Ngành công nghiệp 'fake' trị giá 461 tỷ USD
Người Việt chuộng ô tô Thái
Giá ôtô hạng sang sẽ tăng mạnh
Arab Saudi và lời đe dọa “nhấn chìm” Iran trong dầu thừa
Đồng USD suy yếu so với nội tệ của các nước xuất khẩu dầu mỏ
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 07-06-2016
- Cập nhật : 07/06/2016
Quảng Ngãi quyết thu hồi dự án thép 4,5 tỷ USD của Đài Loan
Tỉnh Quảng Ngãi vừa công bố kết luận thanh tra việc quản lý, sử dụng đất và tiến độ thực hiện dự án thép Guang Lian Dung Quất. Kết luận này cho biết có đầy đủ điều kiện để cơ quan quản lý ra quyết định chấm dứt hoạt động của dự án. Lãnh đạo địa phương cũng cho biết đã có văn bản gửi xin ý kiến các bộ ngành, Trung ương, đề nghị chấm dứt dự án với phía Guang Lian chậm nhất vào 30/6.
Quyết định nêu trên được tỉnh Quảng Ngãi đưa ra sau khi nhà đầu tư đã "ôm" đất sạch 10 năm nay, gây lãng phí lớn. Hiện Guang Lian vẫn chưa đồng ý và đã có văn bản phản đối việc công khai kết luận thanh tra đơn vị này ra công chúng.
Dự án thép Guang Lian Dung Quất được cấp giấy chứng nhận năm 2006, thuộc Khu kinh tế Dung Quất, do Tập đoàn Tycoons (Đài Loan, Trung Quốc) đầu tư với số vốn ban đầu 556 triệu USD.
Sau đó, dự án này nhiều lần điều chỉnh quy mô, công suất thiết kế. Năm 2008, Tycoons hợp tác với Công ty E-United (Đài Loan) và nâng quy mô vốn lên 4,5 tỷ USD, công suất 7 triệu tấn. Nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư, Ban quản lý Khu kinh tế đã giải tỏa, bàn giao 337 ha đất.
Tháng 4/2012, hai nhà đầu tư Đài Loan tiếp tục mời gọi Tập đoàn JFE (Nhật Bản) hợp tác nhưng sau một thời gian nghiên cứu tính khả thi đến tháng 9/2014, JFE đã thông báo không tham gia đầu tư dự án. Sau đó, chủ đầu tư lại xin giảm vốn xuống 2 tỷ USD và sản xuất thép tấm thay vì thép kỹ thuật cho công nghiệp cơ khí chế tạo.
Tháng 7/2015, Guang Lian đã gửi văn bản lên tỉnh Quảng Ngãi thừa nhận không thể thu xếp được nguồn tài chính tiếp tục thực hiện dự án. Công trình do đó đã dừng hoạt động từ giữa năm 2014 đến nay. Tính đến tháng 9/2014, dự án mới được đầu tư được 42 triệu USD, trong đó ngân sách Nhà nước đã tạm ứng 175 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng sạch. UBND tỉnh Quảng Ngãi đã nhiều lần họp bàn về việc chấm dứt dự án, đề nghị thu hồi diện tích đất đã cấp, thực hiện thanh lý tài sản để tránh gây lãng phí mặt bằng.
Cuối năm 2015, một doanh nghiệp trong nước là Tập đoàn Hòa Phát đã có văn bản đề nghị tỉnh Quảng Ngãi cho phép đầu tư dự án thép với tổng vốn khoảng 2-2,5 tỷ USD, công suất 4 triệu tấn mỗi năm, có nhu cầu được cấp 300-350ha thuộc diện tích đất của Guang Lian đang quản lý. Theo đó, Hòa Phát đề nghị Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất giải quyết dứt điểm về việc cấp đất, tài sản gắn liền với đất của dự án nhà máy thép Guang Lian và sẽ thanh toán lại theo nguyên tắc dự án mới sử dụng.
Quyết định thu hồi dự án của Guang Lian diễn ra trong bối cảnh dư thừa của ngành thép trong nước và quốc tế. Cũng tại miền Trung, hiện dư luận còn đang lưu tâm tới một đại dự án khác trong lĩnh vực này là Formosa (công suất dự kiến 10,5 triệu tấn một năm cho giai đoạn I và 22 triệu tấn cho giai đoạn II) ở cả khía cạnh sản xuất và môi trường.
