Những thị trường ngách triệu đô của ngành thực phẩm
Sẽ kiểm tra hoạt động chuyển giá tại Big C Việt Nam
Cửa ải kinh tế Đông Nam Á
Central Group bán hết cổ phần Big C Thái Lan để dồn sức vào Việt Nam
Bank of America đối mặt nhiều sức ép
Tin kinh tế đọc nhanh 10-05-2016
- Cập nhật : 10/05/2016
Ngành than được xuất khẩu trên 2 triệu tấn
Trước đó, Bộ Công thương đã đề nghị Chính phủ cho xuất khẩu 2,05 triệu tấn than có chất lượng cao mỗi năm, trong giai đoạn 2016 - 2020, trong số này có 2 triệu tấn thuộc về Vinacomin và 50.000 tấn thuộc về Tổng công ty Đông Bắc.
Việc xuất khẩu than của giai đoạn 2011 - 2015 có xu hướng giảm mạnh, từ 16,979 triệu tấn vào năm 2011, xuống còn 6,125 triệu tấn vào năm 2014 và chỉ còn 1,2 triệu tấn vào năm 2015. “Hoạt động xuất khẩu than của Vinacomin và Tổng công ty Đông Bắc giai đoạn 2011-2015 là phù hợp với quan điểm phát triển ngành than đã được Thủ tướng phê duyệt”, ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công thương nhận xét.
Theo báo cáo của Cục Hải quan Quảng Ninh, trong quý I/2016, đã có 30.800 tấn than được xuất khẩu qua khu vực này, với trị giá 2,2 triệu USD, giảm 94% về lượng (tương đương 515.000 tấn) và giảm 96% về trị giá (tương đương 59,6 triệu USD) so với cùng kỳ năm ngoái. Với lượng than xuất khẩu giảm mạnh như trên, số thu thuế xuất khẩu mặt hàng này mới chỉ đạt 5 tỷ đồng, giảm 96% (tương đương 116 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm ngoái.
Bộ Công thương cho rằng, trong giai đoạn tiếp theo, nhu cầu tiêu thụ than trong nước cho điện, tính toán theo Quy hoạch Điện 7 điều chỉnh, cũng có sự tăng mạnh. Như vậy, để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cân bằng cung - cầu than cho các hộ tiêu thụ trong nước, với nguyên tắc ưu tiên sử dụng cho điện trước, còn lại cân đối cho các hộ khác ngoài điện cũng cho ra kết quả, lượng than cục, than cám chất lượng cao (cám 1, 2, 3) không có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không hết sẽ dao động quanh mức 2,1 triệu tấn mỗi năm, từ nay tới năm 2030.
Theo Bộ Công thương, nếu sử dụng các loại than có chất lượng cao cho nhà máy nhiệt điện sẽ không tăng được giá trị gia tăng của các loại than này, dẫn tới việc sử dụng không hiệu quả tài nguyên than. Trong khi đó, 1 tấn than cục, than cám chất lượng cao có giá trị xuất khẩu tương đương 1,5 đến 2 triệu tấn than cám cho sản xuất điện.
Các chuyên gia cũng cho biết, đặc thù của ngành khai thác mỏ không thể gia tăng đột biến sản lượng khai thác và thời gian đầu tư mỏ thường kéo dài từ 6 - 8 năm, mới có thể khai thác được than. Vì vậy, để huy động tối đa sản lượng than đáp ứng cho nhu cầu trong nước, đặc biệt là nhu cầu than cho điện tăng nhanh từ sau năm 2015, ngành than đã và đang đẩy mạnh công tác thăm dò, cải tạo mở rộng và nâng công suất các mỏ hiện có, xây dựng một số mỏ mới để chuẩn bị đủ diện tích khai thác, nhằm gia tăng sản lượng, đáp ứng nhu cầu ngày một cao của các hộ tiêu thụ trong nước.
Việc cho phép xuất khẩu than cục, than cám chất lượng cao sang Nhật Bản theo hợp đồng dài hạn được Bộ Công thương nhận định, sẽ là điều kiện để Chính phủ Nhật Bản tiếp tục xem xét cấp tín dụng cho ngành than mà không cần bảo lãnh của Chính phủ, với lãi suất ưu đãi và thời hạn kéo dài khoảng 5 năm, cũng nhưNgân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) tiếp tục xem xét cấp tín dụng cho ngành than giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo.
