Được phép kinh doanh casino tại sân bay quốc tế Việt Nam
Chưa sửa đổi cơ chế, chính sách tài chính đối với KKT cửa khẩu
Gần 1.350 tỉ đồng đầu tư hai dự án giao thông lớn tại Thái Bình, Hải Phòng
Nhật viện trợ ODA 172 tỉ yen cho 3 dự án của Việt Nam
25% doanh nghiệp Nhật rời Trung Quốc đã chọn VN
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 20-11-2015
- Cập nhật : 20/11/2015
Kiếm hơn 10 triệu đô nhờ xuất ngoại cá cảnh
Theo bà Huỳnh Thị Kim Cúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, TP.HCM được coi là trung tâm của hoạt động xuất khẩu cá cảnh Việt Nam. Tính đến hết tháng 10-2015, số lượng cá cảnh xuất khẩu của TP đã đạt hơn 11 triệu con (trong đó cá nước ngọt hơn chín triệu con), giá trị xuất khẩu đạt 9,7 triệu USD.
Thị trường xuất khẩu chính, châu Âu chiếm nhiều nhất với 58%; châu Á 28%; châu Mỹ 9,5% và châu Úc chiếm 3,5%. Hiện nước ta xuất khẩu trên 60 loài cá cảnh, phổ biến như cá neon, cá dĩa, cá xiêm, cá mô ly, hắc kim, trân châu cá bảy màu, hải quỳ, cá mó, khoang cổ, hoàng hậu.
Nhiều giải pháp được đưa ra là phải đảm bảo quản lý nhà nước hướng dẫn các cơ sở sản xuất cá cảnh an toàn, giám sát dịch bệnh đủ điều kiện xuất sang Mỹ, EU. Tập trung lai tạo những giống loài mới, nghiên cứu sinh sản nhân tạo những loài cá cảnh quý hiếm có giá trị kinh tế cao như cá dĩa (mỗi con hiện nay có giá bán 50-80 USD), cá còm, chạch, thái hổ, neon…
Ngoài ra cần lập trang thông tin điện tử về cá cảnh để quảng bá, giới thiệu danh sách cơ sở sản xuất kinh doanh để khách hàng trong và ngoài nước tiện giao dịch. Tăng cường xúc tiến thương mại tìm đầu ra cho cá cảnh.
Vietcombank cho phép chuyển khoản ATM trở lại cho người nước ngoài
Chiều 18-11, Ngân hàng Vietcombank cho biết sẽ cho phép chuyển khoản ATM trở lại cho người nước ngoài trở lại từ ngày mai, 19-11.
Trước đó, ngày 12-11, Vietcombank thông báo ngừng triển khai giao dịch chuyển khoản qua kênh ATM trong cùng hệ thống ngân hàng, trong đó tài khoản nhận là tài khoản của người không cư trú hoặc người cư trú là người nước ngoài.
Giao dịch chuyển tiền từ thẻ hoặc tài khoản của ngân hàng khác đến thẻ Vietcombank kết nối với tài khoản của người không cư trú hoặc người cư trú là người nước ngoài ngân hàng cũng ngưng triển khai.
Khi đưa ra quyết định ngưng triển khai trước đó, Vietcombank cho biết do tính chất của các giao dịch chuyển khoản trên ATM và chuyển tiền qua thẻ, hồ sơ của khách hàng không được kiểm tra, vì vậy việc làm này nhằm tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Thép Trung Quốc ‘núp bóng’ tràn vào Việt Nam
Đoàn sẽ kiểm tra tại các doanh nghiệp gồm Công ty TNHH TM Vĩnh Long (Hà Nội), Công ty TNHH Dương Tiến (Bắc Giang), Công ty TNHH IPC (Hải Phòng), Công ty Thép Úc SSE (Hải Phòng), Công ty Thép Vinakyoel (Bà Rịa-Vũng Tàu).
Trước đó, Hiệp hội Thép Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Công Thương về việc phôi thép hợp kim nhập khẩu từ Trung Quốc gia tăng mạnh vào Việt Nam. Điều này tác động xấu đến thị trường trong nước, đặc biệt một số doanh nghiệp đang cố tình gian lận, khai man mã số nhập khẩu để hưởng chênh lệch thuế.
“Việt Nam có quy định chung những loại thép chưa sản xuất được, trong đó có thép hợp kim, thép chất lượng cao dùng cho ngành cơ khí chế tạo được đánh thuế nhập bằng 0%. Với chiêu bài này, thép Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam dưới danh nghĩa thép hợp kim được hưởng thuế ưu đãi 0%” - Hiệp hội Thép Việt Nam phân tích.
Cà phê chín rộ, ‘năn nỉ’ không có người hái
Theo khảo sát của chúng tôi, hiện giá thuê nhân công hái cà phê dao động 170.000-180.000 đồng/lao động/ngày. Như vậy so với niên vụ 2014-2015, giá nhân công tăng từ 20.000 đến 30.000 đồng/ngày công.
Bà Bùi Thị Tiếm, ở xã Hòa Đông, huyện Krông Păc, Đắk Lắk, than thở: “Mùa cà phê năm nay ai cũng buồn vì không chỉ sản lượng giảm, giá bán thấp mà còn đau đầu với việc thiếu người hái cà phê. Giá nhân công tăng cao đã đành, song thuê được người hái còn khó hơn”.
Theo bà con nông dân, nguyên nhân chính là do hầu hết hộ trồng cà phê đều không có đủ nhân lực tại gia, trong khi toàn vùng đều đồng loạt bước vào vụ thu hoạch rộ dẫn đến khan hiếm lao động.
Để khắc phục tình trạng cà phê chín không có người hái, không ít gia đình phải “năn nỉ” người tỉnh khác đến hái và lo trọn gói từ tiền tàu xe, tiền ăn, chỗ ở và tiền công.
Nước dừa Bến Tre sắp đi Mỹ, châu Âu
Dự kiến 90% sản lượng nước dừa Cocoxim của nhà máy Thành Thành Công ở Bến Tre sẽ được xuất khẩu sang các thị trường Bắc Mỹ, châu Âu, một số nước khu vực châu Á và Bắc Phi…
Ngày 19-11, tại Cụm tiểu thủ công nghiệp Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, Công ty CP Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) khánh thành nhà máy Thành Thành Công - chuyên sản xuất nước dừa và sữa dừa đóng hộp.
Nhà máy được khởi công xây dựng từ năm 2014 trên tổng diện tích 7,5 ha, vốn đầu tư hơn 20 triệu USD. Nhà máy đã cơ bản hoàn thành, đi vào hoạt động thử nghiệm từ tháng 6-2015 với công suất chế biến giai đoạn 1 là 37 triệu lít/năm.
Đây là nhà máy đầu tiên tại Việt Nam sử dụng công nghệ tiệt trùng UHT trực tiếp, nhờ đó sẽ giữ được mùi vị sản phẩm tốt hơn, giống với tự nhiên mà không cần phải thêm bất kỳ chất bảo quản nào khác. Nhà máy đi vào hoạt động góp phần mang lại giá trị gia tăng cho cây dừa, hoàn thiện chuỗi giá trị các sản phẩm từ dừa ở Bến Tre.
Hiện tại, nước dừa đóng hộp được sản xuất tại nhà máy Thành Thành Công với thương hiệu là CocoXim, bao gồm 4 sản phẩm chính với các hương vị: dừa xiêm xanh, hương vị tắc, hương vị sen và hương vị thơm (dứa) với dung tích 330ml/hộp được sản xuất hoàn toàn từ nước dừa tự nhiên, thơm ngon, giá trị dinh dưỡng cao, giúp đẹp da, đẩy lùi quá trình lão hóa của cơ thể. Dự kiến, 90% sản lượng nước dừa Cocoxim sẽ được xuất khẩu sang các thị trường Bắc Mỹ, châu Âu, một số nước khu vực châu Á và Bắc Phi…..
Ngoài các chứng nhận chất lượng đối với sản phẩm nước dừa, hiện Betrimex đang tiếp Đoàn đánh giá từ tổ chức DBA, Mỹ để được cấp Giấy chứng nhận USFDA và xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Tính đến tháng 10, Betrimex đã bao tiêu cho 2.454 hộ dân trồng dừa tại Bến Tre với diện tích lên đến 2.184 ha. Đặc biệt, nông dân được hỗ trợ thu mua cao hơn giá thị trường khi giá dừa xuống thấp. Tổng giá trị hỗ trợ từ tháng 6 đến tháng 8-2015 cho các hộ dân trồng dừa gần 1,5 tỉ đồng.
Ngoài ra, Betrimex còn hướng đến các giải pháp cụ thể, nỗ lực để góp phần tiết giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, phát huy tối ưu giá trị của cây dừa thông qua các mô hình liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ dừa trái…