TP HCM còn hơn 400 dự án bất động sản chưa khởi công
Khánh thành công trình giúp tàu 1.000 tấn vào cảng trên sông Hồng
Nhập khẩu thép hợp kim có thể lên tới 7 triệu tấn
'Nở rộ' bán hàng đa cấp, Hà Tĩnh sẽ tổng kiểm tra trên địa bàn
Ngành sữa Việt Nam trước áp lực TPP
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 21-11-2015
- Cập nhật : 21/11/2015
Công ty nông nghiệp Mỹ đầu tư thêm 40 triệu USD vào Việt Nam
Theo thông báo từ Cargill, Công ty Mỹ chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm và dịch vụ nông nghiệp và thực phẩm, từ năm 2015-2016, Công ty sẽ tiếp tục đầu tư thêm 40 triệu USD vào Việt Nam, nâng tổng số vốn đầu tư của Cargill tính đến ngày 1/11/2015 lên 180 triệu USD.
Theo đó, Cargill sẽ đầu tư 30 triệu USD để xây dựng nhà máy thức ăn gia súc mới tại Bình Dương và thỏa thuận hợp tác với cảng quốc tế Sài Gòn (SITV) để xây trạm lưu trữ ngũ cốc và các loại hạt có dầu tại Phú Mỹ với mức đầu tư 10 triệu USD.
Ông Chánh Trương, Trưởng đại diện Cargill tại Việt Nam cho biết, nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi mới tại Bình Dương có sản lượng 260.000 tấn/năm, dự kiến sẽ đưa vào sản xuất từ đầu năm 2017, nâng tổng số nhà máy thức ăn chăn nuôi của Cargill tại Việt Nam lên 12 nhà máy với tổng công suất 1,3 triệu tấn/năm.
Riêng hệ thống kho bãi, tạm lưu trữ ngũ cốc và hạt có dầu tại Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) nằm trong kế hoạch thiết lập chuỗi cung ứng tích hợp, giúp cho việc lưu trữ kho và phân phối các sản phẩm cung ứng cho khách hàng và tăng khả năng cạnh tranh của Cargill sẽ có khả năng lưu trữ 80.000 tấn.
Để mở rộng thị trường cung cấp thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam, Cargill xác định phải phối hợp và liên kết với ngành nông nghiệp của Việt Nam phát triển bền vững ngành chăn nuôi, một trong những ngành có nhiều tiềm năng của nông nghiệp Việt Nam.
Theo đó, Cargill đã và đang hỗ trợ cho 1,5 triệu nông dân về các phương pháp và kỹ thuật chăn nuôi như giúp chọn giống, kỹ thuật chuồng trại, phương pháp chăm sóc. Đặc biệt, để phát triển bền vững ngành nông nghiệp, Cargill đã cùng với các địa phương tổ chức để bà con nông dân, các doanh nghiệp chăn nuôi tái cơ cấu lại vật nuôi, từ đó góp phần tăng mức thu nhập cho người nông dân.
Mặt khác, hiện nay thức ăn chăn nuôi (TACN) tại Việt Nam đang có giá cao hơn từ 15-20% so với khu vực. Nguyên nhân theo đánh giá của ông David MacLennan, Giám đốc điều hành Cargill, ngành trồng trọt trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu cho ngành TACN. Đơn cử, các loại hạt có dầu của Việt Nam mới chỉ cung cấp được khoảng 9% sản lượng nguyên liệu sản xuất TACN của Cargill tại Việt Nam.
Vì vậy, để giảm giá thành TACN tại Việt Nam, cần phải tái cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng mở rộng quy mô trồng trọt theo hướng tăng năng suất, nâng cao chất lượng, cũng đang là một hướng đầu tư mới mà Cargill sẽ hướng đến trong thời gian tới.