Đó là chưa kể tới hàng loạt hoạt động hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực của Tập đoàn Dầu mỏ khí đốt và Khoáng sản quốc gia Nhật Bản, đang trợ giúp thực hiệnDự án đào tạo nhân lực chuyển giao kỹ thuật khai thác và đảm bảo an toàn mỏ than, hiện đã bước sang năm thứ 14, với số tiền luỹ kế là 85 triệu USD; hay Dự án Đào tạo nhân lực cho Trung tâm Quản lý khí mỏ, với kinh phí tương đương 100 triệu USD của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA)… chỉ để đảm bảo mua được than chất lượng cao của Việt Nam.
Trong khối lượng than xuất khẩu có điểm đến là Hàn Quốc với 1 triệu tấn/năm, theo Bộ Công thương, điều này sẽ giúp ngành than có điều kiện khai thác nguồn tín dụng dài hạn nước ngoài có bảo hiểm tín dụng Hàn Quốc.
Chuyển nhượng cao tốc Hà Nội - Hải Phòng: Chờ cụ thể hóa khoản hỗ trợ hàng trăm triệu USD
Theo thông tin từ Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi), tính đến cuối tháng 4/2016, bên cạnh nhóm nhà đầu tư đến từ Ấn Độ do IL&FS Transportation Networks Limited đứng đầu, cũng đã có thêm một số nhà đầu tư khác quan tâm tới việc chuyển nhượng tuyến cao tốc hiện đại nhất Việt Nam hiện nay là Hà Nội - Hải Phòng.
Hiện nhóm nhà đầu tư Ấn Độ đã hoàn tất công việc kiểm tra, rà soát về mặt pháp lý và tài chính đối với Dự án. Hai đơn vị tư vấn cung cấp dịch vụ này là Baker & McKenzie (Việt Nam) và Pricewaterhouse Coopers Việt Nam.
Dự án Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có vốn đầu tư 2 tỷ USD. Ảnh: Bảo Như
“Tuy nhiên, các nhà đầu tư đều chưa đàm phán, thỏa thuận chi tiết các điều kiện chuyển nhượng vì họ cho rằng, các cam kết hỗ trợ của Nhà nước cho Dự án cần phải có lộ trình thực hiện rõ ràng hơn”, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng giám đốc Vidifi cho biết.
Trước đó, vào tháng 10/2014, Vidifi và nhóm các nhà đầu tư thỏa thuận đã cùng thành lập một pháp nhân mới (theo hình thức công ty cổ phần) tại Việt Nam để tiếp nhận lại hợp đồng BOT và dự án. Trước mắt, Vidifi góp 51% bằng số chủ sở hữu đã đầu tư vào công trình; nhóm các nhà đầu tư góp 49% bằng tiền mặt. Tỷ lệ sở hữu của nhóm nhà đầu tư trong doanh nghiệp dự án sẽ tăng lên 70% trong giai đoạn ký kết chính thức.
Ngoài công ty cổ phần nói trên, các bên cũng thống nhất sẽ tiếp tục góp vốn với tỷ lệ tương tự tại một doanh nghiệp có nhiệm vụ vận hành và bảo trì trong toàn bộ thời gian khai thác, thu phí hoàn vốn theo hợp đồng BOT.
Để chi trả cho việc chuyển nhượng này, công ty cổ phần sẽ thanh toán cho Vidifi một khoản tiền tương ứng với phần vốn chủ sở hữu và những chi phí liên quan đã bỏ ra cho Dự án.
Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh, để đảm bảo việc hợp tác, nhóm các nhà đầu tư đã đặt cọc 2 triệu USD để đảm bảo việc hợp tác sau khi ký kết hợp đồng nguyên tắc bằng hình thức thư bảo lãnh do Bank of India phát hành.
Đại diện Vidifi cho biết, rào cản lớn nhất của thương vụ chuyển nhượng một phần tuyến cao tốc dài 105 km, trị giá 2 tỷ USD này là việc chậm cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho Dự án tại Quyết định số 746/QĐ-TTg ngày 29/5/2015 về việc điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn đầu tư và bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ cần thiết đối với tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Hiện nhà đầu tư vẫn chưa được bố trí nguồn vốn hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư của Dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn; chưa có quyết định chính thức về các khoản chuyển đổi hỗ trợ trực tiếp đối với khoản vay trị giá 100 triệu USD từ Ngân hàng Tái thiết Đức và 200 triệu USD từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc.
