Kiệt quệ vì hàng gian, hàng giả
Lệch số liệu GDP 300.000 tỉ: Tổng cụcThống kê nói tính đúng
Nhiều doanh nghiệp nợ thuế trốn khỏi địa chỉ kinh doanh
Chỉ mất 3 giờ để nhận giấy phép đầu tư ở Indonesia
Thái Lan dự kiến cho thuê đất tới 99 năm
Tin kinh tế đọc nhanh 27-05-2016
- Cập nhật : 27/05/2016
BĐS còn “hưng phấn” bao lâu?
Mới đây, ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc JLL Việt Nam đã đưa ra quan điểm cho rằng thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam nói chung và TP. HCM nói riêng đang trải qua một giai đoạn “nắng nóng” khá cao độ. Và câu hỏi được đặt ra, sau khi giai đoạn cao trào đi qua liệu thị trường có bị nguội lạnh trở lại hay không?
Câu hỏi này không chỉ giới chuyên gia mà các chủ đầu tư, nhà phát triển dự án rất quan tâm để có kế hoạch dự phòng phù hợp với tình hình của thị trường khi mọi thứ đổi thay.
Theo số liệu thống kê của nhiều công ty nghiên cứu BĐS cho thấy, trong thời gian qua giao dịch cũng như tỷ lệ hấp thụ sản phẩm ở nhiều phân khúc BĐS đã tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba so với giai đoạn trầm lắng trước đây. Cụ thể, doanh số bán hàng ghi nhận trong quý I/2016 tại TP. HCM đạt khoảng 9.000 căn hộ, lượng cầu đối với căn hộ cho thuê hạng A cũng tăng lên đáng kể, đẩy giá cho thuê tăng 5 - 7%, tỷ lệ trống còn rất thấp...
Không chỉ vậy, tìm hiểu thực tế từ các dự án mở bán trong năm 2015 và đầu năm 2016, các chủ đầu tư đều cho biết tỷ lệ giao dịch thành công cao, thậm chí đạt 80 - 90% trong tháng đầu mở bán. Điển hình phải kể đến những dự án “đình đám” của Phú Mỹ Hưng như Sky Garden, Senic Valey (Quận 7). Novaland với Sunrise City (Quận 7), LakeView City (Quận 2), Madison (Quận 1). Hưng Thịnh Land với Florita (Quận 7), Saigon Mia (Quận 8), 9 View (Quận 9)...
Ông Nguyễn Nam Hiền, Tổng giám đốc Hưng Thịnh Land nhận định đây là thời điểm thuận lợi để mở bán sản phẩm. Đặc biệt, đối với những căn hộ chất lượng tốt, giá cả hợp lý luôn là lựa chọn của người có nhu cầu thực sự. Vấn đề quan trọng là uy tín và cam kết của chủ đầu tư về tiến độ xây dựng, giấy tờ tính chất pháp lý của BĐS được đảm bảo. Đây là những yếu tố giúp giao dịch đạt tỷ lệ thành công cao.
Nhìn rộng hơn, một chuyên gia BĐS cho rằng, sở dĩ một vài năm trở lại đây tình hình thị trường BĐS trở nên “ấm” hơn là do tác động từ nền kinh tế vĩ mô có nhiều chuyển biến tích cực như tăng trưởng GDP được dự báo ở mức 6,8% trong năm 2016, lạm phát kìm chế dưới mức 3%, lãi suất duy trì ở mức 8 – 9%/năm, thu hút FDI cao... Vì vậy, nhiều nhà đầu tư đã quay lại đầu tư vào thị trường BĐS để tìm kiếm cơ hội sinh lời.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội BĐS TP. HCM (Horea), thị trường BĐS vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro như việc gia tăng nhà đầu tư thứ cấp (khoảng 15%) mua đi bán lại sang tay nhiều lần đẩy giá trị BĐS tăng cao so với giá trị thực tế ban đầu.
Đến nay, nhiều chủ đầu tư vẫn dựa chủ yếu vào nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng dẫn đến tiềm ẩn về nguy cơ nợ xấu. Hay, sự phát triển tập trung của một số chủ đầu tư đối với phân khúc BĐS cao cấp khiến cho dòng sản phẩm không hướng vào nhu cầu của đại đa số người tiêu dùng dễ dẫn đến lệch pha cung cầu...
