkei Asian Review, nền kinh tế lớn thứ 3 tại Đông Nam Á được dự báo tăng trưởng 4 - 4,5% trong năm nay so với 5% năm 2015 và lạm phát sẽ tăng lên mức 3,5%.
Tình trạng đồng ringgit mất giá cũng đẩy chi phí nhập khẩu phụ tùng và xe nguyên chiếc tăng cao nhưng doanh nghiệp không dám tăng giá trước nhu cầu mua xe đang ngày càng sụt giảm.
(
Tinkinhte
tổng hợp)