Các nhà nhập khẩu ôtô xin lùi áp thuế kiểu mới nửa năm
Đại diện 8 nhà nhập khẩu ôtô chính hãng tại Việt Nam của các thương hiệu gồm Audi, Bentley, Lamborghini, BMW, Mini, Jaguar, Land Rover, Renault, Rolls Royce, Volkswagen vừa có văn bản gửi lên Chính phủ kiến nghị về một số vấn đề liên quan đến thuế tiêu thụ đặc biệt.Trước đó vào cuối tháng 10, Thủ tướng ký ban hành Nghị định 108 quy định chi tiết một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, có hiệu lực từ 1/1/2016. Trong khi đó, Quốc hội lại đang bàn bạc về Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế, đề cập đến vấn đề thuế tiêu thụ đặc biệt và dự kiến có hiệu lực cũng từ ngày 1/1/2016. Theo bản dự thảo, cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt bị thay đổi khác đi so với hướng dẫn của Nghị định 108.
8 doanh nghiệp nhập khẩu ôtô chính hãng kiến nghị lùi thời gian áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt theo chính sách mới.
Trước vấn đề này, đại diện 8 doanh nghiệp bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về việc liên tục điều chỉnh chính sách thuế trong thời gian quá ngắn. "Điều này gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp để có thể theo sát các thay đổi trong chính sách thuế và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh phù hợp, gây nên tiếng xấu cho môi trường kinh doanh nói chung cũng như sự phát triển bền vững của ngành ôtô nói riêng tại Việt Nam bởi việc một Nghị định vừa ban hành thì gần như bị sửa đổi hoàn toàn bởi một văn bản luật khác có nội dung hoàn toàn khác biệt", văn bản này nêu. Nhóm cũng lo lắng chính sách thuế không đồng nhất sẽ ảnh hưởng đến sức mua của cả ngành ôtô.
Do đó, các doanh nghiệp đề xuất trong trường hợp chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt buộc phải theo dự luật mới, thời gian áp dụng Nghị định 108 nên được lùi sang 1/7/2016 để các doanh nghiệp có thời gian nghiên cứu hiểu đúng cách tính thuế mới, áp dụng và lập kế hoạch hoạt động, đầu tư, nhân sự... và tránh xáo động kinh doanh, người lao động, thị trường và người tiêu dùng.
Nhóm này cũng kiến nghị Bộ Tài chính tổ chức cuộc họp lấy ý kiến các nhà nhập khẩu được ủy quyền chính hãng và các nhà lắp ráp, sản xuất trong nước để thống nhất và đảm bảo ổn định kinh doanh, người lao động, thị trường, người tiêu dùng trước khi phê duyệt cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt và ban hành áp dụng. Đồng thời, tổ chức hướng dẫn chi tiết hơn phương thức triển khai, áp dụng dự luật trong thực tiễn nhằm tránh việc hiểu sai hoặc diễn dịch sai và cũng để đảm bảo việc tuân thủ các quy định thống nhất và dễ dàng hơn.
Trước đó, Nghị định 108 quy định giá căn cứ tính thuế đối với ôtô nhập khẩu dưới 24 chỗ ngồi là giá bán ra của doanh nghiệp (bán buôn) nhưng không được thấp hơn 105% giá vốn xe nhập. Tuy nhiên, theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về Thuế đang được Chính phủ trình Quốc hội, giá tính thuế lại được định nghĩa khác, là giá do cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất bán ra, nhưng không được thấp hơn mức tỷ lệ do Chính phủ quy định.
'Vua tôm' Minh Phú sa sút
Tập đoàn Thủy sản Minh Phú vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2015. Theo đó, doanh thu đạt 3.718 tỷ đồng, giảm 18,9% so với cùng kỳ. Giá vốn bán hàng giảm gần 17% xuống còn 3.340 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của công ty chỉ đạt vỏn vẹn 29,5 tỷ đồng, giảm tới 87,4% so với mức 197 tỷ đồng của năm 2014.
Lũy kế 9 tháng, tổng doanh thu của Minh Phú đạt 8.517 tỷ đồng, giảm 21,8% so với cùng kỳ. Các loại chi phí tài chính và chi phí doanh nghiệp tăng mạnh khiến lợi nhuận sau thuế của công ty sụt giảm chỉ còn 12,5 tỷ đồng, giảm tới 98,2% so với mức lợi nhuận 698 tỷ đồng của năm 2014.