Mặc dù, trong ngắn hạn thị trường BĐS sẽ vẫn tiếp tục đà phát triển nhưng chủ yếu duy trì ở phân khúc bình dân, có giá bán trên dưới 1 tỷ đồng/căn - đây được dự đoán là phân khúc bền vững và có tiềm năng phát triển lâu dài. Ngược lại, đối với phân khúc không chọn đúng "điểm rơi" của thị trường, lượng cung nhiều trong khi nhu cầu thực sự hạn chế, đòi hỏi các chủ đầu tư phải nỗ lực trong khâu tiếp thị, hậu mãi, chăm sóc khách hàng, thậm chí phải tạo ra điểm nhấn, sự khác biệt để lôi kéo người mua đến với dự án của mình.
Điển hình như chương trình để khách hàng là người trực tiếp tham gia giám sát, theo dõi tiến độ thi công thông qua các camera đặt tại công trường, chương trình cam kết giúp người mua nhà tìm được khách thuê lại căn hộ khi chưa có nhu cầu ở, hoặc giảm giá chiết khấu, tặng đồ nội thất đắt tiền...
Bên cạnh đó, các chủ đầu tư còn tạo điểm nhấn cho dự án của mình thêm phần "độc, lạ" hơn so với các dự án khác xung quanh bằng nhiều tiện ích như hồ bơi nước biển nhân tạo tràn bờ, sân vườn, công viên cây xanh ngay sát tận phòng ở, khu vui chơi cho trẻ em với nhiều đồ chơi kích thích phát triển thể chất và trí tuệ...
"Thực tế, trong một vài tháng gần đây, đối với phân khúc BĐS cao cấp đã có dấu hiệu chững lại, điều này phản ánh diễn biến và khả năng hấp thụ thực chất của thị trường. Dù đây cũng là mối quan ngại song xét ở khía cạnh khác lại có lợi cho người mua bởi khi nguồn cung phong phú, giá thành sẽ không bị đẩy lên cao mà ngược lại chủ đầu tư phải lo giữ giá ổn định, thậm chí hạ thấp cũng như đầu tư nhiều hơn vào chất lượng và tiện ích công trình nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh" - ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Horea phân tích.(TBNH)
PVN ký bản ghi nhớ với hai công ty dầu khí Mỹ
PVN đã ký hai bản ghi nhớ với Công ty Dầu khí lớn của Mỹ là Honeywell và Murphy.
Ngày 23/5, tại Hà Nội, nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Thập, Phó Tổng giám đốc Thường trực Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã ký hai bản ghi nhớ (MOU) với Công ty Dầu khí lớn của Mỹ là Honeywell và Murphy.
Với Công ty Honeywell, hai bên sẽ sẽ thành lập Nhóm công tác để xác định, tìm hiểu và thúc đẩy sự phát triển của các Dự án hợp tác chung. Nhóm công tác ban đầu sẽ tập trung vào các điểm hợp tác chính về tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm tối ưu nhất trong ngành công nghiệp dầu mỏ và khí đốt.
Riêng bản ghi nhớ ký giữa PVN và Murphy đánh giá sự quan tâm và các cơ hội hợp tác giữa hai bên về các dự án thăm dò khai thác dầu khí tại Việt Nam, Hoa Kỳ và các nước thứ ba.
Tiếp tục các hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí trong khuôn khổ các Hợp đồng dầu khí đã được ký kết (Lô 144,145 ở bể Phú Khánh; Lô 11-2/11 ở Bể Nam Côn Sơn và các Hợp đồng khác).
Nợ xấu đang tăng trở lại
Tỷ lệ nợ xấu tính đến cuối tháng 3 tăng lên 2,62% so với con số 2,55% vào tháng 12.2015.
Ngân hàng Nhà nước VN vừa công bố một số chỉ tiêu cơ bản các tổ chức tín dụng (TCTD), trong đó tỷ lệ nợ xấu tính đến cuối tháng 3 tăng lên 2,62% so với con số 2,55% vào tháng 12.2015.
Ngoài ra, tổng tài sản của các TCTD trong tháng 3 tăng hơn 130.000 tỉ đồng so với tháng trước, đạt hơn 7,5 triệu tỉ đồng (tăng 2,53% so với đầu năm).
Chỉ số vốn tự có của các NH tăng gần 600 tỉ đồng, lên 582.817 tỉ đồng; vốn điều lệ tăng hơn 1.300 tỉ đồng, lên hơn 462.000 tỉ đồng. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu giảm nhẹ xuống còn 12,67%, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tăng nhẹ lên 30,86%.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN xây dựng Đề án cho giai đoạn 2016 - 2020, trong đó chú trọng xử lý nợ xấu thực chất qua Công ty Quản lý tài sản các TCTD Việt Nam (VAMC).
Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4.2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các bộ, ngành tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, cần điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng linh hoạt, hiệu quả; giảm dần lãi suất cho vay; bảo đảm tăng trưởng tín dụng, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên gắn với nâng cao chất lượng tín dụng.
