tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 26-05-2016

  • Cập nhật : 26/05/2016

Tin tặc sẽ trỗi dậy, có thể phá sập một ngân hàng

Sau ba vụ tấn công ngân hàng Việt Nam, Bangladesh và Ecuador, người đứng đầu mạng lưới kết nối các nhà băng trên thế giới cảnh báo: tin tặc sẽ tấn công một lần nữa và có thể phá sập một ngân hàng.
anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Giám đốc điều hành Hiệp hội Viễn thông liên Ngân hàng và Tài chính Quốc tế (SWIFT) Gottfried Leibbrandt vừa đưa ra một thông điệp cho ngành ngân hàng sau ba vụ tấn công vào nhà băng ở Việt Nam, Bangladesh và Ecuador với cùng một biện pháp phá vỡ hệ thống an ninh.
Cuộc tấn công vào ngân hàng trung ương Bangladesh đã làm thất thoát 101 triệu USD, trong khi ngân hàng Banco del Austro thì bị trộm 12 triệu USD. TPBank của Việt Nam đã ngăn chặn được vụ hack. Ông Leibbrandt cho hay có thể còn nhiều vụ tấn công khác nhằm vào ngân hàng nhưng không được báo cáo.
“Vụ tấn công vào ngân hàng Bangladesh không phải một vụ riêng lẻ: chúng ta biết được ít nhất hai, nhưng có thể nhiều hơn, các trường hợp khác về việc những kẻ lừa đảo sử dụng cùng cách trộm, dù không lấy đi được nhiều”, ông Leibbrandt nói.
SWIFT đã phát đi cảnh báo đối với các khách hàng của họ rằng những vụ hack này dường như là “một phần của một chiến dịch rộng lớn hơn, có độ thích nghi cao hơn”.
Trong cả ba trường hợp, mô hình cơ bản được bọn trộm áp dụng là: sử dụng phần mềm độc hại để phá vỡ hệ thống an ninh địa phương của một nhà băng, đạt được quyền truy cập vào mạng tin nhắn của SWIFT và gửi thư lừa đảo thông qua SWIFT để bắt đầu chuyển tiền từ tài khoản của nhà băng nhỏ ở ngân hàng lớn.
CEO SWIFT cho hay phương pháp trên nghiêm trọng hơn nhiều so với hành vi vi phạm truy cập dữ liệu điển hình hoặc đánh cắp thông tin khách hàng. Việc mất kiểm soát trên một kênh thanh toán có thể phá sập một ngân hàng.
Phương pháp mà tin tặc dùng để tấn công ngân hàng Việt Nam và Bangladesh dường như đã được triển khai cách đây một năm trong vụ trộm 12 triệu USD ở Ecuador.
“Trong các trường hợp gần đây, những tên trộm đã làm được chuyện di chuyển một số tài sản ở nước ngoài của các ngân hàng”, ông Leibbrandt cho hay. Các vụ hack nhấn mạnh tính dễ tổn thương của các ngân hàng nhỏ không đủ khả năng tự vệ tiên tiến.
Nếu tin tặc có thể thâm nhập vào một ngân hàng nhỏ, chúng có khả năng kéo tiền ra khỏi một nhà băng lớn hơn. Trong trường hợp của ngân hàng trung ương Bangladesh, tiền đã bị chuyển khỏi tài khoản của họ mở ở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ở New York. Với Banco del Austro, tiền tuồn ra từ tài khoản của họ ở ngân hàng Mỹ Wells Fargo.
SWIFT đang áp dụng các biện pháp bổ sung để bảo đảm an ninh cho các khách hàng, bao gồm cả việc chia sẻ thêm thông tin, hỗ trợ kiểm tra an ninh và giới thiệu các yêu cầu khó hơn cho mạng máy tính ngân hàng địa phương. Hiện tại, dịch vụ mạng và tin nhắn cốt lõi của SWIFT chưa bị ảnh hưởng bởi các vụ tấn công mạng.
Theo ông Leibbrandt, vụ tấn công vào ngân hàng trung ương Bangladesh là “bước ngoặt” cho thấy cả ngành công nghiệp phải “hoạt động tích cực hơn nữa trong nỗ lực phòng thủ chung”: “Ngành công nghiệp tài chính, như một cộng đồng, phải hiểu rõ rằng nguy cơ tấn công mạng là lớn và sẽ có nhiều cuộc tấn công mạng nữa. Chắc chắn, một vài trong số chúng sẽ thành công”.

