Đầu tư vào Tây Bắc được vay vốn ưu đãi
Satra hợp tác với doanh nghiệp logistics Nhật Bản
Bộ Xây dựng thanh tra 4 dự án BĐS bị khiếu nại tại Hà Nội
Đà Nẵng: Chọn 10 ý tưởng kinh doanh để hỗ trợ đầu tư
Kiểm soát hoạt động thu phí tại các DN xuất khẩu lao động
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 23-11-2015
- Cập nhật : 23/11/2015
TP HCM còn hơn 400 dự án bất động sản chưa khởi công
Trong báo cáo đánh giá tiềm năng và giải pháp phát triển thị trường bất động sản vừa công bố, HoREA cho biết toàn thành phố hiện có 1.219 dự án, nhưng có đến 405 dự án chưa khởi công, 189 dự án đã bị thu hồi chủ trương đầu tư. Trong số 325 dự án đã khởi công thì có tới 97 dự án đã phải tạm ngưng thi công. Nếu tính các dự án tạm ngưng thi công và chưa khởi công thì số lượng lên đến 502 dự án chiếm 41,18%.
Nhiều dự án bất động sản không thể triển khai được, theo HoREA do vướng đền bù giải phóng mặt bằng. Có những dự án đã giải phóng được mặt bằng trên 80% diện tích, thậm chí đến 98% đất dự án, nhưng 2% phần còn lại doanh nghiệp không thể thỏa thuận đền bù được nên nằm chờ. "Thị trường cần có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp từ các cấp lãnh đạo thành phố để sớm triển khai dự án và vừa đảm bảo lợi ích của người có đất, vừa đảm bảo lợi ích chung của xã hội", Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cho hay.
Theo ông Châu, thị trường bất động sản TP HCM còn rất nhiều hạn chế cần phải khắc phục. Thứ nhất là chưa có cơ chế để xử lý các dự án bất động sản dở dang. Thứ hai là tăng trưởng tín dụng chưa đáp ứng nhu cầu, lãi suất cho vay vẫn còn quá cao.
Thứ ba là thị trường bất động sản dù trên đà phục hồi mạnh mẽ nhưng chưa thật sự vững chắc. Bằng chứng là tăng trưởng nguồn cung rất lớn ở phân khúc bất động sản cao cấp nhưng thiếu nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ với giá bán hợp túi tiền của người có thu nhập trung bình thấp.
Chuyên gia này cho rằng quy hoạch, quản lý đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng đô thị tại TP HCM chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, cải thiện dân sinh và bảo vệ môi trường. Ngoài ra chất lượng công tác quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch trên địa bàn chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển của một đô thị năng động hơn 10 triệu dân.
Khánh thành công trình giúp tàu 1.000 tấn vào cảng trên sông Hồng
Ngày 22 -11, Bộ GTVT khánh thành cụm công trình luồng qua cửa Lạch Giang tại thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định trị giá 1.600 tỉ đồng (75 triệu USD).
Đây là cụm công trình thuộc Dự án Phát triển giao thông vận tải khu vực đồng bằng Bắc Bộ (Dự án WB6) giúp cho tàu pha sông biển có trọng tải 1.000 tấn đến các cảng trên sông Hồng và 2.000-3.000 tấn đến các cảng trên sông Ninh Cơ (Nam Định) và cảng Ninh Phúc (Ninh Bình) sau khi kênh nối Đáy - Ninh Cơ được đầu tư xây dựng.
Dự án WB6 đầu tư xây dựng hạ tầng đường thủy nội địa khu vực phía Bắc trên phạm vi 14 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng Bắc Bộ với tổng mức đầu tư 200 triệu USD. Trong đó vốn vay của Ngân hàng Thế giới 170 triệu USD và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam 30 triệu USD.
Mục tiêu của dự án là ưu tiên đầu tư nâng cấp các tuyến hành lang đường thủy chính, các cảng sông và bến khách ngang sông thuộc khu vực đồng bằng Bắc bộ nhằm nâng cao năng lực, tính hiệu quả và an toàn cho hệ thống hạ tầng giao thông, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, thúc đẩy phát triển vận tải đa phương thức…
Dự án được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 là cải tạo tuyến Hành lang đường thủy số 1 (Việt Trì - Quảng Ninh qua sông Đuống) với kinh phí đầu tư khoảng 60 triệu USD, đã cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Giai đoạn 1 hoàn thành thúc đẩy phát triển vận tải thủy giữa các khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Việt Trì, giúp cho các tàu (đặc biệt là tàu container) có thể vào sâu trong đất liền và hoạt động hiệu quả;
Giai đoạn 2 là cải tạo hành lang đường thủy số 3 (Hà Nội - Lạch Giang), thực hiện các công trình chỉnh trị sông, ổn định luồng (kè chắn, kè hướng dòng, kè bảo vệ bờ, bạt mom, lắp đặt phao tiêu báo hiệu toàn tuyến) cơ bản đạt tiêu chuẩn kỹ thuật luồng cấp 1 và đầu tư cải tạo, chỉnh trị luồng qua cửa Lạch Giang với giá trị xây lắp theo Hợp đồng là 110 triệu USD.
Sau 23 tháng triển khai, cụm công trình luồng qua cửa Lạch Giang hoàn thành trước 1 tháng so với kế hoạch đề ra. Các tàu trên 600 tấn trước đây không thể đi qua cửa Lạch Giang nay đi lại dễ dàng.
Các loại tàu pha sông biển từ 1.000 đến3.000 tấn có thể vào sâu trong đất liền nhờ vậy giảm chi phí vận chuyển, giảm gánh nặng cho đường bộ, góp phần phát triển bền vững khu vực đồng bằng Bắc Bộ.
Nhập khẩu thép hợp kim có thể lên tới 7 triệu tấn
Ông Nguyễn Văn Sưa, phó chủ tịch Hiệp hội Thép VN (VSA), cho biết đến cuối tháng 9-2015 đã có 5,1 triệu tấn thép hợp kim được nhập khẩu vào VN, bằng với số lượng nhập khẩu cả năm 2014.
Ông Sưa nhận định có khả năng VN sẽ nhập khẩu trên 7 triệu tấn thép hợp kim trong năm nay.
Ngoài ra, VSA ghi nhận tình trạng nhập khẩu phôi thép cũng tăng vọt một cách bất thường, ước đã nhập trên 1,2 triệu tấn (cuối tháng 9-2015), trong đó 75% lượng phôi nhập khẩu là từ Trung Quốc, được khai báo là phôi thép hợp kim chứa nguyên tố crom để được hưởng thuế suất 0%.
Tuy nhiên, các loại phôi thép hợp kim này vẫn được dùng để cán thành thép xây dựng, trong khi phôi thép xây dựng nếu nhập khẩu phải chịu mức thuế suất 9%.
Như Tuổi Trẻ (19-11) thông tin, Bộ Công thương vừa thành lập đoàn kiểm tra việc nhập khẩu phôi thép Trung Quốc khai chứa hợp kim tại năm doanh nghiệp ngành thép VN.
'Nở rộ' bán hàng đa cấp, Hà Tĩnh sẽ tổng kiểm tra trên địa bàn
Theo đó, trong thời gian một tháng (từ 25-11 đến 25-12), đoàn kiểm tra liên ngành sẽ kiểm tra về hoạt động bán hàng đa cấp và việc tuân thủ các quy định pháp luật của các tổ chức, cá nhân bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh.
Đoàn kiểm tra liên ngành do ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hà Tĩnh, làm trưởng đoàn. Đoàn sẽ bao gồm các lực lượng: Cục Quản lý thị trường, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh, Thanh tra Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh và lãnh đạo phòng chuyên môn của UBND huyện, thị xã, TP Hà Tĩnh,...
Được biết thời gian gần đây trên địa bàn Hà Tĩnh "nở rộ" nhiều điểm bán hàng đa cấp, lôi kéo nhiều người dân tham gia. Một số cá nhân, tổ chức đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để truyền đạt nội dung bán hàng đa cấp không đầy đủ, không đúng nhằm lôi kéo họ tham gia mạng lưới để huy động vốn, gây ra nhiều hệ lụy trong xã hội.
Ngành sữa Việt Nam trước áp lực TPP
Ông Trương Đình Tuyển, cố vấn cao cấp đàm phán thương mại, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Việt Nam, đặt vấn đề như trên tại Diễn đàn kinh doanh 2015: Đầu tư và nông nghiệp thời TPP do Kênh thông tin kinh tế-tài chính CAFEF phối hợp với Tổng Hội NN&PTNT Việt Nam tổ chức ngày 21-11.
Ông Ngô Minh Hải, Phó Tổng Giám đốc TH True Milk, cho biết khi gia nhập TPP ngành sữa sẽ phải cạnh tranh, đòi hỏi DN phải vượt qua bằng chính nội lực của mình. Tuy nhiên, những cường quốc về sữa không thể không có những điểm yếu. Chẳng hạn đối với sữa tươi đây là bài toán khó với các nước như Úc, New Zealand khi họ mất thời gian, chi phí lớn,… để vận chuyển hàng về Việt Nam. Riêng với sữa thanh trùng, với hạn sử dụng 7-10 ngày thì nước ngoài chắc chắn không cạnh tranh được vì thời gian vận chuyển dài.
Một số ý kiến cho rằng năng suất bò sữa Mỹ 11.000 lít/chu kỳ 305 ngày trở lên, bò Úc chỉ có hơn 5.000 kg sữa/chu kỳ, NewZealand 4.800 kg sữa/chu kỳ. Vậy tại sao các DN Việt chỉ nhập giống bò Úc, NewZealand mà không nhập giống bò Mỹ trong khi chi phí chăn nuôi như nhau. Vì vậy Việt Nam cần mở cửa làm sao giúp người nông dân tiếp cận giống tốt, năng suất cao.
Các DN sữa cho biết vấn đề không chỉ giống mà điều kiện chăn nuôi chưa tốt nên năng suất sữa không cao. Việt Nam chưa có đủ điều kiện chăn nuôi để đạt hiệu quả cao nhất như Mỹ, chỉ những DN có trình độ công nghệ tiên tiến đưa những giống bò đó về thì mới hiệu quả.
Ngoài giống thì cần nhiều yếu tố mới giúp cho năng suất sữa cao. Điều quan trọng nữa là giá thành ra lít sữa là bao nhiêu. Bò sữa Mỹ cho 35 lít/ngày nhưng có giá thành thấp. Việt Nam trung bình 14-15 lít/ngày nhưng giá cao hơn ở Mỹ, đây mới là điều kiện để lựa chọn bò Úc, Mỹ, hay NewZealand. Nếu đưa bò Mỹ về mà không cải thiện điều kiện chăn nuôi, phát huy tối đa năng suất sẽ tốn tiền chi phí.
Cùng nhận định trên, đại diện Công ty sữa Vinamilk cho biết chi phí cao hay không tùy theo ứng dụng từng mô hình của DN. Tháng 12 tới Vinamilk sẽ nhập 400 con bò sữa và ứng dụng công nghệ để có năng suất cao. Hiện năng suất bò sữa của trang trại khoảng 28 lít/ngày, người nông dân được hướng dẫn bài bản đạt khoảng 15-20 lít/ngày. Do đó người nông dân cần được hướng dẫn, có kiến thức tốt sẽ nâng cao chất lượng sản phẩm.