Trong năm 2015, với sự nỗ lực của VAMC, công với sự nỗ lực của các TCTD ngoài việc bán nợ cho VAMC đã tự khắc phục và thu hồi các khoản nợ kéo tỷ lệ toàn ngành về mức dưới 3%. Tuy nhiên, theo một số nguồn tin, các ngân hàng đang đẩy mạnh cho vay, tín dụng tăng nóng.
Có nên giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc?
Cần sự cân nhắc thận trọng trong việc điều chỉnh giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong tình hình hiện nay để phát huy tính hiệu quả của công cụ này.
Công cụ dự trữ bắt buộc với lịch sử hình thành là để sử dụng nhằm đảm bảo khả năng thanh khoản của các NHTM. Nó được coi là công cụ mạnh để NH Trung ương hút tiền về khi lạm phát gia tăng. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của thị trường tiền tệ, các công cụ chính sách tiền tệ không ngừng đổi mới và hoàn thiện.
Theo đó, nghiệp vụ thị trường mở đã được hình thành và ngày càng phát triển đã thay thế dần được tính năng cơ bản của công cụ dự trữ bắt buộc là đảm bảo khả năng thanh khoản và thu hút tiền về. Vì vậy, một số quốc gia đã loại bỏ công cụ dự trữ bắt buộc khỏi hệ thống điều hành chính sách tiền tệ, bởi mặt trái của công cụ này là một hình thức đánh thuế vào hoạt động của các NHTM.
Đối với Việt Nam, từ những năm 1990 - giai đoạn đầu của sự phát triển, công cụ dự trữ bắt buộc được xem như một công cụ chủ yếu để điều hành chính sách tiền tệ. Pháp lệnh NHNN quy định tỷ lệ dự trữ bắt buộc tối thiểu là 10%, tối đa là 35%. Nhưng trên thực tế NHNN chỉ quy định ở mức 10% cho đến khi có sự ra đời của Luật NHNN năm 1997, thì cho phép NHNN được điều hành tỷ lệ dự trữ bắt buộc linh hoạt hơn (Luật chỉ quy định mức tối thiểu là 0%).
Từ tháng 7/2000, công cụ nghiệp vụ thị trường mở được hình thành và không ngừng phát triển cho đến ngày nay, công cụ này có tính năng mạnh trong việc hỗ trợ thanh khoản cho các NHTM. Theo đó, vai trò của công cụ dự trữ bắt buộc để hỗ trợ thanh khoản đã yếu dần, dường như công cụ dự trữ bắt buộc chỉ còn giữ vai trò quan trọng trong việc điều tiết dòng tiền. Điều này có thể được minh chứng qua việc NHNN giữ tỷ lệ dự trữ bắt buộc ở mức thấp và tương đối ổn định trong gần 5 năm qua.
Cụ thể, tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các dòng vốn huy động tiền gửi VND ngắn hạn ở mức 3%, dòng vốn huy động tiền gửi trung và dài hạn ở mức thấp hơn chỉ là 1% để khuyến khích các NHTM thay đổi cơ cấu nguồn vốn huy động, tăng cường huy động vốn trung và dài hạn, giảm huy động ngắn hạn. Riêng huy động ngoại tệ ngắn ở mức 8%, trung và dài hạn 6%. Quy định tỷ lệ dự trữ bắt buộc khác nhau giữa VND và ngoại tệ là sự phối hợp đồng bộ với các công cụ lãi suất nhằm mục tiêu chống đô-la hóa.
Để khuyến khích dòng vốn chảy vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ đối với lĩnh vực này được quy định ở mức thấp hơn 1 điểm phần trăm, tương ứng với 7% ngắn hạn và 5% trung dài hạn. Riêng tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng VND trong cho vay nông nghiệp nông thôn giảm 2 điểm phần trăm so với mức thông thường, tức chỉ còn 1%.
Với tỷ lệ dự trữ bắt buộc quy định như hiện nay, nhìn chung là thấp và tạo ra được sự chênh lệnh để điều tiết dòng vốn theo mục tiêu. Nếu tiếp tục giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc xuống mức thấp hơn nữa (1-2% hoặc xuống bằng 0%) thì liệu có thể tạo được sự chêch lệch để khuyến khích dòng vốn? Câu trả lời là không. Hiện nay, thanh khoản của hệ thống NH đang ở mức dồi dào, biểu hiện trên thị trường liên NH là các NHTM đã hạ thấp lãi suất cho vay lẫn nhau và NHNN liên tiếp hút ròng về qua kênh nghiệp vụ thị trường mở.
Trong tình hình như vậy thì NHNN có hạ thấp tỷ lệ dự trữ bắt buộc cũng không có ý nghĩa nhiều giúp các NHTM có thêm nguồn vốn để đầu tư và giảm phần nào chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay.
Mặt khác, trong tình hình lạm phát đang có xu hướng gia tăng, việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ phát đi tín hiệu nới lỏng chính sách tiền tệ, gây ra những hoang mang nhất định cho thị trường, nhất là những nhà đầu tư nước ngoài. Do vậy, điều chỉnh giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong tình hình hiện nay, cần có sự cân nhắc thận trọng để phát huy tính hiệu quả của công cụ này.(TBNH)
Các ngân hàng đang có sự phân hoá về tăng trưởng
Theo báo cáo mới đây của CTCK VDSC, thì việc tín dụng tăng tốc đang trở thành động lực cho tăng trưởng của các ngân hàng.
Cụ thể, kết thúc quý I/2016, tổng thu nhập hoạt động của các ngân hàng niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán đạt 26.795 tỷ đồng (tăng 16% so với cùng kỳ), trong đó thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng trưởng khá mạnh (28%) nhưng chỉ đóng góp khoảng 8% trong cơ cấu thu nhập của 9 ngân hàng niêm yết. Thu nhập từ lãi, ngược lại tăng trưởng khoảng 12% so với cùng kỳ nhưng đóng góp hơn 82% trong tổng thu nhập.
Như vậy, với thu nhập từ lãi đóng góp trung bình khoảng 81% (2010 – 2015) tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng thì tăng trưởng tín dụng vẫn là động lực tăng trưởng lợi nhuận chính của các ngân hàng.
Nhìn tổng thể, kết thúc giai đoạn 1 (2012 – 2015) của lộ trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất là xử lý nợ xấu đã bước đầu đạt được kết quả. Tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống được đưa về mức 2,55% vào cuối năm 2015, phần lớn những khoản nợ này được tách khỏi bảng cân đối của các ngân hàng và chia nhỏ thời gian để xử lý.
Mặc dù khả năng thu hồi nợ sẽ tùy thuộc vào nhiều yếu tố, cả nội lực của ngân hàng cũng như ngoại lực là khả năng phục hồi của nền kinh tế, thì ít nhất là các ngân hàng đã gác được mối vướng bận về những khoản “nợ quá xấu” ảnh hưởng đến các chỉ tiêu an toàn vốn cũng như chất lượng tài sản, để tập trung đẩy mạnh kinh doanh.
Như vậy, trong một chừng mực nhất định thì có thể xem các tồn đọng về nợ xấu và các vấn đề đi kèm sẽ được xử lý hàng năm và có thể kéo dài từ 5 – 7 năm (tính từ năm 2013). Do đó, thị trường có thêm góc nhìn tích cực về tốc độ hồi phục lợi nhuận của các ngân hàng.
Mặc dù vậy, với nhu cầu đầu tư cao, cũng như chi phí xử lý các tồn đọng trong quá trình tái cấu trúc (nợ xấu, chất lượng quản trị, nguồn vốn…), thì khó có thể kỳ vọng hoạt động của các ngân hàng sẽ được cải thiện một cách thật mạnh mẽ.
Đặt trong bối cảnh Chính phủ đang thể hiện rõ quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và có nhiều giải pháp hỗ trợ các lĩnh vực sản xuất, ngành nghề kinh doanh phục hồi, giới phân tích kỳ vọng việc xử lý các vấn đề tồn đọng của ngành Ngân hàng sẽ đi đúng kịch bản đã được cơ quan chủ quản đề ra.
Theo đó, sẽ không có sự tăng trưởng/phục hồi đồng đều giữa các ngân hàng. Thay vào đó là sự phân hóa, trong đó các ngân hàng đã hoàn thành cơ bản đề án tái cấu trúc sẽ có lợi nhuận tăng trưởng bền vững; ngược lại, những ngân hàng mới bắt tay thực hiện tái cấu trúc sẽ cần thêm thời gian để có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình trước khi tính đến bài toán phát triển.
Đơn cử, đến cuối quý I/2016, quan sát số liệu của các ngân hàng niêm yết, giới phân tích nhận thấy mức tăng trưởng có sự phân hóa rõ rệt giữa các ngân hàng, trong đó EIB và NVB là hai ngân hàng có tăng trưởng thấp hơn trung bình hệ thống. VCB và ACB là hai ngân hàng có tăng trưởng tín dụng cao nhất.
Và như vậy, trong năm 2016 cũng như vài năm tới, lợi nhuận của ngành Ngân hàng, nhìn chung, chỉ có thể duy trì mức tăng trưởng ổn định và khó có đột biến trước năm 2019.