PVN đề nghị điều chỉnh thuế nhập khẩu cho xăng dầu Dung Quất
Nhật Bản cung cấp ODA cho Việt Nam đạt mức kỷ lục 2,5 tỷ USD
Kết nối đưa nông sản Việt vào hệ thống siêu thị Nhật Bản
Xây dựng hệ thống phân phối khí thấp áp
Ngay cả Vinamilk cũng khó đuổi kịp lợi nhuận của các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi
Tin kinh tế đọc nhanh 21-11-2015
- Cập nhật : 21/11/2015
NHNN khẳng định đảm bảo cân đối cung cầu ngoại tệ
Trước những đợt sóng tỷ giá trong trong thời gian gần đây, NHNN cho biết sẽ phối hợp đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ, sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp khi cần thiết nhằm đảm bảo cân đối cung cầu ngoại tệ.
Theo báo cáo của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài qua hệ thống báo cáo thống kê tuần 9-13/11, tổng doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng trong kỳ bằng VND đạt xấp xỉ 118.280 tỷ đồng (bình quân 23.656 tỷ đồng/ngày), tăng 26.155 tỷ đồng so với tuần từ 02 – 06/11/2015; bằng USD quy đổi ra VND đạt 45.921 tỷ đồng (bình quân khoảng 9.184 tỷ đồng/ngày), giảm 2.539 tỷ đồng so với tuần trước đó.
Theo kỳ hạn, các giao dịch VND chủ yếu tập trung vào kỳ hạn 01 tuần (chiếm 38%) và qua đêm (chiếm 30% tổng doanh số giao dịch VND). Đối với giao dịch USD, các kỳ hạn có doanh số lớn nhất là kỳ hạn qua đêm và 1 tuần với tỷ trọng lần lượt là 55% và 22% tổng doanh số giao dịch bằng USD.
Về lãi suất liên ngân hàng, đối với các giao dịch bằng VND, so với tuần từ 02/11 - 06/11/2015, lãi suất bình quân trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục tăng ở hầu hết các kỳ hạn chủ chốt dưới 01 tháng.
Cụ thể, lãi suất bình quân kỳ hạn qua đêm và 1 tuần tăng lần lượt đến mức 2,06%/năm và 2,34%/năm.Trong khi đó lãi suất bình quân kỳ hạn 1 tháng vẫn giữ ở mức 3,45%/năm.
Đối với các giao dịch USD, so với tuần từ 02/11 – 06/11/2015, lãi suất bình quân kỳ hạn 01 tuần không thay đổi (0,2%/năm), tuy nhiên ở các kỳ hạn chủ chốt còn lại lãi suất bình quân biến động trái chiều.
Cụ thể, lãi suất bình quân kỳ hạn qua đêm và 02 tuần tăng lần lượt là 0,01%/năm và 0,02%/năm, trong khi đó lãi suất bình quân kỳ hạn 01 tháng giảm 0,25 %/năm.
Trong tuần 9-13/11, tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương, tỷ giá mua, bán VND/USD niêm yết (vào cuối ngày) giảm từ mức 22.380/22.460 VND/USD ngày đầu tuần xuống giao dịch phổ biến ở mức 22.350/22.430 VND/USD các ngày giữa tuần, sau đó tăng lên và niêm yết ngày cuối tuần ở mức 22.390/22.470 VND/USD (tăng 60 VND/USD so với ngày cuối tuần trước).
NHNN tái khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ, sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp khi cần thiết nhằm đảm bảo cân đối cung cầu ngoại tệ, xóa bỏ các kỳ vọng sai lệch về tỷ giá để ổn định thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong biên độ cho phép.
Santomas Việt Nam dự kiến đầu tư nhà máy 20 triệu USD tại KCN VSIP Bắc Ninh
Santomas Việt Nam sẽ xin ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc xây dựng nhà máy tại KCN VSIP Bắc Ninh với tổng diện tích 34.090m2, tổng vốn đầu tư 20 triệu USD.