Việt Nam có vị trí gần thị trường sản xuất sắt thép khổng lồ là Trung Quốc nên độ khả thi của dự án Guang Lian Dung Quất được đánh giá rất thấp. Hiệp hội Thép Việt Nam trong nhiều lần "kêu cứu" đã cho biết thép Trung Quốc giá rẻ ồ ạt tràn vào Việt Nam đã đẩy nhiều doanh nghiệp trong nước đến bờ vực phá sản.
"Kinh tế tăng trưởng chậm lại, quy hoạch ngành thép với công suất thiết kế quá lớn khiến dư thừa, các doanh nghiệp thép Trung Quốc tìm mọi cách để xuất khẩu, thậm chí bán với giá thấp hơn chi phí sản xuất, và Việt Nam trở thành thị trường lý tưởng do vị trí địa lý kề bên giúp tiết kiệm chi phí vận chuyển", Công ty Chứng khoán Vietcombank nhận định.
Ngoài ra, theo Hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN và Trung Quốc, đến năm 2018, thuế nhập khẩu thép hợp kim về 0% càng tăng thêm lợi thế giá thấp của thép Trung Quốc.(VNEX)
Sáng Ban Mai xuất khẩu tổ máy phát điện 2.500KVA cho Primalis Corporation
Trước đó, vượt qua nhiều nhãn hiệu máy phát điện nổi tiếng trên thế giới, SBM đã thuyết phục được Primalis Corporation mua hàng nhờ công nghệ sản phẩm tiên tiến và giá bán hợp. Hợp đồng cung cấp đợt này trị giá 1.238.700 USD, bao gồm sản xuất và lắp đặt hệ thống máy phát điện nhãn hiệu SBMPOWER với tổng công suất 8.600KVA.
Đặc biệt, trong hợp đồng này có ba tổ máy phát điện có công suất mỗi máy 2.500KVA, lớn nhất hiện nay. Toàn bộ các tổ máy phát điện trên được SBM sản xuất, lắp ráp từ thiết bị chính hãng nhập khẩu từ các tập đoàn nổi tiếng như Perkins (Anh), Leroysomer (Pháp), Deepsea (Anh) và Mitsubishi (Nhật Bản), đạt tiêu chuẩn Châu Âu CE, đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt qui trình thử nghiệm theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 3046 và tiêu chuẩn BS 8528 (Vương quốc Anh).
SBM đang hoàn thiện công đoạn thử nghiệm cuối cùng các tổ máy phát điện có công suất từ 1100 KVA đến 2500 KVA xuất khẩu ra thị trường ASEAN
Primalis Corporation là công ty sản xuất chế biến gạo xuất khẩu chất lượng cao hàng đầu tại Campuchia. Việc xuất khẩu thành công tổ máy phát điện cho Primalis tạo dấu ấn quan trọng cho việc xuất khẩu tổ máy phát điện công suất lớn mang nhãn hiệu Việt Nam chất lượng cao ra thị trường khu vực ASEAN. Thời gian qua, SBM đã thực hiện hiệu quả chiến lược nghiên cứu, đầu tư bài bản sản phẩm công nghiệp để có thể cạnh tranh tốt ở thị trường Việt Nam và khu vực.
Mỗi năm SBM xuất xưởng hơn 300 tổ máy phát điện nhãn hiệu SBMPOWER công suất từ 10KVA-2500KVA. Trong đó nhiều tổ máy phát điện công suất 2500KVA lớn nhất hiện nay mà trong khu vực ASEAN không nhiều nước có thể sản xuất, lắp ráp được.
Vừa qua, Nhà máy sản xuất của SBM là đơn vị đầu tiên trong ASEAN đạt tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001:2015 trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp máy phát điện.(BĐT)
IPO đại gia ngành tư vấn xây dựng: Món hàng nóng trong tháng 6
Ngày 14/6, VNCC sẽ bán đấu giá hơn 6,8 triệu cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) với giá khởi điểm 10.050 đồng/cổ phần. Điều đáng chú ý nhất trong phiên IPO này là doanh nghiệp được đưa ra đấu giá là đại gia số một và có truyền thống lâu năm nhất thuộc ngành tư vấn xây dựng, được thành lập từ năm 1955.