Được biết, với việc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án tài chính điều chỉnh và lưu lượng xe lưu thông trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng khá sát với thực tế, Vidifi từng hy vọng sẽ kết thúc quá trình đàm phán với đối tác trước quý I/2016.
Cần phải nói thêm rằng, để có thể đảm bảo tính khả thi tài chính cho dự án hạ tầng có quy mô lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Hồng với tổng mức đầu tư được phê duyệt sau khi đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận là 45.487 tỷ đồng, Vidifi đã đề nghị một gói cơ chế, chính sách hỗ trợ, bao gồm 9 điều kiện được đánh giá là cần và đủ.
Trong số này, nổi bật nhất là việc Vidifi đề nghị Chính phủ cho phép tái cơ cấukhoản vay 200 triệu USD từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc và khoản vay 100 triệu USD từ Ngân hàng Tái thiết Đức sang hình thức Nhà nước đầu tư trực tiếp vào Dự án.
Đây cũng chính là cơ chế hỗ trợ đã có tiền lệ khi được áp dụng trong quá trình tái cơ cấu 5 dự án đường cao tốc do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đầu tư và được Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho phép Vidifi áp dụng (Thông báo 197/TB-VPCP).
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, tương tự các dự án hạ tầng giao thông khác, Dự án Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là công trình, dự án trọng điểm, có ý nghĩa lớn về mặt kinh tế - xã hội, nhưng để đảm bảo tính khả thi về tài chính, nên cần sự hỗ trợ một phần của Nhà nước.
“Vidifi đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ và có ý kiến với các bộ, ngành liên quan sớm có quyết định thực hiện các khoản hỗ trợ để việc đàm phán chuyển nhượng được thuận lợi”, ông Tỉnh đề xuất.
HSBC hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam, lạc quan với Sri Lanka
HSBC hạ mức dự báo của thị trường Việt Nam từ mức “tích cực” xuống “trung bình”.
HSBC cho biết họ tiếp tục coi Việt Nam là một trong những thị trường sơ khai tốt nhất hiện nay và duy trì dự báo tích cực trong dài hạn. Sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất vào tháng 12/2015, chỉ số VN-Index của thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng 15% sau khi bắt đáy vào giữa tháng 1.
Tuy nhiên, sự phục hồi gần đây của thị trường này khiến HSBC cho rằng Việt Nam sẽ mất đi chất xúc tác trong ngắn hạn cũng như trở nên kém hấp dẫn hơn so với những thị trường sơ khai khác.
Ngoài ra, HSBC cũng đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2016 của Việt Nam từ 6,7% xuống còn 6,3% bởi đầu tư công bị chậm lại do những hạn chế của chính phủ.
Tốc độ cải cách của Việt Nam cũng đang chậm hơn dự kiến và với việc mới bầu lại chính phủ mới, HSBC cho rằng thị trường Việt Nam sẽ không có nhiều tiến triển trong thời gian tới.
Trong khi đó, HSBC nâng dự báo thị trường của Sri Lanka từ mức tiêu cực lên tích cựcsau khi nước này đã đạt được một thỏa thuận trị giá 1,5 tỷ USD với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Mặc dù HSBC thừa nhận rằng những lỗ hổng tại Sri Lanka đang tăng nhưng họ cho rằng những tác động xấu đều đã được phản ánh vào thị trường và sẽ không có nhiều ảnh hưởng trong thời gian tới. Ngân hàng đặt trụ sở tại Anh này cho rằng thỏa thuận với IMF là cơ hội tối để chính phủ Sri Lanka bổ sung dự trữ ngoại hối, giảm nhẹ gánh nợ và theo đuổi cuộc cải cách tài chính, vĩ mô dài hạn.
Một điều đáng lưu ý với các nhà đầu tư cổ phiếu là trong lần gần nhất Sri Lanka hợp tác với IMF, thị trường chứng khoán của nước này đã tăng 42% chỉ trong vòng 6 tháng.
HSBC nhận định rằng mức lợi nhuận tại các công ty tại đây đã chạm đáy và sẽ có những đợt tăng đáng kể trong thời gian tới. Bên cạnh đó, thị trường Sri Lanka với lợi tức cao hơn 3% chắc chắn sẽ thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư.
Ngành xây dựng và vật liệu xây dựng tại Sri Lanka nhiều khả năng sẽ được hưởng lợi từ việc tái khởi động các dự án cơ sở hạ tầng bị đình trệ lâu nay.
Ngoài ra, quốc gia này cũng đang tập trung phát triển ngành du lịch. Trong năm 2015, đã có hơn 1,8 triệu lượt khách du lịch đến Sri Lanka, tăng 18% so với năm 2014 và gấp gấn 4 lần so với cách đây một thập kỷ.
HSBC dự báo rằng tăng trưởng GDP của Sri Lanka sẽ phụ thuộc nhiều vào việc tái khởi động các dự án cơ sở hạ tầng. Cụ thể, ngân hàng này đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Sri Lanka trong năm 2016 từ 6,3% xuống 4,7%.(NDH)
Lời hứa giảm lãi suất cho vay bị thách thức
Mới đây, bốn "ông lớn" nắm thị phần chi phối của hệ thống ngân hàng gồm BIDV, Vietcombank, Vietinbank và Agribank vừa đồng loạt giảm lãi suất cho vay 0,3-0,5% một năm và áp dụng mức lãi suất trung - dài hạn không quá 10% một năm đối với những khách hàng tốt.
Sau đó, một số ngân hàng khối cổ phần như TPBank, SHB cũng cam kết sẽ cho vay lãi suất tối đa 10% với khoản trung dài hạn hoặc là dành 5.000 tỷ đồng để cho vay ưu đãi 6,9% một năm...
Lãi suất cho vay được cho rằng ít còn dư địa giảm.
Động thái trên là bước khởi đầu cho "lời hứa" giảm lãi suất của người đứng đầu ngành ngân hàng. Trước đó,trong cuộc gặp giữa Thủ tướng với doanh nghiệp,Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng truyền đi thông điệpdù khó khăn nhưng ngành ngân hàng vẫn phấn đấu giảm khoảng 1% lãi suất trong năm nay. Bản thân các nhà băng lớn cũng cam kết sẽ tiết giảm hàng trăm tỷ đồng chi phí quản lý để tạo dư địa giảm lãi suất.
Giới chuyên gia nhìn nhận, việc giảm lãi suất cho vay này là tin vui đối với cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh có ít nhân tố hỗ trợ. Tuy nhiên, các ý kiến này cũng lo ngại vì nhìn vào thực tế hiện nay cũng như thời gian tới, có quá nhiều yếu tố gây sức ép, khiến lãi suất cho vay khó giảm thêm.
Lạm phát năm nay dự báo ở mức 3-5%, khá cao so với mức 0,63% năm 2015. Lạm phát tăng thì người dân sẽ kỳ vọng lãi suất huy động cao nên ngân hàng khó giảm giá vốn đầu vào. Thực tế là sau khi đẩy lãi suất huy động dài hạn lên 8% một năm, gần đây, một số ngân hàng, trong đó có cả ngân hàng khối quốc doanh đã niêm yết kịch trần lãi suất 5,5% tại các kỳ hạn dưới 6 tháng.
Cụ thể như Vietinbank, hiện lãi suất kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 6 tháng là 5,5% một năm.So với mặt bằng chung, lãi suất huy động VietinBank đang ở mức cao, trong đó 6-9 tháng là 5,8% một năm, 24-36 tháng tăng lên 6,8%, trên 36 tháng 7% một năm.BIDV cũng vừa tăng lãi suất huy động khoảng 0,3%, đưa mức dưới 6 tháng chạm kịch trần 5,5%. Và mức lãi tiền gửi cao nhất tại ngân hàng này là kỳ hạn 36 tháng với 7,2% một năm.
Gần đây,Vietcombank đã tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn ngắn khoảng 0,2% so với cuối tháng 3. Theo đó, kỳ hạn 2 và 3 tháng hiện ở mức lần lượt 4,8% và 5% một năm; 6 tháng 5,4%; còn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,5% mỗi năm.
Các ngân hàng cho rằng, việc tăng lãi suất tiền gửi này chủ yếu để dự trù nguồn vốn cho vay ở một số đơn vị, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh cũng như cân đối lại nguồn vốn. "Một khi mặt bằng lãi suất huy động ở mức cao và có xu hướng tăng thì tất yếu sẽ gây áp lực tăng lãi suất cho vay", một chuyên gia đánh giá.
Một yếu tố quan trọng khác là lãi suất ngân hàng đang phải cạnh tranh với trái phiếu Chính phủ. Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch BIDV cho rằng, để giảm áp lực lãi suất trung và dài hạn, Chính phủ nên điều chỉnh giảm tỷ lệ phát hành trái phiếu và siết chặt quản lý chi tiêu công. Hiện các ngân hàng thương mại vẫn là những thành viên chủ yếu tham gia mua trái phiếu trên thị trường. Theo ông Hà, cần giảm khoảng 10% khối lượng phát hành trái phiếu Chính phủ.