Năm 2015, công ty đặt kế hoạch doanh thu 19.333 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.415 tỷ đồng. Tuy nhiên với kết quả kinh doanh sa sút, Minh Phú mới hoàn thành 0,88% kế hoạch lợi nhuận.
Tính đến 30/9, tổng tài sản của Minh Phú đạt 10.264 tỷ đồng, nợ phải trả là 8.055 tỷ đồng, trong đó hơn nửa là nợ ngắn hạn. Hàng tồn kho tăng lên hơn 5.600 tỷ đồng.
Trước đó, Minh Phú cho biết kết quả kinh doanh sa sút của năm nay là do thị trường xuất khẩu chủ lực: EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga… mất giá mạnh. Bên cạnh đó đồng tiền của các nước xuất khẩu tôm phá giá mạnh trong khi đồng Việt Nam chỉ mất giá nhẹ nên đã làm cho giá tôm của công ty cao, giảm tính cạnh tranh trên thị trường. Lũy kế 9 tháng, lỗ tỷ giá của Minh Phú lên tới 204 tỷ đồng.
Ngoài ra, giá tôm trên thị trường thế giới giảm trên 20% khiến công ty phải giảm giá bán để hỗ trợ khách hàng làm cho doanh thu và lợi nhuận giảm mạnh.
Cuối tháng 3/2015, Minh Phú chính thức hủy niêm yết trên sàn HOSE. Nguyên nhân được công bố là doanh nghiệp muốn bắt tay với các đối tác nước ngoài nhằm đưa thương hiệu tôm Minh Phú vươn tầm ra thế giới, trong khi các đơn vị niêm yết đang bị giới hạn bởi quy định nhà đầu tư ngoại chỉ được sở hữu tối đa 49% vốn điều lệ.
Thị phần nội địa Vietnam Airlines giảm 9%
Thống kê đến hết tháng 10-2015 cho thấy VNA chiếm 47,6%, JPA 14,9%, VJA 35,7% (năm 2014 lần lượt là VNA 56,6%, JPA 13%, VJA 28,8%). So với cùng kỳ năm ngoái Vietnam Airlines giảm 9%.
Theo báo cáo phòng vận tải hàng không, Cục hàng không VN thị phần hàng không nội địa, đặc biệt là vận chuyển hành khách đã có thay đổi rõ rệt, Vietnam Airlines giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Hai hãng hàng không Vietjet Air và Jetstar Pacific Airlines lần lượt tăng là 6,9% và 1,9%.
Phòng vận tải hàng không cũng cho biết tính đến hết tháng 10-2015 thị trường hàng không nội địa, thị phần vận chuyển, đặc biệt là đối với vận chuyển hành khách, đã có sự chuyển biến lớn thông qua việc thị phần của các hãng đã có sự thay đổi lớn.
10 tháng đầu năm 2015, các hãng hàng không trong nước đã vận chuyển 25,6 triệu lượt hành khách chuyên chở, tăng 26,9% và 198.000 tấn hàng hóa, tăng 5,1% so với cùng kỳ 2014.
Nếu tính tổng sản lượng thông qua các cảng hàng không của Việt Nam đạt 370.000 lần hạ cất cánh tăng 19,9%, phục vụ 51,8 triệu lượt hành khách tăng 23,4% và 795.000 tấn hàng hóa tăng 9% so cùng kỳ 2014.
Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) vẫn chiếm tỉ trọng lớn nhất khi vận chuyển 14,6 triệu lượt hành khách (tăng 9,3%) và 148.000 tấn hàng hóa (giảm 4,1% so cùng kỳ 2014). Hệ số sử dụng ghế trung bình của hãng đạt 83,8%, tăng 0,2 điểm so cùng kỳ 2014.