Theo tin từ VSD, Công ty cổ phần Santomas Việt Nam (mã SVJ) ngày 30/11 tới đây sẽ chốt danh sách cổ đông thực hiện lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc thông qua dự án đầu tư xây dựng nhà máy, thành lập chi nhánh công ty tại Khu công nghiệp đô thị và dịch vụ VSIP Bắc Ninh. Tổng mức đầu tư dự án 20 triệu USD tương ứng giá trị khoảng 435,4 tỷ đồng.
Cụ thể, dự án có tổng diện tích 34.090m2. Trong tổng số 20 triệu USD đầu tư vào dự án, có 1.587.504 USD vốn góp (tương ứng 34,56 tỷ đồng), còn lại là nguồn vốn được huy động từ vốn vay ngân hàng và các nguồn khác.
Santomas Việt Nam là doanh nghiệp hoạt động trong ngành chế tạo, lắp ráp bánh răng nhựa chính xác và các bộ phận cơ khí chính xác bằng nhựa phục vụ cho các sản phẩm Camera, Video, Audi và các thiết bị văn phòng; sản xuất, chế tạo và lắp ráp khuôn ép chi tiết nhựa chính xác; nhập khẩu nguyên liệu phụ kiên và các bộ phận khuôn ép nhựa phục vụ cho việc chế tạo khuôn ép nhựa chính xác…
Santomas Việt Nam tiền thân là Santomas Việt Nam Ltd với 100% vốn của nước ngoài được tổ chức bởi Santomas SDN BHD (Malaysia).
Kiểm tra 5 doanh nghiệp nhập khẩu thép hợp kim
8 doanh nghiệp nhập khẩu ô tô lại "than trời" vì cách tính thuế
Đại diện 8 nhà nhập khẩu ô tô chính hãng tại Việt Nam cho rằng do cách tính thuế Tiêu Thụ Đặc Biệt (TTĐB) của Chính phủ Việt Nam liên tục thay đổi khiến doanh nghiệp không có thời gian “hiểu đúng cách tính thuế, áp dụng và lập kế hoạch hoạt động”.
Mới đây, đại diện 8 nhà nhập khẩu ô tô chính hãng tại Việt Nam đã cùng kí một bản kiến nghị gửi Chính phủ liên quan đến những thay đổi, bổ sung luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.
8 nhà nhập khẩu này bao gồm: công ty TNHH ô tô Á Châu - nhà nhập khẩu Audi, công ty TNHH CT-Wearnes Vietnam - phân phối xe Bentley và Lamborghini, công ty cổ phần ôtô Âu Châu - BMW và MINI, công ty CP ôtô UK - Jaguar và Land Rover, công ty Auto Motor Việt Nam - phân phối Renault, Công ty cổ phần ôtô Regal - Rolls Royce, công ty TNHH Hình tượng ôtô Việt Nam - Subaru và công ty ôtô Thế giới – Volkswagen.
Nghị định 108/2015/NĐ-CP đã ban hành từ ngày 28/10/2015 hướng dẫn thi hành và bổ sung một số điều của Luật thuế Tiêu thụ Đặc biệt và có hiệu lực từ 1/6/2016. Tuy nhiên, theo đại diện các doanh nghiệp này, hiện Quốc hội đang tiến hành bàn bạc và thống nhất một dự luật bổ sung Luật thuế TTĐB, trong đó cách tính thuế Tiêu thụ Đặc biệt cũng được thay đổi khác đi so với hướng dẫn tại Nghị định 108/2015/NĐ-CP, và dự kiến dự luật bổ sung này cũng có thời gian hiệu lực tư 1/1/2016.
Do vậy, đại diện các doanh nghiệp này cho rằng, việc liên tục điều chỉnh chính sách thuế trong thời gian quá ngắn gây khó khăn cho doanh nghiệp để có thể theo sát các thay đổi trong chính sách thuế và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho phù hợp.
Ngoài ra, còn gây nên tiếng xấu cho môi trường kinh doanh nói chung cũng như sự phát triển bền vững của ngành ô tô nói riêng tại Việt Nam. Gây tác động xấu đến thị trường và ảnh hưởng đến sức mua của cả ngành ô tô.
Trên cơ sở đó, đại diện các nhà nhập khẩu chính hãng đề nghị Chính phủ đổi thời gian có hiệu lực của Nghị định 108/2015/NĐ-CP đến ngày 7/1/2016 để các doanh nghiệp có thời gian “hiểu đúng cách tính thuế, áp dụng và lập kế hoạch hoạt động…”.
"Đề nghị Bộ Tài chính tổ chức cuộc họp lấy ý kiến của các nhà nhập được ủy quyền chính hãng và các nhà lắp ráp, sản xuất trong nước để thống nhất và đảm bảo ổn định kinh doanh, người lao động, thị trường, người tiêu dùng trước khi phê duyệt cách tính thuế TTĐB và ban hành áp dụng.
Đồng thời, tổ chức hướng dẫn chi tiết hơn phương thức triển khai, áp dụng dự luật trong thực tiễn nhằm tránh việc hiểu sai hoặc diễn dịch sai cũng như đảm bảo việc tuân thủ các quy định một cách thống nhất và dễ dàng hơn", đại diện doanh nghiệp nhập khẩu chính hãng nhấn mạnh
Tái khởi động Dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2
Ngày 17/11, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 375, xác định điều chỉnh tổng mức đầu tư của Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Công ty Gang thép Thái Nguyên làm cơ sở cho dự án được tiếp tục triển khai có hiệu quả.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công thương chỉ đạo Tổng Cty Thép Việt Nam, Cty CP Gang thép Thái Nguyên đàm phán dứt điểm với Tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc, chủ động tính toán phương án để đảm bảo có lợi nhất cho Cty CP gang thép Thái Nguyên.
Từ đó, xác định điều chỉnh tổng mức đầu tư của Dự án, làm cơ sở cho Dự án được tiếp tục triển khai có hiệu quả. Nội dung trên được thể hiện rõ trong Thông báo số 375, ngày 17/11 của Văn phòng Chính phủ.
Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Công ty Gang thép Thái Nguyên là nhóm A, có tổng mức đầu tư ban đầu là 3.843 tỷ đồng, được khởi công tháng 9/2007. Dự kiến, khi giai đoạn 2 của dự án đi vào sản xuất, mỗi năm chủ đầu tư sản xuất được 1 triệu tấn phôi thép từ nguồn nguyên liệu trong nước
Do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan, dự án trên bị chậm tiến độ dẫn đến làm tăng tổng mức đầu tư lên 8.104 tỷ đồng, sau đó lại rơi vào trạng thái dừng thi công từ quý 4/2012 do chưa thu xếp được vốn.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, các đơn vị liên quan đã và đang hỗ trợ tối đa để Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên có thể tháo gỡ khó khăn về vốn trong việc triển khai Dự án.
Cụ thể, cuối tháng 01/2015, Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã ký hợp đồng tín dụng cho Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên vay bổ sung 1.359 tỷ đồng. Sau đó không lâu, tháng 3/2015, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước cũng đồng ý với Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên khoản góp vốn 1.000 tỷ đồng. Đến tháng đến tháng 6/2015, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam chính thức ký với Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên hợp đồng vay bổ sung 1.100 tỷ đồng.
Với sự hỗ trợ về vốn của các đơn vị liên quan, cộng với các khoản huy động vốn khác, Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên đã hoàn tất việc thu xếp vốn cho Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2. Đây là cơ sở để lãnh đạo Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên đặt ra mục tiêu phấn đấu cuối tháng 11/2015 hoàn tất đàm phán với các nhà thầu, xin ý kiến các cấp có thẩm quyền để ký kết phụ lục hợp đồng, làm cơ sở pháp lý để tái khởi động và đưa Dự án về đích trong thời gian sớm nhất.