Nhập siêu trở lại trong tháng 5

Theo ước tính của Tổng cục Thống kế, cả nước nhập siêu 400 triệu USD trong tháng 5. Trước đó, tháng 4, Việt Nam xuất siêu khoảng 100 triệu USD.
anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập của cả nước trong tháng 5/2015 đạt 29,6 tỷ USD.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 14,6 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 15 tỷ USD. Cả nước nhập siêu 400 triệu USD trong tháng 5.
Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước 5 tháng đầu năm 2016 ước đạt 134 tỷ USD.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 67,7 tỷ USD, còn kim ngạch nhập khẩu đạt 66,3 tỷ USD. Như vậy, 5 tháng đầu năm, cả nước xuất siêu 1,4 tỷ USD.
Để đạt được mức xuất siêu trên có sự đóng góp rất lớn từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu khu vực này đạt 87,3 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 48,2 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 39,1 tỷ USD. Như vậy, xuất siêu ở khu vực FDI là hơn 9,1 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm.
Trước đó, theo số liệu Tổng cục Thống kê, tháng 4, Việt Nam xuất siêu khoảng 100 triệu USD, với kim ngạch xuất khẩu: 14,1 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu ước đạt 14 tỷ USD.

Hàng tỷ đô la từ Hà Nội “chảy” vào Phú Quốc

Có tới 80% người mua bất động sản nghỉ dưỡng tại Phú Quốc đến từ Hà Nội, đặc biệt là các bất động sản có giá trị hàng triệu USD.
anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Bùng nổ siêu dự án
Theo đánh giá của Savills Việt Nam, mặc dù Phú Quốc đang là điểm nóng về du lịch và đầu tư của Việt Nam hiện nay, tuy nhiên, hiện nay đa số các khách sạn Phú Quốc là của người địa phương và có quy mô nhỏ, chỉ một ít được xếp hạng và quản lý chuyên nghiệp.
Thống kê cho thấy, tính đến quý I/2016, chỉ có 33% tổng cung trên đảo, tương đương 2.500 phòng được xếp hạng 3 đến 5 sao. Trong đó, có tới 60% các dự án chỉ vừa mới đi vào hoạt động trong khoảng 2 năm qua sau khi sân bay quốc tế Phú Quốc hoàn thành.
Trước năm 2015, do nguồn cung hạn chế nên các khách sạn tại Phú Quốc hoạt động ổn định với công suất cao trên 80% trong mùa cao điểm từ tháng 11 đến tháng 3. Tuy nhiên, việc nguồn cung phòng bùng nổ gần đây tác động mạnh lên thị trường, công suất mùa cao điểm quý I/2016 cũng chỉ đạt 53%.
Ngoài chi phí hoạt động cao, đa số các dự án trên đảo đều là khu nghỉ dưỡng nên có giá phòng khá cao - đạt khoảng 105USD/phòng/đêm - so với các thành phố biển khác ở Việt Nam như Đà Nẵng, Nha Trang .
Nhờ cơ sở hạ tầng cải thiện, chính sách ưu đãi và bờ biển đẹp, Phú Quốc đang trở thành điểm du lịch biển lý tưởng. Đặc biệt, sau khi sân bay hoàn thành vào năm 2012, khách du lịch đến đây tăng mạnh 55%/năm trong 3 năm qua.
Tính riếng 4 tháng đầu năm 2016, Phú Quốc đã đón 523.000 khách quốc tế, tăng 37% theo năm.
Cũng theo Savills, rất nhiều siêu dự án có quy mô lớn (trên 200 phòng) sẽ gia nhập thị trường trong 2 năm tới với nhiều tên tuổi quản lý quốc tế như Starwood, IHG và Mövenpick.

80% nhà đầu tư đến từ Hà Nội
Theo ghi nhận của Savills Việt Nam,  tính đến quý I/2016, tổng nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng của Phú Quốc có hơn 1.700 căn từ 6 dự án biệt thự và 1 dư án căn hộ. Trong đó, phân khúc biệt thự đã bán được 65% và phân khúc căn hộ đã bán được 35%.
Đặc biệt, theo quan sát của Savills, hầu hết người mua các dự án tại Phú Quốc là từ Hà Nội, chiếm khoảng 80%, tiếp theo là người mua từ TP.HCM với khoảng 15%.
Những người mua bất động sản nghỉ dưỡng ở Phú Quốc chủ yếu là mua để đầu tư hoặc nghỉ dưỡng.
Do tình hình phát triển du lịch khả quan hơn và nhiều chính sách hỗ trợ, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ở Phú Quốc đã thu hút nhiều nhà đầu tư trong vài năm gần đây với dòng vốn đầu tư lên tới hàng tỷ USD.
Tuy nhiên, hầu hết các dự án tương lai vẫn đang trong quy hoạch vì chính quyền địa phương thường xuyên thay đổi chính sách và quy hoạch chung của đảo.
Chỉ có 3 dự án mới và giai đoạn kế tiếp của 3 dự án hiện hữu công bố là sẽ gia nhập thị trường kể từ quý II/2016 trở đi, cung cấp hơn 660 căn.

Kiến nghị sau 2017 mới “siết tín dụng” vào bất động sản

HOREA vừa có kiến nghị sửa đổi Thông tư 36 vào sau 2017 để các bên có liên quan có lộ trình, chủ động điều chỉnh hoạt động của mình hợp lý hơn và không gây sốc cho thị trường.
anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Đó là nội dung quan trọng trong văn bản kiến nghị mới nhất của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HOREA) gửi Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng về định hướng sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN.
Theo nội dung văn bản này, HOREA đồng thuận NHNN về việc cần thiết điều chỉnh sửa đổi Thông tư 36 để phù hợp với diễn biến tình hình của nền kinh tế và của thị trường bất động sản, nhưng cần có lộ trình phù hợp với từng nhóm đối tượng, phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm an toàn hệ thống của các tổ chức tín dụng.
HOREA đề nghị: "Nếu sửa đổi điều 5 Thông tư 36/2014/TT-NHNN thì cho phép tổ chức tín dụng được sử dụng 50% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn, và đề nghị vẫn xếp các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản vào nhóm tài sản có hệ số rủi ro 150% như hiện nay".
Đồng thời, cũng theo HOREA: "Quy định có hiệu lực vào thời điểm thích hợp nhất (có thể sau năm 2017) để các bên có liên quan có lộ trình, chủ động điều chỉnh hoạt động của mình thì hợp lý hơn và không gây sốc cho thị trường".
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP.HCM đã có văn bản số 1166/HCM-PTH ngày 12/5/2016 trả lời kiến nghị của HOREA liên quan đến việc sửa đổi Thông tư 36.
Việc NHNN đưa ra dự thảo chỉnh sửa các nội dung trên, không ngoài mục tiêu đảm bảo an toàn trong hoạt động tín dụng ngân hàng, nhằm hạn chế rủi ro do tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Đồng thời cũng tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển an toàn, bền vững.
Bài học về tăng trưởng tín dụng nóng, tăng trưởng nóng của thị trường bất động sản trong những năm qua, vẫn còn nguyên giá trị và hiện nay vấn đề nợ xấu đã và đang là vấn đề cần quan tâm giải quyết của hệ thống ngân hàng, của Chính phủ. 
Theo nội dung văn bản này, thực tế các chỉ số điều chỉnh trong dự thảo sửa đổi Thông tư 36 là phù hợp với thông lệ quốc tế.
Các chỉ số hiện nay (tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn 60% và tỷ lệ trích lập dự phòng 150%) là các tỷ lệ cho giai đoạn khó khăn vừa qua, nhằm kích thích tăng trưởng tín dụng cũng như tạo điều kiện phục hồi sản xuất kinh doanh, và các thị trường nói chung, trong đó có thị trường bất động sản.
Khi thị trường phục hồi, ổn định, cần phải có sự điều chỉnh, để đảm bảo sự tăng trưởng và phát triển bền vững của hệ thống ngân hàng, gián tiếp tạo sự ổn định bền vững cho kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong các năm tiếp theo.
Tuy nhiên, cần có lộ trình thực hiện (1 - 2 năm) tránh để xảy ra rủi ro chính sách và gây ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng.

Một quỹ đầu tư vừa định giá Thế giới Di động lên tới 1 tỷ USD

Mekong Capital cho rằng cổ phiếu MWG của Thế giới Di động xứng đáng với giá trị 152.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 83% so với thị giá trên sàn chứng khoán.
anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Con số này cũng đồng nghĩa, Mekong Capital đang định giá Thế giới Di động gần 22.300 tỷ đồng, tương đương xấp xỉ 1 tỷ USD.

Theo thống kê chỉ trong 4 tháng đầu năm 2016, Thế giới Di động đã mở thêm 179 siêu thị trên toàn quốc, trong đó chuỗi thegioididong.com mở 154 siêu thị và chuỗi Điện Máy Xanh mở 25 siêu thị, nâng tổng số siêu thị trên cả nước lên lần lượt là 718 và 94 siêu thị.

Doanh thu 4 tháng đầu năm của Thế giới Di động là 12.794 tỷ đồng, tăng trưởng 78% so với cùng kỳ, lợi nhuận đạt 555 tỷ đồng, tăng trưởng 82%.

Mekong Capital cho biết, nhiều công ty chứng khoán khác cũng đang định giá MWG cao hơn so với giá thị trường. Cụ thể, HSC SSI, VPBS định giá MWG trong khoảng 92.300-99.000. Chứng khoán CIMB và Chứng khoán Bản Việt định giá 101.000-107.000 đồng/cổ phiếu.

Nếu so với thị giá ngày 21/4, các mức định giá của các công ty chứng khoán cao hơn từ 26-46%. Còn nếu so với giá đóng cửa ngày 24/5, mức định giá cao hơn từ 10-28%

Mekong Capital cũng đưa ra một chỉ số để so sánh với các doanh nghiệp khác, là chỉ số PEG (Price/Earning/Growth). Đây là chỉ số thể hiện tương quan giữa giá so với lợi nhuận và tốc độ tăng trưởng. Chỉ số càng thấp thì cổ phiếu càng hấp dẫn.

Theo đó, Thế giới Di động có chỉ số PEG thấp thứ 2 trong số 20 công ty niêm yết lớn nhất thuộc các lĩnh vực không biến động theo chu kỳ kinh tế.

 MWG có chỉ số PEG thấp thứ 2 trong số 20 công ty niêm yết lớn nhất thuộc các lĩnh vực không biến động theo chu kỳ kinh tế.

MWG có chỉ số PEG thấp thứ 2 trong số 20 công ty niêm yết lớn nhất thuộc các lĩnh vực không biến động theo chu kỳ kinh tế.

Giai đoạn 2009-2015, mạng lưới của hàng của Thế giới Di động tăng trưởng bình quân 61%/năm, doanh số bán hàng tăng trung bình 53%/năm, lợi nhuận ròng tăng 65%/năm.

Trong đó, Điện Máy Xanh là nhân tố ngày càng quan trọng đóng góp vào sự tăng trưởng của Thế giới Di động , khi mức đóng góp về số cửa hàng và doanh thu ngày càng gia tăng. Tới cuối năm 2016, lượng điểm bán của Điện Máy Xanh sẽ tăng lên con số 120 và doanh thu dự báo chạm mốc 406 triệu USD.

Mekong Capital hiện quản lý 4 quỹ, bao gồm Mekong Enterprise Fund, Mekong Enterprise Fund II, Vietnam Azalea Fund và Mekong Enterprise Fund III.

Trong đó, quỹ Mekong Enterprise Fund II hiện đang nắm giữ 16,04 triệu cổ phiếu MWG của Công ty cổ phần Thế giới Di động, tương ứng tỷ lệ sở hữu 10,94%.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục