Hạt điều Việt Nam chiếm 50% thị phần thế giới
Chỉ 59 công ty đa cấp có đăng ký
Nhân viên kinh doanh ở Việt Nam có mức lương 17,8 triệu đồng
Giá dầu được dự báo xuống 20 USD/thùng vào năm sau
Xuất khẩu cá cảnh cả nước đạt 10 - 12 triệu USD
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 22-11-2015
- Cập nhật : 22/11/2015
Được phép kinh doanh casino tại sân bay quốc tế Việt Nam
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp về việc kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho khách xuất cảnh, quá cảnh tại khu vực cách ly ga đi sân bay quốc tế của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam.Theo đó, Thủ tướng đồng ý chủ trương cho phép tổ chức kinh doanh các máy giật xèng dành cho hành khách tại khu vực này nhằm nâng cao chất lượng các dịch vụ tại sân bay, đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng cao của hành khách.
Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ tiếp thu, giải trình ý kiến của các Phó thủ tướng và lãnh đạo các Bộ để bổ sung vào dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 86 về kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài, trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Dự thảo sẽ quy định rõ điều kiện kinh doanh, đối tượng được phép chơi, trách nhiệm quản lý của các cơ quan chức năng, bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn xã hội...
Máy đánh bạc đã trở thành tiện ích quen thuộc ở một số sân bay quốc tế trên thế giới như McCarran tại Las Vegas... nhằm phục vụ hành khách thư giãn trong lúc chờ chuyến hay bị hoãn, hủy chuyến bay. Tuy nhiên, theo pháp luật hiện tại, người Việt Nam vẫn chưa được vào chơi tại các điểm kinh doanh trò chơi điện tử có thường mà chỉ có người nước ngoài hoặc người Việt có hộ chiếu nước ngoài.
Chưa sửa đổi cơ chế, chính sách tài chính đối với KKT cửa khẩu
Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về việc ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg ngày 26/11/2013 quy định cơ chế, chính sách tài chính đối với khu kinh tế cửa khẩu.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trước mắt chưa sửa đổi Khoản 4 Điều 10 và bổ sung Điều 20 Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg.
Sau khi Quốc hội thông qua Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi), giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và địa phương, cơ quan liên quan rà soát kỹ các quy định về cơ chế, chính sách tài chính đối với khu kinh tế cửa khẩu tại Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg.
Trên cơ sở đó nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi bổ sung các nội dung cần thiết, phù hợp với Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) và các văn bản pháp luật khác có liên quan, nhằm tạo điều kiện thu hút đầu tư, phát triển các khu kinh tế cửa khẩu, đồng thời ngăn chặn việc lợi dụng chính sách để buôn lậu, gian lận thương mại.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính, Bộ Công an, các Bộ, cơ quan liên quan và UBND các địa phương có khu kinh tế cửa khẩu căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường các biện pháp quản lý, kiểm tra, giám sát, nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng chính sách để buôn lậu, gian lận thương mại.
Gần 1.350 tỉ đồng đầu tư hai dự án giao thông lớn tại Thái Bình, Hải Phòng
Sáng 21-11, tại xã Đông Các, huyện Đông Hưng, Thái Bình, Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã phát lệnh động thổ dự án xây dựng tuyến tránh thị trấn Đông Hưng trên quốc lộ 10 theo hình thức hợp đồng BOT.
Theo ông Nguyễn Hồng Diên - chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình - dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 37 và xây mới cầu sông Hóa là mong ước lớn của người dân hai tỉnh Thái Bình, Hải Phòng - Ảnh: Xuân Long
Theo Bộ GTVT, tuyến tránh thị trấn Đông Hưng (Thái Bình) trên QL10 đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào hợp đồng BOT dự án cải tạo, nâng cấp QL10 đoạn từ La Uyên đến cầu Tân Đệ. Ban Quản lý dự án 6 đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Công ty cổ phần TASCO là nhà đầu tư.
Phát biểu tại lễ động thổ, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, QL10 là một trong các trục phát triển không gian vùng duyên hải Bắc Bộ, giúp giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn và kết nối nhanh giữa các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng.
Với tổng mức đầu tư hơn 436 tỉ đồng bao gồm vốn chủ sở hữu và vốn vay của nhà đầu tư, Bộ GTVT khẳng định dự án sẽ được khởi công trong quý 4-2015, dự kiến hoàn thành quý 4-2017.
Dự án có tổng chiều dài 6,65 km, điểm đầu tại ngã ba Đợi thuộc địa phận xã Đông Sơn, huyện Đông Hưng và điểm cuối thuộc địa phận xã Đông Các, huyện Đông Hưng (Thái Bình), quy mô đường cấp III đồng bằng, tốc độ 80km/g.
Cũng trong sáng 21-11, tại xã Thụy Hà, huyện Thái Thụy (Thái Bình), Bộ GTVT, UBND tỉnh Thái Bình đã khởi công dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 37 đoạn qua địa phận tỉnh Thái Bình và cầu sông Hóa.
Chiều dài tuyến chính là 7,4km và tuyến nối gần 2,2km. Điểm đầu dự án tại km0+00 kết nối với cầu Diêm Điền (Thái Bình) và điểm cuối tại km7+400 tiếp nối với dự án QL37 đoạn qua TP Hải Phòng.
Công trình dự kiến hoàn thành trong quý 4-2016 với thiết kế kỹ thuật đường cấp III đồng bằng, tốc độ 80 km/g. Sở GTVT Thái Bình là chủ đầu tư dự án với tổng mức đầu tư gần 905 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách.
Nhật viện trợ ODA 172 tỉ yen cho 3 dự án của Việt Nam
Ba dự án gồm: dự án đường sắt đô thị TP.HCM tuyến số 01 (Bến Thành - Suối Tiên), nhà máy nhiệt điện Thái Bình và dự án cải tạo môi trường nước TP.HCM.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp gỡ và ăn tối thân mật với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Malaysia tối 20-11 - Ảnh: Q.TR.
Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Việt Nam, trong cuộc gặp song phương với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tối 20-11 trước thềm Hội nghị cấp cao ASEAN lần 27 tại Malaysia, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thông báo quyết định tiếp tục viện trợ ODA trị giá 172 tỉ yen cho ba dự án trên của Việt Nam.
Bộ Ngoại giao cho biết tính đến nay, khoản ODA Nhật Bản cung cấp cho Việt Nam đạt mức kỷ lục hơn 300 tỉ yen, tương đương 2,5 tỉ USD trong năm tài khoá 2015.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Abe cũng nhất trí tăng cường hợp tác trong khuôn khổ Quỹ tín dụng 110 tỉ USD về hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao tại châu Á.
Ngoài ra, hai Thủ tướng nhất trí tăng cường quan hệ đầu tư và thương mại, đẩy mạnh triển khai “Tầm nhìn trung và dài hạn hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Nhật Bản”, thúc đẩy hợp tác năng lượng điện hạt nhân, đặc biệt trong việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2.
Về hợp tác giáo dục, hai Thủ tướng nhất trí thúc đẩy dự án Trường Đại học Việt - Nhật sớm đi vào triển khai từ năm 2016.
Lãnh đạo hai nước đồng ý tiếp tục hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương và các cơ chế hợp tác quốc tế, thúc đẩy phê chuẩn và triển khai Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), thúc đẩy đạt được thoả thuận tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu sắp tới tại Paris, Pháp (COP21).
Hai bên cũng trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc bảo đảm hoà bình, tự do, an ninh, an toàn, hàng hải và hàng không trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, thực thi nghiêm túc và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và không quân sự hoá ở Biển Đông.
Thủ tướng Abe đã nhận lời sớm thăm lại Việt Nam từ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
25% doanh nghiệp Nhật rời Trung Quốc đã chọn VN
Có đến 25% số doanh nghiệp Nhật rời Trung Quốc đã chọn VN để đầu tư. Ngoài giá nhân công rẻ, doanh nghiệp Nhật cho rằng cơ sở hạ tầng ở VN đã được cải thiện
Sơ chế thanh long xuất khẩu đi Nhật tại Công ty Good Life (Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM) - Ảnh: Trần Mạnh
Ông Yasuzumi Hirotaka - giám đốc văn phòng Jetro tại TP.HCM - cho biết như vậy tại hội nghị đầu tư thường niên vào ĐBSCL lần thứ 3 năm 2015 do Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) chi nhánh TP Cần Thơ tổ chức tại TP Cần Thơ ngày 20-11.
Theo ông Hirotaka, ngoài giá nhân công rẻ, doanh nghiệp Nhật cũng cho rằng cơ sở hạ tầng ở VN đã được cải thiện, nhiều cầu đường được xây dựng rút ngắn thời gian di chuyển nên doanh nghiệp Nhật muốn mở rộng đầu tư, không chỉ gói gọn ở TP.HCM...
Tuy nhiên, qua khảo sát doanh nghiệp Nhật đầu tư tại VN cho thấy vẫn còn nhiều vấn đề như thông tin chưa rõ ràng, giá nhân công bắt đầu tăng lên...
Đặc biệt, công nghiệp phụ trợ VN vẫn còn yếu kém, doanh nghiệp cần 100% nguyên liệu thì chỉ 33% mua được ở VN nên cần sự hỗ trợ về thuế và ưu đãi khác để doanh nghiệp phụ trợ phát triển.
Cũng tại hội nghị, đại diện tổ chức thương mại Hàn Quốc cho rằng doanh nghiệp nước này chưa có nhiều thông tin về kinh tế nông nghiệp ở ĐBSCL, vì vậy các địa phương trong vùng cần cung cấp thông tin nhiều hơn, giới thiệu với các nhà đầu tư những lĩnh vực mà mình có thế mạnh thì mới thu hút được nhiều nhà đầu tư.