VNCC là đơn vị nòng cốt ngành xây dựng thực hiện công tác thiết kế, khảo sát các công trình, dự án quan trọng quốc gia. Tổng công ty đang sở hữu 5 công ty con, 4 công ty liên kết và 3 công ty góp vốn chuyên về tư vấn xây dựng công trình công nghiệp, dân dụng, quản lý dự án và giám sát thi công, khảo sát địa chất công trình.
.
Tổng công ty này chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn đầu tư và xây dựng, tổng thầu tư vấn, bao gồm cả hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình (EPC) các dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông, thủy lợi, công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, khu công nghiệp...
Một số công trình lớn mà VNCC đã tham gia tư vấn thiết kế là: Nhà Quốc hội, Bảo tàng Hà Nội, Tổ hợp văn phòng Keangnam, Trung tâm Hội nghị quốc gia, Bệnh viện Thanh Nhàn, Nhà kỹ thuật cao Bệnh viện Việt Đức, Nhà máy Yamaha Motor Việt Nam, Nhà máy Hitachi Cable, Học viện Quân y…
Nhìn vào lịch sử IPO của các doanh nghiệp trong thời gian qua, doanh nghiệp ngành tư vấn xây dựng được nhà đầu tư khá quan tâm, bởi dù đây là những công ty có quy mô vốn không lớn, nhưng lại sở hữu khối tài sản vô hình là “chất xám” của đội ngũ kỹ sư có chuyên môn cao.
Cách đây 2 năm, người anh em cùng nghề tư vấn xây dựng là TEDI cũng đã thực hiện IPO 2,6 triệu cổ phần. Thời điểm đó, khi đưa cổ phần ra IPO, TEDI khá dè dặt khi xác định giá khởi điểm khiêm tốn chỉ 10.000 đồng/cổ phần, nhưng kết quả đấu giá khá bất ngờ với số lượng cổ phần đặt mua hợp lệ lên tới hơn 17 triệu cổ phần, gấp 6,6 lần số lượng cổ phần đưa ra đấu giá. Cá biệt có nhà đầu tư trả giá lên tới 24.000 đồng/cổ phần (gấp 2,4 lần giá khởi điểm). Trong phiên IPO này, TEDI đã thu về hơn 56,8 tỷ đồng, cao hơn 30,8 tỷ đồng so với tổng giá trị theo mệnh giá của số cổ phần chào bán.
Đánh giá về những giá trị tiềm ẩn của TEDI, một đại cổ đông là ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Kỹ thuật nền móng và công trình ngầm (FECON) cho biết, TEDI có thể được coi là “lò luyện nhân tài” của ngành giao thông. Chính ông Khoa cũng xuất thân từ “lò” này trước khi tách ra phát triển thương hiệu riêng là FECON. Đây là lý do khiến FECON quyết định chi 6,25 tỷ đồng mua cổ phần của TEDI và trở thành một trong 2 cổ đông chiến lược trước khi TEDI tiến hành IPO.
Trở lại câu chuyện của VNCC, tham vọng của đại gia tư vấn ngành xây dựng cũng không hề nhỏ, khi VNCC đã đặt ra định hướng sau cổ phần hóa sẽ đạt trình độ tư vấn tiên tiến trong khu vực ASEAN. Nhìn vào tình hình kinh doanh những năm qua, hoạt động tư vấn thiết kế xây dựng mang lại trên 80% doanh thu của VNCC. Tổng doanh thu của công ty mẹ từ năm 2012 đến 2015 tăng từ 179,2 đến 260,7 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế vào khoảng 23,8 - 28,9 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận trên vốn là 7,9 - 9,7%.
Tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, tổng giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là hơn 357,7 tỷ đồng. Trong 3 năm tới, VNCC dự kiến đặt mục tiêu doanh thu từ 248,4 đến 275,2 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế từ 17,1 - 23,7 tỷ đồng. Tỷ lệ chi trả cổ tức trên vốn điều lệ dao động trong khoảng 4,1 - 5,3%.
Giá dầu phục hồi, PVN đạt doanh thu 165.500 tỉ đồng
Đây là thông tin được đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đưa ra tại hội nghị giao ban trực tuyến tháng 6 của Bộ Công Thương diễn ra ngày 6-6.