Ngoài ra, một nguyên nhân không nhỏ ảnh hưởng đến việc giảm lãi suất cho vay đó là áp lực lợi nhuận trước cổ đông. Trong mùa đại hội cổ đông năm nay, cổ đông nhiều ngân hàng bức xúc và yêu cầu phải có cổ tức sau nhiều năm không được nhận hoặc nhận mức "bèo bọt".
Nhưng muốn đáp ứng được việc này, các ngân hàng thương mại bắt buộc phải tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, nhiều nhà băng lại than phiền rằng hiện lãi biên (NIM) của hệ thống ngân hàng đã ở mức rất thấp, giảm lãi suất cho vay sẽ khiến lợi nhuận của họ ngày càng teo tóp.
Theo Chủ tịch BIDV, với mức lãi suất cho vay bình quân 8,5% một năm, mức biên lợi nhuận (NIM) của các ngân hàng rất thấp. "Hiện giá vốn là 7,8%, trong đó lãi suất huy động 4,9%, dự phòng rủi ro 1,22%, dự trữ thanh toán 0,5%, chi phí quản lý hoạt động ngân hàng là 1,75%, NIM ròng chỉ 0,69% trong khi đó tỷ lệ này của các ngân hàng trong ASEAN từ 2,2-2,5%", ông Hà nói.
Do đó, các ngân hàng cho rằng, để có thể tiếp tục giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới cần phải có một số chính sách hỗ trợ chứ không chỉ mỗi ngân hàng mà làm được. Một trong những "điều kiện" đó là giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các ngân hàng. Theo ông, nên tiết giảm 1% tỷ lệ dự trữ bắt buộc với VND và 3% với ngoại tệ. Tỷ lệ dự trữ thanh toán cũng nên là 8% thay vì là 10% như theo Dự thảo Thông tư 36.
Dù thừa nhận diễn biến tiền tệ đang nổi lên một số thách thức như tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu chậm lại; CPI có xu hướng tăng nhanh hơn các năm gần đây đòi hỏi phải kiểm soát lạm phát, nhưngThống đốc Lê Minh Hưng cho biết, Ngân hàng Nhà nước cam kết giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay trong thời gian tới.
"Hiện nay lãi suất cho vay đã giảm mạnh và chỉ bằng 40% so với thời điểm 2011, nhưng công cụ điều hành lãi suất cũng phải dựa vào các chính sách vĩ mô và lạm phát nên Ngân hàng Nhà nước phải hết sức thận trọng", Thống đốc chia sẻ.
Nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày có đơn hàng đến hết quý II
Bộ Công thương cho biết nhiều doanh nghiệp của cả ngành dệt may lẫn da giày đều đã có đơn hàng đến hết quý II/2016.
Kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt và may mặc trong tháng 4 ước đạt 1,7 tỷ USD, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung trong 4 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu của ngành này ước đạt 6,82 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ.
Nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may đã có đủ đơn hàng xuất khẩu đến hết quý II/2016, thậm chí một số doanh nghiệp đã có lịch sản xuất kín đến cuối năm. Đây là tín hiệu lạc quan để ngành dệt may đạt mục tiêu xuất khẩu đề ra cho năm 2016.
Về sản xuất, Bộ Công thương cho biết, trong 4 tháng đầu năm, sản xuất vài dệt từ sợi tự nhiên ước đạt 113,3 triệu mét vuông, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước, sản xuất vài dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo đạt 220,9 triệu mét vuông, bằng cùng kỳ năm trước, sản xuất quần áo mặc thường đạt 1.041,5 triệu chiếc, tăng 7,3%.
Cung cấp số liệu từ Hiệp hội Da giày Việt Nam (LEFASO), Bộ Công thương cũng cho biết nhiều doanh nghiệp da giày đã có đơn hàng xuất khẩu ổn định đến tháng 5-6 và đang chuẩn bị cho mùa sản xuất mới.
Kim ngạch xuất khẩu giày dép các loại trong tháng 4 ước đạt 900 triệu USD, giảm 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu 4 tháng vẫn tăng 4,8% so với cùng kỳ lên 3,68 tỷ USD.
Sản xuất giày dép trong 4 tháng đầu năm 2016 ước đạt 77,9 triệu đôi, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước.