The Economist: Việt Nam có “con đường khó khăn hơn phía trước”
Ngân hàng Nhà nước: Lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm
Bổ sung nhóm sản phẩm cá phile đông lạnh xuất khẩu vào Liên minh Kinh tế Á-Âu
Sản lượng dầu thô Iraq trong tháng 7 tăng lên 4,632 triệu thùng/ngày
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 22-03-2016
- Cập nhật : 22/03/2016
Vốn toàn cầu đổ vào bất động sản thương mại đạt kỷ lục 443 tỷ USD
Báo cáo ghi nhận giá trị của dòng vốn mới đổ vào lĩnh vực bất động sản trên phạm vi toàn cầu và cho thấy dòng vốn này hiện không bị hạn chế vì các nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội tại mọi thị trường trên thế giới.
Tuy nhiên, mặc dù hoạt động đầu tư đạt kỷ lục cao tại nhiều thị trường trên thế giới, nhưng tốc độ tăng trưởng của vốn huy động đang bị chậm lại, theo ghi nhận của báo cáo. Thực tế chỉ tăng 3% trong năm 2015 so với 21% năm 2014 là mức tăng thấp hơn khá nhiều, điều này đã phản ánh mức độ năng động của các nhà đầu tư trong việc dùng vốn của mình đầu tư vào thị trường ngày càng sôi động như hiện nay.
Sự tăng trưởng của vốn hiện có được ghi nhận trên cả 3 khu vực, Châu Á đang dẫn đầu với 131 tỷ USD, tăng 8%, nhờ vào việc một số quỹ đã hoàn thành mục tiêu đầu tư trong năm 2015. Mặc dù là tăng trưởng tuy nhiên khu vực này vẫn thu hút vốn đầu tư ít nhất. Cả hai khu vực Châu Mỹ và EMEA (Châu Âu, Trung Đông và Châu Phi) đã cho thấy vốn mở rộng tăng ít hơn 2%. Khu vực EMEA có vốn đầu tư mới vào khoảng 143 tỷ USD trong khi Châu Mỹ vẫn dẫn đầu việc thu hút vốn, đạt 169 tỷ USD.
Có một sự thay đổi so với năm ngoái đó là vốn huy động thực tế đã bắt đầu giảm - dù giảm ít hơn 1%, từ 408 tỷ USD còn 407 tỷ USD. Điều này cho thấy rằng các quỹ được huy động hiện đang tập trung nhiều vào việc triển khai vốn. Điều này đã được kiểm chứng tại EMEA, nơi vốn huy động đã giảm 4% so với năm trước, còn 131 tỷ USD. Ngược lại, Khu vực Châu Á Thái Bình Dương có sự tăng trưởng khiêm tốn là 3% và Châu Mỹ tăng ít hơn 1%.
Carlo Barel di Sant’Albano, Giám đốc điều hành bộ phận Đầu tư thị trường vốn & kinh doanh dịch vụ đầu tư của Cushman & Wakefield toàn cầu cho biết: Khi thị trường chứng khoán toàn cầu đối mặt với sự bất ổn định ngày càng tăng, các yếu tố như “nới lỏng định lượng và “lãi suất thấp hơn khi kéo dài lâu hơn” sẽ duy trì sự hấp dẫn tương đối của lĩnh vực bất động sản thương mại, giúp duy trì dòng vốn đổ liên tục vào bất động sản và các quỹ liên quan.
Với nguồn vốn hiện tại đang ở mức cao kỷ lục, việc triển khai nó hiệu quả trở thành một mối quan tâm lớn đối với các nhà đầu tư. Điều này sẽ có lợi đối với các thị trường lớn và phát triển như Mỹ, Trung Quốc, Anh, Nhật Bản và Đức.
Vị Giám đốc này cho biết kỳ vọng đà tăng trưởng mạnh mẽ từ các dòng vốn đầu tư xuyên quốc gia sẽ tiếp tục khi các nhà đầu tư tìm cách đa dạng hóa trên khắp các thị trường.
"Các quan điểm về tương lai của thị trường ngày càng trở nên khác nhau, chúng tôi dự báo sẽ có sự chuyển đổi mạnh hơn nữa trong cách thức phân bổ nguồn vốn. Các nhà đầu tư sẽ tập trung vào các quyết định giảm thiểu rủi ro và sẽ chọn các đơn vị quản lý vốn có kinh nghiệm. Ngoài ra, xét đến việc một lượng vốn lớn được phân bổ vào bất động sản, các nhà đầu tư sẽ đánh giá giao dịch liên doanh và giao dịch điển hình như một cách để triển khai vốn dễ dàng hơn trên thị trường ", Carlo phân tích.
Bản báo cáo chỉ ra hơn một nửa (58%) các nhà đầu tư đang tập trung đầu tư vào một quốc gia đơn lẻ, và các quỹ đầu tư đa quốc gia chiếm 42% vốn còn lại. Những thay đổi trong chiến lược đầu tư đang được ghi nhận trên khắp các khu vực. Tại châu Mỹ, các quỹ đầu tư vào một quốc gia đơn lẻ chiếm 48%, trong khi tại châu Á Thái Bình Dương là 30% và tại EMEA là 22%.
Cơ hội đầu tư trên phạm vi toàn cầu và tại châu Á vẫn thu hút vốn từ châu Âu, trong khi vốn từ châu Á thì lại được rải khắp các thị trường trên toàn cầu, theo xu hướng đa dạng hóa của nhiều Công ty châu Á trong những năm gần đây. Ước tính rằng khu vực châu Mỹ sẽ nhận được số tiền đầu tư trong nước lớn nhất, với 71% vốn có sẵn được huy động trong nước. Một phần khá lớn, gần ¼ số vốn huy động được dự kiến sẽ đến từ bên ngoài khu vực, chủ yếu là từ các nhà đầu tư châu Âu.
Alex Crane, Tổng Giám Đốc Cushman & Wakefield chia sẻ: Tại Việt Nam, thị trường vẫn đang hấp dẫn các tổ chức đầu tư nước ngoài và nhu cầu đầu tư này sẽ tiếp tục trong năm 2016. Số lượng các thương vụ M&A đã tăng lên rõ rệt vào năm 2015, tăng khoảng 20% so với năm 2014, chiếm 10% tổng vốn đầu tư nước ngoài FDI vào Việt Nam.
Tuy nhiên ở phạm vi đầu tư cá nhân, chúng tôi vẫn chưa thấy nhiều sự tăng trưởng rõ rệt. Ví dụ như các nhà đầu tư cá nhân nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực BĐS nhà ở chẳng hạn, tuy nhiên, ở góc độ tổ chức thì các Công ty Châu Á hiện đang hoạt động rất tích cực tại Việt Nam. Thị trường đang trở nên cạnh tranh hơn bao giờ hết giữa các Công ty trong nước và các Tập đoàn nước ngoài trong việc sở hữu các dự án và các khoản đầu tư tốt nhất.
Alex cho rằng, một trong những thách thức lớn cho các nhà đầu tư và các nhà phát triển BĐS nước ngoài, dù cho vốn của họ có lớn đến đâu đi chăng nữa chính là việc tiếp cận quỹ đất. Vì các quỹ đất lớn thường được sở hữu bởi Công ty Việt Nam, do đó chúng tôi hy vọng xu hướng liên doanh với các Công ty trong nước trong thời gian tới sẽ được tiếp tục để nhà đầu tư nước ngoài có thể tiếp cận quỹ đất này để phát triển dự án
Tiếp tay cho các tài phiệt Mỹ trốn thuế, ngân hàng Thụy Sỹ vừa phải chịu án phạt lên đến 5 tỷ đô
08 tháng trước, công ty Rothschild & Co – một cái tên rất ít người biết nhưng lại rất nhiều banker và các tài phiệt đều biết – đã đóng một khoản phạt lên tới 11,5 triệu USD (cho Bộ Tư Pháp Mỹ).
Lý do? Công ty muốn thoát án trong việc giúp đỡ các tài phiệt Mỹ trốn thuế qua các tài khoản không công bố tại các ngân hàng offshore.
Tuy nhiên, khoản tiền phạt 11,5 triệu USD này của Rothschild chỉ là một con số rất nhỏ so với khoản tiền tổng cộng lên tới 5 tỷ đô mà 80 ngân hàng Thuỵ Sỹ vừa phải chịu (do các án phạt từ phía Mỹ).
Tuy nhiên, chúng ta đang chứng kiến một điều kỳ lạ đang diễn ra trong ngành ngân hàng của cả Thuỵ Sỹ và của cả thế giới.
Rothschild – một trong những tổ chức tài chính lớn nhất trên thế giới – đang lái dòng tiền mà họ quản lý giúp các nhà giàu thế giới - theo hướng ngược lại, giúp đỡ họ “trú ẩn” tài sản của họ ở chính tại… nước Mỹ, qua một công ty quản lý các tài sản ủy thác ở Reno, Nev (thành phố Reno, bang Nevada).
Tạp chí Bloomberg Businessweek đã lấy hình chụp thành phố Reno và “chế” vui lại từ: Thành phố nhỏ lớn nhất thế giới thành “Hầm trú ẩn thuế thấp” lớn nhất thế giới.
Ông đưa ra một ví dụ giả định về việc một nhà đầu tư Hong Kong, tới từ Trung Quốc, lo lắng thông tin về tài sản của mình có thể bị tiết lộ với chính quyền. Giải pháp của Penney là chuyển tài sản của Wang – tên vị doanh nhân - vào một công ty trách nhiệm hữu hạn LLC (Limited Liability Company) thuộc sở hữu của một công ty quản lý cáctài sản ủy thác (hay công ty tín thác – trust company) ở Nevada.
Cách làm này sẽ không chỉ giúp vị khách hàng khỏi các dò xét từ chính phủ Trung Quốc mà hơn thế vị khách nọ không phải chịu thuế của chính phủ Mỹ.
Sau nhiều năm “chiến đấu” với các quốc gia khác về việc giúp đỡ các nhà giàu Mỹ “trú ẩn” tài sản và tiền của họ ở nước ngoài, các chuyên gia thuế và những nhà làm luật người Mỹ đang nhận ra rằng chính nước Mỹ đang là “Thuỵ Sỹ Mới” hay “hầm trú ẩn mới” cho các nhà giàu.
Scott Cripps, giám đốc điều hành của một công ty quản lý tài sản uỷ thác (trust company) ở Nevada của Rothschild cũng khẳng định, đây là cách làm mới của giới ngân hàng. Theo Cripps, với những khách hàng người Mỹ, việc tách mình khỏi đám đông đua nhau chuyển tài sản ra nước ngoài (thay vào đó chuyển về Nevada) càng giúp họ “trú ẩn” tốt hơn. Với những vị khách hàng giàu có nước ngoài, “tính bảo mật là vô cùng lớn.”
Sự thay đổi lớn (được đề cập tới ở trên) của ngành ngân hàng thế giới là bởi trong những năm gần đây, các bang như Nevada và South Dakota ở Mỹ đang thực hiện các chương trình với mức thuế thấp, tính bảo mật cao qua các điều luật về quản lý tài sản (khá rộng lượng cho những nhà giàu không muốn công khai tài sản).
Cisa Trust – một công ty có trụ sở ở Geneva, Thuỵ Sỹ - chuyên “chăm sóc” các khách hàng giàu có người Mỹ La Tinh đang lên kế hoạch mở rộng hoạt động ở Pierre, South Dakota.
Trident Trust – một trong các công ty cung cấp dịch vụ quản lý tài sản uỷ thác lớn nhất thế giới – cũng vừa mở một công ty tín thác ở Sioux Fall, South Dakota. Chủ tịch của Trident, Alice Rokahr chia sẻ: “Tôi thực sự ngạc nhiên trước số lượng khách hàng yêu cầu những tài khoản bên ngoài Thuỵ Sỹ."
Nhưng cuối cùng thì đâu mới là điều kiện quyết định, khiến một nguồn tài sản khổng lồ (không muốn được công khai) đang đổ về Mỹ?
Để hiểu về điều này, đầu tiên, chúng ta cần phải tìm hiểu ngược về năm 2010. Khi đó, Mỹ thông qua Đạo luật tuân thủ thuế đối với các tài khoản ở nước ngoài của Hoa Kỳ - The Foreign Account Tax Compliance Act (hay FATCA).
Cụ thể nội dung điều luật này là Hoa Kỳ yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại các nước (TCTD) phải báo cáo thông tin định kì về các tài khoản của tổ chức/cá nhân Hoa Kỳ tại các TCTD.
Trong trường hợp không thực hiện, các ngân hàng nước ngoài sẽ phải đối mặt với các án phạt (penalty). Giờ có lẽ bạn đã hiểu khoản 5 tỷ đô mà các ngân hàng Thuỵ Sỹ đã trả cho Bộ Tư Pháp Mỹ là bởi vì đâu.
Sau đó, tổ chức quốc tế Organisation for Economic Co-operation and Development (OECD) (với 34 nước thành viên) cũng đã đưa ra những chuẩn về cung cấp thông tin tài khoản và tài sản của các công dân.
Theo đó, thông tin về tài sản của các cá nhân sẽ được chia sẻ với các quốc gia tham gia thoả thuận này. Hiện nay, có hơn 80 quốc gia và vùng miền lãnh thổ đã tham gia.
Tuy nhiên, lúc này, Mỹ cùng các quốc gia khác như Baharain, Nauru (những quốc gia bạn gần như chẳng bao giờ biết đến) lại không tham gia thoả thuận này. Điều này có nghĩa, Mỹ giờ lại là “hầm trú ẩn” an toàn cho các nhà giàu muốn lách thuế.
Foxconn hạ mức giá mua lại Sharp xuống chỉ còn 900 triệu USD, từ lời đề nghị 6,2 tỷ USD
Foxconn giảm mức giá mà Sharp đề nghị xuống chỉ còn 900 triệu USD, cho 2/3 số cổ phần của tập đoàn Nhật Bản.
Cách đây 1 tháng, tập đoàn Foxconn đã đưa ra lời đề nghị mua lại tượng đài Sharp của Nhật Bản với mức giá 6,2 tỷ USD. Tập đoàn điện tử Sharp cũng đã đồng ý lời đề nghị này, thay cho việc tiếp tục nhận nguồn vốn đầu tư từ một quỹ Chính phủ.
Tuy nhiên sau đó, Sharp đã để lộ khoản nợ khổng lồ lên tới 3,1 tỷ USD. Chính điều đó đã khiến cho Foxconn phải suy nghĩ lại, thương vụ này cũng bị hoãn lại. Bởi nếu như Foxconn thâu tóm Sharp, tập đoàn Đài Loan cũng sẽ phải gánh luôn cả khoản nợ khổng lồ này và khiến cho giá trị thực của thương vụ lên đến hơn 9 tỷ USD.
Sharp đã đề nghị phát hành khoảng 4,4 tỷ USD giá trị cổ phiếu của mình cho Foxconn. Để cho tập đoàn của Đài Loan có thể nắm giữ khoảng 2/3 số cổ phần của công ty Nhật Bản.
Tuy nhiên Foxconn sẽ không chấp nhận mức giá đó, thay vào đó sẽ giảm giá mua xuống chỉ còn 900 triệu USD. Trong khi đó, Foxconn vẫn sẽ muốn 2/3 số cổ phần của Sharp. Giá cổ phiếu của Sharp cũng đã giảm tới 14%, sau khi thông tin về khoản nợ được công bố.
Nếu như sở hữu 2/3 cổ phần của Sharp, Foxconn vẫn sẽ có trách nhiệm phải trả một phần khoản nợ mà tập đoàn Nhật bản này đang gánh chịu.
Hội đồng quản trị của Sharp sẽ tổ chức một cuộc họp vào cuối tháng này để quyết định kế hoạch giải cứu.
Chuyên gia Ngân hàng Thế giới Phạm Minh Đức: Gọi tên để thoát "bẫy" giá trị gia tăng thấp
Với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nền kinh tế Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội nhưng đi cùng với đó là vô vàn khó khăn, thách thức bởi nền kinh tế vẫn chưa thoát ra được những “điểm nghẽn” cố hữu, từ đó khi XK, phần giá trị gia tăng mang về cho đất nước khá khiêm tốn.
Là một trong số ít chuyên gia kinh tế “chỉ mặt điểm tên” vấn đề này là “bẫy” giá trị gia tăng, ông Phạm Minh Đức, chuyên gia kinh tế cao cấp, Ngân hàng Thế giới khẳng định, nêu chính xác tên gọi một vấn đề cũng là một điều quan trọng, bởi từ đó mới xác định được rõ ràng thực trạng và tìm giải pháp thích hợp.
Ông Phạm Minh Đức: Với 12 nước thành viên, trong đó có những nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ và Nhật Bản, TPP có quy mô kinh tế tương đương 28.000 tỷ USD, chiếm khoảng 36% tổng GDP toàn cầu, đóng góp hơn ¼ thương mại toàn cầu. TPP bao trùm không chỉ các vấn đề liên quan đến thương mại và đầu tư mà còn có các vấn đề thể chế xuyên suốt và có thể trở thành mô hình quản trị thương mại toàn cầu thế kỷ 21.
Tuy nhiên, Việt Nam tham gia vào phần giá trị thấp của chuỗi giá trị toàn cầu. Có thể thấy 70% số DN là gia công cắt may. Quy tắc xuất xứ tạo cơ hội tái cấu trúc ngành theo hướng tăng cường kết nối thượng nguồn cung ứng và thúc đẩy giá trị gia tăng của sản xuất, nhưng trên thực tế, Việt Nam phải nhập trên 50% nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc, quốc gia không nằm trong khối các nước tham gia TPP. Liệu Việt Nam có thể tận dụng cơ hội của TPP? Tận dụng được cơ hội, Việt Nam mới có thể thoát khỏi “bẫy” giá trị gia tăng thấp đã tồn tại trong nhiều năm qua.
Hiện trạng này chúng ta đã biết từ nhiều năm nay, nhưng chưa nhiều người gọi đích danh vấn đề ra như vậy?
Bẫy đấy Việt Nam đã và đang mắc phải trong nhiều năm. Điều này cho thấy mức độ thu lợi của DN cũng như nền kinh tế trong hoạt động XNK có hạn vì Việt Nam chỉ tham gia vào phần thấp của chuỗi giá trị, tức là chỉ tham gia vào công đoạn gia công thôi, hay nói cách khác, mình chỉ làm được thế thôi. Một bộ complê có giá bán khoảng 500 USD nhưng thực chất phần giá trị gia tăng của người gia công chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ, vài USD.
Thực trạng này đã tồn tại nhiều năm rồi, chỉ là tên gọi thôi. Có nhiều người gọi đó là “bẫy” gia công còn tôi thích gọi đó là “bẫy” giá trị gia tăng thấp. Câu chuyện là ta đã rơi vào “bẫy” rồi, nhưng điều quan trọng hơn là cần cảnh báo đến “bẫy” thu thập trung bình là bẫy có thể xảy ra trong tương lai nếu chúng ta không thoát được “bẫy” giá trị gia tăng thấp.
Ta đang rơi vào bẫy rồi nhưng vì sao ít được nghe cụm từ đó từ các chuyên gia kinh tế?
Cũng có thể có nhiều chuyên gia nói đến nhưng quan sát một cách kỹ lưỡng hơn và đề cập một cách đầy đủ thì có thể chưa. Một thuật ngữ cũng là một điều quan trọng, đặc biệt với truyền thông, bởi giới truyền thông sẽ mang thông điệp đến các nhà hoạch định chính sách, đến với DN, cộng đồng xã hội để mình biết được thách thức, từ đấy vượt qua được thách thức, làm sao nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Vậy khả năng thoát bẫy và khả năng mắc kẹt trong bẫy của Việt Nam như thế nào, thưa ông?
Khó có thể nói được vì điều này còn lệ thuộc vào bước đi và sự tích cực của toàn bộ các bên liên quan mà trước hết là Chính phủ. Theo tôi, không chỉ là Chính phủ chung chung mà là nhiều cơ quan của Chính phủ, nhiều ngành và DN. Chúng ta cần một nỗ lực chung để vượt qua thách thức đó. Nhiều nước đã làm được như Nhật Bản, Hàn Quốc...
Chúng ta nên học tập kinh nghiệm của họ chứ, thưa ông?
Với Nhật Bản, chỉ sau một thập kỷ, quốc gia này đã từ một quốc gia có thu nhập thấp thành một quốc gia có thu nhập cao, tức là họ không bị mắc “bẫy” thu nhập trung bình. Trên thế giới có đến 80-90% quốc gia mắc vào “bẫy” thu nhập trung bình, Việt Nam chưa phải đang ở trong giai đoạn mắc vào “bẫy” nhưng rất có thể bởi rất ít quốc gia thoát “bẫy” thu nhập trung bình.
Cơ hội Việt Nam có thoát “bẫy” hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng một trong những dự báo liệu Việt Nam có thoát “bẫy” hay không chúng ta có thể tham khảo khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới trong Báo cáo Việt Nam 2035. Theo đó, Việt Nam phải đạt tốc độ tăng trưởng cao, liên tục trong 20 năm tới với mức tăng thu nhập bình quân đầu người hằng năm khoảng 7%, tăng trưởng GDP hằng năm là 8%, để đến năm 2035 Việt Nam có thể đạt mức thu nhập bình quân đầu người từ 15.000-18.000 USD. (HQ)
Kiểm soát chặt thép nhập khẩu để bảo vệ sản xuất trong nước
Trước sự “đổ bộ” của mặt hàng thép nhập khẩu giá rẻ kèm theo nguy cơ gian lận cao, sự “kêu cứu” của ngành thép, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan kịp thời vào cuộc với nhiều giải pháp đồng bộ.
Nguy cơ thâu tóm thị trường của thép giá rẻ từ Trung Quốc
Mới đây, ngành thép tiếp tục “cầu cứu” Thủ tướng Chính phủ trước tình trạng phôi thép nhập khẩu giá rẻ đang ồ ạt tràn vào thị trường trong nước.
Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, ông Nghiêm Xuân Đa- Tổng giám đốc Tổng Công ty thép Việt Nam (Vnsteel) cho biết, năm 2015, lượng phôi thép giá rẻ nhập về lên đến gần 1,9 triệu tấn, tăng tới 300% so với năm 2014. Trung bình mỗi tháng nhập khẩu khoảng 150.000 tấn. Từ tháng 12-2015 và tháng 1-2016, lượng phôi thép tiếp tục tăng chóng mặt. Cụ thể, tháng 12-2015 cả nước nhập 317.00 tấn và tháng 1-2016 nhập 340.000 tấn.
Ông Nghiêm Xuân Đa so sánh, số lượng nhập khẩu 2 tháng kể trên cao gấp hơn 3 lần so với thời điểm tháng 1-2015 (chỉ nhập 102.000 tấn).
Trái ngược với sự tăng trưởng về sản lượng, giá phôi thép nhập khẩu lại đang lao dốc mạnh từ mức 451 USD/tấn (tháng 1-2015) xuống 269 USD/tấn (tháng 1-2016). Nghĩa là giảm giá đến hơn 40% chỉ trong vòng 1 năm.
Lãnh đạo Vnsteel than thở, nếu tình trạng nhập khẩu phôi thép được tiếp tục duy trì như vừa qua, các doanh nghiệp sản xuất phôi thép trong nước sẽ phải đối mặt với nguy cơ dừng sản xuất và phá sản, đồng thời kéo theo nhiều hệ lụy. Vnsteel khẩn thiết đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan có biện pháp hữu hiệu để kiểm soát phôi thép nhập khẩu, “cứu” các doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên, Vnsteel và đại diện Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) và các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước phải kêu cứu cơ quan quản lý trước sự tấn công của thép ngoại giá rẻ. Tháng 10-2015, VSA đã đưa ra cảnh báo và kiến nghị các bộ, ngành phải có biện pháp quản lý hữu hiệu đối với chiêu phôi thép Trung Quốc “đội lốt’” hợp kim nhằm hưởng ưu đãi thuế và đang tràn vào Việt Nam.
Tạo sân chơi công bằng
Theo Bộ Tài chính, trước nguy cơ gian lận của những mặt hàng thép giá rẻ, sự “cầu cứu” của ngành thép, ngay từ cuối tháng 10-2015 và trong đầu tháng 2-2016 mới đây, Chính phủ liên tiếp chỉ đạo các bộ, ngành phải tăng cường quản lý mặt hàng thép, chống gian lận thương mại, chống bán phá giá, khẩn trương điều tra và áp dụng biện pháp tự vệ khẩn cấp… nhằm bảo vệ sản xuất trong nước.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã khẩn trương tiến hành các biện pháp điều tra. Đầu tháng 3-2016, Bộ Công Thương chính thức áp dụng thuế tự vệ tạm thời đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu. Cụ thể, phôi thép và thép dài nhập khẩu từ nhiều nước và vùng lãnh thổ vào Việt Nam sẽ chịu thuế tự vệ tạm thời, lần lượt là 23,3% và 14,2% (dưới dạng thuế nhập khẩu bổ sung), trong khoảng thời gian từ ngày 22-3-2016 đến hết ngày 7-10-2016.
Cùng với biện pháp về áp thuế tự vệ, Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan kiểm tra chi tiết hồ sơ đối với mặt hàng thép thuộc diện quản lý chuyên ngành; kiểm tra thực tế hàng hóa (100%) đối hàng có xuất xứ Trung Quốc thuộc diện trong nước đã sản xuất được; kiểm tra thực tế 100% và lấy mẫu phân tích theo quy định với thép Trung Quốc (những mặt hàng trong nước chưa sản xuất được) để xác định chính xác mã số, mặt hàng thuộc diện chống bán phá giá và mặt hàng thép chứa hợp kim bo có nguy cơ gian lận cao…(HQ)