Theo đó, tổng doanh thu toàn tập đoàn trong năm tháng 2016 đạt 165.500 tỉ đồng, bằng 32% kế hoạch năm. Giá dầu bình quân năm tháng qua đạt ở mức 38,5 USD/thùng (năm ngoái, giá dầu bình quân có lúc ở mức trên dưới 30 USD/thùng); có thời điểm trong tháng 5 giá dầu lên đến mức 50 USD/thùng. Doanh thu và nộp ngân sách đạt kết quả như kế hoạch đề ra.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá giá dầu thế giới có hồi phục nhưng ở mức nhẹ, tuy nhiên các nhân tố ảnh hưởng giá dầu vẫn còn tiềm ẩn. Do đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu PVN cần có giải pháp tích cực để giữ tăng trưởng từ nay đến cuối năm. Tập đoàn cần bám sát, rà soát các dự án đầu tư, sản xuất kinh doanh theo hướng đánh giá chính xác tồn tại, nguyên nhân, đánh giá kịp thời vướng mắc để giải quyết như các dự án ethanol,...
Đặc biệt người đứng đầu Bộ Công Thương lưu ý lãnh đạo PVN cần đánh giá năng lực điều hành sản xuất kinh doanh của từng lĩnh vực, tránh tình trạng sử dụng tài chính không hiệu quả. "Dù PVN đang kinh doanh có hiệu quả nhưng tập đoàn có nhiều lĩnh vực đầu tư khác nhau nên cần có sự sâu sát hơn nữa để đảm bảo cải thiện hiệu quả trong từng dự án cụ thể chứ không chỉ đảm bảo hiệu quả chung của tập đoàn" - Bộ trưởng nói.
Thêm một đại lý nông sản ở Gia Lai vỡ nợ
Cách đây gần một tháng, người dân vùng quê nghèo xã Ia Krai (huyện Ia Grai) hoảng loạn sau khi chủ Cơ sở thu mua nông sản Kỳ Niềm tuyên bố vỡ nợ với số cà phê nhận ký gửi trị giá 7,5 tỷ đồng. Mới đây nhất, tại thôn Hà Lòng 2 (xã Đắk T’Dang, huyện Đắk Đoa), hàng trăm hộ dân lại điêu đứng vì điệp khúc tương tự với Doanh nghiệp thu mua nông sản Nguyệt Tỉnh do bà Nguyễn Thị Nguyệt làm giám đốc.
Trao đổi với VnExpress, ông Vũ Văn Tuyến - Trưởng công an xã K’Dang cho biết cách đây 2 ngày, vợ chồng bà Nguyệt lên UBND xã trình báo việc vỡ nợ, nhờ chính quyền địa phương can thiệp, bảo vệ tính mạng. Bà Nguyệt khai đang nợ trên 36 tỷ đồng."Vì tính chất vụ việc nghiêm trọng nên chúng tôi mời bà Nguyệt lên Công an huyện Đắk Đoa làm việc. Về địa phương, chúng tôi phối hợp với lực lượng Xã đội xuống túc trực tại nhà bà Nguyệt hướng dẫn người dân không manh động, tránh ẩu đả đáng tiếc xảy ra. Đồng thời không cho tẩu tán tài sản. Theo ước tính của chúng tôi, bà Nguyệt nợ khoảng 40 tỷ đồng”, ông Tuyến cho hay.
Theo các hộ dân ký gửi nông sản ở Nguyệt Tỉnh để chờ khi giá tăng kiếm lời, bà Nguyệt không chỉ nhận ký gửi, vay mượn tiền của nhiều hộ dân trong xã K’Dang, mà ở các xã khác như Đắk D’Jrăng, Hải Yang… cũng dính nợ, như ông Năm Phúc ký gửi 49 tấn cà phê, bà Đỗ Thị Út 53 tấn, Quỳnh Hoa 40 tấn...
Đưa tay gạt nước mắt, chị Nguyễn Hoàng Oanh (thôn H’Rát, xã Đắk D’Jrăng) mếu máo: “Làm lụng vất vả 2 năm, gia đình tôi ký gửi 10 tấn cà phê, gần một tấn hồ tiêu với tổng số tiền gần 500 triệu mà chưa kịp lấy một đồng. Mấy ngày nay chạy tới chạy lui đòi nợ nhưng không được gì. Nhà tôi còn nợ ngân hàng 200 triệu vẫn chưa trả, trong khi 2 đưa con đang học đại học cần rất nhiều tiền chi tiêu”.Cùng tình cảnh, chị Trần Thị Hoa Lan (thôn H’Rát) đứng ngồi không yên vì khoản nợ ngân hàng 240 triệu vẫn còn treo trên đầu, trong khi hơn 100 triệu đồng đồng tiền ký gửi cà phê, hồ tiêu dành tiền cho con vào Sài Gòn học có nguy cơ mất trắng. “Còn một tuần nữa con tôi đi học, trong túi tôi không còn đồng nào, không biết phải chạy vạy ra sao”, chị Lan lo lắng.