Jetstar Pacific Airlines (JPA) vận chuyển xấp xỉ 3,2 triệu khách tăng 54,5% và 12.000 tấn hàng hóa tăng 57,1% so cùng kỳ 2014. Hệ số sử dụng ghế trung bình đạt 85,3% giảm 2,7 điểm so với cùng kỳ 2014.
VietJet Air (VJA) vận chuyển 7,4 triệu khách tăng 66,1% và 38.000 tấn hàng hóa tăng 42,6% so với năm 2014. Hệ số sử dụng ghế trung bình đạt 88,4% giảm 0,5 điểm so với cùng kỳ năm 2014.
VASCO vận chuyển 330.000 khách tăng 43,7% so cùng kỳ 2014. Hệ số sử dụng ghế trung bình đạt 77,2% giảm 3,1 điểm so với cùng kỳ 2014.
Tính đến hết tháng 10-2015, đội máy bay của các hãng hàng không Việt Nam là 127 chiếc với độ tuổi trung bình là 5,6 tuổi. Số máy bay sở hữu là 51 chiếc chiếm tỉ lệ sở hữu đạt 40,2% với độ tuổi trung bình là 5,7 tuổi.
9 tháng, Petrolimex lãi hơn 2.100 tỉ đồng
Tập đoàn xăng dầu VN (Petrolimex) cho biết lợi nhuận hợp nhất sau thuế của tập đoàn quý 3 đạt 556 tỉ đồng. Như vậy, tính đến hết tháng 9, lợi nhuận hợp nhất của tập đoàn này lên tới 2.242 tỉ đồng.
Tuy nhiên, lợi nhuận của riêng công mẹ trong quý 3 lỗ 160,4 tỷ đồng, trong khi quý 3-2014 lãi hơn 133,5 tỉ đồng.
Trong văn bản giải trình Báo cáo tài chính quý 3 vừa gửi đến Ủy ban Chứng khoán nhà nước, Petrolimex nêu bốn lý do chính khiến lợi nhuận quý 3-2015 tăng mạnh:
- Thứ nhất, bước sang năm 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong ước ước đạt trên 6%, các DN sản xuất đã hoạt động tăng trưởng trở lại.
Theo đó, kết quả kinh doanh của một số công ty con, công ty liên kết của Petrolimex trong các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh như hóa dầu, bảo hiểm, nhiên liệu bay, dịch vụ… tăng so với cùng kỳ năm 2014.
- Thứ hai, giá xăng dầu thế giới duy trì ở mức thấp và biến động trong biên độ hẹp, chính sách tài chính tiền tệ trong nước tương đối ổn định, lãi suất cho vay vốn ở mức hợp lý…
Đây chính là những điều kiện thuận lợi để việc điều hành giá bán xăng dầu trong nước được thực hiện đầy đủ theo các quy định tại nghị định 83 năm 2014 về kinh doanh xăng dầu.
- Thứ ba, sản lượng xuất bán xăng dầu quý 3 của Petrolimex tăng 4,2% so với cùng kỳ, trong điều kiện kinh doanh có hiệu quả đã làm cho quy mô lợi nhuận tăng so với cùng kỳ năm 2014.
- Thứ 4, riêng kết quả kinh doanh quý 3 của công ty mẹ bị lỗ là do ảnh hưởng chênh lệch tỷ giá từ các khoản nợ phải trả có gốc ngoại tệ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Ngọc Năm - phó tổng giám đốc Petrolimex - giải thích: “Tính chung lợi nhuận của toàn tập đoàn đạt mức khá. Tuy nhiên, lợi nhuận kinh doanh của công ty mẹ lại bị âm tới hơn 160,4 tỉ đồng trong quý 3 do chính sách nâng tỷ giá của Ngân hàng nhà nước".
"Thực tế, là doanh nghiệp đầu mối về nhập khẩu xăng dầu, với số dư ngoại tệ của các khoản vay để nhập khẩu xăng dầu thường xuyên ở mức 300 triệu USD, nên biến động về tỷ giá đã ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận kinh doanh trong kỳ của công ty mẹ”, ông Năm nói thêm.