Tại địa phương, lâu nay bà Nguyệt được xem là làm ăn uy tín, tạo được lòng tin cho nhiều người. Do đó người dân rất dễ dàng giao hàng, thậm chí có người ký gửi mà không lấy biên nhận.
Anh Bùi Văn Mộc (thôn H’Rát) giao toàn bộ số nông sản có được cho Doanh nghiệp Nguyệt Tỉnh mà không nhận giấy tờ gì. Khi xảy ra chuyện, anh hớt hải đi tìm chủ doanh nghiệp. May mắn khi lên cơ quan công an trình báo, anh lại gặp được bà Nguyệt. Sau một hồi trình bày gần như van nài, bà Nguyệt mới chịu lấy tờ giấy lịch ghi tạm mấy dòng nợ coi như là bằng chứng.
“Tôi gửi tất cả 2,3 tấn cà phê, một tấn hồ tiêu trị giá khoảng 250 triệu đồng. Nhà tôi dột nát, chỉ là chỗ tránh mưa tránh nắng thôi chứ lấy đâu ra kho bãi nên đành đi ký gửi. Bao nhiêu tài sản đều dồn vào đó, giờ còn không có gạo để ăn, nên bức bí lắm”, anh Mộc than thở.
Trong số những người ký gửi, chị Đỗ Thị Út (thôn Tân Phú, xã Đắk D’Jrăng) gánh chịu thiệt hại nhất. Chị cho biết chỉ là người mua đi bán lại kiếm lời, ký gửi hơn 80 tấn cà phê nhưng mới được thanh toán hơn 20 tấn, còn 53 tấn vẫn còn gửi trong kho của bà Nguyệt.
“Cách đây hơn một tuần, bà Nguyệt còn nhận ký gửi của rất nhiều hộ dân, hàng hóa mang đi bán rất nhiều, nhưng nay tuyên bố vỡ nợ thì ai tin được, số tiền này rốt cục đi đâu? Tôi yêu cầu giải thích thì bà nói do làm ăn thua lỗ. Sắp tới, tôi chỉ biết mời luật sư làm thủ tục kiện ra tòa thôi chứ biết sao”, chị Út búc xúc nói.
Ông Lê Viết Phẩm - Chủ tịch UBND huyện Đắk Đoa cho biết, huyện đã nhận được thông tin vụ việc Doanh nghiệp Nguyệt Tỉnh tuyên bố vỡ nợ và chỉ đạo cơ quan điều tra làm rõ. Đồng thời thông báo cho người dân đến cơ quan chức năng trình báo tài sản thiệt hại. Hiện vẫn chưa xác định có dấu hiệu lừa đảo hay không.
Về phía cơ quan điều tra, đại úy Bùi Đức Ngụ - Phó đội trưởng Đội điều tra tổng hợp (Công an huyện Đắk Đoa) cho biết đã tiếp nhận 13 đơn cầu cứu của người dân với tổng số tiền mà bà Nguyệt nợ là hơn 2,4 tỷ đồng cùng 50 tấn cà phê, gần một tấn hồ tiêu. Sau khi bà Nguyệt trình báo về việc vỡ nợ, cơ quan điều tra vẫn đang xác minh làm rõ nên chưa có kết luận cuối cùng. Còn về tổng số tiền nợ vẫn đang được thống kê chưa thể cung cấp. Nguyên nhân ban đầu vỡ nợ mà bà Nguyệt khai báo là do làm ăn thua lỗ.
Điệp khúc “doanh nghiệp vỡ nợ, dân khóc ròng” lần nữa lại xảy ra, tuy mới nhưng hình thức vẫn không thay đổi: chủ đại lý thu mua không biến mất. Họ sẵn sàng tuyên bố vỡ nợ, nhận “búa rìu dư luận” chứ không bỏ trốn mà mang tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Để nhận được tiền chỉ có nước người dân kiện ra tòa hoặc “ép nợ”, nhưng lấy được tiền hay không vẫn rất khó thực hiện.